Sunday 9 February 2014

Thế yếu hay hèn nhục?

Ðại lễ kỷ niệm Chiến Thắng Ðống Ða lần thứ 221 tại Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Trần Nguyên Thắng
Tôi may mắn là được nhiều cơ hội đi khắp nơi trên thế giới, mỗi một đất nước đều cho tôi cảm nhận các nét văn hóa, các thắng cảnh thiên nhiên và các di tích lịch sử khác nhau. Tôi có dịp học hỏi các điều hay các điều dở của mỗi nơi và cũng thấy được các nét kiêu dũng hay hèn nhát của các đất nước tôi đã đi qua.
Riêng quê tôi mỗi lần Tết đến, từ thuở nhỏ trong tâm tư tôi vẫn nhớ đến ngày 5 Tháng Giêng trong lịch sử Ðại Việt. Ngày mà một người Việt Nam đã tạo ra một chiến công hiển hách trong lịch sử nước Ðại Việt. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tức Quang Trung Hoàng Ðế tiến quân ra Bắc Hà vào cuối thế kỷ 18 và chỉ trong năm ngày, nhà vua đại phá quân Mãn Thanh mượn danh nghĩa Phù Lê để xâm lăng nước Việt. Trận Hà Hồi, trận Ngọc Hồi và gò Ðống Ða còn ghi lại dấu tích lẫm liệt ngày xưa. Lịch sử xưa oai hùng như thế, còn ngày nay dân tộc Ðại Việt có còn biết đến vinh nhục của người xưa. Nhưng cũng phải nói thêm, không có vua Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà” thì chắc cũng chẳng có người anh hùng Nguyễn Huệ.
Chuyện ngày xưa thì như thế, chuyện ngày nay vinh nhục nằm ở các chữ Hoàng Sa Trường Sa. Vào các ngày 17-18-19 tháng 1 năm 1974 Hải Quân Trung Cộng đã xâm phạm chủ quyền hải đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào thời điểm Nam Bắc Việt Nam vẫn nằm trong thế chia đôi. Trung Cộng dư biết là chiếm hạm và vũ khí của họ tối tân hơn, trên chân hẳn các tàu chiến của Hải Quân VNCH. Mục đích chính của Trung Cộng là khiêu khích cho bằng được để Hải Quân VNCH tấn công trước để có cớ dùng vũ lực đánh chiếm các hải đảo của Việt Nam.
Cuộc hải chiến đã nổ ra vào sáng ngày 19 tháng 1, 1974 khi Hải Quân VNCH đã bị dồn vào thế “phải đánh.” Dĩ nhiên với một trận chiến không cân xứng, Trung Cộng đã chiếm trọn các hải đảo do VNCH trấn giữ suốt trong cuộc nội chiến Bắc Nam.
Bốn mươi năm trôi qua, Trung Cộng đã cho xây dựng nhiều công thự tại Hoàng Sa nhằm để củng cố sự xâm lược chiếm đóng. Sự chiếm đóng này có lâu dài được hay không, thời gian sẽ trả lời. Nếu giới trẻ Việt Nam vẫn còn bị “một đảng cộng sản Lê Chiêu Thống” dẫn dắt giáo dục và trấn áp như hiện nay thì cũng không còn bao lâu nữa 90 triệu dân Việt Nam sẽ nói tiếng Quan thoại, tiếng Việt cũng chỉ là “ngôn ngữ thứ hai” như tiếng Quảng Ðông mà giống dân “Lưỡng Quảng mất nước” đang nói ngày nay.
Ngày xưa, đời nhà Trần, nước Ðại Việt bị quân Nguyên xâm lược (tất cả 3 lần). Trong trận chiến Thiên Trường, tướng nhà Trần là Trần Bình Trọng vì sức yếu thế cô, quân binh không cân xứng với giặc nên ông đã bị quân Nguyên bắt làm tù binh. Giặc Nguyên đã dùng tiền bạc quan chức để dụ dỗ ông. Không biết “các ông lãnh đạo trong Bộ Chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện tại” có còn nhớ được tiếng thét của tướng Trần Bình Trọng trước khi ông bị đem ra chém hay không? Hay các ngài chỉ biết nhớ đến những lý thuyết không tưởng và lỗi thời Mác-Lê-Mao. Hãy nghe lại lời thét của tiền nhân “Ta thà làm quỉ nước Nam, không thèm làm Vương đất Bắc!”
