Monday, 3 February 2014

Pleiku - 6 tháng cuối cùng - Nguyễn Thế Khiết


Bài này nói về Pleiku trong mấy tháng cuối cùng trước khi có cuộc di tản dọc theo Liên Tỉnh lộ 7B, bắt đầu từ tỉnh này. Bài này có tính cách tóm lược và vì thế chúng tôi loại bỏ một số sự kiện cho ngắn gọn. Chúng ta có thể đọc để biết qua về tình hình tại tỉnh biên cương này trước khi miền Trung dần dần rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt.


Tháng Chín 1974, Bộ Chỉ huy Tiểu Khu Pleiku dọn sang doanh trại mới xây xong là Trại Biên Trấn có cổng chính nằm trên Đường Hoàng Diệu và cổng sau nằm trên Đường Trần Hưng Đạo, đối diện với cổng chính của trại cũ. Tôi chỉ còn nhớ rằng sau đó tại trại cũ, câu lạc bộ sĩ quan được dùng làm Ty Nhân Dân Tự Vệ mà Trưởng Ty là Đại Uý Bảo Nghê. Trung tâm Điều hành Hỗn hợp vẫn nằm trong trại cũ nhưng Chỉ Huy Trưởng là Thiếu tá Trần Thanh Tâm mới lên trung tá.

Lúc bấy giờ, Tiểu khu Pleiku chỉ còn có ba quận, tức chi khu, là Lệ Thanh, Lệ Trung và Phú Nhơn nhưng có đến 77 xã, tức là 77 phân chi khu cần tới 144 sĩ quan làm phân chi khu trưởng và phân chi khu phó. Hệ thống phân chi khu tại đây vừa mới hoàn chỉnh và cũng vì vậy mà tôi phải ra công tác ngoài này trong một thời gian bất định. Vì hầu hết các sĩ quan tại Pleiku, theo tôi biết, cho rằng việc thành lập các phân chi khu là một mưu đồ chính trị hơn là một chiến lược quân sự nên không có cảm tình với tôi vì tôi có nhiệm vụ tìm hiểu về hiệu năng của hệ thống này.


Về lực lượng chiến đấu, Tiểu khu Pleiku lúc đó có mấy trung đội Pháo Binh Lãnh Thổ, chín tiểu đoàn Địa Phương Quân 205, 213, 222, 223, 239, 240, 241, 278 và 279 và hai đại đội biệt lập. Trong chín vị tiểu đoàn trưởng lúc đó, chỉ có tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 278 là Thiếu tá (Lý Thái Phước), tất cả tám vị kia đều mang cấp bậc đại uý. Tôi nghe nhiều người nói rằng Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2 là Tướng Nguyễn Văn Toàn, lúc đó mới lên trung tướng, thuộc binh chủng Thiết Giáp nên hầu hết các chức vụ trọng yếu tại Quân khu 2 và nhất là tại Pleiku đều do các sĩ quan Thiết Giáp nắm giữ. Tôi thấy điều này chỉ đúng một phần nào. Quận Trưởng Kiêm Chi Khu Trưởng Lệ Trung là Thiếu Tá Nguyễn Đình Minh không thuộc binh chủng Thiết Giáp. Quận Trưởng Kiêm Chu Khu Trưởng Phú Nhơn là Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Cẩn cũng vậy và Quận Trưởng Kiêm Chi Khu Trưởng Thanh An là Thiếu tá Nguyễn Tải, một sĩ quan Địa Phương Quân phục vụ tại Pleiku từ khi còn là một thiếu uý. Tuy nhiên, tháng Mười 1974 thì Thiếu tá Tải có nhiệm vụ đặc trách thanh tra phân chi khu và người thay thế ông tại Thanh An là Thiếu tá Lê Phú Mỹ, một sĩ quan Thiết Giáp và Chi Khu Phó Phú Nhơn là Thiếu tá Nguyễn Thiện Thành, một sĩ quan Thiết Giáp khác. Riêng chi Đội Trưởng 214 Cơ Giới thì đương nhiên phải là một sĩ quan Thiết Giáp và người giữ chức vụ này là Thiếu uý Nguyễn Đức Long, cháu ruột của Đại tá Nguyễn Đức Dung, Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Pleiku. Trước đó, Đại tá Dung là Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh, về giữ chức vụ này thay thế Đại tá Trương Sơn Ba tức Ya Ba đắc cử vào Thượng Nghị Viện.

Nhìn chung, tình hình tại Pleiku lúc bấy giờ khá yên tĩnh. Có mấy lần tôi theo Thiếu tá Tải đi xe Jeep vào tận các nơi xa xôi hẻo lánh để thăm các phân chi khu mà chẳng phải lo ngại gì. Chỉ có những phân chi khu nằm bên ngoài Bộ Chỉ Huy Chi khu Thanh An về phía Đức Cơ là bị cộng quân mấy lần quấy nhiễu về ban đêm. Cũng nhờ đi theo Thiếu tá Tải vào tận các làng xã mà tôi hiểu thêm về đời sống của dân quê nghèo khổ tại Pleiku, nhất là người Thượng. Và cũng nhờ đi theo Thiếu tá Tải mà tôi biết trước việc Tướng Toàn bị thay thế.

Khoảng cuối tháng Mười, tôi và Thiếu tá Tải ghé vào dùng cơm trưa với một linh mục quản nhiệm một xứ đạo gần Thanh An nhân một chuyến công tác tại đây. Vị linh mục này có tên là Thành, hỏi tôi ở Sàigòn ra hồi nào và cho biết rằng Ngài có quen biết với vị linh mục quản nhiệm giáo xứ của tôi. 

Sau khi ăn trưa, trong lúc Thiếu tá Tải ngồi lại phòng ăn uống trà với linh mục Thành thì tôi ra phía sau nhà hút thuốc và ngắm cảnh núi đồi. Tôi nghe linh mục Thành nói với Thiếu tá Tải rằng “Tướng Toàn kỳ này phải đi đấy!” Thiếu tá Tải vốn ăn nói nhỏ nhẹ, nói những gì sau đó tôi không nghe rõ.

