Saturday, 15 March 2014

Putin được Crimée nhưng đưa nước Nga vào ngõ hẹp

Từ khi trở lại điện Kremli vào năm 2013, tổng thống Nga Vladimir Putin đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác : Từ thành công bịt miệng đối lập trong nước đến làm thất bại Tây phương ở Syria và chuẩn bị sáp nhập Crimée. Lãnh đạo Nga ngày càng tự tin nhưng nước Nga có nguy cơ phải trả giá đắt.

Binh sĩ được cho là của Nga  tại Simferopol,Crimée, ngày 3  mars 2014.
Binh sĩ được cho là của Nga tại Simferopol,Crimée, ngày 3 mars 2014.
REUTERS/David Mdzinarishvili

Trong cuộc đọ sức với Tây phương để khẳng định một chỗ đứng ngang hàng với Mỹ trên bán cờ thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thắng một ván cờ ngoạn mục. Quân đội Nga đã chiếm được một lãnh thổ của nước ngoài tại châu Âu bất chấp phản ứng bất bình của các thủ đô Tây phương. Khi đưa quân kiểm soát bán đảo Crimée của Ukraina nơi mà đa số dân cư nói tiếng Nga, sau khi thay đổi chính quyền tại Kiev, nước Nga của Vladimir Putin đã tiến thêm một bước dài trong chính sách khẳng định sức mạnh quân sự. Trên đây là nhận định của AFP tổng hợp phân tích của nhiều chuyên gia Nga.

Theo nhà chính trị học người Nga Gleb Pavlovski, nguyên là cố vấn chính trị của điện Kremli, thì ở Tây phương, không một nước nào sẵn sàng đổ máu vì bán đảo Crimée. Ông dự báo Tây phương sẽ phải vất vả tìm một giải pháp. Đoạt được Crimée là đỉnh điểm trong thế đang lên của ông Putin sau khi Thế vận hội mùa đông tại Sotchi kết thúc thành công, một chiến dịch phô trương uy thế cá nhân do chính tổng thống Nga trực tiếp chỉ đạo.

Cựu cố vấn chính trị của Tổng thống Nga kết luận : Putin từ nay là trung tâm của cuộc khủng hoảng này và khả năng hành động của ông gia tăng gấp bốn lần . Chính Putin chứ không phải là Tây phương định đoạt số phận của cuộc cách mạng Ukraina. Cũng trong chiều hướng này, giáo sư Nicolai Petrov, thuộc trường cao đẳng kinh tế Matxcơva thẩm định Tổng thống Nga cảm thấy hăng hái vì nghĩ rằng Tây phương đã yếu và luật chơi mới bây giờ là kẻ mạnh sẽ thắng.
Trước khi can thiệp quân sự vào Crimée với một kịch bản có lẽ được chuẩn bị chu đáo với bước kết tiếp sáp nhập bán đảo này qua trưng cầu dân ý vào chủ nhật tới, chủ nhân điện Kremli đã làm Tây phương thất bại tại Syria. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga liên tục dùng quyền phủ quyết bác bỏ mọi nghị quyết trừng phạt chế độ Damas rồi tung sáng kiến « hợp tác » kiểm soát vũ khí hóa học của Syria buộc Mỹ, Pháp phải từ bỏ giải pháp oanh kích, nhờ vậy mà chính quyền Bachar al-Assad, đồng minh của Nga, tồn tại đến hôm nay.

Trước đó nữa, vào mùa đông năm 2012, để đối phó với một làn sóng biểu tình có khi lến đến hàng trăm ngàn người phản đối chế độ tham nhũng và gian lận bầu cử, Vladimir Putin đã đáp trả bằng những biện pháp trấn áp thô bạo nhất, kiểm duyệt thông tin, bắt nhốt đối lập nhưng pha lẩn một số động thái xoa dịu như trả tự do cho các nữ ca sĩ ban nhạc Pusy Riot và nhà tỷ phú Mikhail Khodorkovski hồi cuối năm 2013.

Theo giáo sư Nicolai Petrov thì Putin đã bắn một mũi tên mà trúng hai con chim : Khai thác áp lực của Tây phương để gia tăng trấn áp trong nước, vừa cô lập được thành phần xã hội ưu tú vừa chiếm cảm tình của thành phần quần chúng bình dân mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan.

