Thursday, 20 February 2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 21-2-2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta

Ngày 17 tháng 2 năm 2014
Bạn ta,
Hôm 11 tháng 2 vừa qua, bảo tàng lịch sử quân sự ở quận Ba Đình, Hà Nội đã khánh thành bốn bức tượng (mẫu) của các danh tướng Việt Nam gồm Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ và Võ Nguyên Giáp.
Võ Nguyên Giáp được xếp ngang hàng với ba nhân vật lịch sử công trạng lẫy lừng, nhưng việc làm đó lại cho thấy chuyện tôn vinh ông tướng họ Võ này được làm hết sức tắc trách. Dưới chân bức tượng của Võ Nguyên Giáp có một tấm bảng ghi tiểu sử của ông. Và đọc bản tiểu sử này, người ta càng thấy rõ hơn về sự dốt nát của người (hay những người) viết nó.
Trước hết là những chữ "Huyền thoại Việt Nam". Huyền thoại là những chuyện huyền hoặc, tưởng tượng, không có thật, đại để cũng như thần thoại. Như vậy những điều ghi trong tiểu sử (huyền thoại) của ông tướng này đều là bịa đặt, dựng đứng lên cả hay sao?
Ngay dòng đầu, tên của ông được ghi là Võ Nguyên (1911-2013). Đây không phải là tên thật của ông. Người viết có thể đã nhập tâm hai câu lục bát của nhà thơ Bút Tre, thứ thơ thẩn người ta đọc lên chỉ để cười với nhau. Ông đại tướng bị chặt ngang lưng để hai chữ "Võ Nguyên" được cho vào cuối câu 6, và tên "Giáp" được ném xuống câu 8 ở dưới:
Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
Thế là cái tên "Võ Nguyên" mà ai đọc lên cũng phải phì cười về thơ phú của ông Bút Tre lại được ghi trong tiểu sử của ông tướng. Rồi ngay sau đó là một câu như thế này: "Là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh chủ tịch Hồ Chí Minh, từng lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc".
Đây là một câu què cụt, không có chủ từ. Chủ từ của "Là" là ai? Không thấy nói, đành phải coi đó là Võ Nguyên Giáp vậy.
Hai chữ "Đại Tướng" được viết hoa trong suốt những dòng tiểu sử, cho dù đó là một danh từ chung đứng một mình hay là chức vụ đi trước tên của Võ Nguyên Giáp.
Nhưng ông Hồ thì không được đối xử như thế. Hai chữ "chủ tịch" không được viết hoa trước tên Hồ Chí Minh ngay ở câu thứ hai. Toàn bản tiểu sử đều viết "Đại Tướng Võ Nguyên Giáp", nhưng lại viết "Thượng tướng Trần Văn Trà" không viết hoa chữ "tướng".
Câu tiếp theo sau đó cũng là câu không có chủ từ. Kế câu đó là một chữ viết sai chính tả: thay vì "chấn động" thì viết là "trấn động".
Dòng thứ 12 viết tên của ông là "Võ Nguyễn Giáp", tên lót của ông được tặng thêm cái dấu "ngã" để thành "Nguyễn".
Câu cuối lại là một câu tầm bậy khác: "Nhưng trên hết, danh hiệu cao quí nhất mà Đại Tướng nhận được chính là sự kính trọng và lòng biết ơn của toàn thể dân tộc Việt, cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới".
Danh hiệu là tên hiệu, là tên gọi nêu ra những điểm tốt đẹp, những thành tích, những việc làm cao quí của một cá nhân hay một đoàn thể, tổ chức. "Danh hiệu cao quí nhất" đó không thể là "sự kính trọng và lòng biết ơn" được. Nếu danh hiệu thì phải là "Người chiến sĩ chống đế quốc" hay "Người phá gông cùm thuộc địa". Phải viết "phần thưởng cao quí nhất của ông Võ Nguyên Giáp" thì mới có thể nêu ra "sự kính trọng và lòng biết ơn của..."
Khổ quá, viết có mấy dòng mà cũng sai lên sai xuống như thế thì chuyện tôn vinh đại tướng cũng là xạo hết. Đưa được "tướng lên đài" thì chỉ làm ô uế bức tường mà thôi chứ tôn vinh cái nỗi gì. Cái tượng đài ấy thì ai nghe cũng phải "quấn ra đài" cho mà coi.

Ngày 19 tháng 2 năm 2014
Bạn ta,
Hai hôm trước, ngày 17 tháng 2, là ngày kỷ niệm 35 năm diễn ra cuộc chiến tại biên giới Việt Nam và Trung quốc. Một số vùng trong lãnh thổ Việt Nam đã bị thiệt hại nặng vì quân xâm lược miền Bắc. Thiệt hại nhân mạng của quân đội và thường dân Việt Nam được coi là rất nặng: khoảng sáu chục ngàn người.
