Trong tháng 5, năm 2014, rất nhiều sự kiện quan trọng xẩy ra, nhất là sự kiện giàn khoan dầu Hải Dương, HD 981 được Trung Cộng ngang nhiên đưa vào vùng biển Việt Nam từ ngày 1 tháng 5, 2014. Ngày 2 tháng 5, giàn khoan này chính thức hoạt động, đặt mũi khoan đầu tiên sâu xuống vùng thềm lục địa thuộc Việt Nam, cách đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía Nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Với khoảng cách như thế, địa điểm mà giàn khoan của Trung Cộng đang hoạt động gần với Việt Nam hơn là gần với đảo Hải Nam của Trung Cộng. Nếu coi như Hoàng Sa vẫn còn thuộc Việt Nam, thì khoảng cách này quá gần, chỉ có khoảng 30 cây số trong khi đó, cách đảo của Trung Cộng tới 317 cây số.
Có hai điểm quan trọng liên quan đến sự việc này: Thứ nhất, giàn khoan HĐ 981 đào tìm kiếm dầu ở một địa điểm mà Việt Nam đánh số 143, là vùng biển có độ sâu trên 1000 mét, có rất ít trữ lượng dầu, không mang lại lợi ích kinh tế. Cho nên, nguyên nhân chính cho việc khoan dầu tại đây chỉ là một thủ đoạn chính trị, muốn thi hành việc chiếm biển Việt Nam theo đường “Lưỡi Bò” mà thôi. Lý do thứ hai, Trung Cộng cũng muốn “nắn gân” người Mỹ và quốc tế để xem phản ứng ra sao vì theo tin Wikepedia, trong thông điệp gửi đến Trung Cộng trong chuyến đi thăm viếng Á Châu từ 23 đến 29.4.2014, Tổng Thống Obama đã hé lộ cho Trung Cộng thấy rằng: “Mỹ không can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền về các đảo trên Biển Hoa Đông và Biển Đông”, và “Mỹ không đòi hỏi các quốc gia trong vùng phải chọn bên này hay bên kia.” Từ đó, Trung Cộng muốn thử sức Mỹ và quốc tế xem Mỹ có dùng thông điệp này như ngọn đèn xanh cho Trung Cộng ào ạt đem tầu bè đến vùng biển Đông của Việt Nam hay chỉ là một đòn chính trị. Nếu Mỹ quả thực khoanh tay, Trung Cộng sẽ nuốt luôn các đảo đang tranh chấp với các nước khác, như Phi, Đài Loan, Malaysia, hay Brunei…Để làm điều này, Trung Cộng đã mang đến trên 200 chiếc tầu đủ loại, tấn công liên tục cũng như dùng vòi nước để làm vỡ thành tầu Hải Giám của Việt Nam. Ngày 27, 28 tháng 5, tầu chiến Trung Cộng còn chĩa súng ngang về phía tầu Việt Nam để đe dọa. Ngày 2 tháng 6, tầu Trung Cộng tấn công luôn cả tầu Hải Giám của Việt Nam. Ngược lại, theo Trung Cộng, nếu Mỹ mà muốn nhẩy vào Biển Đông thì Trung Cộng sẽ tà tà rút giàn khoan đi, không những không mất mát chi mà còn có lợi là để lại hàng trăm tầu rải rác khắp biển Đông làm dấu hiệu cho sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Cộng ở biển.
Trước nguy hiểm mất biển, mất nước này, người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã đồng loạt xuống đường, biểu tình chống Trung Cộng. Có những cuộc biểu tình lớn đến gần chục ngàn người. Riêng tại Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình đã tự phát ào ạt, Điều quan trọng mà người ta ghi nhận được trong vụ này, là ngay trong thời điểm xôi động, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã có thái độ khó hiểu. Ngay từ lúc đầu, khi cả bộ “Tứ Nhân Bang”, Hùng, Dũng, Sang, Trọng đều giữ thái độ sợ sệt, hèn hạ, không dám mạnh tay với Trung Cộng, không dám triệu đập Đại Sứ Trung Cộng đến để chứng tỏ thái độ không khiếp nhược của mình. Mãi đến khi tinh trạng biểu tình lan đến gần cả nước, sợ rằng vết dầu loang đến cửa lâu đài của mình làm sập ngai vàng, Nguyễn Tấn Dũng mới lên tiếng nói, nhưng vẫn nhẹ nhàng như một lời năn nỉ, mong mọi việc được giải quyết trong luật pháp. Sau khi tình hình đã xục xôi như thùng thuốc súng, Trung Cộng cho tầu hải giám đâm chìm tầu cá Việt Nam, Dũng mới ngỏ ý với Mỹ, xin được giúp đỡ, đồng thời dọa đem vụ xâm lăng biển này ra tòa án Quốc Tế. Điều nhục nhã nhất cho Đảng Cộng Sản là chính tướng Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt, còn bênh vực cho Tầu Cộng, nói trước Ủy Ban Sangrila là ““Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng.. “ và “Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi.”
