Friday 30 May 2014

Thiên tài: nói dối mà không.... có ý định nói dối - Vũ Ðăng Khuê


Tháng 2 năm ngoái, thủ phạm của một vụ án PC điều khiển từ xa tình nghi hăm dọa giết người trên mạng Internet đã bị cảnh sát tóm cổ, tin này đã khiến bao người thở phào vì sự thực đã được “giải minh” sau thời gian lằng nhằng điều tra tới điều tra lui, mọi người cũng yên tâm hơn vì không còn cảnh một ngày nào đó thức dậy mở máy computer, nhấn vào một “mời gọi” và nội dung của lời mời gọi biến thành lời “hăm dọa”, “tống tiền”…. sẽ bay tứ tung đến một nơi nào đó, mà chính mình cũng không biết nội dung là gì và bay đi đâu rồi vài ngày sau thấy cảnh sát đến nhà… mời làm việc và mặc sức thanh minh thanh nga và câu chuyện chắc có lúc sẽ rõ ràng, nhưng mất toi một thời gian vì phải “hợp tác” với bạn dân cho ra lẽ. Mọi người thở phào là phải.

Xin được tóm tắt câu chuyện để quí vị nắm vững vấn đề:

Tháng 8 năm 2012, người ta thấy trên một số trang mạng Internet xuất hiện một lời cảnh cáo: Sẽ giết nhiều người bằng dao nếu đến xem triển lãm truyện bằng tranh (Comic Market) của các họa sĩ tài tử được tổ chức tại Big Sight (Daiba, Tokyo). Lẽ đương nhiên Ban tổ chức triển lãm đã thông báo cho cảnh sát để được bảo vệ. Cuộc triển lãm vẫn tiến hành và không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra, mọi chuyện coi như đã chìm vào quên lãng và cảnh sát vẫn im lặng. Đầu tháng 10 cùng năm thì Trang Nhà (Home Page) của Tổng nha Cảnh sát Nhật và một số tòa hành chánh tỉnh lại nhận thêm một lời cảnh cáo: Sẽ thẳng tay giết hại bất kể trẻ con nào đang theo học tại trường mẫu giáo Ochanomizu (Tokyo).

Đến đây thì cảnh sát phải ra tay, trong thời gian đang tiến hành cuộc điều tra thì lại nhận được liên tiếp thêm 12 lời cảnh cáo khác, khi thì hăm dọa sẽ giết cô tài tử A ở chỗ này, ông Giám đốc X ở chỗ kia….

Trung tuần tháng 10 năm 2012, cảnh sát cho hay là đã bắt được một nhóm 4 người bị tình nghi là thủ phạm của tất cả 13 email hăm dọa giết người tại 4 nơi khác nhau.

Nhưng cũng trong tháng 10, một email của một nhân vật nào đó được tung lên mạng và “thú nhận” là chính mình mới là thủ phạm. Điều này đã khiến cảnh sát bối rối và phải điều tra lại, cuối cùng đã phải thả 4 người vì chẳng có một bằng chứng gì cả, ngoại trừ địa chỉ gốc (IP) Internet của 4 người bị cho là “phát tán” 13 email hăm dọa.

Ngày 18 tháng 10/2012, Tổng nha Cảnh sát họp báo thú nhận là đã bắt lầm và cho hay 4 Trưởng ty Cảnh sát ở Fuku Oka, Osaka, Mie và Kanagawa đã đến tận nhà 4 người bị bắt lầm để cúi đầu tạ tội.

Sau một mail khó hiểu của thủ phạm cho biết là “sơ ý một chút nên ta đã thua trong game này. Ta sẽ đi treo cổ tự sát” vào tháng 11/2013 thì cảnh sát lại thêm điên đầu vì còn “nó” thì còn có cơ hội mà “dò”, “nó” mà biến thì coi như mất dấu. Sở cảnh sát đã phải cho người sang Mỹ học nghề từ FBI và treo giải thưởng 3 triệu cho ai bắt được thủ phạm, nhưng vẫn không tìm ra một bằng cớ gì mới

Sau gần 2 tháng im tiếng, đầu năm ngoái (tháng 1/2013) thủ phạm lại tiếp tục “quậy” gởi một email lên mạng chê cảnh sát hết lời. Trong email thách thức này, thủ phạm còn gởi kèm theo tấm hình chụp một con mèo hoang có đeo một vòng dây màu hồng ở cổ và cho biết trong dây đeo đó có một con Chip chứa đựng chương trình virus lây lan này và “tiết lộ” thêm là con mèo này đang ở Kamakura.

Một lực lượng thật đông đảo cảnh sát đã được huy động đi tìm con mèo này ở Kamakura, sau gần 1 ngày “lục soát” thì tìm được con mèo và đúng như lời của thủ phạm viết thì bên trong vòng đeo cổ con mèo có gắn một con Chip.