Vài ngày sau, tôi theo Thiếu tá Tải xuống thanh tra các phân chi khu thuộc Phú Nhơn. Tối hôm đó, chúng tôi dùng cơm trong Bộ Chỉ Huy Chi Khu Phú Nhơn với Thiếu tá Cẩn, thân sinh của ông và không có mặt Thiếu tá Thành. Suốt bữa cơm, hai ông thiếu tá này bàn đủ chuyện nhưng không thấy Thiếu tá Tải nói về Tướng Toàn. Sau bữa ăn tối, tôi nói muốn ra bên ngoài chơi và ngủ tối ngoài đó. Thiếu tá Cẩn cười cười nói rằng ra ngoài đó chơi rồi về trong này mà ngủ, đừng có sợ pháo kích vì vùng này rất an ninh. Thiếu tá Tải thì cho phép tôi lái chiếc xe Jeep mang số 113-275 ra ngoài đó nhưng phải trở vào trước tám giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, cô con gái của gia đình quen đã chạy chiếc Honda Dame vào đón tôi ra nhà cô. Chính cái đêm ngủ lại tại nhà người quen này đã khiến tôi rất có cảm tình với dân quê miền Trung, mãi cho đến bây giờ. Tôi rất phục việc nhiều gia đình dù nghèo khổ cách mấy cũng cố gắng cho con ăn học nên người. Cô gái mà tôi nói ở trên lúc đó đang tập sự y tá tại Dân Y Viện Pleiku mà tôi quen biết là vì chiều nào cũng đi bộ từ Bộ Chỉ Huy về nhà tại Cư xá Trần Quí Cáp ngang qua đó nên chào hỏi nhau nhiều lần rồi thành quen.

Trở lại việc Thiếu tá Cẩn nói rằng vùng của ông rất an ninh không sợ pháo kích ban đêm thì thực ra lúc đó tại bất cứ vùng nào trong tỉnh Pleiku cũng vậy mà theo tôi biết là do Tướng Toàn.

Cứ mỗi lần một nơi nào đó trong tỉnh lỵ Pleiku hoặc các vùng phụ cận mà bị pháo kích ban đêm là ngay sáng hôm sau có một uỷ ban điều tra được thành lập. Thông thường, uỷ ban này gồm có các sĩ quan thuộc Văn Phòng Tổng Thanh Tra, Ty An Ninh Quân Đội, Phòng Nhì và Phòng Ba Tiểu Khu Pleiku cùng với một sĩ quan Pháo Binh. Cũng thông thường, khoảng ba hay bốn giờ chiều cùng ngày thì uỷ ban điều tra trở về sau khi đã tìm ra vị trí cộng quân đặt hoả tiễn hay đại pháo và lẽ đương nhiên là biết rõ nơi đó thuộc phạm vi trách nhiệm của đơn vị nào. Thời gian còn lại của chiều hôm đó, vị chủ tịch của uỷ ban điều tra sẽ hoàn thành Phúc Trình Điều Tra để cho đả tự viên đánh máy trình thượng cấp vào sáng sớm hôm sau. Chỉ một hoặc hai ngày sau, viên đơn vị trưởng có chịu trách nhiệm an ninh khu vực mà cộng quân đặt hoả tiễn sẽ mất chức. Tôi biết có ít nhất hai tiểu đoàn trưởng Địa Phương Quân bị mất chức trong trường hợp như vậy. Vì thế nên nhiều người “khoái” Tướng Toàn ở điểm đó. Tôi nhận thấy Tướng Toàn không làm như vậy cũng không được bởi vì Pleiku là nơi đặt bản doanh của rất nhiều đại đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Nếu không kể Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2 thì tại Pleiku còn có, tính từ đông sang tây và theo tôi biết, Liên Đoàn 322 Yểm Trợ Trực Tiếp, Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Quân Khu 2, Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị, Liên Đoàn 72 Quân Y, Sư Đoàn 6 Không Quân, Liên Đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu, Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại Căn Cứ Hàm Rồng. Ngoài ra, tại Pleiku còn có một kho xăng thùng và một kho xăng bồn mà đặc công Việt Cộng bò vào rất thường xuyên để rồi chết banh xác.

Từ tháng Mười Một 1974, bầu không khí tại các đơn vị tại Pleiku nhộn nhịp hẳn lên vì các ông thay phiên nhau... khao lon. Ngoài hai đại tá được lên chuẩn tướng là Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân và Trần Văn Cẩm, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II thì còn vô số các sĩ quan cấp uý lên cấp tá. Tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Pleiku, sĩ quan lên cấp tá duy nhất là Đại Uý Phạm Viết Giáp, Trưởng Phòng Nhì. Ông này vừa ít giao thiệp vừa nghèo nên không có tiền khao lon ai cả. Các tiểu đoàn trưởng Địa Phương Quân lên thiếu tá gồm có Đại Uý Trần Kỳ, Tiểu Đoàn Trưởng 205 (ông này mới về thay Đại Uý Nguyễn Tấn Á), Đại Uý Nguyễn Quang Miên, Tiểu Đoàn Trưởng 222 và Đại Uý Nguyễn Hải Thành, Tiểu Đoàn Trưởng 279. Trong ba ông này, Thiếu tá Thành là người đối xử với tôi tốt nhất, như anh em một nhà. Tôi không quen biết Thiếu tá Miên còn riêng về Thiếu tá Kỳ thì tôi nghe nhiều người khen.

Cũng trong thời gian này, có một số người bắt đầu kín đáo bàn tán về tin Tướng Toàn sắp bị thay thế. Tuy nhiên, tôi không nghe thấy bất cứ ai nói rằng ai sẽ là người thay thế Tướng Toàn. Tôi cứ tưởng rằng một khi chuẩn bị ra đi thì người ta không màng đến công việc thường nhật như trước nữa nhưng đối với Tướng Toàn thì lại khác. 

Một ngày kia, chúng tôi được lệnh mở lại hồ sơ điều tra về vụ Plei Dolim. Trước đó, Việt Cộng về lùa dân chúng, hầu hết là người Thượng, vô rừng “học tập” và một đơn vị được lệnh đi giải cứu. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ tiến vào rừng một đoạn rồi được lệnh trở về sau khi báo cáo rằng không tìm thấy dấu vết của dân chúng cũng như Việt Cộng. Trên đường về, cái đơn vị này có bắt đi một số gia súc của người Thượng và họ làm dữ sau đó. Theo vài người nói, nếu ngoài đó không làm đến nơi đến chốn thì sẽ có một phái đoàn từ Giám Sát Viện ra điều tra chứ không phải chuyện nhỏ. Có lẽ phúc trình điều tra trước đó không làm cho thượng cấp hài lòng nên người ta bắt mở hồ sơ thêm một lần nữa. Lần này, trên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tăng cường cho chúng tôi một sĩ quan là Thiếu tá Hương (không nhớ họ). Thế là chúng tôi lại gửi công điện đi để gọi hết người này đến người khác về trình diện để thẩm vấn. Có lần, chúng tôi phải gọi cùng một lúc tới mấy sĩ quan về để họ đối chất với nhau nên đơn vị đó không còn đủ sĩ quan thay thế tạm thời. Mấy “ông” bên Phòng Tổng Quản Trị gặp chúng tôi cứ trách lên trách xuống.