Ở Hà Nội, hôm 16 tháng 2, một đám đông đã kéo đến vườn hoa Chí Linh trước tượng đài Lý Thái Tổ, mang vòng hoa và biểu ngữ đến để tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc chống lại giặc Trung quốc.
Nhà nước gồm một bọn bán nước, liếm giầy Tầu Cộng đã đưa một số ngợm đến "múa đôi" ở gần đoàn người làm lễ giỗ những người hy sinh trong cuộc chiến biên giới 35 năm trước. Bọn ngợm mở lớn một bản nhạc lời Việt có tựa đề Con Bướm Xuân dịch từ một bản nhạc Tầu để chúng nhẩy nhót với nhau. Đây là một hành động nham nhở, mất dậy và thập phần vô giáo dục. Đó là cách chúng nó trả ơn những người lính Việt Nam máu đỏ da vàng đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc.
Chỉ không làm gì trong ngày này cũng đã là vô ơn bạc nghĩa rồi. Đằng này chúng sai một bọn côn quang đến ôm nhau khiêu vũ, mở lớn một bản nhạc Tầu để khỏa lấp, nhận chìm hành động tưởng nhớ những người lính, những người dân bị bọn Tầu tàn sát hơn ba chục năm trước.
Ngày xưa, khi hoàng gia có đại tang, cả nước phải để tang. Trong gia đình, khi có chuyện buồn, mọi cuộc vui đều bãi bỏ. Một con ngựa đau, những con ngựa khác cũng bỏ cỏ.
Vậy mà những cái chết của những người lính, người dân 35 năm trước không những không được nhắc tới, mà bọn chó má còn cấm cản mọi việc làm ghi nhớ những hy sinh cao quí và anh hùng dọc theo biên giới Việt Hoa năm 1979. Mấy tháng trước, tại tượng đài chiến sĩ ở Hà Nội, những vòng hoa mà đoàn biểu tình mang đến đều bị dẹp bỏ, các biểu ngữ buộc phải hạ xuống.
Việc bọn chúng không cho nhắc đến trận Hoàng Sa có thể hiểu được vì thái độ thù ghét Việt Nam Cộng Hòa của chúng và chúng cũng sợ là nhắc tới Hoàng Sa là chúng phải nhìn nhận chính nghĩa bảo vệ tổ quốc của miền Nam. Nhưng khi chúng không dám tưởng niệm các binh sĩ miền Bắc hy sinh trong cuộc chiến năm 1975 thì bộ mặt bán nước, nô dịch, tay sai Bắc kinh của chúng hiện ra quá rõ ràng.
Những cuộc biểu tình trước đây để chống Tầu đều bị chúng đàn áp thẳng tay. Những người biểu tình bị hành hung tại ngay nơi biểu tình, bị hốt về đồn công an tra khảo, xách nhiễu không trừ một ai. Các trò tiểu nhân hèn hạ như ném phân, ném mắm tôm vào những người biểu tình nay được tăng cường thêm bằng trò nhẩy đầm theo điệu nhạc Tầu để át giọng đoàn người tưởng niệm những người Việt hy sinh trong cuộc chiến biên giới.
Người ta tin rằng việc đó xẩy ra chỉ vì vài câu than phiền, hăm dọa của bọn thái thú Tầu. Một cái trung tiện của thằng Tầu mặt thịt Tập Cận Bình cũng đủ làm cho cả bọn run sợ phải lập tức quay lại đàn áp những tiếng nói yêu nước.
Mới đây, ngày 26 tháng 12 năm 2013, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tới thăm Tĩnh Quốc thần xã (đền Yasukuni) ở Tokyo bất chấp những phản đối bực bội của Bắc Kinh, Hán Thành và Bình Nhưỡng. Đền Yasukuni là nơi thờ các binh sĩ Nhật đã hy sinh trong các cuộc chiến của Nhật. Chuyến viếng thăm diễn ra giữa lúc đang xẩy ra những căng thẳng tại khu vực biển Hoa Đông.
Bố bảo cũng không có thằng ba Tầu nào bảo đàn em đến nhẩy đầm phá thối chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe.
Vì ở ngoài Việt Nam, không có trò nham nhở và vô giáo dục như ở vườn hoa Chí Linh bao giờ.

Ngày 21 tháng 2 năm 2014
Bạn ta,
Chuyện xẩy ra ở một trường trung học thuộc huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Bức hình của báo Dân Trí cho thấy đó là một ngôi trường hai tầng khang trang, trước cửa trường có những chiếc ghế đá, sân trường khá sạch sẽ. Trên lầu hai có hàng chữ "TIÊN HỌC LỄ – HẬU HỌC VĂN".