Theo AFP, 14 năm tính từ khi được cố tổng thống Yelsin bổ nhiệm làm thủ tướng trong bối cảnh nước Nga suy sụp, cựu trung tá KGB, năm nay 61 tuổi, đã củng cố được cho mình thế độc tôn và xây dựng một chế độ chính trị độc đoán. Chuyên gia Petrov dự đoán chế độ theo mô hình « pháo đài bị vây hãm » này chỉ tồn tại trong ngắn hạn ít nhất là cho đến khi Putin hết nhiệm kỳ.

Câu hỏi đặt ra là hệ quả sẽ ra sao cho nước Nga và dân Nga ?

Giáo sư Nikolai Petrov cho rằng ông Putin thiếu tầm nhìn xa trên hồ sơ Ukraina. Kịch bản đối đầu do ông lựa chọn sẽ đi vào ngõ cụt. Chiến thắng hôm nay nhưng sẽ trả giá rất đắt về chiến lược và kinh tế ngày mai. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, đồng rub trượt giá mỗi ngày, tư bản chạy ra nước ngoài thay vì đầu tư trong nước, nếu các biện pháp trừng phạt được thi hành thì Nga bị thiệt hại nhiều hơn Tây phương.

Vì không thực hiện được lời hứa nâng cao mức sống của người dân, con đường đấu sức với Tây phương sẽ đưa Nga vào lối mòn « liên xô cũ » với ngân sách quốc phòng quan trọng, tiền bạc không dùng để xây trường học và đường xá nhưng lại đổ vào sản xuất súng đạn, xe tăng. Đó là nhận định của bà Lilia Chevtsova, nhà phân tích của viện nghiên cứu Carnegie Center.
Hay nói như Nikolai Petrov : "Nước Nga là con tin của Putin".

Crimea: Di Hại CS Để Lại

Vi Anh
Một người biểu tình tại  Simferopol ngày 11/03/2014 với tấm bảng mang dòng chữ “Putin – Kẻ chiếm đóng”.
Putin – Kẻ chiếm đóng

Cuộc khủng khoảng ở Crimea bây giờ là hậu quả của Cộng sản trong thời Chiến Tranh Lạnh đã để lại. Những di hại này đang diễn biến thành Chiến tranh Lạnh lần thứ hai. Mỹ và Liên Âu ủng hộ Ukraine như Thế Giới Tự do ngăn chận, chống lại Nga hậu thân của Liên xô đưa quân đến chiếm Crimea của Ukraine.

Một, là vụ Nga tái chiếm Crimea. Lịch sử chỉ rõ bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga rất lâu, lâu lắm, cả hơn mấy trăm năm. Mãi đến năm 1954, Ô. Nikita Khrushchev, Chủ Tịch Đảng Nhà Nước Liên bang xô viết, nhưng là người gốc Ukraine ký giao bán đảo Crimea cho Ukraine, một nước lúc bấy giờ bị CS sáp nhập vào Liên bang xô viết. Mà lúc ấy Nga ‘chủ đạo’ Liên bang xô viết nên người Nga ở Crimea không thấy mình mất quê hương trên quê cha đất tổ hằng mấy trăm năm của mình.

Theo lịch sử Nga đã chính thức sát nhập vùng đất này vào lãnh thổ nước Nga năm 1783, sau cuộc chiến Nga với đế quốc Hồi Giáo Ottoman. Trong ba năm chiến tranh, Nga thua liên quân Ottoman, Pháp, Anh và Sardinia, nhưng Crimea vẫn còn là lãnh thổ của Nga. Trong chiến tranh CS chống Nga hoàng, chống Phắc xít, Crimea vẫn còn là của Nga. Chiến thắng Thế Chiến 2, Liên bang xô viết nâng Crimea thành nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa tự trị gọi là Crimea Oblast, là một phần của Liên bang Xô viết. Năm 1954 Nikita Khrushchev chuyển giao Crimea Oblast cho Ukraine.

Khi Liên xô sụp đổ, Boris Yeltsin vẫn để Crimea thuộc Ukraine. Năm 1991,Ukraine tuyên bố độc lập. Ukraine và Nga ký hiệp ước cho phép Nga đóng hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Hiệp ước sau đó được gia hạn tới năm 2042.

Mãi cho đến mới đây, khi dân chúng Ukrain lật đổ chánh quyền của TT Viktor Yanokovich thân Nga, không ký hiệp ước với Liên Âu, trái với nguyện vọng của dân chúng, nên bị dân chúng biểu tình truất phế và đào thoát sang Nga cầu viện. Nga cho quân sang chiếm đóng Crimea và nghị viên Crimea ra nghị quyết trưng cầu dân ý sát nhập với Nga.