Một buổi sáng nọ, tôi vừa xuống ca trực mà không có gì cần làm ngay nên nhân gặp Thiếu uý Nguyễn Đăng Mừng bên Ty Nhân Dân Tự Vệ ghé ngang, tôi cùng ông này kéo nhau ra một tiệm cà-phê trên Đường Hoàng Diệu nghe nhạc, định đến khoảng 10 giờ sẽ trở về. Chúng tôi chưa nghe xong một mặt của cuốn băng Anna 5 thì anh chàng tài xế chạy ra tìm.

Về văn phòng, tôi được lệnh phải cầm chồng hồ sơ Plei Dolim lên Văn Phòng Tư Lệnh Quân Đoàn ngay lập tức vì Trung Tướng Toàn muốn xem một số chi tiết trong đó, thay vì đợi đến khi có phúc trình điều tra như thường lệ. Khi chiếc xe bắt đầu chạy vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, nghe anh tài xế nói, tôi mới biết rằng theo lệnh của Tướng Toàn, chỉ có xe du lịch và xe Jeep mới được phép ra vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II bằng cổng chính.

Vừa lên lầu, tôi đã gặp ngay một viên đại uý đứng chờ. Ông này vừa lật hồ sơ ra xem vừa hỏi tôi về một số chi tiết. Sau đó, ông đem chồng hồ sơ vào trình Trung Tướng Toàn và một lúc sau trở ra, nói với tôi rằng nếu trong khoảng nửa tiếng nữa mà không thấy Tướng Toàn gọi vào hỏi thêm chi tiết thì tôi có thể ra về. Nửa tiếng sau, tôi chào viên đại uý ra về sau khi ông này hứa sẽ cho người mang hồ sơ xuống trả lại.

Sau này, có dịp gặp Trung uý Lãnh của Văn Phòng Tổng Thanh Tra Quân Đoàn II, tôi mới biết trên đó cũng mở một cuộc điều tra riêng của họ về vụ Plei Dolim.

Sau đó, không biết vì lý do gì, một sĩ quan cấp tá khác là Trung tá Đoàn Tuệ từ Phòng Ba Quân Đoàn II xuống làm việc chung với chúng tôi. Trung tá Tuệ và Thiếu tá Nguyễn Tải thay phiên nhau đi thanh tra các phân chi khu trong khi tôi lại phải sang phần hành thanh tra các tiểu đoàn Địa Phương Quân. 

Thông thường, trong các cuộc thanh tra thường niên, phái đoàn chúng tôi dựa vào các câu hỏi đã ghi sẵn trong mẫu QĐ mà thanh tra từng lãnh vực trong đó gồm có:

- Quân Số và Quản Trị Nhân Viên;
- Tổ Chức và Huấn Luyện;
- Trang Bị Cơ Hữu;
- Hành Chánh Tài Chánh, Ẩm Thực Vụ, Quân Tiếp Vụ và Thực Phẩm Phụ Trội;
- Chiến Tranh Chính Trị, Kỷ Luật và Tinh Thần;
- Doanh Trại, Trại Gia Binh và An Ninh Đồn Trú 
- Hoạt Động của Đơn Vị.

Về sau, mục Thực Phẩm Phụ Trội được bãi bỏ và thay vào đó, chúng tôi có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo hàng tháng về tù hàng binh địch.

Việc thanh tra các tiểu đoàn Địa Phương Quân đã đem lại cho cá nhân tôi nhiều thù oán sau này. Số là dựa theo những gì mình xem xét, các lãnh vực trên đây sẽ được đánh giá Thượng Hạng, Ưu, Bình, Thứ, và Liệt. Đơn vị nào mà bị xếp vào loại Liệt thì đơn vị trưởng coi như mất chức. Đơn vị nào bị xếp hạng Thứ thì ít nhất cũng có vài sĩ quan lãnh từ tám ngày trọng cấm trở lên. Có một lần, chúng tôi ghi vào phúc trình rằng “Đơn vị chưa có Huấn Thị Điều Hành Căn Bản”. Đọc xong, Đại tá Dung nổi giận cầm bút phê ngay bên cạnh “Phạt đơn vị trưởng tám ngày trọng cấm”. Cũng có những trường hợp chúng tôi bị oán trách từ các đơn vị khác, không phải đơn vị bị thanh tra mà chúng tôi chỉ xin kể ra một ví dụ.

Có nhiều đơn vị trưởng bổ nhiệm một số sĩ quan vào các chức vụ mà họ chưa từng theo học khoá căn bản, chẳng hạn như sĩ quan trưởng Ban Tư nhưng chưa học khoá tiếp căn bản về liệu bao giờ. Theo chỉ thị, chúng tôi phải phúc trình sự việc này và kết quả là Phòng Tổng Quản Trị phải gửi ông này đi học đồng thời phải kiếm người thay thế tạm thời. Nhiều khi gặp mấy ông bên Phòng Tổng Quản Trị, tôi bị họ trách hoài vì kiếm ra người có đủ khả năng chuyên môn để thay thế không phải là chuyện chơi. Nhưng tôi nghe nói đã có những vụ mua chuộc hối lộ nhau trong những trường hợp như vậy. Và cũng chỉ vì làm việc quá thẳng thắn, không biết “du di” mà có lần chúng tôi suýt mang hoạ vào thân.

Vào thượng tuần tháng Chạp 1974, việc Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn sắp sửa giã từ Quân Đoàn II và Quân Khu 2 là điều mà gần như ai cũng biết. Sau đó, lại có tin thay thế Tướng Toàn sẽ là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, lúc đó đang là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Quang Trung. 



Thiếu Tướng Phạm Văn Phú

Có rất nhiều người chú ý đến việc Tướng Phú chưa từng làm đơn vị trưởng một đại đơn vị nào tại Cao Nguyên bao giờ thì nay làm tư lệnh cả một quân đoàn liệu có gặp trở ngại gì hay không. Kế đến, lại cũng có nhiều người đoán tới đoán lui ai sẽ là tham mưu trưởng mới của quân đoàn. 