Phụ huynh đem con đến học chắc là phải yên trí lắm. Ngày nay, chuyện lễ nghĩa, đạo đức không còn có được bao nhiêu quan tâm ở các trường học trong nước nữa. Nữ sinh đi học lấy chuyện son phấn làm đầu, nam nữ ôm nhau thoải mái ngay trong sân trường. Thỉnh thoảng lại xẩy ra chuyện học sinh ghen tuông, cướp bồ của nhau đưa tới đánh nhau ngay trong lớp, xé áo, tụt quần, giật tóc, tung chưởng tàn bạo trong lúc bạn bè đứng quanh hò reo cổ võ, lấy điện thoại thu video rồi đem lên internet để "sẻ chia" (?) với nhau.
Nhưng chính tại ngôi trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ này lại vừa xẩy ra một chuyện đang làm xôn xao internet. Hôm 21 tháng trước, trong lớp 11A1, khi thấy các học sinh làm ồn, giáo sư phụ trách môn hóa học của lớp đã tát vào mặt một học sinh mấy cái ngay trước các học sinh đang ngồi ở dưới. Một nam học sinh liền xông lên bênh bạn cũng bị ông thầy tát cho hai cái. Lập tức, người học sinh này liền đánh trả ông thầy bằng một cú lên gối rất ngoạn mục. Tất cả mọi hành động kể trên đều được thu video và đoạn video này đã được đưa lên internet ngay sau đó.
Như vậy không thể nói là "tiên học lễ được". Câu nói của cụ Khổng đã không được áp dụng trong ngôi trường có kẻ câu châm ngôn bằng chữ lớn ở ngoài cửa. Vào đến trong lớp, là họp chợ ngay, chuyện học văn là chuyện ... sau. Cả lớp ồn lên, ông thầy giảng thì ông thầy nghe, công thức hóa học thì thầy mang về mà ăn. Chúng tôi quần áo hoa hoét ngồi dưới còn bận tính chuyện đi chơi đã. Quá "bức xúc" quá, ông thầy liền tát tai một học sinh trên bục, và trận chiến liền bùng nổ.
Đoạn video thu trong lớp đã ghi lại đầy đủ. Như thế không phe nào còn chối được nữa. Ông thầy bị gọi đi gặp ban giám hiệu, đã phải xin lỗi về hành động nóng giận quá đáng của mình. Hai học sinh cũng nhận lỗi của họ. Trường cho biết mối quan hệ giữa thầy và trò đã trở lại bình thường. Nhưng dư luận trên mạng thì vẫn tiếp tục xôn xao về chuyện này. Tuy thế, có một chi tiết mà thoạt đầu, tôi đã không nhìn thấy. Có thể là vì những cái tát và cú lên gối trông hào hứng hơn. Tôi đã không thấy hàng chữ in kẻ trên tường ở phía trên của tấm bảng. Dòng chữ đó nguyên văn như thế này:" HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH". Trên hàng chữ này là bức chân dung của bác đang nhìn xuống.
Bác âu yếm nhìn xuống theo dõi các cháu của bác có làm theo đúng lời bác dậy không . Chắc bác đã thấy chúng nó học tốt, làm tốt lời bác dậy, đúng tấm gương đạo đức bác đã để lại cho các cháu từ mấy chục năm nay. Đó là học sinh mà không học thì ông tẩn bỏ mẹ. Thầy mà lạng quạng, trò sẽ đập đến nơi đến chốn. Cha mẹ còn bị lôi ra tố khổ đến chết trong chiến dịch cải cách ruộng đất thì thằng cha thầy cà chớn bị cho một cú lên gối cho nó chừa cái trò phong kiến của nó là đúng đạo đức của bác rồi còn chó gì nữa.
Bác dậy cái gì, cháu nghe và thực hành ngay đấy chứ.
Còn mấy cái bác thầy Tầu như cái bác Khổng Tử hay bác Vương Ứng Lân trong Tam Tự Kinh mới là ấm ớ. Nào là tiên học lễ, hậu học văn, nào là dưỡng bất giáo, phụ chi quá, giáo bất nghiêm, sư chi nọa, hay đọa hay họa thì cũng vậy. Không chịu update gì hết.
Nhưng sự thực thì bác Hồ làm quái gì có đạo đức để cho các cháu ngoan học theo, làm theo!