Chánh quyền tân lập Ukraine, Liên Âu và Mỹ chống quyết liệt, tẩy chay không họp G8 với Nga, không liên quan quân sự, không cấp visa, phong toả tài sản những giới chức Nga và Ukrain liên quan đến cuộc khủng khoảng Ukraine. Như Chiến Tranh Lạnh lần thứ hai đang tái diễn.

TT Putin của Nga tái chiếm Crimea lãnh thổ của Nga do Chủ Tịch Đảng Nhà Nước Liên xô Khrushchev cắt giao cho Ukraine. Thời CS tinh thần quốc gia bị ý thức hệ CS vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo áp chế, coi việc làm của Khrushchev là một pháp lịnh hành chánh bình thường. Nhưng thời hậu CS, tinh thần quốc gia hầu hết trên thế giới hồi sinh và trổi dậy như giá trị thiêng liêng, như tình nghĩa, cảm nghĩ thuộc về nhau của quốc gia dân tộc. Bên cạnh những lý do chánh trị, ngoại giao, tinh thần quốc gia dân tộc Nga là yếu tố chủ động khiến TT Putin là một người Nga không thể để 60% người Nga ở Crimea mất quê hương trên quê cha đất tổ Nga của mình, không thể để lực lượng quân sự của Thế Giới Tự do, Liên Âu và Mỹ bây giờ tiến sát biên giới Nga nếu Ukraine đi với Liên Âu hay gia nhập tổ chức Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương có từ thời Chiến Tranh Lạnh lần thứ nhứt.
TT Putin tái chiếm Crimea là đang giải quyết hậu quả của hành động ‘duy ý chí’, ngược lòng dân, trái địa lý nhân văn do CS Liên xô để lại. Người dân Nga lẫn người dân Ukraine đang chịu những hậu quả kỳ thị chủng tộc do hành động độc tài của CS bất chấp lịch sử của hai dân tộc Nga và Ukrain, gây ra.

Hai, là CS làm nghèo, làm lệ thuộc kinh tế của nước Ukraine. Ukraine là một nước ở Đông Âu có tiềm năng nông nghiệp và kỹ nghệ rất lớn. Ukraine có 1/3 diện tích lãnh thổ, là loại đất đen "tchernoziom" màu mỡ của thế giới, là vựa lúa của Đông Âu, chớ không phải nước nghèo. Thời Liên xô dù bị tập thể hoá, sản lượng Ukraine, một mình nước Ukraine thôi đã bằng ¼ tổng sản lượng nông nghiệp của nguyên cả Liên Bang xô viết. Nông nghiệp tạo công ăn việc làm cho gần 15% dân số trong tuổi lao động và đem về đến hơn 9% tổng sản phẩm nội địa.

Còn về kỹ nghệ, tài nguyên của Ukrain rất phong phú. Ukraine nổi tiếng nhiều than đá, được khai thác từ thế kỷ 19. Chính Liên xô đã thấy nên đưa những cơ xướng sản xuất vũ khí, phuơng tiện chiến tranh về đặt ở đây, và để cả một hạm đội Hắc Hải giữ đường ra biển phía nam của Nga ở đây.

Nhưng thời Liên xô Ukraine không được hưởng vì tài nguyên do Liên xô khai thác chánh yếu là phục vụ cho quốc phòng của Liên xô. Nhứt là trước thời Liên Xô bị đột quị vì chạy đua võ trang với Mỹ trong cái gọi là Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao, Liên xô bòn rút quá nhiều tài nguyên của Ukrain cho liên bang, nên nông nghiệp và kỹ nghệ dân dụng của Ukrain gần như phá sản. Mãi khi tách khỏi Liên xô, chánh quyền quốc gia Ukraine mới cho dân làm chủ miếng đất canh tác, nông nghiêp của Ukraine mới hồi sinh.

Và vì vậy mà thời hậu CS Ukraine tiếp tục bị lệ thuộc Nga. Như Liên xô đối với xô viết Ukraine, Nga tiếp tục khống chế và thao túng kinh tế chánh trị Ukraine. TT Yanukovich thân Nga, gia nô cho Putin, mang công mắc nợ Nga như chúa chổm. Thời Ông, ¾ khối lượng vàng dự trữ của Ukraine đã không cánh mà bay. Ông và vi cánh gởi giấu tiền ăn cướp của công trên 37 tỷ, Mỹ đang giúp làm thủ tục cho tân chánh quyền Ukraine đem về cứu nguy tài chánh kinh tế cho Ukraine. Ông thần phục Nga và ngưng không ký hiệp ước giao thương với Liên Âu. Dân chúng nổi lên lật đổ Ông. Ông trốn sang Nga, cầu viện. Nga lợi dụng chiếm lại Crimea, tạo thành cuộc khủng khoảng như thời Chiến Tranh Lạnh.