Đó là mặt đối phó với nước ngoài, còn trong nội địa, bộ Tứ Nhân Bang vẫn không thay đổi chính sách đàn áp nhân dân, tước đoạt nhân quyền của dân Việt của chúng. Để ngăn chặn cuộc biểu tình lớn đã dự định vào ngày 18 tháng 5 trên 5 tỉnh thành, chính Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh “cấm biểu tình” và đã huy động một lực lượng ngăn cản tối đa, và cho công an cầm danh sách đến từng nhà các nhà tranh đấu cho Dân Chủ nổi tiếng, để nhốt họ ở nhà, cấm không cho biểu tình chống Trung Cộng! Bọn công an côn đồ còn đánh đập, lôi kéo người biểu tình như lôi heo, như chị Thúy Nga, một người yêu nước, đã bị côn đồ công an đánh gẫy chân, khi chị còn đang bế con trên tay. Với một số “bloggers” khác, bọn chúng dùng ống sắt bao vây và đánh loạn đả khi họ mới chuẩn bị lên đường biểu tình. Vừa lao vào đánh, chúng vừa gào lên điên cuồng: “Tao đánh cho mày gẫy chân, xem mày có đi được nữa không?” Ngoài ra, Dũng đã cho bắt giữ một số người mà chúng nghi ngại là những ngọn đuốc Dân Chủ sẽ đốt cháy tiêu chế độ bán nước, hại dân này.
Điều mà bọn chúng không ngờ là việc dập tắt những ngọn lửa tinh thần đã làm cháy lên một ngọn đuốc sống thật sự cho Việt Nam. Người nữ anh thư Lê Thị Tuyết Mai đã dùng thân mình làm ngọn lửa cháy sáng ngay trước Dinh Độc Lập, để phản đối Trung Cộng cướp nước cũng như phản đối bọn bán nước Sang, Trọng, Hùng, Dũng, những kẻ nối tiếp con đường bán nước của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn là kẻ đã nói “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” và cũng là kẻ nhắc nhở nhiều nhất đến “16 chữ vàng, và 4 Tốt”, quỵ lụy hẳn hòi với Trung Cộng. Văn bản chính thức về 16 chữ vàng là: sơn thuỷ tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan” (Tạm dịch là: núi sông liền nhau, cùng chung lý tưởng, cùng giống văn hóa, vận mệnh chia nhau,không phải như CSVN dịch tránh đi là: ”Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.”)