Ngày 8 tháng Chạp, tôi ở lại văn phòng làm việc rất trễ và đến khoảng tám giờ tối thì có người dưới phòng trực đem xuống cho tôi một điện văn để trong bao thơ có mấy chữ Thượng Khẩn và Kín để tôi ký nhận. Mở bao thư ra xem, tôi mới biết đó là một công điện gọi tôi về Sàigòn nội nhật hôm sau mà đoạn cuối trong đó chỉ ghi rằng “Lý do cho biết sau.” Tôi ở lại văn phòng làm cho xong văn kiện dở dang rồi lên nhà Thiếu Tá Lê Văn Tư là cấp chỉ huy trực tiếp của tôi trên Chợ Mới để báo tin. Nhân tiện, tôi nhờ ông sáng sớm hôm sau gọi điện thoại sang Thiếu Tá Đinh Văn Yên, Chỉ Huy Trưởng Quân Vận Pleiku xin ưu tiên dành chỗ trên phi cơ cho tôi về Sàigòn trong ngày 9 mong gặp may mắn. Gần tám giờ sáng ngày hôm sau, tôi vào đến văn phòng thì tất cả mọi người đã có mặt. Thiếu Tá Tư bảo đả tự viên đánh sự vụ lệnh cho tôi mà trong phần “Ngày về” ghi là “Khi xong công tác”. Sau đó, ông nói với tôi rằng bên Quân Vận cho biết ngày hôm nay sẽ có rất nhiều phi vụ chuyển quân từ Sàigòn ra nên khi trở về, phi cơ trống chỗ nhiều lắm, không có ai phải đợi sang ngày hôm sau. Ngay sau đó, tôi lại phải sang Khối Tài Chánh của Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận để lãnh lương. Trưởng Khối là Trung Uý Nguyễn Văn Nam giúp tôi xong việc rất nhanh chóng. Sau này, tôi nghe tin anh Nam đã tử nạn trong khi di tản tại Phú Bổn. Tin này làm tôi vừa buồn vừa ân hận vì vào tháng Chín trước đó, tôi có lỗi với anh mà chưa có dịp gặp riêng để xin lỗi.

Lãnh lương xong, tôi sang Quân Vận Pleiku trình sự vụ lệnh để xin phi vụ thì quả nhiên sau đó được cho biết rằng sẽ có chỗ cho tôi trên chuyến bay lúc hai giờ. Tôi xin dời lại bốn giờ vì như vậy, tôi có thể thu xếp một số công việc cá nhân khác. Sau đó, tôi đang định đi bộ ra một tiệm ăn trên Đường Lê Lợi thì gặp Trung Uý Nguyễn Hữu Cải thuộc Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị lái xe chở một số sĩ quan cấp úy chạy vào. Trung Uý Cải cũng cho biết rằng bình thường thì đơn vị của anh phải mua vé Hàng Không Việt Nam cho các quân nhân đi công tác nhưng hôm nay thì có nhiều phi vụ quân sự nên tiết kiệm được khá nhiều tiền. Anh Cải cao lớn, đẹp trai và rất có tư cách, là một trong những đàn anh mà tôi quí mến nhất trong suốt thời gian phục vụ trong quân đội. Rất tiếc rằng đó là lần sau cùng tôi gặp anh vì sau này anh lâm bệnh rồi qua đời trong một trại tù ngoài miền Bắc.

Đi dọc theo Đường Lê Lợi, tôi thấy những chiếc vận tải cơ Hercules C-130 nối tiếp nhau hạ cánh và cất cánh. Có thể nói rằng lúc nào nhìn lên bầu trời lúc đó cũng thấy một chiếc đảo vòng quanh phi trường Cù Hanh. Chiều hôm đó vào phi trường, tôi mới biết có một đơn vị Biệt Động Quân được chuyển từ Sàigòn ra. Nhìn thấy các anh chuyển những khẩu đại bác 105mm từ phi cơ xuống, tôi biết đơn vị này ở cấp liên đoàn.

Trưa ngày 23, tôi xuống Trung Tâm Xã Hội Quân Đội tại Ngã Sáu xin phi vụ trở ra Pleiku thì trưa hôm sau có được chỗ trên một chiếc Caribou C-7. Lúc ngồi chờ phi vụ tại Phòng Hành Khách Quân Sự của Phi Trường Tân Sơn Nhứt, tôi gặp một thằng bạn bên Quân Cảnh cùng với mấy đồng đội áp tải một toán tù binh Việt Cộng vào ngồi tại một khu riêng biệt. Trong toán này, tôi thấy có hai chị bị còng tay chung với nhau chạy lạch bạch, tay còn lại cũng làm điệu cầm một chiếc khăn mouchoir. 

Tôi trở ra Pleiku vào khoảng hơn bốn giờ chiều, lúc sương trắng đã xuống che kín đường phố. Sau khi tắm rửa, tôi vào đơn vị thì hầu hết đã về nhà chuẩn bị cho đêm Giáng Sinh. Điều này chứng tỏ rằng lệnh cắm trại cũng không gắt gao cho lắm. Tôi ghé qua phòng trực thì gặp mấy thằng bạn nói rằng mày không ra sớm mà chứng kiến lễ bàn giao quyền Tư Lệnh Quân Đoàn giữa Tướng Toàn và Tướng Phú rất oai nghiêm. Nghe vậy, tôi ghé qua Khối Chiến Tranh Chính Trị xin phép xem một số hình ảnh về buổi lễ này.

Đến đây, tôi nghĩ cũng nên nói qua về Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và kế đến là Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II.

Vào tháng Mười 1973, Tướng Phú, lúc đó là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Quang Trung, muốn ra xạ trường xem việc sử dụng nòng giảm thiểu M-72 trong việc huấn luyện. Hôm đó, tháp tùng Tướng Phú ra xạ trường có tới hàng chục sĩ quan cấp tá còn tôi vì là tép riu nên ôm cặp đi sau cùng. Đó là lần duy nhất trong đời quân ngũ tôi có dịp đi theo và đứng gần Tướng Phú. Tôi thấy ông nói năng nhỏ nhẹ và giản dị.

Tôi không phải là một người có đủ tư cách và kiến thức quân sự để đánh giá khả năng Tướng Phú. Trong thời gian ngắn ngủi ông ở Pleiku, tôi để ý thấy tất cả các phúc trình đưa lên ông, ông đọc xong, phê bên cạnh bằng bút lông mực đỏ mà không bao giờ bỏ dấu. Về việc Tướng Phú đề cử mấy người bạn của ông ra giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II và Quân Khu 2 mà không được chấp thuận, tôi chỉ biết được một số chi tiết.