Ngày 20 tháng 2 năm 2014
Bạn ta,
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
(Bùi Giáng)
Thôi đúng nó rồi. Nhưng tại sao nó lại ở Cam Ranh? Tôi nghĩ nó phải ở lại Sài Gòn sau khi nó xuống tầu. Lúc ấy thì tôi không ở Sài Gòn mà ở một nơi cách Sài Gòn vài ba ngàn dặm nên gặp nó là chuyện không thể được. Lý ra, nó phải xuống tầu ở Sài Gòn và ở lại đó, vì lúc ấy, chắc không có ai rước nó về Cam Ranh. Giản dị là vì Cam Ranh lúc ấy vẫn còn là một thị trấn nhỏ và nghèo, chắc không có ai đem nó về cái thành phố ấy. Nhưng bây giờ thì nó đang ở Cam Ranh. Người chủ đầu tiên của nó bây giờ đang ở đâu? Rõ ràng nó không còn ở với ông nữa. Tôi nghĩ khi ông đem nó về nhà, chắc ông khoảng trên dưới ba mươi. Phải ở tuổi đó ông mới thích nó. Trẻ hơn một chút có thể ông chưa đủ tiền để đem nó về nhà, thêm nữa, tuổi trẻ thì thích những thứ khác chứ không thích nó. Nói đúng ra, nó hơi già, không thích hợp với những người dưới tuổi ba mươi.
Từ đó đến nay đã là 51 năm. Ông bây giờ phải tám mươi ngoài. Không biết ông có còn không, nếu còn, ông có ở Việt Nam không, hay ông lại đang sống ở một nơi khác ngoài Việt Nam.
Cũng như tôi, chắc ông không còn sức để dắt nó, dựng nó trên cái chân chống nữa. Nói chi đến việc đạp cho nó nổ máy, sang số để chạy như ông đã làm hồi hơn nửa thế kỷ trước. Tay trái của ông liệu có còn đủ mạnh để sang mấy cái số tay, bóp cái embrayage như thời ông còn là chủ nó không? Tôi chắc là không.
Nó là chiếc Vespa đời 1963 mà bài viết của một tờ báo trong nước hồi tháng trước cho biết đã tìm thấy nó ở Cam Ranh, của một người chắc chắn phải là chủ mới đã "phục hồi" nó với nhiều bộ phận rời nguyên bản và người chủ mới này vẫn dùng nó để đi lại hàng ngày.
Bài báo cho biết nó ra đời năm 1963. Vậy mà nó, vẫn theo bài báo, tiếp tục chạy mỗi ngày. Trông nó vẫn còn đẹp lắm. Nó ra đời sau chiếc Vespa mà Gregory Peck đã dùng để chở Audrey Hepburn trong phim Roman Holiday. Đèn trước của nó hình tròn, không hình chữ nhật như những chiếc của những năm sau. Nó được thiết kế trên guidon, chứ không nằm trên vè trước như những chiếc ra đời khoảng đầu đến giữa thập niên 50.
Vậy mà tôi cũng rất thích cái kiểu cũ đó, nên thỉnh thoảng tôi lại lôi cuốn phim đen trắng của William Wyler ra xem cũng chỉ vì muốn thấy lại nó. Nó cũng như lời bài hát của Mireille Mathieu:
Les bicyclettes de Belsize
nous ont porté tous deux
et nous roulions amoureux
main dans la main
Seul le ciel tendre et bleu
se mirait dans nos yeux
nos yeux d’enfants heureux
souvent je rêve encore
aux bicyclettes de Belsize...
Nó cũng như những chiếc xe trong bài hát, đã chở chúng tôi suốt một thời, trong những con mắt hạnh phúc tuổi trẻ...
Người chủ mới, không biết là người thứ mấy, đã sơn nó lại, dùng đúng mầu xanh nguyên thủy. Cái bánh secours gắn phía trước, không ở phía sau porte bagage như những chiếc ra đời trước nó.
Khó có thể tất cả các bộ phận của nó còn ở tình trạng nguyên thủy. Nhưng người chủ mới đã mua lại được những món bị hư hỏng, rỉ sét. Ông phải mất rất nhiều công để kiếm được những thứ của chính hãng Piaggio sản xuất để gắn cho nó. Duy có hai chi tiết không đúng lắm về nó, chiếc đang ở Cam Ranh, đó là những cái chụp bánh được gắn thêm ngôi sao ba cánh của những chiếc Mercedes. Đó là chi tiết không cần thiết khiến nó không còn nét trung thực của những chiếc Vespa Piaggio nữa. Thứ hai là chủ mới của nó tháo bỏ hẳn cái yên sau, chỉ để lại chiếc porte bagage bằng sắt vuông. Còn tất cả những thứ khác thì đều đúng nguyên bản.