Điều không ngờ thứ hai là từ những sự kiện xuống đường, biểu tình dữ dội có đổ máu đó, quốc tế đã nhìn lại vấn đề Việt Nam và bầy tỏ sự thông cảm với đất nước đang bị xâm lăng này. Các quốc gia Philippines, Úc và Nhật Bản, đã tỏ thái độ yểm trợ Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Trang tin chuyên về Trung Quốc China Topixcủa Mỹ dẫn lời các nguồn tin chính phủ Philippines và Nhật ủng hộ Việt Nam tại Biển Đông. Ngoại trừ chính Tổng Thống Obama vẫn giữ một bề ngoài dung hòa, không muốn đụng tới Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, ngày 31 tháng 5, đã chỉ đích danh: “Trong những tháng qua, Trung Quốc đã có những hành động gây mất ổn định khu vực, đơn phương khẳng định chủ quyền ở biển Đông”. Ông còn tuyên bố là không làm ngơ cho nước nào dùng vũ lực xâm phạm chủ quyền nước khác. Điều tuyên bố này là cho Bộ Chính Trị phải suy nghĩ lại và Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết là sẽ kiện Trung Cộng ra tòa quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế, điểm lại tình hình chung, chúng ta thấy nhà cầm quyền Cộng Sản từ lâu vẫn là đệ tử ruột của Trung Cộng, đã công khai xác nhận việc Trung Cộng làm chủ Biển Đông, đã lãnh ơn huệ của Trung Cộng khi cho nước này trúng thầu hầu như toàn bộ những công trình lớn tại Việt Nam, và thả lỏng cho Tầu thả giàn vào nước, phá tan nát nền kinh tế nông nghiệp còn nhỏ bé của Việt Nam. Trong khi đó, Đảng vẫn áp dụng chính sách “cưỡng chế” để cướp đoạt tài sản nhân dân, đẩy nhân dân ra đường ăn xin, gây nên bao thảm cảnh và những oán than ngất trời, cũng như thi hành chính sách “tham nhũng, bao che, rút ruột công trình, lấy tiền công làm của tư, bán đất, bán biển, làm giầu cho lãnh đạo”.
Trước tình hình này, người yêu nước tự hỏi: “Tại sao bọn ác lại chưa chết, Trời chưa trừng phạt kẻ ác? Tại sao dân đen lại bị coi như nô lệ, để tà quyền muốn hành hạ dân ra sao cũng được? Trước khí thế đang bừng lên của người Việt ở khắp năm châu và ngay tại trong nước, tại sao đảng Công Sản Việt Nam vẫn an nhiên, tại vị? Vẫn bắt bớ những người yêu nước, chưa chịu thả những tù nhân lương tâm? Trên hết là câu hỏi: “Chúng ta vẫn thiếu một yếu tố gì cần thiết để lật đổ chế độ Cộng Sản?”
Câu trả lời: Đó là sự thiếu vắng một tư cách lãnh đạo, nói tóm lại là thiếu một “Chính Phủ Lưu Vong” thật sự để đốt đuốc Dân Chủ cho mọi người soi chung, đồng thời tạo ra được một đối tượng cho quốc tế nể phục và tìm cách đối thoại, hoặc giúp đỡ. Khi chỉ có những tổ chức nhỏ lẻ, chưa đủ tư cách để nói chuyện trên diễn đàn quốc tế, thì dù cho muốn yểm trợ, quốc tế cũng phải bó tay. Không lẽ lại nói chuyện với một trong hàng ngàn tổ chức gọi là “Đại diện chính thức của Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại”? Nói chuyện với tổ chức này mà không nói chuyện với tổ chức khác, thì sẽ bị ghen tị, chống đối kịch liệt, và cũng là bó đũa đã chia nhỏ, bẻ rất dễ! Lại cũng có thể nói chuyện nhầm với một bọn “phường tuồng giả mạo.”
Một lãnh tụ của “chính phủ lưu vong” hiện tại cần những yếu tố sau đây:
- Là những người đã có bề dầy chính trị, từng chiến đấu cho Dân Chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam và từng bị bắt tù, và hành hạ. Những người này có thể là những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, những nhà Dân Chủ, những đảng viên đã rời bỏ đảng. Điều kiện: Trí thức, cởi mở, dũng cảm, chấp nhận dấn thân dầu biết chắc hậu quả không tốt, dám hy sinh các đặc quyền đặc lợi mà Đảng đã dành cho mình mà đứng về phía nhân dân và công lý, đang nổi danh trên chính trường quốc tế. Dĩ nhiên, với các cựu đảng viên, phải tuyên bố Công Khai là Từ Bỏ đảng, từ bỏ tư tưởng Hồ chí Minh trước khi trở thành “chính phủ lưu vong”.
