Saturday 5 April 2014

Lớp Trẻ Đài Loan Chống TC - Vi Anh


Phong trào sinh viên Đài Loan biểu tình 17 ngày liên tục - REUTERS /Pichi Chuang

“Chúng tôi không có một Đài Loan khác để bán" là một trong những khẩu hiệu của cuộc biểu tình do sinh viên Đài Loan phát động đòi chánh quyền của TT Mã Anh Cữu huỷ bỏ hiệp ước thương mại với Trung Cộng.

Cuộc biểu tình đã kéo dài gần hai tuần lễ, qui tụ hàng 100.000 người, chiếm cứ Quốc Hội. Ngày thứ Bảy 29 tháng Ba, đoàn biểu tình hướng về Phủ Tổng thống, con số lên nửa triệu người theo ban tổ chức, cảnh sát phải dùng 3.500 người để canh chừng. Báo chí Đài Loan và quốc tế Tây Âu, Bắc Mỹ gọi đó là cuộc biểu tình “Hướng Dương” vi sinh viên biểu tình đa số cầm bông hướng dương biểu tượng cho sự trong sáng.

Cuộc biểu tình đòi hỏi huỷ bỏ hiệp ước mà chánh quyền của TT Mã Anh Cữu đã ký với TC vào năm 2010. TC mở 80 lĩnh vực dịch vụ tại Trung Quốc cho các doanh nghiệp Đài Loan; ngược lại, phía Đài Loan phải mở 64 lĩnh vực tại Đài Loan cho TC. Đối lập Đài Loan cho rằng hiệp định này sẽ xâm hại đến nền kinh tế Đài Loan, khiến đảo quốc này dễ bị tổn thương hơn trước các áp lực chính trị của Bắc Kinh. Tổng thống Mã Anh Cữu phản đối quan điểm này và cảnh báo là một thất bại trong việc phê chuẩn hiệp định sẽ làm hỏng các nỗ lực của Đài Loan trong việc ký kết các thỏa thuận thương mại mới.

Thế là sinh viên phát động cuộc biểu tình đòi huỷ bỏ hiệp ước mà chánh phủ Mã anh Cữu đã ký. Một cuộc đấu tranh chống lại sách lược của TC dùng kinh tế để khống chế chánh trị tự do, dân chủ và độc lập của Đài Loan. Một cuộc đấu tranh chống lại chánh quyền Quốc Dân Đảng kỳ cựu từng chống Cộng nay đang đổi màu hoà giải hoà hợp với TC.

Tin vui trước cuộc tuần hành hàng trăm ngàn người Đài Loan với khẩu hiệu “Chúng tôi không có một Đài Loan khác để bán", ngày 29/03 Tổng thống Đài Loan đã chấp nhận việc ra một luật mới nhằm kiểm tra, xem xét tất cả các thỏa thuận với TC.

Báo Le Monde của Pháp có bài đề tựa: “Tại Đài Bắc, cách mạng hoa hướng dương cho thấy thanh niên đang khó chịu trước chính quyền Bắc Kinh” CS. Sinh viên, thanh niên với những lời lẽ rất cảm kích, tay cầm hoa hướng dương, mang chăn gối, đồ ăn thức uống, vào chiếm quốc hội. Đặc phái viên báo này dẫn giải hoa hướng dương theo văn hoá Trung Hoa là biểu tượng của ánh sáng, chống lại tất cả những việc làm trong bóng tối. Sinh viên biểu tình chống việc làm mờ ám của chánh phủ Mã Anh Cữu khi ký hiệp ước và khi đưa cho Quốc Hội biểu quyết phê chuẩn vào ngày 17/03/2014 mà không cho đem ra tranh luận từng điều khoản trong hiệp định như yêu cầu của đảng đối lập từ nhiều tháng nay.

Lớp trẻ Đài Loan vận dụng tin học cho cuộc đấu tranh, dùng những phát minh của tin học, phone thông minh, trang mạng xã hội, v.v... kêu gọi, phát huy, phát động, thông báo biểu tình và tường trình diễn tiến. Tại nơi biểu tình, các sinh viên báo chí tường thuật trực tiếp diễn biến trên trang mạng xã hội Facebook. Vẽ biếm họa Tổng thống Mã Anh Cữu như một người đón gió trở cờ, lom khom hoà giải hoà hợp với cựu thù TC.