Nhưng không có cái yên sau , chiếc xe trông như thiếu một phần rất đáng yêu của nó. Nó chưa phải là cái yên liền như của những chiếc từ năm 1965 trở đi. Chính cái yên bọc simili ở đằng sau cũng là một phần không thể có của nó. Không thể có chuyện chủ nó chỉ dùng nó cho một mình ông. Chắc chắn ông đã phải dùng nó để chở một người khác trên những con đường Sài Gòn thời ấy. Người ngồi sau không ngồi với hai chân hai bên thùng xe, mà bao giờ cũng để hai chân qua một bên. Cách ngồi đó luôn luôn đẩy người ngồi hơi rướn mình về phía trước để áp sát vào lưng người lái xe. Khi mới quen thì một tay nắm lấy cái tay vịn trên yên người ngồi trước. Và khi sự quen biết trở nên thân tình hơn, thì cái lưng , cái eo hay cái vai người ngồi trước trở thành nơi để vịn rất an toàn, chắc chắn và lãng mạn, tình tứ.
Ngọ của Phạm Thiên Thư sau những ngày "anh theo về" có thể đã lên ngồi ở chiếc yên sau bằng cái dáng như thế... tóc dài tà áo vờn bay.
Người chủ đầu tiên của nó có thể sau vài ba năm đã tìm ra một công dụng mới của khoảng không gian giưã cái ghế ngồi phía trước và cái vè khi một đứa bé được đỡ lên cho đứng ở chỗ để chân của người cha trong những lúc đi chơi ở Sài Gòn. Có thể đứa con thứ hai cũng được cho đứng thêm ở đó để gia đình đoàn tụ trên chiếc Vespa 1963 đó cho đến cái ngày oan nghiệt của năm 1975. Có thể chiếc xe bị bỏ lại đâu đó trên đường ra bến tầu, ra phi trường, hay để lại trong căn nhà của họ.
Nó sang tay người khác, rồi người khác, có thể một người khác nữa để cuối cùng nó ra Cam Ranh với người chủ mới.
Nhưng cũng hạnh phúc cho nó vì người chủ mới đã rất yêu quí nó, đã cho nó một đời sống mới mà nó rất xứng đáng được hưởng. Có thể nó đã trải qua vài ba năm nằm im ở một góc nhà nào đó. Vì thiếu con vít lửa chẳng hạn. Hay không tìm được những cái lốp mới để thay cho những cái lốp cũ.
Những đứa bé từng đứng trên nó để người cha chở chúng đi khắp Sài Gòn nay đã ngoài bốn mươi tuổi, may lắm là còn giữ được mấy bức ảnh cũ đen trắng của một thời mà chúng chắc không còn nhớ được bao nhiêu.
Người đàn ông chủ đầu tiên của nó không biết nó đã lưu lạc về Cam Ranh hay chưa? Ông có bao giờ thắc mắc chiếc xe cũ của một thời tuổi trẻ của ông đã lưu lạc về đâu? Gặp lại nó liệu ông có còn nhận ra nó không? Khi bàn tay ông đụng vào chiếc guidon của nó, liệu nó có nhớ lại bàn tay từng dắt nó vào nhà, từng lái nó trên những con đường cũ của cái thành phố chưa từng đổi tên đó hay không?
Objets inanimés avez vous donc une âme
Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer?
Mấy câu của Alphonse de Lamartine chiều nay lại bỗng dưng trở lại.
Có chứ, chiếc Vespa 1962 chưa chắc đã là một đồ vật không có đời sống, không linh hồn vô tri vô giác. Nó vẫn bám mãi vào tâm hồn của chúng ta và buộc tâm hồn của chúng ta phải yêu mãi lấy nó.
Tôi rất yêu cái Vespa 1963 đó mặc dù tôi không bao giờ đi một chiếc Vespa. Nhưng chiếc Lambretta 150li của tôi thì có khác nó bao nhiêu đâu. Có khi chúng nó đã từng đứng cạnh nhau tại một chỗ giữ xe nào đó ở Sài Gòn. Có thể chúng đã gặp nhau ở một con đường nào ở Sài Gòn khi đèn đổi sang mầu đỏ mấy chục năm trước.
Chiếc Lambretta cũ của tôi chắc không có được một đời sống tốt đẹp như chiếc Vespa 1963 ở Cam Ranh. Có thể nó đã chết đâu đó ở ngoài Bắc sau khi được lấy đi từ một con đường Sài Gòn khi chú em út của tôi quăng nó lại trên đường chạy ra phi trường hôm cuối tháng Tư năm 1975.
Tôi nhớ nó, nhớ cái yên của nó, trên đó tôi đã chở người bạn một thời xa cũ. Nhớ nó những lần đậu dưới gốc cây trên me đường Tự Do, trong căn nhà xe của ngôi trường tôi dậy, nhớ nó vẫn được mấy người học trò nhỏ ngồi lên khi chờ vào lớp, nhớ cái coffre tôi đựng chiếc áo mưa để đề phòng những cơn mưa thình lình của Sài Gòn, nhớ cái vè bên trái đầy những vết xước của những đôi guốc của người ngồi ở yên sau, nhớ một thời tuổi trẻ của chúng tôi.