Vài ngày sau, sau khi quan sát kỹ càng những camera “phòng phạm” xung quanh khu vực, cảnh sát cho biết đã tìm được đầu mối. Camera đã thu đầy đủ hình ảnh từ khi thủ phạm dựng xe gắn máy (bike), bước xuống, đến gần chỗ con mèo. Nhận diện được hình người bị tình nghi, lại còn có thêm cả số xe nữa thì chạy đâu cho thoát. Ngoài ra, thêm một yếu tố khiến cảnh sát xác quyết nữa là “thủ phạm” này đã từng bị bắt một lần vào năm 2005 vì tội danh tương tự. 

Ngày 10 tháng 2/2013, hôm đến nhà bắt thủ phạm, cảnh sát tự tin đã ngầm báo cho các ký giả hay để đến đó chụp hình, quay phim tạm chấm dứt một “liên khúc bắt lầm người” quá ê chề. Thủ phạm tên là Katayama Yusuke (30) tuổi đang làm việc cho một hãng computer.

Nhưng qua gần 1 năm với nhiều lần tra hỏi của cảnh sát, viện kiểm sát và 7 phiên tòa, thủ phạm vẫn nhất định chối: hắn chỉ là một nạn nhân. Còn việc tại sao có mặt ở Kamakura thì Katayama cho biết đó chỉ là sự tình cờ và thấy con mèo có vẻ dễ thương. Ngôn ngữ dùng làm program có chứa virus phát tán là C# thì hắn lại mù tịt, thế thì làm sao mà làm được? Còn các yếu tố có tính cách quyết định như dấu tay, DNA thì không có.

Các phiên tòa cứ tiếp tục diễn ra trong lằng nhằng hỏi qua hỏi lại một cách nhàm chán vì lập trường của 2 bên. Sau gần 1 năm giam giữ, điều tra tới lui, tháng 3 năm nay, bất chấp yêu cầu của viện kiểm sát, tòa sơ thẩm Tokyo đã chấp nhận cho Katayama được tại ngoại hầu tra với số tiền thế chân là 10 triệu vì chứng cớ mà 2 bên kiểm sát viện và luật sư đưa ra đã coi như đầy đủ và Katayama cũng chẳng có lý do gì mà phải trốn nếu được tại ngoại hầu tra. 

Sự việc tạm phóng thích này đã là một cái tát đau điếng cho cảnh sát và kiểm sát viện vì dầu có đủ bằng cớ nhưng vẫn chỉ là …. bằng cớ gián tiếp. Góp vào việc tại ngoại hầu tra này có sự đóng góp “quá ưu việt” của luật sư Sato Hiroshi, người nổi tiếng vì đã từng giúp một người tù từ án chung thân (bị tình nghi giết một bé gái) trở thành vô tội vào năm 2009, thường gọi là vụ án DNA. Tất cả những luận cứ của cảnh sát đều được thủ phạm và ông luật sư này hóa giải và tìm cách làm nhẹ đi, lẽ dĩ nhiên là dựa trên các chứng cớ. Ai cũng tin Katayama sẽ không là kẻ như cảnh sát và viện kiểm sát kết tội, nhưng…..

Luật sư Sato Hiroshi

Tháng 3 năm nay, khi được tại ngoại hầu tra, Katayama và luật sư Sato Hiroshi họp báo tự tin “ngẩng mặt” vì chủ trương vô tội của mình đã đứng vững và tin rằng thủ phạm thứ thiệt sẽ xuất đầu lộ diện để chứng minh rằng “tôi vô tội”.

Nhưng sự việc đã sang một bước ngoặt khá… gắt đưa đến kết quả không ngờ.

Hôm 16/5, lúc Katayama đang có mặt tại tòa trong phiên tòa thứ 8 thì giới báo chí truyền thông nhận được email từ “thủ phạm chính” nói rõ: ta đây mới là thủ phạm, còn Katayama chỉ là nạn nhân.

Ngay ngày hôm đó, Katayama và luật sư biện hộ họp báo “huênh hoang” tiếp: thấy chưa, thủ phạm đâu phải là tôi. Luật sư Sato cười hể hả vì đã cứu được người ngay. Sự việc cứ tưởng là như thế, nhưng ngày 19/5, đột nhiên, cảnh sát công bố với báo chí tin tức hấp dẫn: “bắt gặp Katayama đang chôn dấu một cái gì đó ở dưới chân một cái cầu ở quận Arakawa, tới đào lên thì phát hiện một điện thoại cầm tay có chứa nội dung email gửi cho báo chí lúc 11 giờ 37 phút ngày 16/5. Chắc ăn, chúng tôi cho thử nghiệm DNA thì thấy chính là Katayama. Hắn đã dùng điện thoại di động gửi mail theo mode “hẹn giờ gửi đi” yoyaku soshin, có nghĩa là cứ đúng giờ đó, ngày đó thì mail sẽ được gửi từ cái hố dưới chân cầu đến giới báo chí dù lúc đó hắn đang ở tòa”.