Sinh viên Hồng Kông bay qua tiếp bạn Đài Loan, vạch trần âm mưu TC muốn sáp nhập Hồng Kông vào Trung Quốc vào mùa hè này. Theo nhận định của báo Le Monde, “Cả Đài Loan và Hồng Kông đều không ưa sự can dự của Trung Quốc”. Chưa bao giờ nhu cầu được bảo vệ khỏi chế độ Bắc Kinh lại mãnh liệt tại Đài Loan và Hồng Kông như vào lúc này.

Nguyên nhân gần là TT Mã anh Cữu đương nhiệm là hậu duệ của lớp lãnh đạo từ lục địa di tản qua Đài Loan gần đây lại luôn muốn xích lại gần với Trung Quốc. Trong khi đó người tiền nhiệm là TT Trần thuỷ Biển, người gốc gác tại đảo Đài Loan luôn chủ trương Đài Loan độc lập và chống hành động TC xen vào đảo quốc này.

TC lẫn Quốc Dân Đảng ở Đài Loan trở cờ không thể trách lớp trẻ Đài Loan nặng quá khứ nên quá khích chống TC được. Lớp trẻ và sinh viên Đài Loan sanh sau cuộc chiến Quốc Cộng, sau kh Quốc Dân Đảng lưu vong qua Đài Loan. Nhưng lớp trẻ và sinh viên Đài Loan là những người sanh ra và lớn lên trên đất nước Đài Loan, là những người sống chết với quê cha đất tổ Đài Loan này. Có trách chăng là trách lớp Quốc Dân Đảng già như TT Mã anh Cữu quên căn cước, nguồn cội của mình, dễ dàng vong bổn vì quyền lợi chánh trị riêng tư.

Lớp trẻ Đài Loan không chấp nhận thứ hoà hợp đồng hoá của CS, của một chế độ ỷ lớn nuốt chững chế độ nhỏ. Lớp trẻ Đài Loan không chấp nhận thứ hoà hợp của CS mà không có hoà giải, thảo luận, thoả hiệp bình đẳng giữa đôi bên.

Cuộc chống đối của nhân dân Đài Loan để bảo vệ quyền độc lập cho đảo quốc và quyền tự do, dân chủ cho nhân dân rất thâm hậu. Lớp trẻ là lực lượng xung kích, tuy trẻ nhưng già dặn chánh trị. Cú đánh tuy êm theo đường võ dân chủ nhưng rất thấm cho nhà cầm quyền dân cử phản bội nguyện vọng nhân dân.

Cuộc chống đối của người dân Đài Loan kỳ này là một cuộc thử thách một mất một còn đối với chánh phủ Mã anh Cữu. Nếu bầu cử tổng thống xảy ra trong thời điểm này, thăm dò cho biết TT Mã anh Cữu sẽ mất ghế, Đảng cầm quyền Quốc Dân Đảng hết cầm quyền. Giới quan sát thấy Quốc Dân Đảng và chánh phủ của Ô Mã không dám phiêu lưu chánh trị hơn nữa trước sự chống đối của người dân. Tuyên bố ngày ngày 29/03 của TT Mã anh Cữu chấp nhận việc ra một luật mới nhằm kiểm tra, xem xét tất cả các thỏa thuận với TC – là một dấu chỉ.

Người dân Đài Loan biết TC từ lâu sử dụng quyền lực cứng đề khắc chế Đài Loan nhưng không thành công nên bây giờ TC dùng quyền lực mềm, kinh tế. Người dân Đài Loan chống chánh quyền và đảng đồi lập Dân Tiến quyềt dùng quần chúng bao vây lãnh tụ hành động vượt quyền, bằng biểu tình, biểu tình chiếm cứ quốc hội, đòi hỏi bãi bỏ hiệp ước TC xâm lăng bằng kinh tế.

Nhìn người lại nghĩ đến ta, người dân Việt trong nước. Thật là đáng kính phục những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN và vẹn toàn lãnh thổ của đất nước VN trước đà xâm thực của TC như ngoại xâm và thái độ bất hành động của Đảng Nhà Nước CSVN như thông đồng với TC. Đài loan có tự do, có thể chống đối, biểu tình, không bị trấn áp. Còn người VN sống trong gọng kềm CS, bị CS tước đoạt tất cả, chỉ còn có tình yêu nước thương dân mà vẫn dũng cảm đấu tranh, vào tù ra khám mà vẫn làm.

Vi Anh