- Còn những người làm chính trị tại hải ngoại? Một câu trả lời đơn giản đã được khôi hài hóa và từ năm 1990 đã được phổ biến trên mạng: Chiếc tầu chở những người lưu vong trở về đến bến Saigon để lãnh đạo, sẽ trở thành chiếc tầu ma, vì chưa đến bến, đã tự giết lẫn nhau giành chức lãnh đạo rồi! Dĩ nhiên, chuyện khôi hài này đã được khuyếch đại lên nhiều lần, nhưng thực tế cho thấy là một số không nhỏ người hải ngoại thích bon chen, mê làm Chủ Tịch, và không “chịu đứng dưới quyền của một ai hết. Kẻ nào “nổi” hơn ta, làm việc giỏi hơn ta, thì ta phải tìm cách giật đổ xuống bằng mọi thủ đoạn, từ gieo rắc tin xạo, đến quậy phá tổ chức, cho dù là tổ chức Tôn Giáo! Kẻ nào không theo đúng 100% đường lối chính trị của ta là Kẻ Thù Ta! Sự kiện đau lòng này làm cho những người trí thức, những nhân vật tài giỏi của Việt Nam Cộng Hòa đều tìm cách ẩn cư, lánh mặt. Do đó, dù cho hải ngoại có hàng trăm ngàn trí thức, thật giỏi giang, có trình độ quốc tế nhưng cũng khó lòng thực hiện được một chính phủ lưu vong. Vì chỉ cần báo chí nêu tên ra một lần thôi, nhưng người được đề cử làm lãnh đạo sẽ cảm thấy khó sống trong môi trường “gió tanh mưa máu” này. Mới đây, đột nhiên trên mạng, một kẻ vô danh nào đó phổ biến một danh sách Chính Phủ Lưu Vong với lời chú thích là “được Pháp và Mỹ ủng hộ?” Từ đó, mà cà chua, trứng thối được ném vào danh sách ma đó như mưa. (Tại sao Pháp lại ủng hộ những nhân vật này? Có quyền lợi gì cho Pháp? Tại sao Mỹ lại ủng hộ? Thay đổi chính sách rồi sao?)
- Chính phủ Lưu Vong phải có sự tham gia và cố vấn của các chuyên viên Việt Nam hải ngoại. Chỉ những người đã có trình dộ trí thức thu thập được từ các quốc gia văn minh, Dân Chủ, và tôn trọng Nhân Quyền mới có thể làm cho đất nước phát triển. Các chuyên gia đã từng là đảng viên, hay là con cháu đảng viên, nay bỏ Đảng để trở về với Dân Tộc, thì sẽ đóng vai trò phụ tá và cố vấn cho các chuyên viên hải ngoại. Các bộ chuyên ngành như Bộ Năng Lượng, Ngoại Giao, Dầu Khí, Kỹ Thuật, Kinh tế, Tài chánh, giáo dục phải được dẫn đầu bởi các chuyên gia Việt tốt nghiệp tại hải ngoại. Còn các bộ khác và quân đội phải giao cho các cựu đảng viên, là người sống trong xã hội chủ nghĩa, là người hiểu hơn ai hết, tình hình xã hội-chính trị tại quê nhà. Về quân đội, các cựu chiến sĩ Cộng Hòa có khả năng tham mưu, có thể đóng vai trò cố vấn cho quân đội.
- Với các nhà Dân Chủ tại Việt Nam, tuy họ còn đang bị kìm kẹp, nhưng họ cũng có thể góp ý kiến qua mạng lưới Internet hay Texting. Khi cách mạng thành công rồi, họ cũng sẽ nhận được những vị trí có giá trị cao để phục vụ cho đất nước dưới lá cờ Quốc Gia.
Đại khái đó là ý nghĩ thô thiển của người viết, trong một lúc căng thẳng vì phải nghe, đọc những luận điệu ấu trĩ của Cộng Sản, chống đối lại “chính phủ lưu vong” này cũng như những lời “bàn loạn” của những người thích “NỔ”, chửi bới “các vị có tên trên danh sách ma kia” không tiếc lời trong khi chính những “nạn nhân” đó không hề có ý nghĩ về việc thành lập Chính Phủ Lưu Vong! Chỉ mong những ai có lòng thật sự muốn phục vụ đất nước, vực quê hương đứng dậy, hãy cứ thẳng đường tiến bước, mà phải lơ đi những phê bình nhảm nhí, không giá trị của bọn xấu đầy dẫy trên diễn đàn và phải kiên quyết thầm nhủ: “Người chiến sĩ xông pha ra trận, không bao giờ sợ bị tên bay, đạn lạc.” Được đức tính đó, mới mong xoay chuyển được thế cờ có lợi cho đất nước Việt Nam yêu quý.
Chu Tất Tiến