Ngành hàng không ở VN vừa lên tiếng thừa nhận chậm, hủy chuyến bay do năng lực yếu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải khắc phục tình trạng này. Câu hỏi đặt ra liệu rằng ngành hàng không sẽ đổi mới mình một cách hiệu quả qua chỉ đạo của Chính phủ?
Mong quý khách thông cảm
Trong khoảng 1 thập kỷ qua, ngành hàng không VN đóng vai trò quan trọng do nhu cầu đi lại của dân chúng ngày càng gia tăng. Thế nhưng, tất cả hành khách di chuyển bằng đường hàng không ở VN có một điểm chung ở cái lắc đầu ngao ngán khi thường xuyên phải nghe thông báo với nội dung “ vì lý do máy bay về muộn nên chuyến bay của quý khách sẽ chậm hơn lịch trình. Mong quý khách thông cảm”.
Mới đây, hôm 28/7/2014, tại cuộc họp Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, các hãng hàng không thừa nhận do năng lực yếu đã gây ra gần 73% số vụ chậm hoặc hủy chuyến bay. Tìm hiểu tâm lý khách hàng khi họ chọn lựa phương tiện đi lại nhanh nhất mà phải mất nhiều thời gian chờ đợi ở sân bay, những khách hàng đài RFA tiếp xúc đều tỏ thái độ bất bình vì cho rằng họ buộc phải mua một dịch vụ kém chất lượng mà không có lựa chọn nào khác hơn. Ông Duy Lê, một chuyên gia về quản trị ở Sài Gòn cũng là khách hàng thường xuyên của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, nói:
Hiện nay không có phục vụ khách hàng, không có cạnh tranh bởi vì ‘no choice’(không có sự lựa chọn nào khác)Ông Duy Lê
“Hiện nay không có phục vụ khách hàng, không có cạnh tranh bởi vì ‘no choice’(không có sự lựa chọn nào khác)”.
Theo phân tích của ông Duy Lê, những khách hàng là doanh nhân thì thời gian đối với họ là tiền bạc nên họ phải chọn Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn nhất ở VN hiện nay để giảm tối thiểu thời gian chờ đợi do các chuyến bay bị hoãn hay bị hủy. Còn về phía khách hàng đã chọn lựa các hãng hàng không giá rẻ như Jetstar Pacific hay VietJet Air…làm phương tiện di chuyển như một hình thức tiết kiệm chi phí thì họ sẽ không chọn hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines làm gì.
Một trong những nhóm hành khách chủ lực của các hãng hàng không ở VN là du khách nước ngoài. Họ cũng không có chọn lựa nào khác hơn khi đến VN để tham quan từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau. Cô Soa, 1 hướng dẫn viên du lịch của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Saigontourist, cho đài ACTD biết:
“Đa phần các công ty du lịch không chọn hãng hàng không giá rẻ. Tại vì giá rẻ thì đồng nghĩa với ‘delay’ (hoãn chuyến bay) còn kinh khủng hơn cả của quốc gia. Thứ hai, giữa cái xấu và ít xấu hơn thì tình hình giao thông đường bộ của VN, ví dụ từ Sài Gòn đi Đà Lạt 300 cây số thì phải đi từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ, nên đa phần họ bắt buộc phải chọn tuyến hàng không thôi. Thường các ‘tour’ du lịch từ 10 đến 12 ngày đi cả 3 miền thì phải đi bằng máy bay”.
Đa phần các công ty du lịch không chọn hãng hàng không giá rẻ. Tại vì giá rẻ thì đồng nghĩa với ‘delay’ (hoãn chuyến bay) còn kinh khủng hơn cả của quốc giaCô Soa, Saigontourist
Trả lời câu hỏi du khách nước ngoài nói gì khi họ trải nghiệm thời gian chờ đợi các chuyến bay bị hoãn hay bị hủy ở các sân bay VN, cô Soa chia sẻ:
“Đặt trường hợp như mình thì mình phải chuẩn bị tâm lý cho khách trước. Hãng hàng không quốc gia tên là Vietnam Airlines nhưng thường hay đùa là ‘Delay Airlines’ (Hãng hàng không Chậm trễ). Mình chuẩn bị tâm lý trước thì khách cũng không nói gì hết”.