Không biết “nhà Vua” Trung Cộng ngày nay đã cho “các ngài ủy viên trong bộ chính trị cộng sản Việt Nam” hưởng bao nhiêu gái đẹp, bao nhiêu tiền bạc vinh thân phì gia để mua đứt đi được cái tủi nhục vong quốc trong con người “các ngài.” Lịch sử đã chứng minh cho biết lúc nào đất nước Ðại Việt cũng có một thứ bán nước mưu danh kiếm lợi “ngôi vua” như Trần Ích Tắc đời nhà Trần và Lê Chiêu Thống nhà Hậu Lê. Nhưng kết cuộc họ cũng chỉ ôm hận và chết nhục nơi quê người chỉ vì quá tin vào giống người phương Bắc. Nhà vua Lê Chiêu Thống sang ăn chực nằm chờ, mong quân binh Mãn Thanh hộ tống về Ðại Việt để lấy lại ngôi vua! Nhưng ngôi vua đâu chưa thấy, chỉ thấy phải “dọc tóc” sống làm sao cho giống nòi giống Mãn Thanh. Cuối cùng phải chết nhục bên xứ Mãn vì quỉ kế của quan lại Mãn Thanh. Có thể nhà vua Lê Chiêu Thống trong tâm tư cũng yêu tổ tiên nhà Lê nhưng chỉ vì quá cả tin vào ngoại bang nên mất hết, vừa mang tội với tổ tiên triều Lê vừa mang tội “cõng rắn cắn gà nhà.” Gần nhất là cái gương nô lệ vong quốc của ông ủy viên Chính trị Cộng sản Việt Nam Hoàng Văn Hoan (bỏ chạy sang Trung Cộng) còn sờ sờ trước mắt.
Ðảng cộng sản Việt Nam (ÐCSVN) chỉ vì muốn chiếm trọn miền Nam Việt Nam mà cam tâm đi làm nô lệ cho Tàu cộng phương bắc. Ðọc lịch sử kỹ hơn người ta có thể nhận thấy cung cách phục tùng thiên triều của ÐCSVN vào cuối thế kỷ 20 không khác gì cung cách phục tùng của Lê Chiêu Thống của nhà Hậu Lê vào thế kỷ 18. ÐCSVN nô lệ từ ý thức hệ Mác-Lê-Mao cho đến cung cách thống trị người dân Việt. Tàu Cộng xem sinh mạng người dân như cỏ rác, “hoàng đế” Mao Trạch Ðông sẵn sàng hy sinh hàng chục triệu sinh mạng người dân chỉ cho một ý tưởng “công xã” điên rồ của mình. ÐCSVN cũng bắt chước theo “thiên triều” bần cùng hóa nhân dân và cho đấu tố trên khắp đất bắc vào thập niên 50 của thế kỷ 20.
ÐCSVN đã chính là Ðảng đã đem cái họa Tàu Cộng vào đất nước Việt Nam, là cái “nhân” tạo ra cái “quả đắng” ngày nay. Trung Cộng chiếm Hoàng Sa-Trường Sa mà chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) phải im miệng lại. Gia sản của đám đàn anh để lại cho đám đàn em Bộ Chính trị ngày nay quá nhiều quả đắng cho dân tộc Việt Nam.
Ai cũng thấy rõ CHXHCNVN đang ở trong thế yếu so với bọn Trung Cộng xâm lược phương bắc vì “quả đắng” được để lại từ hơn 40 năm trước. Các ngài Ủy viên Bộ Chính trị của Ðảng Cộng Sản Việt Nam càng lúc càng tỏ ra hèn nhát trước sự hăm dọa và áp lực của giặc phương bắc. Danh xưng của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Ðảng Cộng Sản Việt Nam – Lê Chiêu Thống vì cung cách phục vụ “thiên triều” ngày nay không khác gì “nhà vua” Lê Chiêu Thống ngày xưa.
Nhưng chỉ có ÐCSVN-Lê Chiêu Thống hèn thôi chứ dân tộc và đất nước Việt Nam không hèn. Vẫn còn có những người Việt nam lương tri, biết tự hào với dòng giống Lạc Việt của họ. Họ cũng ở trong thế yếu, nhưng họ không hèn khi đứng lên thách thức lòng yêu nước Việt Nam với cái ÐCSVN-Lê Chiêu Thống. Ðảng Lê Chiêu Thống này đã dùng bạo lực bắt bớ giam cầm và hăm dọa những người Việt Nam dám đứng lên chống lại sự xâm lược lãnh thổ Việt Nam của giặc phương bắc. Từ sự hèn nhát này, ÐCSVN-Lê Chiêu Thống đã và đang trở thành một thứ đảng phái hèn hạ và đê tiện nhất trong lịch sử Ðại Việt.