Khi Tướng Phú còn ở TTHL Quang Trung, Chỉ Huy Phó của trung tâm là Đại Tá Phạm Văn Huấn và Tham Mưu Trưởng là Đại Tá Phạm Văn Hưởng. Tuy cả ba cùng là Phạm Văn nhưng hai ông kia không phải là bà con thân thích nên có lẽ ông không muốn kéo theo ra Pleiku. Người thứ nhất mà ông muốn giữ chức TMT QĐII là Đại Tá Biệt Động Quân Nguyễn Văn Đại, lúc đó đang là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Theo những người biết về Đại Tá Đại kể lại thì ông là một sĩ quan ưu tú và giỏi về hành chánh quản trị nhưng chức tham mưu trưởng một quân đoàn quả là quá lớn và xa lạ với ông. Nhận xét của cá nhân tôi là Đại Tá Đại hiền lành và khiêm cung giống Đại Tá Huấn của TTHL Quang Trung. Dù sao đi nữa thì việc đề nghị này cũng không được Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận. Kế đến là Đại Tá Cao Đăng Tường. Tôi biết ông này từ năm 1968 khi ông còn là Trung Tá Cục Trưởng Cục Chính Huấn. Ông rất hiền lành nhưng nếu nói về khả năng để giữ chức tham mưu trưởng một quân đoàn thì ông thua Đại Tá Đại. Có lẽ vì vậy nên Bộ TTM cũng không chấp thuận cho ông ra giữ chức vụ TMT QĐ II mà thay vào đó, bổ nhiệm Đại Tá Lê Khắc Lý.

Về Đại Tá Lý, tôi phải công nhận hai điều. Thứ nhất, ông khá nghiêm khắc nên nhiều người không ưa. Thứ hai, ông thừa khả năng giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II và Quân Khu 2. Và điều thứ hai này mới là quan trọng, nhất là ông thuộc loại khá thanh liêm. Đại Tá Lý đã hai lần giữ chức Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 22 Bộ Binh dưới quyền Đại Tá và Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Hiếu nên rất am tường địa hình tại Cao Nguyên cũng như vùng duyên hải. 

Mới về nhậm chức được ít lâu, Đại Tá Lý gửi đi các đơn vị một sự vụ văn thư ra lệnh cho tất cả các quân nhân trực thuộc Quân Đoàn II phải bỏ quân phục bốn túi có kiểu túi tròn, dùng nút của Mỹ giấu bên dưới nắp áo và nắp túi. Thay vào đó, tất cả phải mặc quân phục đúng theo mẫu của Cục Quân Nhu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Anh em chúng tôi thường than phiền là nút áo của Việt Nam làm mỏng dính, khi bỏ ngoài tiệm giặt ủi rất thường bị bể.

Có một ngày nọ đang có lệnh cấm trại, Đại Tá Lý chạy xe ngang qua khu Diệp Kính thấy quân nhân đến đó rất đông để xem phim Gia Lăng Trùng Kiến Tinh Võ Môn. Ngay sau đó ông gọi điện thoại xuống các đơn vị trưởng nghoé cho một tăng. Tôi lại thích Đại Tá Lý ở điểm này. Trong khi Tướng Phú phải chấp nhận việc Bộ Tổng Tham Mưu bổ nhiệm Đại Tá Lê Khắc Lý thì ông lại có toàn quyền bổ nhiệm các tham mưu trưởng tiểu khu mà đầu tiên là Pleiku.

Người đầu tiên mà Tướng Phú bổ nhiệm thay thế Trung Tá Lê Thường trong chức vụ Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Pleiku là Thiếu Tá Đàm Văn Từ, một người mà tôi chưa hề nghe nói tới. Chỉ một tháng sau, Thiếu Tá Từ lại sang giữ chức Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Pleiku và thay thế Thiếu Tá Từ là Trung Tá Trần Hữu Tác.

Trước đó cả chục năm, tôi đã biết ông này khi ông còn là một trung uý trưởng trại của Lực Lượng Đặc Biệt. Về sau, ông trở thành một trong những sĩ quan ưu tú của binh chủng này. Việc đưa ông về Pleiku giữ chức tham mưu trưởng là đúng, nhiều người muốn, nhưng tại sao Tướng Phú không đưa ông về ngay từ đầu. Trong thời gian đó, tất cả các đơn vị đều bận rộn vì tình hình biến chuyển cùng với việc thay đổi cấp số đơn vị mà cứ phải họp hành thuyết trình liên miên khi có tham mưu trưởng mới, rất phiền phức, nhất là đối với các đơn vị trưởng trấn thủ xa xôi.

Ngày 9 tháng Giêng 1975, anh em chúng tôi được tin Phước Long thất thủ. Tuy nhiên, tôi thấy hầu hết đều có vẻ buồn hơn là lo lắng vì theo họ, tình hình chung trên toàn lãnh thổ không đến nỗi nào. Tôi có một người bà con lúc đó đang ở Phước Long là Linh Mục Vũ Cát Đại, Trưởng Phòng Tuyên Uý Công Giáo Tiểu Khu Phước Long. Vài ngày sau tôi gọi điện thoại về Sàigòn hỏi thăm thì được xác nhận rằng ông đã bị xem như mất tích cùng với Đại Tá Nguyễn Thống Thành và Trung Tá Nguyễn Văn Thành (không phải Trung Tá Thành “Râu” bên Nhảy Dù). Vài ngày sau nữa, chúng tôi nhận được một lá thư của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, đang giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Thiết Giáp, gửi ra hỏi thăm chung. Rồi Đại Tá Nguyễn Đức Dung cũng đi theo Tướng Toàn. 

Tối hôm đó, tôi đang ngồi trực thì được lệnh lên ngay Liên Đoàn 66 Khai Thác Truyền Tin Diện Địa để nhận một bưu điệp từ Phủ Thủ Tướng gởi ra có độ khẩn là Hoả Tốc và độ mật là Tối Mật. Vì chỉ có sĩ quan tổng trực mới có quyền mở một bao thư có hai chữ Tối Mật nên tôi đem bao thư đó sang Toà Hành Chánh thì thấy Thiếu Tá Khổng Trọng Phương đang đứng chờ tôi ngoài hành lang lầu một còn Đại Tá Nguyễn Đức Dung thì đi đi lại lại trong văn phòng của ông có gắn hai chữ Tỉnh Trưởng phía bên trên cửa. Thiếu Tá Phương vốn ít nói, chỉ nhận lấy bao thơ, không hỏi gì cả rồi vỗ vai ra hiệu cho tôi về. Gần trưa ngày hôm sau, anh bạn bên Phòng Nhì nói nhỏ cho biết bưu điệp đó có nội dung “Đại Tá Nguyễn Đức Dung chuẩn bị bàn giao chức vụ Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng”. Không biết Thiếu Tá Phương hay Đại Uý Phạm Ngọc Minh Chánh Văn Phòng Tỉnh Trưởng “xì” tin này ra. Lúc đầu, nhiều người xì xào rằng Tân Tỉnh Trưởng Pleiku sẽ là Trung Tá Chương lúc đó đang chỉ huy Tiểu Đoàn 69 Pháo Binh. Sau đó, tôi mới được biết người thay thế Đại Tá Dung sẽ là một người bạn cùng Khoá 11 Võ Bị với ông, Đại Tá Hoàng Thọ Nhu, lúc đó đang là một Liên Đoàn Trưởng Biệt Động Quân.