Ba và sau cùng, cuộc khủng khoảng do hậu quả của CS thời Chiến Tranh Lạnh gây ra trong việc cắt Crimea giao cho Ukrain và bây giờ Nga hậu CS tái chiếm lại, sẽ là một thách thức cho Ukrain muốn độc lập, tự chủ, cho Liên Âu và Mỹ ủng hộ Ukraine vẹn toàn lãnh thổ, tham gia vào Thế Giới Tự do. Liệu Mỹ và Liên Âu có đủ đoàn kết, cương quyết, kiên nhẫn đối đầu với TT Nga Putin,hậu thân của một sĩ quan cấp trung tá của KGB Liên xô hay không? Nhiều dấu chỉ bi quan, tân Tổng Thống Ukraine đã tuyên bố không đưa quân sang Crimea và sau cuộc gặp gỡ tân Thủ Tướng đi Mỹ đã gặp TT Obama, Mỹ bày tỏ quyết tâm ủng hộ Ukraine nhưng một Ukraine mất Crimea vào tay TT Putin của Nga./.
(Vi Anh)

Cái giá mà Nga phải trả nếu thôn tính Crimée
Căng biểu ngữ kêu gọi người dân tham gia trưng cầu dân ý bỏ phiếu sáp nhập Crimée vào Nga tại Simferopol, ngày 11/3/2014
Căng biểu ngữ kêu gọi người dân tham gia trưng cầu dân ý bỏ phiếu sáp nhập Crimée vào Nga tại Simferopol, ngày 11/3/2014
Reuters/Thomas Peter


















Dù tựa trang nhất các báo Pháp đều dành cho những chủ đề khá khác nhau, nhưng hồ sơ được theo dõi nhất hôm 14/03/2014 vẫn là Ukraina, với vùng Crimée sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào Chủ nhật 16/03 về việc sát nhập vào Nga hay ở lại Ukraina. Các báo đều thiên về giả thuyết Ukraina sẽ mất Crimée, nhưng cái giá mà Mátxcơva phải trả sẽ rất cao, đặc biệt về kinh tế.

Le Monde ở trang quốc tế ghi nhận : « Washington phô trương hậu thuẫn cho Ukraina, nhưng nghĩ là Crimée kể như đã mất ». Le Monde cũng trở lại điểm mà tờ báo cho là thất bại của Đức trong vai trò trung gian thuyết phục Matxcơva. 

Cho đến gần đây trong lúc Washington luôn nói đến trừng phạt, thì Berlin đưa ra chủ trương ‘đối thoại’, nhưng cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ở Crimée đã thay đổi ván bài. Cho dù biết rõ Tổng thống Nga Putin nhưng bà Thủ tướng Đức Merkel đã không ảnh hưởng gì được, và cũng không lường trước được phản ứng của chủ nhân điện Kremly. Phát biểu hôm qua, 13/03, trước Quốc hội Đức, bà Merkel đã nói đến việc ‘thôn tính’ Crimée, và cũng gợi lên trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Để minh họa cho hố đang sâu thêm giữa hai bên, Le Monde trích lời một nhà ngoại giao Đức cho là với những gì đang xẩy ra cho thấy họ có « ngay trước cửa một nước xa lạ (với họ) không kém gì Ả Rập Xê Út ». 

Báo kinh tế Les Echos, dành một tựa trang đầu và nguyên một trang quốc tế, điểm qua những nét chính : « Nga triển khai quân đội chung quanh Ukraina », trong khi « Kerry và Lavrov cố gắng thương lượng ở Luân Đôn ». Tờ báo đồng thời nêu bật vai trò của Đức : « Bà Merkel ở tuyến đầu trực diện với Nga ».

Les Echos cũng nhắc lại như các đồng nghiệp thái độ cứng rắn hẳn lên của Thủ tướng Đức hôm qua, cảnh cáo Nga là nếu Putin tiếp tục chính sách hiện nay thì đó cũng sẽ là một « thảm họa » đối với Nga : Tác hại lớn lao về kinh tế cũng như chính trị.