Hãy nhớ lại đời nhà Trần, quân binh yếu thế phải lui binh tìm kế chống giữ sơn hà. Ðó là thế yếu nhưng không hèn. Trước thế mạnh như chẻ tre của quân Nguyên xâm lăng, câu nói của Trần Thủ Ðộ với vua Trần Thái Tông vẫn còn lưu danh thiên cổ trong sử Việt “Ðầu tôi chưa rơi thì xin bệ hạ đừng lo.” Một hội nghị Diên Hồng chứng tỏ sự can trường của dân tộc Việt Nam không hèn trước thế mạnh của giặc. Năm 1974, Hải Quân VNCH biết thế yếu nhưng vẫn không hèn, vẫn phải đánh cho dù “đánh để chết,” đánh để cho hậu thế Việt Nam biết rằng đã có những người lính Việt Nam chết cho sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đánh để lưu danh thiên cổ trong lịch sử Việt Nam.
Còn nữa, những người chiến binh ở biển đảo Trường Sa. Họ đã chết cho ai!
Bây giờ người ta đánh lận con đen giữa hai ý nghĩa “nhẫn nhục” và “đê hèn.” Họ có thể “nhẫn nhục” theo cái suy nghĩ của họ, họ phải im lặng trước cái thế mạnh hơn họ của bọn giặc phương bắc, nhưng họ không cần phải trấn áp lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Phải nói rõ ở đây, người dân Việt Nam có quyền yêu dân tộc Việt Nam, yêu đất nước Việt Nam và có quyền không yêu cái gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. CHXHCHVN rồi đây sẽ mai một, nhưng đất nước Việt Nam sẽ trường tồn như đã trường tồn theo chiều dài lịch sử. Không một ai có thể yêu được cái sự hèn nhát và đê tiện. Nhưng người ta luôn tôn trọng và kính nể sự bất khuất của một con người, của một dân tộc hay cho cả một chế độ sẵn sàng sống chết cho đất nước của chính họ.
Hãy nhìn lại 39 năm đã trôi qua trên đất nước Việt Nam và hãy nhìn lại 39 năm trôi qua trên đất nước Hàn Quốc. Có bao giờ ÐCSVN-Lê Chiêu Thống cảm thấy tủi nhục trước đất nước Hàn Quốc một đất nước có chung một nền văn hóa, có nếp suy tư không khác gì nước Việt. Có khác chăng là giới lãnh đạo chính trị của họ đã hoàn thành được một nếp sống dân chủ trực tiếp với người dân. Người dân Hàn Quốc đã phải trả cái giá dân chủ đó bằng sinh mạng của những sinh viên và những người dân bất khuất của họ. Tất cả người dân của họ dành hết ý chí và sức lực để đuổi bắt cho bằng được sự tiến bộ của các đất nước chung quanh. Họ cảm thấy tủi nhục trước sự tiến bộ của nước Nhật mà họ ghét cay ghét đắng. Họ cần chứng tỏ nền kinh tế thị trường vượt trội và nếp sống sung túc của người dân miền Nam so với thế giới cộng sản bất nhân Triều Tiên phương bắc. Bốn mươi năm trôi qua và họ đã làm được điều đó mà không cần đến đảng Cộng sản, không cần đến lý thuyết Mác-Lê-Mao. Hãy nhìn vào đời sống của người dân hai miền Nam Hàn (Hàn Quốc) và Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên) thì người ta có thể thấy ngay cái tồi tệ của lý thuyết Mác-Lê-Mao. Ngày nay người dân Hàn Quốc đã có quyền ngẩng cao mặt với thế giới vào thế kỷ 21 này.