Tôi biết Đại Tá Nhu khá rõ. Vào năm 1965, khi Đại Uý Bùi Hữu Nghĩa (thường được gọi là Đại Uý Paul), Tiểu Đoàn Trưởng 36 Biệt Động Quân hy sinh tại mặt trận Phước Long thì ông Nhu đã là một thiếu tá ưu tú của binh chủng này. Năm 1972, tôi có phục vụ dưới quyền ông trong một thời gian ngắn tại mặt trận Tân Cảnh, Kontum. Khoảng gần cuối tháng Giêng 1975, Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II xuống chủ toạ lễ bàn giao chức vụ giữa Đại Tá Dung và Đại Tá Nhu, tổ chức ngay sân cờ Toà Hành Chánh mà tôi cũng có mặt.

Vài ngày sau, chúng tôi nhận được Sự Vụ Văn Thư số 7474 từ Bộ Tổng Tham Mưu kèm theo một phụ bản dày gần bằng nửa cuốn Melway tại Úc hiện nay. Phụ bản này được in bằng hai thứ tiếng Việt – Anh mà theo đó, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Pleiku sẽ không còn chức vụ Tiểu Khu Phó. Vì vậy, Tiểu Khu Phó lúc đó là Trung Tá Quách Năng ra giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Chiến Thuật. Hai tuần sau, Thiếu Tá Lê Phú Mỹ cũng đi theo Đại Tá Dung và Trung Tá Năng lại giữ chức vụ Chi Khu Trưởng Thanh An thay thế Thiếu Tá Mỹ.

Trước Tết Ất Mão mấy ngày, Cộng quân vị phạm ngưng bắn, tất công một số vị trí gần Thanh An khiến nhiều thường dân thương vong. Vì vậy nên Trung Tá Năng hướng dẫn một phái đoàn của Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát Đình Chiến ICCS đến tận nơi xem xét. Cộng quân lại tấn công luôn cả đoàn xe này khiến Trung Tá Năng bị thương mù mất một mắt. Thiếu Tá Nguyễn Tải lại từ giã chúng tôi ra làm Quận Trưởng Thanh An một lần nữa. Thực tình mà nói, lúc đó tôi căm giận bọn Việt Cộng và Cộng Sản Bắc Việt hơn bao giờ hết.

Chiều 30 Tết, tôi ở lì trong văn phòng không đi đâu cho đến gần trưa hôm sau thì Thiếu Tá Tư cho tài xế vào đón tôi lên nhà ông dùng cơm. Đến chiều, tôi ghé xuống nhà một người bạn thăm bà vợ mới sanh rồi trở về văn phòng. Tối hôm đó, trong phòng trực rất đông anh em nên tôi cũng xuống đó cho vui. Chúng tôi dành rất nhiều thì giờ để bàn về chiến sự và tôi thấy những người phục vụ lâu năm tại Pleiku không tin rằng Việt Cộng sẽ dám tấn công vào đây. Cứ nhìn lại Trận Mậu Thân thì rõ, tấn công Ban Mê Thuột thì Việt Cộng may ra còn có thể đạt được một mục đích nào đó chứ tấn công Pleiku thì chỉ có nướng quân vô ích.

Khoảng một tuần sau, các anh em trong Đại Đội Tình Báo Quân Đoàn II trong khi công tác dọc theo biên giới ghi nhận được nhiều tin tức và dấu hiệu cho thấy Cộng Quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột. Tướng Phú không tin. Mấy ngày sau nữa, có mấy người đi làm gỗ trong rừng về báo cáo rằng nhiều đại đơn vị Cộng Quân di chuyển về hướng Ban Mê Thuột, bánh xe tạo thành hai đường mòn song song trong rừng, Tướng Phú cũng vẫn tin rằng chúng sẽ đánh Pleiku. Vì vậy nên chúng tôi được lệnh chuẩn bị cho công việc phòng thủ.

Ngay sau đó, có mấy chiếc máy ủi đến đào đất phía sau văn phòng Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu để làm bunker chỉ huy. Họ thắp đèn sáng trưng làm việc cả ngày đêm, máy chạy ầm ì làm anh em tôi hết ngủ. Kế đến, các quân nhân trong Trung Đội Công Vụ đặt thêm các bao cát dọc theo hàng rào và các bức tường quanh trại trong khi anh em chúng tôi lại được huấn luyện bổ túc tại chỗ về M-72 và một số vũ khí khác. Sau đó, cả Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Pleiku được tổ chức thành các trung đội để sẵn sàng tác chiến. Trung đội trưởng là một trung uý hay đại uý và riêng tiểu đội của tôi có tới gần một chục thiếu uý và chuẩn uý nhìn nhau nhe răng cười. Rốt cuộc, Việt Cộng không đánh Pleiku; chúng tấn công Ban Mê Thuột. 

Chiều ngày 12 tháng Ba 1975, anh em chúng tôi được tin thị xã Ban Mê Thuột mất, nhưng nhiều đơn vị của ta vẫn còn chống trả mãnh liệt tại các nơi khác quanh đó. Tối hôm đó, tôi biết tin hai Đại Tá Vũ Thế Quang và Nguyễn Trọng Luật bị Việt Cộng bắt sống. Ngày 14, Linh Mục Tuyên Uý Phan Hữu Hậu thoát về được từ Ban Mê Thuột. Ông đến Trung Tâm Hành Quân cho anh em chúng tôi biết tình hình tại đó. Kể từ lúc đó, tôi thấy dân chúng khá xôn xao và một số bắt đầu di tản về Nha Trang và Sàigòn. Có mấy gia đình quen chạy vào nhờ tôi xin giùm phương tiện cho gia đình họ nhưng tôi không dám nhận lời. 