Nay không còn nữa. Nó đã chết ở một nơi nào đó.
Cây liễu ở Chương Đài đã sang tay của một, hay cũng có thể là nhiều người khác.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

ORDERS / REQUESTS
Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học đã được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2014.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Trong bài học hôm nay, Trúc Giang có một câu hỏi nhờ ông thầy giải đáp.
TRÚC GIANG
Thưa chú, con gái thứ hai của cháu mấy hôm trước không biết học được ở đâu mấy câu đanh đá dễ sợ. Cả một buổi chiều, nó cứ khuỳnh tay nói với chị nó là "Say please... say please". Con chị phải chịu thua, chị nó phải nói "Please" nó mới chịu làm theo lời chị nó.
QA
QA cũng có một kinh nghiệm tương tự hồi mấy đứa con QA còn nhỏ. Đứa nhỏ nhất một hôm nói với anh chị nó rằng "I don’t want you to order me around". Lúc ấy nó chỉ mới 7 tuổi. Sao mà sớm học được những chuyện hay thế.
BBT
Cô nói đó là chuyện hay thì rất đúng. Nó không muốn bị anh chị nó bắt nạt, ra lệnh này nọ, muốn gì phải nhẹ nhàng, lễ phép. Đó là chuyện hay và đúng chứ. Ngay cha mẹ khi nói với con cái, người Mỹ cũng rất nhẹ nhàng. Tôi nhớ chú bé con ông bà chủ nhà tôi trọ học hồi mấy chục năm trước cũng thế. Một hôm tôi bảo nó đóng cửa lại, nó cũng khuỳnh tay bắt tôi "say please" mới chịu làm theo. Tôi phải chịu thua. Muốn cho mệnh lệnh dễ nghe một chút thì chúng ta bọc đường nó lại cho dễ nuốt. Thể IMPERATIVE được dùng để đưa ra một mệnh lệnh, hay một lời khuyên, hay một yêu cầu. Nếu là mệnh lệnh thì không cần phải lễ phép gì nhưng nếu là đề nghị hay một yêu cầu, hay một lời khuyên thì cũng nên nhẹ nhàng một chút.
TRÚC GIANG
Thưa chú, hình như những câu IMPERATIVE này không cần phải có chủ từ phải không?
BBT
Đúng vậy, vì khi ra lệnh thì thường lệnh được đưa ra trực tiếp, nói thẳng với người mà chúng ta ra lệnh, mà thường là ngôi thứ hai (YOU) đang đối diện với chúng ta.
QA
Thưa anh, người ta có thể ra lệnh cho ngôi thứ BA (HE, SHE, THEY) không?
BBT
Được, nhưng vẫn phải qua ngôi thứ HAI trước. Thí dụ TELL HIM TO COME EARLY là (anh hãy) bảo nó đến sớm. Lệnh được đưa ra cho ngôi thứ HAI và nhờ ngôi thứ hai chuyển lại cho người không có mặt.
TRÚC GIANG
Thưa chú, người ta có thể ra lệnh cho chính mình không? Có thể ra lệnh cho chính chúng ta không?
BBT
Được chứ. Thí dụ khi chúng ta nói "để tôi nghĩ coi..." thì đó là đề nghị cho chính tôi: LET ME THINK... Nếu đề nghị đó là cho nhiều người trong đó có tôi, tức là chúng tôi hay chúng ta thì câu đó sẽ là LET US STAY AT HOME...
TRÚC GIANG
Thưa chú, còn khi đề nghị không, đề nghị không làm một việc gì hay một việc gì thì chúng ta nói thế nào?
BBT
Chúng ta thêm NOT vào sau ME hay US để thành LET ME NOT hay LET US NOT, hay LET’S NOT. Thí dụ LET ME NOT GO IN THERE nghĩa là đừng để tôi vào, hay LET’S NOT TELL HIM ABOUT HER là chúng ta không nên nói cho anh ta biết về cô ấy...
QA
Vậy thì nếu muốn cho mệnh lệnh biến thành một đề nghị hay một yêu cầu, thì chúng ta cứ thêm PLEASE và đầu hay cuối câu là được phải không thưa anh?
BBT
Đúng như thế. PLEASE CALL ME TOMORROW hay CALL ME TOMORROW, PLEASE thì cũng như nhau vậy. Nhưng đưa PLEASE ra phía sau thì lời yêu cầu hay lời đề nghị có vẻ khẩn khoản hơn. Nhấn mạnh vào chữ PLEASE ở cuối câu cũng sẽ làm cho vẻ khẩn khoản tăng thêm.