Hãy thử nhìn sang một đất nước láng giềng Myanmar (Miến Ðiện). Suốt 50 năm dưới chế độ độc tài quân phiệt, thế giới tưởng chừng như đất nước này không bao giờ thay đổi ngóc đầu lên được. Nhưng chỉ với một Thensen vững chãi, dám bỏ bớt đi quyền hành của mình, dám thả và mời kẻ thù đối lập của mình vào dinh Tổng thống bàn chuyện đất nước, dám ngang nhiên từ chối Tàu Cộng những dự án mà ông và kẻ đối lập (bà Augn San Kyuchi) đã cùng nhau bàn bạc. Tổng Thống Thensen của Miến Ðiện mới chính là một nhân vật vĩ đại nhất cho đầu thế kỷ 21. Một sự kiện hiếm hoi trong lịch sử chính trị nhân loại ngày nay. Có bao giờ giới lãnh đạo của CHXHCNVN hé mở mắt nhìn thấy sự kiện hiếm hoi đó ngay nước láng giềng Ðông Nam Á.
Nhìn lên Ðông Á, thủ tướng Nhật Bản chỉ cần cúi đầu trước ngôi đền thờ tử sĩ Yasukuni (Tĩnh Quốc) là Tàu Cộng biết ngay Nhật Bản không hèn, dù Tàu Cộng có phô trương tuyên truyền vũ khí quân sự mạnh mẽ đến đâu chăng nữa thì cũng chỉ là sự huênh hoang thôi. Làm sao một dân tộc vô trật tự, không văn minh, buôn bán dối trá có thể thắng một dân tộc kỷ luật, văn minh, lễ nghĩa. Một cái cúi đầu của Thủ tướng Nhật còn mạnh hơn một chục cái hàng không mẫu hạm Liêu Ninh mà Tàu Cộng khoe khoang.
Một đất nước xa hơn, nằm bên Ðịa Trung Hải là Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong trận chiến gìn giữ eo biển Dardanelles với đế quốc Anh vào năm 1915, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dù rất yếu thế nhưng đã dàn trận đánh với liên quân đế quốc Anh, Ấn Ðộ, Úc, Tân Tây Lan, Pháp. Quân binh Turkey thua kém vũ khí và tất cả mọi thứ so với liên quân đế quốc Anh. Chỉ trừ một thứ họ không thua, đó là tinh thần về đất nước của họ. Người chỉ huy họ là Ðại tá Mustafa Kemal Ataturk (người đã lập ra Cộng Hòa Turkey sau đó) đã nói một câu bất hủ với quân sĩ của ông “chúng ta đến đây chọn cái chết để bảo vệ quê hương.” Kết quả quân đội Thổ đã cầm chân được liên quân đế quốc. Trận đánh này còn lưu lại nhiều vết thương cho tất cả mọi phía. Winston Churchill đã mất uy tín nhiều về trận đánh này. Liên quân đế quốc Anh mất hơn 70,000 binh sĩ và quân Thổ Nhĩ Kỳ mất hơn 60,000. (Số thương vong này chỉ là phỏng chừng). Nhưng điều quan trọng là sau trận đánh này hai thuộc quốc Úc và Tân Tây Lan đã tách rời khỏi Anh Quốc và tự trị cho đến bây giờ. Ngày nay du khách ai đi qua eo biển Dardanelles cũng đều có dịp ngừng chân nơi đây ngậm ngùi cho những cuộc chiến tham vọng của đế quốc Anh.
Tàu Cộng bây giờ cũng giống như đế quốc Anh của đầu thế kỷ 20. Quân đội Việt Nam bây giờ ở đâu? Có ông Mustafa Kemal Ataturk đầu thai làm người Việt Nam không nhỉ!
Chính trị cần có cả mưu lẫn dũng. Có mưu không có dũng thì hèn nhục lúc nào không biết. Con người có thế yếu nhưng không vì thế yếu mà ươn hèn. Con người ươn hèn thì luôn luôn tìm đủ mọi lý do để biện hộ cho cái hèn nhát của mình. Bộ chính trị cộng sản Việt Nam có hèn nhục thì hãy để đảng các ông hèn nhục, nhưng đừng bắt dân tộc Việt nam hèn nhục theo cái hèn nhục của đảng cộng sản. Có dũng không mưu thì giống như con bò mộng, chỉ biết chạy lao húc và chết.
Có trang bị thêm cả trăm cái tàu ngầm mà tinh thần yêu nước yêu dân tộc không có thì cũng chỉ là những mảnh sắt vụn nằm dưới đại dương. Muốn có chủ quyền thì phải tự chủ trước đã; mà muốn có tự chủ thì phải tự tin và dũng cảm. Hèn nhục thì không có lòng tự tin dũng cảm thì còn nói gì đến chủ quyền.