Cũng trong ngày 14, tôi theo một phái đoàn vào xem xét trong Phi Trường Cù Hanh thì thấy dân chúng xúm lại chờ ngoài cổng. Đứng từ Đường Phạm Phú Quốc nhìn xuống phi đạo, chúng tôi thấy những chiếc Chinook CH-47 lần lượt hạ cánh và cất cánh di tản một số quân dân về Nha Trang. Chúng tôi vừa rời phi trường được một lúc thì cộng quân pháo kích vào. Chiều hôm đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra mật lệnh cho Tướng Phạm Văn Phú dời tất cả các đại đơn vị chủ lực tại Pleiku về Nha Trang, bỏ lại tất cả các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Sáng hôm sau, tôi được một sĩ quan bên Sở II An Ninh Quân Đội nói nhỏ cho biết tin này. Tôi rất hoang mang không biết phải làm sao nên dại dột gọi điện thoại về Sở Nghiên Cứu Kế Hoạch xin chỉ thị thì một lúc sau được trả lời rằng “Không có lệnh riêng nào cho anh hết.” Vì vậy nên tôi không dám bỏ về Sàigòn. Chiều hôm đó, hầu như ai cũng biết về lệnh di tản Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II về Nha Trang nhưng tất cả các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân được lệnh vẫn tiếp tục nhiệm vụ tại vị trí như thường. Đến tối, tôi nghe xe hơi của Ty Dân Vận và Chiêu Hồi chạy vòng vòng trong thị xã phát thanh lời của Đại Tá Nhu kêu gọi dân chúng bình tĩnh và không nên lo nghĩ đến việc di tản.

Trưa hôm sau, tôi gọi điện thoại cho một người bạn là Trung Uý Phạm Biểu Sang bên Sư Đoàn 6 Không Quân thì không thấy ai trả lời. Tôi gọi sang mấy người bạn tại các đơn vị khác thì vẫn liên lạc được. Như vậy, anh em tại hai tổng đài điện thoại Liên Hoa và Liên Giang vẫn còn làm việc như thường. Một lúc sau, có tin đồn Đại Tá Nhu đã bỏ đi và Trung Tá Trần Thanh Tâm tạm thời thay thế. Đó chỉ là tin vịt. Đến chiều, anh em chúng tôi tập họp tại sân cờ, phía trước Phòng Tổng Quản Trị và Phòng Một. Sau đó, Đại Tá Nhu đến nói chuyện và cho biết ông cũng như tất cả các cấp chỉ huy khác đều ở lại với anh em. Tối hôm đó, tôi nghe nói một đơn vị Biệt Động Quân cho nổ tung Ty Ngân Khố Pleiku để cướp tiền. Tôi biết khá rõ, vụ nổ này có thật nhưng không phải là một vụ cướp.

Đại Tá Hoàng Thọ Nhu được lệnh chuyển tất cả số tiền trong Ty Ngân Khố về Sàigòn. Tuy nhiên, sau đó lệnh này được huỷ bỏ vì không xin được phi vụ. Lại sau đó nữa, Đại Tá Nhu được lệnh thiêu hủy tất cả số tiền trong ty. Không biết vì lý do gì, ông lại làm khác. Ông nhờ một đơn vị Biệt Động Quân bảo vệ an ninh để chuyển số tiền này đi và cuối cùng bỏ lên một chiếc trực thăng C&C của một đơn vị trưởng. Xong xuôi, anh em Biệt Động Quân mới phá huỷ Ty Ngân Khố. Nhiệm vụ này không được trao cho một đơn vị Địa Phương Quân là vì sợ gây hoang mang: đã có lệnh ở lại sao lại chuyển tiền đi và đốt phá Ty Ngân Khố? Khi vị chỉ huy trưởng kia về đến Phú Yên, Tướng Phú có đến cảm ơn ông đã điều động việc di tản và sau đó, Đại Tá Nhu cho người đến nhận lại tiền đựng đầy trong một sac marin. Năm 2002, tôi có liên lạc được với Đại Tá Nhu và ông đơn vị trưởng kia để xin xác nhận lại sự việc này.

Kế đến, những ai nói rằng tình hình tại Pleiku cực kỳ rối loạn trong ngày 16 tháng Ba là nói sai. Tôi chỉ công nhận một điều là dân chúng có hoang mang và nhiều
người hơi hoảng. Tối hôm đó, gia đình các quân nhân trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Pleiku kéo vào trong trại rất đông, nằm chật trong các văn phòng. Anh em trong Trung Đội Công Vụ phải canh phòng cẩn mật vì sợ đặc công Việt Cộng len lỏi vào đặt chất nổ hay ném lựu đạn qua hàng rào vào bên trong. Vì phải nhường chỗ nằm cho gia đình của đồng đội nên anh em độc thân chúng tôi kéo nhau xuống... nhà tù lúc đó trống trơn để ngủ. Tuy nhiên, không anh nào ngủ được. Có anh đề nghị binh xập xám cho vui nhưng chẳng ai còn lòng dạ nào mà đánh bài đánh bạc. Chúng tôi nói chuyện trước mắt, người quyết định ở lại người quyết định di tản theo đoàn quân bất chấp có lệnh cấm. Cá nhân tôi lúc đó cũng chưa biết tính sao vì chỉ thị dành cho tôi là “làm việc theo nguyên tắc và quyết định theo tình hình”. Một lúc sau, tôi sang phòng trực nghe ngóng tình hình rồi nằm ngủ quên tại đó.

Khoảng năm giờ sáng ngày 17, nhiều người thức dậy chuẩn bị di tản khiến tôi cũng thức dậy theo. Tôi trở về văn phòng thì Thiếu Tá Tư cho biết Trung Tá Tuệ lấy xe Jeep đi đâu từ hôm qua chưa thấy trở lại. Còn lại một chiếc xe Jeep duy nhất, anh tài xế Trần Giỏi lái chở gia đình Thiếu Tá Tư và vợ con anh, hơi chật nhưng con nít ngồi lên đùi người lớn rồi cũng xong. Trời sáng, chiếc xe từ từ lăn bánh, tôi đi bộ bên cạnh nói chuyện với Thiếu Tá Tư cho đến đường Hoàng Diệu thì bắt tay từ giã ông và về nhà mà tôi mới thuê trên Đường Phó Đức Chính. Nằm nghỉ một lúc, tôi vẫn chưa biết nên làm gì nhưng thấy trong người không yên nên lại ngồi dậy đi vào trại.

