Tàu tiếp tế Thiên Đảo Hồ của hải quân Trung Quốc.
Nỗi đau đầu của Bắc Kinh là hải quân Trung Quốc không có các căn cứ xa bờ hoặc hải cảng để tàu chiến cập vào nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu, lương thực…
Trong tháng 4 này, tàu hậu cần Thiên Đảo Hồ vào cảng Albany (Úc) để lấy hàng tiếp tế cho các chiến hạm Trung Quốc, đang tham gia cuộc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines, mất tích ngày 8.3.
Các nhà phân tích Trung Quốc và tùy viên quân sự trong khu vực nói: Việc Trung Quốc triển khai đội tìm kiếm 18 tàu chiến, các tàu tuần duyên nhỏ, một tàu vận tải dân sự và một tàu phá băng Nam Cực đã kéo căng tuyến hậu cần tiếp tế của một lực lượng hải quân phát triển quá nhanh.
Nếu xung đột, đừng mong cập cảng đồng minh của Mỹ
Theo Reuters, các nhà lập kế hoạch hải quân Trung Quốc hiểu họ sẽ phải lấp lỗ hổng chiến lược này, để đáp ứng yêu cầu đến năm 2050 có lực lượng hải quân hoàn toàn hoạt động trên biển xa, nhất là cần thiết phải tiếp cận khu vực Đông Nam Á hoặc xa hơn nữa, nếu như xảy ra xung đột.
Trung Quốc hiện quyết tâm thách thức thế thượng phong truyền thống của hải quân Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình dương, cũng như chứng tỏ khả năng bảo vệ quyền lợi riêng trên vùng Ấn Độ Dương và Trung Đông.
“Khi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc càng nhiều, họ sẽ muốn có những thỏa thuận về việc cập cảng lâu dài, như Mỹ đã làm", theo lời Ian Storey, một chuyên gia an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore).
Ông nói: “Tôi hơi bất ngờ khi không có dấu hiệu nào cho thấy họ bắt đầu thương lượng về việc cập cảng dài hơi. Các chuyến ghé thăm hiện nay chỉ trên cơ sở thương mại. Đó là một lỗ hổng lớn”.
Ngược lại, Mỹ đã xây dựng một mạng lưới căn cứ ở Nhật Bản, đảo Guam và Diego Garcia thông qua các liên minh an ninh chính thức, cùng các thỏa thuận cập cảng sửa chữa với các quốc gia thân thiện với họ, gồm các cảng chiến lược ở Singapore và Malaysia.
Tùy viên quân sự của một số sứ quán Mỹ trong khu vực nói: việc cập cảng ở các nước khác tương đối dễ thu xếp bằng những nỗ lực nhân đạo thời bình, ví dụ việc tìm chiếc MH370, hoặc các cuộc tuần tra chống hải tặc ở vùng Mũi Sừng (châu Phi).
Nhưng khi xảy ra căng thẳng hoặc xung đột, lại là một vấn đề khác. Một nhà phân tích ở Bắc Kinh, đã chứng kiến nỗ lực xây dựng hải quân Trung Quốc, nói: “Nếu như có căng thẳng thật sự và nguy cơ xung đột giữa Mỹ và một đồng minh của Mỹ ở Đông Á, rất khó tưởng tượng chiến hạm Trung Quốc được phép cập cảng vào cảng Úc để nạp lương thực, nhiên liệu”.
Nhà phân tích giấu tên này nói tiếp: “Trung Quốc biết việc thiếu khả năng cập cảng. Khi hải quân phát triển sẽ là một sự lựa chọn mang tính tiềm năng chiến lược”.
Giáo sư Zha Daojiong, khoa Đối ngoại Đại học Bắc Kinh, nói việc tìm chiếc MH370 ở Ấn Độ Dương là “một hoàn cảnh đặc biệt”, để các chiến lược gia hiểu ra, rằng họ không thể trông cậy vào việc cập cảng của các đồng minh Mỹ nếu xảy ra căng thẳng”.
Ông nói hải quân Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện các chuyến thăm các cảng từ châu Á - Thái Bình Dương đến Trung Đông và Địa Trung Hải trong vài năm gần đây, nhưng vẫn chưa tổ chức được các cuộc bàn luận về khả năng cập cảng dài hạn.
Giáo sư Zha nói: “Chúng tôi rất thực tế và chúng tôi biết tính nhạy cảm xung quanh các cuộc bàn luận này, hoặc thậm chí ở nơi này nơi khác có sự nghi ngờ, nên hiện chưa phải là lúc để bàn luận. Tôi cho rằng phải có thêm nhiều chuyến thăm hữu nghị, rồi từ đó tìm cách bảo đảm có được các cơ sở đáp ứng các nhu cầu của chúng tôi”.