Giá của Crimée : 20 tỷ euro

Trên bình diện này, Le Figaro nhìn thấy hành động sát nhập Crimée vào Nga rất tốn kém đối với Nga. Theo các chuyên gia, trong trung hạn cái giá của hành động trên là gần 20 tỷ euro.
Le Figaro trích những tuyên bố đưa trên truyền hình Nga, nhiều người tỏ ra hào phóng, đoàn kết với người dân Crimée, mở hầu bao trợ giúp một khi sát nhập. Như thành phố Matxcơva cho biết là sẽ cấp 5000 rúp cho mỗi cựu chiến binh Thế chiến Thứ hai. Nhưng nhìn vào thực trạng kinh tế, với xã hội của Crimée còn rất nghèo, Le Figaro không biết nhiệt tình này kéo dài đến bao giờ.

Tờ báo nêu một vài ví dụ : Matxcơva sẽ phải tài trợ hưu bổng cho những người về hưu ở Crimée mà tỷ lệ trong dân chúng cao hơn 17 điểm so với Nga, và tiền hưu lại vào hạng thấp nhất, thấp hơn cả cộng hòa nghèo Daguestan. Tiền lương tháng trung bình ở Crimée (250 euro), thấp hơn cả các cộng hòa nghèo của Liên bang Nga, do đó không tránh khỏi một sự di dân ồ ạt từ Crimée đến lãnh thổ Nga hiện tại.

Mặt khác Nga còn phải bỏ tiền xây dựng lại hạ tầng cơ sở của Crimée. Về năng lượng, khí đốt, dầu hỏa sẽ phải chuyển đến bằng đường biển tốn kém hơn nhiều so với hiện nay khi đi qua ngả Ukraina.

Theo ước tính các chuyên gia, như nói ở trên, Nga sẽ tốn kém gần 20 tỷ euro trong trung hạn. Vào lúc tình hình kinh tế Nga không mấy tốt đẹp, ngân sách chính phủ khó khăn, Ngân hàng Trung ương Nga lại phải chi hàng tỷ đô la để hổ trợ đồng rúp trong những lúc căng thẳng chính trị cực độ, nhiều người tự hỏi Nga có thể gánh vác như thế nào. Le Figaro trích lời ông Alexei Portanski, giáo sư kinh tế ở Matxcơva : « Người ta khó mà nghĩ chính phủ Nga sẽ đi đến cùng. Đây là điều khó tưởng tượng được ». 

Năm giả thuyết về vụ phi cơ Malaysia mất tích 

Trên trang nhất hôm nay, La Croix chú ý đến số phận « người dân Syria bị nghiền nát sau 3 năm chiến tranh », Libération thì bực tức trước nạn ô nhiễm ở Pháp, mà theo tờ báo đang bị « hun khói ». Riêng Le Figaro thắc mắc trước các « bí ẩn của chuyến bay MH370 (của Malaysia Airlines) đến Bắc Kinh », tít lớn trang nhất. Tờ báo trở lại sự kiện chiếc Boeing của Malaysia Airlines mất tích một cách bí hiểm cách nay một tuần lề - rạng sáng thứ 7, tuần qua. Công cuộc tìm kiếm không có kết quả gì cả dù cả Châu Á đã huy động lực lượng.

Le Figaro nêu lại 5 giả thuyết có thể giải thích sư cố : Máy bay bị không tặc ; tình trạng rạn nứt làm nổ tung máy bay ; phi cơ bị trúng hỏa tiễn, như trường hợp máy bay Hàn Quốc năm 1983 ; một phi công tự vẫn, như chuyến bay Egyptair ngày 31/10/1999, bị rơi xuống Đại Tây Dương với 217 người ; hỏa hoạn trên máy bay.

Trong các giả thuyết trên, thì hỏa hoạn là một yếu tố mà các chuyên gia giữ lại, một phi công tự tử cũng là một khả năng, còn không tặc có lẽ khó hơn, và đến giờ chưa có ai lên tiếng tự nhận là tác giả.

Tờ báo cũng điểm lại những vụ máy bay mất tích kỳ bí, không tìm ra được phi cơ lẫn người. Theo Le Figaro, đấy là những vụ thường xẩy ra trong những thập niên đầu trong ngành hàng không, nhiều phi công biến mất, không thấy dấu tích, nhưng những vụ biến mất này đã trở nên vô cùng hiếm hoi từ 2 thập niên trở lại đây, và chưa bao giờ với số người quan trọng như trên chuyến bay MH370.