TRÚC GIANG
Thưa chú, chắc là còn nhiều cách khác để đưa ra những đề nghị chứ?
BBT
Trúc Giang nói đúng. Dùng động từ CAN trong thể hỏi cũng được. Thí dụ thay vì nói OPEN THE DOOR thì chúng ta có thể nói CAN YOU OPEN THE DOOR? Lễ phép, nhẹ nhàng hơn thì thêm PLEASE ở cuối để thành CAN YOU OPEN THE DOOR, PLEASE?
QA
QA còn thấy thay vì dùng CAN, người ta dùng COULD. Nhu vậy có khác gì không?
BBT
Không. COULD nghe lễ phép, nhẹ nhàng hơn CAN. Thí dụ COULD YOU SAY THAT AGAIN, PLEASE? Chữ PLEASE ở cuối luôn luôn lên giọng, không xuống giọng. Đó là một câu hỏi. Cũng có thể dùng WILL hay WOULD để thay thế cho CAN và COULD. Ý nghĩa không thay đổi. Tất cả đều được dùng để đưa ra những đề nghị hay yêu cầu.
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu còn nghe người ta dùng động từ MIND để xin phép hay đề nghị nữa phải không chú?
BBT
Đúng. TO MIND nghĩa là phiền. Trong tiếng Việt, chúng ta cũng có cách dùng này như khi nói "Phiền ông đóng cái cửa lại" nghĩa là tôi biết chuyện tôi nhờ sẽ làm phiền ông nhưng xin ông làm cho tôi được không?
Cách đặt câu ấy như thế này: DO YOU MIND hay WOULD YOU MIND ... sau đó là một VERB+ING. Thí dụ DO YOU MIND CLOSING THE DOOR? hay WOULD YOU MIND CLOSING THE DOOR? Để ý là WOULD YOU MIND nghe lịch sự và lễ phép hơn DO YOU MIND. Trúc Giang và QA cho nghe mỗi cô 3 thí dụ với WOULD YOU MIND coi.
TRÚC GIANG
WOULD YOU MIND SPEAKING UP A LITTLE BIT?
WOULD YOU MIND PICKING UP THE PHONE FOR ME?
WOULD YOU MIND COMING A BIT EARLY TOMORROW?
QA
WOULD YOU MIND MAILING THIS LETTER FOR ME?
WOULD YOU MIND TAKING OUT THE TRASH?
WOULD YOU MIND DRIVING A BIT FASTER, PLEASE?
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ đến cách chúng ta trả lời mấy lời yêu cầu hay đề nghị đó.
Khi người ta nhờ đóng cái cửa lại: COULD YOU CLOSE THE DOOR? mà chúng ta đồng ý thì chúng ta trả lời thế nào Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu sẽ trả lời là OK, hay YES, hay SURE, hay CERTAINLY, hay OF COURSE, hay NO PROBLEM...
BBT
Đúng vậy. Thế bây giờ tôi nhờ QA bỏ giùm lá thư ở bưu điện: WOUD YOU MIND MAILING THIS LETTER? thì cô trả lời thế nào?
QA
QA cũng sẽ nói OK hay YES, hay SURE, hay CERTAINLY, hay OF COURSE.
BBT
Như vậy là cô sẽ không giúp tôi rồi. Tôi sẽ phải ra bưu điện bỏ lá thư vào thùng thư.
QA
Thưa anh, QA sẵn sàng giúp anh chứ. Chuyện nhỏ mà anh!
BBT
Tôi thì lại hiểu là không nhỏ. Lý do là vì tôi hỏi là cô có phiền mang lá thư này ra bưu điện bỏ vào thùng thư cho tôi không thì cô trả lời là có, chắc chắn, tự nhiên ... thì tôi phải hiểu là cô rất phiền, cô không muốn làm việc tôi nhờ chút nào.
QA
Trời đất, không phải vậy. Bây giờ QA hiểu. QA phải trả lời là NO, hay I DON’T MIND, hay CERTAINLY NOT mới được phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Hỏi có phiền không thì phải nói là không phiền người ta mới dám nhờ chứ. Tuy nhiên, trong lúc nói chuyện, nhiều khi chúng ta vẫn có thể lầm, định nói không phiền thì lại nói là phiền lắm. Vậy thì chắc ăn nhất thì trả lời bằng chữ OK là khỏi gây hiểu lầm. Thí dụ WOULD YOU MIND HELPING ME WITH THE VACCUMING thì cứ nói OK...OK là được. Hay WOULD YOU MIND SPEAKING LOUDER? Trả lời là OK. WOULD YOU MIND SETTING THE TABLE? Trả lời OK. Không cần nói YES hay NO để khỏi bị hiểu lầm.
