Tuesday 10 June 2014

Xin Hãy Dặt Dấu Chấm Trên Chữ I - Trần Mộng Lâm

Hồi sau này, trên internet, tôi đọc được nhiều bài viết ca tụng người Nhựt và chê bai người Việt đủ điều.

Đủ rồi đó, các bạn. Đọc nữa, chắc là bội thực.

Người Nhựt có phải dân tộc lý tưởng như các bài báo ca ngợi hay không?

Nếu người Nhựt hay như vậy, sao lại có chuyện đàm tiếu về họ như chuyện không hay họ đã làm với người phụ nữ Đại Hàn, với người Trung Hoa khi họ chiếm đóng nước này, hay với người Việt Nam trước đây. Nạn đói năm Ất Dậu hình như đã bị xóa nhòa trong trí nhớ người Việt Nam??


Tôi không nói người Nhựt dở. Họ giỏi lắm, Với một đất nước diện tích xấp xỉ Việt Nam, và một dân số cũng không hơn bao nhiêu, nhưng họ đã làm thế giới cảm phục, với những công ty như Toyota, Mitsubishi…v.v, nhưng họ không phải là không có những khuyết điểm. Chẳng có dân tộc nào là không có khuyết điểm, kể cả người Mỹ, người Pháp.

Và nếu như người Nhựt trong khoảng thập niên 40 của Thế Kỷ 20,  thắng trận, và chiếm đóng lâu dài tại Việt Nam, thì có lẽ đời tôi, đời các bạn đồng trang lứa, cũng vất vả chứ không phải sẽ bình an như nước hồ thu đâu.

Ngày xưa người ta nói: Nhân sinh tính bản thiện.

Có người cãi rằng: Nhân sinh tính bản ác.

Có lẽ, nói cho đúng, phải nói rằng một đứa trẻ, khi sinh ra, không thiện, không ác, không xấu, không tốt. Đứa trẻ đó như một tờ giấy trắng, một cái gì rất tinh khiết.

Đứa trẻ đó sẽ trở thành xấu hay tốt, thiện hay ác, tùy theo cái môi trường trong đó nó lớn lên thôi. Dĩ nhiên đâu chỉ là nói một cách rất tổng quát, rất tương đối, vì trong cuộc đời này, không có cái gì là tuyệt đối hết.

Nói về người Việt Nam, thì so với các sắc dân khác, phải nói rằng người Việt Nam không thua kém một ai. Chúng ta không cần phải có mặc cảm tự ty. Con cháu các người Việt Nam di cư sang các nước Âu Mỹ, thành công hơn nếu so sánh ngay cả với những người da trắng chánh gốc.

Chúng ta cũng không thể có mặc cảm tự tôn, vì rằng một vài thế hệ nữa, thì sự thành công này cũng tự nó bị xóa đi, khi đời sống ổn định, và người di dân hội nhập vào người bản xứ, không còn cảm thấy phải phấn đấu, cố gắng đến tận cùng, như đời di dân thứ nhất.

Nay nói đến những người thanh niên Việt Nam hiện nay và những hành động đáng xấu hổ của họ làm chúng ta ngượng ngùng khi nói tới.

Lỗi không phải tại những thanh niên này.

Lỗi là cái chế độ hiện thời nó làm người Việt Nam trở thành như vậy.

Tôi xin nhấn mạnh ở đây chữ «trở thành».

Làm sao không ăn cắp được khi chung quanh người ta ăn cắp thường xuyên.

Khi đi học, thì thấy phải có tiền cho thầy giáo với những lớp học tư. Khi đi thi thì mua bằng, mua đề thi.

Ra trường phải hối lộ, nhiều khi hiến thân nếu là phụ nữ để có việc làm.

Khi đi làm, thì phải đút lót hối lộ, dâng hiến các thủ trưởng.

Ra đường, thì phải hối lộ công an giao thông.

Trong xã hội phải có «chân dài»,…

Đọc lịch sử, thì chỉ thấy những lời gian dối, những hiệp ước ký đó rồi xé đó. Các lãnh tụ có các đời tư dài và hấp dẫn hơn «Chú Tư Cầu» của nhà văn Lê Xuyên ngày trước.

Trong hoàn cảnh đó, làm sao tránh được cảnh người Việt Nam khỏi biến chất??

Bởi vậy, muốn thay đổi một cá nhân, thì phải thay đổi những yếu tố xã hội đang ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân đó.

Còn nếu không, thì các bài viết đề cao các đức tính của Người Nhựt hay người Đại Hàn, người Mỹ, hoàn toàn vô ích, khi người dân phải vật lộn với cuộc sống để sinh tồn.

Làm sao giữ được lòng tự trọng, tính hiên ngang khi các người lãnh đạo không có một phản ứng nào coi được trước sự hống hách của ngoại nhân.

Xin đừng đem cô tiếp viên hàng không ra bôi xấu.Tôi không binh vực cô. Tôi chỉ muốn nói là  cô đã bị trừng phạt về việc cô làm. Chúng ta đừng mở ra một phiên tòa thứ hai trên Mạng bằng cách chuyển đi những trang báo hay những đoạn vidéo của truyền hình Nhựt..

Phiên tòa thứ 2 này ghê gớm hơn phiên tòa thứ nhất nhiều.

Hãy dành các phiên tòa này để xử cái xã hội mà người dân Việt Nam đang chịu đựng một cách thảm thương.

Mất nước, là mất tất cả.

Một khi Tổ Quốc đã bị bán đi, thì dân tộc cũng chẳng còn.

Trần Mộng Lâm