Lúc đi ngang qua Phòng Truyền Tin, tôi định ghé vào đó xem nếu anh em bên đó phá huỷ máy móc của họ dưới hầm truyền tin thì tôi cũng tiêu huỷ hết hồ sơ của tôi. Tuy nhiên, nghĩ lại tôi thấy rằng mình không có phận sự thì không nên đi vào đó. Tôi về văn phòng mở tủ hồ sơ ra nhìn một lúc. Cuối cùng, tôi quyết định nửa nọ nửa kia, tức là thiêu huỷ tất cả các hồ sơ điều tra vốn có độ mật cao hơn hồ sơ thanh tra. Các hồ sơ thanh tra thường niên, tôi giữ lại, chỉ thiêu huỷ các hồ sơ thanh tra bất thần và thanh tra đặc biệt. Xong xuôi, tôi sang phòng Thiếu Tá Tư xoá hết tất cả những gì còn ghi lại trên chart thuyết trình. Sau khi “phá hoại” xong, tôi sang các phòng khác thì thấy vẫn còn một số anh em đang đứng nói chuyện với nhau. Hầu hết họ thuộc thành phần binh sĩ, không di tản là vì gia đình họ lập nghiệp tại Pleiku đã lâu nên quyết định ở lại. Gần trưa hôm đó, tôi được một thằng bạn ghé vào cho biết có một đơn vị chiến xa M-48 của Lữ Đoàn II Kỵ Binh đang bắn phá thiêu hủy các kho quân trang quân cụ trên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn và họ sẽ di tản trong vài giờ nữa. Đó là một trong những đơn vị Chủ Lực Quân sau cùng còn có mặt tại Pleiku. Nghe nói vậy, tôi liền lấy vũ khí theo nó về nhà ăn cơm xong rồi ra ngã ba Diệp Kính đứng chờ. Một lúc sau, có một đoàn M-48 chạy qua, chiếc chạy gần cuối dừng lại cho tôi leo lên.

Đi đến Hàm Rồng, tôi nhìn về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II thấy khói đen bốc lên ngụt trời. Tôi không dám nhìn lại lần thứ hai. Hai bên đường, dân chúng gồng gánh đi bộ rất đông. Tôi thầm cầu nguyện ơn trên để không xảy ra một Đại Lộ Kinh Hoàng nữa.

Đến chiều, đoàn xe bắt kịp một đơn vị của Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân. Không biết có lệnh từ đâu đến hay không mà hai bên phối hợp bảo vệ đoàn xe và người di tản phía trước. Tuy nhiên, chỉ thấy Việt Cộng bắn ra rất ít trong khi các khẩu đại liên bên ta không ngừng nhả đạn vào các bị trí khả nghi. Sáng hôm sau, đơn vị Kỵ Binh được lệnh cho một toán lên trợ chiến cho đoàn người đi trước. Tôi ngồi trên chiếc thuộc toán này.

Thiết giáp có lợi một chỗ là nó có thể leo lên lề mà chạy, vượt qua tất cả các con suối nhỏ hay mô đất. Tuy nhiên, gặp đoạn đường đèo thì cũng nằm chịu trận. Quá trưa, chúng tôi đến Phú Bổn, người và xe kẹt cứng tại đây và Việt Cộng bắt đầu pháo kích. Thấy vậy, đoàn M-48 chạy ra một bãi đất trống dàn đội hình rồi nã đại bác vào các vị trí địch.

Chiều hôm đó, tôi cầm bản đồ và đeo súng đi bộ về phía trước thì gặp lại một số đồng đội. Đến một con dốc, tôi nhìn xuống đoạn đường cuối dốc phía trước thì thấy có một chiếc trực thăng đáp xuống. Lúc đó, tôi đang đứng bên cạnh một chiếc xe Jeep của Sư Đoàn 6 Không Quân mà trên đó có một thiếu tá. Trên xe cũng có một máy truyền tin. Thấy tôi định đi xuống chân đồi nghe ngóng tin tức, một anh Không Quân nói đừng có đến đó sợ Việt Cộng pháo kích vào khi thấy có trực thăng đáp. Vậy nên tôi đợi cho chiếc trực thăng cất cánh rồi mới đi. Đến nơi, tôi được biết sự việc như sau.

Theo lệnh từ đâu không rõ, anh em thuộc Khối Chiến Tranh Chính Trị Quân Đoàn II đánh một lời kêu gọi của Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm rằng tất cả các đơn vị hãy giữ hàng ngũ và sẵn sàng chiến đấu trong khi di chuyển. Sau đó, Tướng Cẩm đáp trực thăng xuống ký vào giấy stencil rồi anh em CTCT lập tức quay ronéo đem đi phân phát khắp nơi. Tôi cũng cầm lấy một xấp đem về.

Chập tối, có hai chiếc trực thăng đến bắn phi đạn xuống các vị trí Cộng quân gần hai bên đường. Khoảng tám giờ tối, Việt Cộng tấn công. Các đơn vị Kỵ Binh cho nổ máy và quay đầu xe tứ phía đối đầu với địch. Cho đến lúc đó, tôi thấy các đơn vị vẫn chiến đấu có trật tự. Chỉ kẹt một điều là Việt Cộng pháo kích bừa bãi khiến dân lành bị chết quá nhiều, những người sống sót kinh hoảng bỏ chạy tứ tung, gây rất nhiều khó khăn cho việc chiến đấu của anh em chúng tôi.


Nguyễn Thế Khiết


nguoithongtin: Đọc bài viết trên, ta thấy việc rút quân bỏ trống vùng cao nguyên cho Vietcong là do lệnh TT Thiệu. Mất tỉnh Ban Mê Thuột là lỗi của Thiếu tướng Phạm Văn Phú. Đại tá Phạm Huấn phê bình: Khả năng tướng Phú chỉ phù hợp ở cương vị tư lệnh một sư đoàn bộ binh, không thể đảm nhiệm chức vụ tư lệnh một quân đoàn, quân khu. Đ/tá Phạm Huấn chết già trong viện dưỡng lão tại San Jose (của bs tim Nguyễn Xuân Ngãi, đảng trưởng đảng Nhân Dân Hành Động)), trong khi đang viết dở dang một hồi ký chiến tranh.

     
Vợ của tướng Phú là người Việt gốc Hoa, hạng người gà mái đá gà cồ, hay có ý kiến xiá vô chuyện quân sự của đàn ông. Đ/tá Huấn viết:
 Trong một bữa cơm tại tư gia tướng Phú ở Nha Trang, bà Phú nói tướng Phú và các sĩ quan tham mưu " Nếu đoàn quân xa cộng sản không chủ ý đánh mình, mà chỉ mượn đường lãnh thổ chuyển quân đi qua thì các đồn biên phòng không nên pháo quấy rối ngăn chận. Vì nếu bị pháo gây tổn thất nặng, cộng quân buộc phải tấn công triệt hạ các đồn biên phòng". 


    Phần đầu hồi ký chưa hoàn tất được lai rai đăng trên nhiều tờ báo, cho ta thấy ý bà Phú muốn chồng (tướng Phú) đừng gây sự, để yên thân!! 
Dường như sách hồi ký chiến tranh của Đ/tá Huấn đã có in phần đầu.