Ông còn cho rằng các lần triển khai hoạt động đường xa như tuần tra chống hải tặc, hoặc tìm chiếc MH370 đã giúp có được kinh nghiệm về mặt hậu cần - tiếp tế.
Viễn cảnh triển khai các tàu sân bay tấn công tương lai hoạt động xa càng làm phức tạp thêm khâu hậu cần. Hiện tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh (thời Liên Xô, mua lại của Liên Xô năm 1998 và đóng lại tại một xưởng Trung Quốc) chỉ dùng để huấn luyện, chưa hoàn toàn hoạt động.
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc, chỉ để huấn luyện |
Theo các tùy viên quân sự trong khu vực và các nhà phân tích, phải mất hàng chục năm nữa, Trung Quốc mới có thể so kè với tàu sân bay Mỹ.
Tai Ming Cheung, Giám đốc Viện Xung đột toàn cầu và Hợp tác thuộc Đại học bang California, mô tả việc tìm chiếc MH370 là “thời khắc học tập quan trọng” cho Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc (PLA), có thể thúc dẩy các lãnh đạo PLA phát triển khả năng hoạt động toàn cầu.
“Trung Quốc không thể đuổi kịp Mỹ”
Các quan chức và nhà phân tích Trung Quốc đều phản ứng trước những nhận định của phương Tây và khu vực Ấn Độ Dương, rằng Bắc Kinh đang toan lập cái gọi là “chuỗi ngọc”, bằng cách xây các cảng khắp Ấn Độ Dương, gồm Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar.
Các nhà phân tích nói: các cảng này sẽ không bao giờ “hóa thành” các căn cứ hải quân Trung Quốc, thậm chí cần phải đặt dấu hỏi về chuyện đạt được các thỏa thuận cập cảng dài hạn. Vì điều đó chỉ có thể đạt được trên cơ sở thật tin tưởng lẫn nhau.
Storey ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nói, các nhà phân tích chiến lược càng lúc càng không tin vào học thuyết chuỗi ngọc”.
Từ 10 năm nay, nhiều tàu chiến Trung Quốc đã thăm các cảng vùng Vịnh cùng các cơ sở chiến lược khác ở Trung Đông, gồm Oman, Israel, Qatar và Kuwait, sau khi hoàn thành các hải vụ tuần tra chống hải tặc.
Nhưng dù Bắc Kinh xây dựng hải quân quá nhanh, nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc còn phải mất 10 năm nữa (hoặc hơn) trước khi có thể có được các cảng xa chủ lực và sẽ vẫn phải trông cậy Mỹ bảo vệ các điểm tiếp nhiên liệu như ở Eo biển Hormuz vào vùng Vịnh.
Hiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một số đảo và bãi san hô ở biển Đông, nhưng căn cứ hải quân lớn nhất của họ là ở đảo Hải Nam, cách 3.000 hải lý so với nơi các tàu chiến Trung Quốc đang kiếm chiếc MH370.
Gần “nhà” hơn, Trung Quốc đòi chủ quyền 90% biển Đông nên họ ít có giải pháp. Tám bãi san hô và đảo nhỏ ở quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp không đủ lớn để lập một căn cứ hải quân xa bờ, theo Richard Bitzinger, nhà phân tích quân sự ở Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore).
Cũng không thể mở căn cứ ở đảo Woody (thuộc quần đảo Trường Sa), nơi Trung Quốc đang mở đường băng cất - hạ cánh và nhà chứa máy bay.
Ông Bitzinger nói: “Ngoài các căn cứ lớn của PLA ở đảo Hải Nam, tôi không thấy nơi nào Trung Quốc có thể cập cảng, mà họ sẽ cần ở Đông Nam Á về lâu về dài. Sự tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam khó mà giúp được họ”.
Việt Nam, Philippines cùng Malaysia và Brunei đang phản ứng việc Trung Quốc có chủ quyền biển Đông, một trong các tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan cũng đang có căn cứ quân sự ở quần đảo Hoàng Sa, vốn nằm trên thềm biển nhiều tiềm năng dầu khí.
Ông Bitzinger kết luận: “Hải quân Mỹ đã ở đó 100 năm, họ liên tục duy trì mạng lưới chiến lược của mình. Trung Quốc chỉ mới làm thế trong khoảng 15 năm nay… Trung Quốc sẽ không thể đuổi kịp Mỹ trong một sớm một chiều”.
Trần Trí (theo Reuters)