Le Figaro nhắc lại trước vụ chiếc máy bay của Malaysia Airlines, thì cũng có một vụ mất tích kỳ bí, đó là vào năm 2003, tại phi trường Luanda, Angola. Nhân viên trung tâm Kiểm soat không luu tận mắt thấy một chiếc Boeing 727, bị giữ lại tại sân bay hơn 14 tháng do vấn đề tài chính, đột nhiên chạy trên phi đạo và cất cánh bất chấp lệnh của đài kiểm soát. Máy bay biến mất cho dù Hoa Kỳ huy động lực lượng tìm kiếm khắp châu Phi.

Một trường hợp khác được Le Figaro nhắc lại là chuyến bay 739 của Flying Tiger Line mà quân đội Mỹ thuê bao năm 1962 để lính Mỹ từ California đến Sài Gòn. Sau tín hiệu radio cuối cùng gởi đi sau khi cất cánh từ đảo Guam, chiếc Super Constellation với số 107 người trên đó, trên đường đến Philippines, đã bỗng dưng biến mất, chưa bao giờ được tìm thấy mặc dù quân đội Mỹ không tiếc sức tìm kiếm trong cả vùng.

Hoạt động kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại 

Châu Á hôm nay được quan tâm với hoạt động kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại như báo Les Echos nêu trong hàng tựa trang quốc tế.

Theo tờ báo, Thủ tướng Lý Khắc Cường duy trì một mục tiêu ‘mềm dẻo’ cho tăng trưởng : 7,5% cho năm 2014. Nhưng tờ báo nhận thấy đôi khi có những sự trùng hợp đáng tiếc về lịch trình : trong lúc Thủ tướng kết thúc khóa họp Quốc hội bằng cuộc họp báo duy nhất trong năm của ông, thì những chỉ số kinh tế tồi tệ đã đến khuấy phá thông điệp của ông, và làm dấy lên e ngại về việc kinh tế Trung Quốc có thể « hạ cánh nặng nề ».

Trong tháng Giêng và Hai, sản xuất công nghiệp tăng 8,2% tính theo mức độ trên một năm, mức thấp nhất kể từ 4/2009. Hàng bán lẻ tăng 11,8%, ít hơn dự kiến là 13,7%. Les Echos nhận thấy mức tăng nói trên không bình thường trong mùa. Lẽ ra nó phải rất cao vì là mùa mua sắm Tết. Các chuyên gia đưa ra giải thích đó là do hệ quả chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, không còn tiệc tùng, quà cáp nhân dịp này. Dứt khoát là chiến dich, mà ông Lý Khắc Cường hôm qua còn nêu bật tầm quan trọng, đã ảnh hưởng lên các chỉ số công bố.
 
Nhìn về ngoại thương, Les Echos không thấy dấu hiệu khả quan : Xuất khẩu giảm 18,1% trong tháng Hai, một sự kiện rất bất ngờ. Cộng lại các yếu tố trên thì quả là kinh tế Trung Quốc trong tình trạng đình đốn vào đầu năm này. Nhiều nhà quan sát còn cho là có lẽ Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu đề ra về tăng trưởng. 

Trung Quốc sẵn sàng bỏ rơi tập đoàn mất khả năng thanh toán

Le Figaro cũng chú ý đến kinh tế Trung Quốc nhưng trên khía cạnh mà tờ báo đánh giá là một cuộc cách mạng : Chính phủ không can thiệp giúp đỡ các tập đoàn không còn khả năng thanh toán. Tờ báo trích thành tựa câu nói của Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm qua trong cuộc họp báo : « Phá sản không thể tránh khỏi »

Le Figaro phân tích là như thế Trung Quốc có vẻ đi theo luật chơi của thị trường, để cho thị trường có một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế của mình. Từ trước đến nay thì Nhà nước Trung Quốc đều tung tiền giúp các tập đoàn mất khả năng thanh toán, không còn khả năng trả tiền lời trái phiếu của mình. Bây giờ thì chính phủ không can thiệp nữa. Quyết định này làm giới đầu tư lo ngại, họ e ngại trái phiếu Trung Quốc cũng sẽ như các trái phiếu « thối » của Mỹ. 

Le Figaro còn nhìn thấy là Thủ tướng Trung Quốc nhắm một mục tiêu khác trong việc này : 

Kiểm soát tín dụng chợ đen, nguồn gốc nợ chồng chất của các công ty Trung Quốc cũng như của các chính quyền địa phương.