Tuy nhiên, cô Soa còn cho biết thêm yếu tố các chuyến bay bị chậm trễ hay bị hủy là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho du khách nước ngoài “một đi không trở lại” VN, đất nước có khẩu hiệu “điểm đến của thiên niên kỷ mới”.
Bài toán không đáp số
Trong cuộc họp Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cuối tháng 7 vừa qua, các hãng hàng không nêu lên nguyên nhân chủ quan, nội tại bao gồm năng lực bảo trì yếu kém, quá trình sắp xếp các chuyến bay chưa hợp lý, thời gian quay đầu máy bay quá ngắn, năng lực của bộ phận xây dựng kế hoạch bay bị hạn chế. Bên cạnh đó còn có tình trạng, dịch vụ và trang thiết bị yếu kém tại các sân bay, công tác quản lý điều hành bay còn nhiều bất cập. Ngoài ra, các yếu tố khách quan gây ra hậu quả ảnh hưởng đến lịch bay cũng gia tăng đáng kể. Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2014, có 145 vụ việc hành khách vi phạm, tăng đột biến hơn 95% so với cùng kỳ năm 2013.
Tham dự cuộc họp Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo ngành hàng không VN phải áp dụng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế, các hãng hàng không sớm khắc phục tình trạng chậm trễ, hủy chuyến bay được coi là “chuyện thường ngày” đang gây bức xúc trong dư luận để xứng danh niềm tự hào rằng VN có ngành hàng không rất an toàn.
100% ‘it doesn’t make sense’ (chẳng có ý nghĩa gì cả). Đơn giản năng lực mới là quan trọng chứ không phải mệnh lệnh là xong. Bây giờ ai cũng muốn tốt hơn nhưng phải tốt hơn như thế nào thì không có cách. Không có kỹ năng là thuaÔng Duy Lê
Qua lăng kính chuyên môn của 1 chuyên gia về quản trị, ông Duy Lê khẳng định chỉ thị của đại diện Chính phủ sẽ không mang lại hiệu quả nào để cải thiện tình trạng hiện nay của ngành hàng không VN. Ông Duy Lê đánh giá yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đối với ngành hàng không VN:
“100% ‘it doesn’t make sense’ (chẳng có ý nghĩa gì cả). Đơn giản năng lực mới là quan trọng chứ không phải mệnh lệnh là xong. Bây giờ ai cũng muốn tốt hơn nhưng phải tốt hơn như thế nào thì không có cách. Không có kỹ năng là thua”.
Chuyên gia về quản trị Duy Lê cho rằng để cải tổ trong ngành hàng không VN có hiệu quả thì cần phải chú trọng vào yếu tố năng lực nhân sự trong cả hệ thống của ngành. Mỗi nhân viên từ vị trí thấp nhất cho đến người lãnh đạo cao nhất ở cấp thượng tầng đều phải có thực lực. Bên cạnh yếu tố nhân lực, ngành hàng không VN còn cần phải có chiến lược kinh doanh dài hạn để thay đổi và phát triển.
Nhiều chuyên gia trong ngành hàng không nhận định khoảng 100 năm nữa hàng không VN mới có thể sánh vai với ngành hàng không của các quốc gia trong Hiệp hội Đông Nam Á-ASEAN. Ngành hàng không VN vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sẵn sàng “đổi mới”. Dư luận đang chờ nghe câu trả lời có phải ngành hàng không VN đang đi vào ngõ cụt? Và nếu đúng, liệu có giải pháp nào để giải quyết hay không?