Tối 19/5, theo dự định thì Katayama và luật sư biện hộ sẽ có buổi họp báo, nhưng chờ mãi vẫn không thấy Katayama xuất hiện. Dù thế luật sư Sato Taro vẫn lên gân nói mạnh: Tôi tin chắc chắn Katayama không phải là thủ phạm, hắn không đến được vì một lý do nào đó.

Nhưng trên đường trở về nhà, luật sư Sato nhận điện thoại trực tiếp từ đương sự thú thật: hắn chính là thủ phạm của email gửi ngày 16/5 và là thủ phạm của tất cả những email khiến cảnh sát bắt lầm người từ trước tới nay. Hắn than với luật sư Sato: Tôi muốn chết bằng cách thắt cổ, tính cả chuyện lao vào xe điện, …. nhưng mãi không chết. Luật sư Sato “hết hồn” thuyết phục: Thôi cứ đến văn phòng rồi tính. 6 giờ sáng ngày 20/5, luật sư này đến đón “thân chủ” tại một khách sạn ở Shinjuku và 11 giờ sáng thì giao “thân chủ” cho viện kiểm sát và cảnh sát để “dẫn độ” trở lại trại giam sau khi tòa án hủy bỏ lệnh tại ngoại hầu tra.

Hỏi tại sao lại “dại” thế, Katayama trả lời: Tôi muốn vụ án cho xong để mẹ tôi bớt lo và tôi không nghĩ là cảnh sát theo sát thôi như vậy. Hắn còn tâm sự thêm: “Tôi đã tính sai, đầu tiên tôi định là chờ đến ngày phán quyết mới gửi, nếu trắng án thì mail sẽ không gửi, nhưng nếu tôi bị án tù, thì mail này sẽ được gửi sau khi tôi vào tù 2 ngày”.
Được biết, sau khi tại ngoại hầu tra, cảnh sát Tokyo và tỉnh phụ cận đã theo dõi xít xao bước đi của Katayama nên đã chứng kiến từ đầu tới cuối việc tự biên tự diễn này.

Hôm 22/5, phiên tòa thứ 9 xử Katayama đã được triệu tập với số người muốn theo dõi quá đông phải rút thăm. Trước tòa, Katayama nhún như con chi chi và thú nhận: “khi chuyện bị bể, tôi có 3 lựa chọn: 1/ coi như không biết gì cả, 2/ tự sát 3/ thú nhận tất cả. Về lựa chọn 1 thì…. chỉ mới thoáng qua 1 giây đã quyết định bỏ. Lựa chọn 2 thì đã cố gắng nhưng…. không được nên đành điện thoại cho “sensei”Sato để thông báo lựa chọn 3”.

Hắn xin lỗi tất cả người bị hăm dọa, bị bắt lầm, cánh sát, viện kiểm sát, luật sư, gia đình, những người ủng hộ vì hành động quá thô cạn và nông nỗi này.

Một người buồn và rất “quê” là luật sư nổi tiếng Sato vì đã “đầu tư” quá nhiều uy tín của mình vào lời khai của “thân chủ”. Luật sư “ưu việt” này đã rút lại chủ trương “thân chủ tôi vô tội”, nhưng cũng còn cố vớt vát đề nghị đưa Katayama đi khám nghiệm tâm thần và chảy nước mắt vui mừng vì hắn không tự sát chết. Rồi cay đắng nhận định về thân chủ của mình:“quả là nhân cách của một thiên tài: nói dối mà không có ý định nói dối”.
Ông luật sư này còn.... tâm sự: Ngay lúc hắn thú thật tôi cũng không dám tin là hắn nói thật. Tôi chỉ tin lời hắn khi hắn cho tôi biết số mật mã nơi chứa tất cả những mail “hăm dọa” đó và hắn nói rõ “lai lịch” về cái vòng đeo cổ màu hồng là do hắn “chôm” tại một cửa hàng trên đường đến chỗ con mèo ở Kamakura. Về vụ cái vòng đeo thì cảnh sát chủ trương là thủ phạm đã mua tại một cửa tiệm gần đó, nhưng Katayama nói là không biết, phía luật sư có đi xác nhận với các cửa tiệm thì không có nơi nào bán vòng này cho ai cả, và chứng cớ này thì cảnh sát coi như....“hố” hoàn toàn cho đến lúc Katayama thú thật.  

Chắc chắn kỳ này Katayama sẽ nhận một bản án tương đương khá nặng nề với quá nhiều tội danh và không biết trong những phiên tòa sắp tới hắn có là một thiên tài nói dối nhưng hoàn toàn không áy náy vì mình nói dối hay không

Vũ Đăng Khuê