TRÚC GIANG
Cháu cũng thấy có khi người ta không nói cả câu, mà chỉ nói DO YOU MIND? hay WOULD YOU MIND? Như thế là làm sao thưa chú?
BBT
Đó là trong trường hợp chuyện đã quá rõ ràng, không cần phải nói hết cả câu. Thí dụ có người đứng chặn lối đi, tôi không vào được trong nhà, thì chỉ cần nói DO YOU MIND? hay WOULD YOU MIND? là phía bên kia nghe hiểu liền, khỏi cần phải nói cả câu DO YOU/ WOULD YOU MIND LETTING ME GO THROUGH? Nhưng khi nói DO YOU MIND? hay WOULD YOU MIND? và không nói cả câu thì người ta thấy có sự khó chịu ở trong lời yêu cầu rồi. Người ấy sẽ nhích sang một bên để nhường cho tôi đi qua nhưng ánh mắt rõ ràng là có sự không vui.
QA
Bây giờ đến lượt QA có câu hỏi. Xin anh cắt nghĩa sự khác nhau và cách dùng của WOULD RATHER và WOULD PREFER.
BBT
WOULD RATHER và WOULD PREFER có nghĩa giống hệt nhau. Cả hai đều đưa ra một lựa chọn rõ ràng nào đó. Thí dụ có hai lựa chọn một là ở nhà, hai là đi picnic. Chọn việc gì thì dùng WOULD RATHER hay WOULD PREFER cho việc đó. Lựa chọn ở nhà thì nói I WOULD RATHER STAY HOME. Nhưng nếu dùng WOULD FREFER thì theo sau phải là một động từ (INFINITIVE) có TO ở trước: I WOUD PREFER TO STAY HOME. Hai cô cho nghe thí dụ với WOULD RATHER và WOULD PREFER coi.
QA
WE WOULD RATHER LIVE IN CALIFORNIA. WE WOULD PREFER TO LIVE IN CALIFORNIA.
TRÚC GIANG
I WOULD RATHER STUDY FRENCH. I WOULD PREFER TO STUDY FRENCH.
BBT
Người ta thường nói tắt chữ WOULD và viết là ‘D RATHER hay ‘D PREFER. Thí dụ nói I’D RATHER READ A BOOK hay I’D PREFER TO READ A BOOK.
Nhưng WOULD RATHER có một chi tiết đặc biệt như thế này: khi nói về hành động của những người khác , chúng ta dùng PAST TENSE sau WOULD RATHER mặc dù việc làm đó sẽ chỉ xẩy ra trong hiện tại hay trong tương lai . Thí dụ I WOULD RATHER YOU MET HIM AT HOME. Hay WE WOULD RATHER HIM TOOK A TAXI. Hay I WOULD RATHER THE CHILDREN WENT TO BED EARLY. Hai cô cho nghe mỗi cô ba thị dụ tương tự như ở trên coi.
QA
I WOULD RATHER THEY BOUGHT A NEW CAR.
I WOULD RATHER YOU ARRIVED EARLY TOMORROW.
I WOULD RATHER MY CHILDREN STUDIED PHARMACY.
TRÚC GIANG
WE WOULD RATHER THEY HELPED HER GETTING A JOB NEXT YEAR.
I WOULD RATHER TOM FINISHED THE GARDEN BEFORE THE WEEKEND.
I WOULD RATHER YOU SPOKE MORE SLOWLY FROM NOW ON.
BBT
Khi đưa ra một sự so sánh giữ hai lựa chọn, chúng ta dùng WOULD RATHER ... THAN. Thí dụ I WOULD RATHER VISIT FRANCE THAN ITALY. QA và Trúc Giang cho nghe thí dụ của hai cô coi.
QA
WE WOULD RATHER EAT AT A JAPANESE RESTAURANT THAN A MEXICAN CANTINA.
I WOULD RATHER LEARN THE GUITAR THAN THE VIOLIN
TRÚC GIANG
I WOULD RATHER COOK THAN WASH THE DISHES.
I WOULD RATHER TALK ON THE PHONE THAN TEXT.
BBT
Nhưng nếu dùng WOULD PREFER thì vế sau của sự lựa chọn phải là RATHER THAN. Thí dụ I WOULD PREFER KOREAN FOOD RATHER THAN CHINESE FOOD. Hai cô đặt cho tôi mỗi cô hai thí dụ với I WOULD PREFER... RATHER THAN coi.
TRÚC GIANG
I WOULD PREFER ELVIS PRESLEY RATHER THAN TOM JONES.
I WOULD PREFER BEEF RATHER THAN PORK.
QA
I WOULD PREFER COFFEE RATHER THAN TEA.
I WOULD PREFER VISITING ITALY RATHER THAN GREECE.
QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.