Wednesday, 16 July 2014

Ngô Nhân Dụng - Trung Cộng đối đầu với Nhật Bản


Ông Shinzo Abe đi thăm Canberra. Hai vị thủ tướng Nhật và Australia (Úc Châu) nói hai nước không liên minh để chống Trung Quốc. Trước đó, ông Tập Cận Bình sang Seoul gặp bà Park Geun-hye, tổng thống Nam Hàn. Cả hai đều nói lên nỗi lo ngại khi chính phủ Nhật giải thích bản “hiến pháp hòa bình” theo cách mới để tăng cường quân lực và sẵn sàng tham chiến, không phải chỉ để tự vệ mà cả khi cần hỗ trợ các đồng minh.

Chính phủ Úc trù tính mua tầu ngầm Soryu của Nhật, loại tầu ngầm sẽ khiến Trung Cộng phải hết sức dè dặt nếu muốn gây chiến với Nhật Bản. Soryu là thứ tầu ngầm lớn nhất và trang bị kỹ thuật mới có khả năng lặn chìm dưới đáy biển suốt hai tuần liền. Chính phủ Obama đã gia tăng số thủy quân lục chiến Mỹ đóng ở Úc lên 2,500 người. Nhật Bản cũng là nơi gần 50,000 quân Mỹ đồn trú trong nhiều căn cứ quân sự, được Mỹ bảo vệ bằng liên minh quân sự, và trao đổi kỹ thuật quân sự thường xuyên với Mỹ. Bộ tư lệnh Hạm Ðội Bảy của Mỹ cũng đặt tại Nhật Bản. Nhật Bản và Úc đang tiến tới một thỏa ước mậu dịch tự do; hiện nay Nhật là nước mua bán với Úc nhiều thứ nhì, sau Trung Quốc. Hai phần ba số quặng than và sắt Nhật nhập cảng là mua từ nước Úc.

Trong lúc ông Abe đang ở Úc, Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường tiếp đón bà Angela Merkel, thủ tướng Ðức, đã nhân cơ hội tố cáo các tội ác của quân đội Nhật trong thời Ðại Chiến Thứ Hai, hai nước Nhật, Ðức đã liên minh trong cuộc chiến đó.

Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã bị quân Nhật chiếm đóng từ trước Ðại Chiến Thứ Hai; và cả hai đều còn đang tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền trên một số hòn đảo. Hiện có hơn 28,000 quân Mỹ còn đóng ở Nam Hàn, sau khi đẩy lui hàng triệu quân Trung Cộng trong cuộc chiến Nam Bắc Cao Ly năm 1950. Bà Park Geun-hye nói thông thạo tiếng Trung Hoa và bà đã gặp Tập Cận Bình năm lần, kể từ khi ông nhậm chức, mới gần hai năm trời. Trung Quốc là nơi các công ty Nam Hàn xuất cảng và đầu tư nhiều nhất. Ðiện thoại di động của Samsung bán chạy nhất ở nước Tàu. Dân Trung Hoa lục địa cũng mê phim bộ Hàn Quốc, mà ông Vương Kỳ San, người đứng đầu ủy ban chống tham nhũng ở Bắc Kinh rất hoan nghênh, vì luân lý trong phim bộ chính là nền đạo lý cổ truyền của các nước Á Ðông.

Tập Cận Bình kêu gọi các nước xây dựng một “cấu trúc hợp tác an ninh mới trong Á Châu và Thái Bình Dương.” Nhưng Trung Cộng hiện nay không có một đồng minh quân sự nào trong vùng, trừ Bắc Hàn, mà ông Tập sẽ đi thăm sau khi thăm Nam Hàn. Bản thông cáo chung ở Seoul kêu gọi chống võ khí nguyên tử, nhưng không nói đến tên Bắc Hàn!

Thế cờ trong vùng Á Ðông đang thay đổi, với những chuyển động mạnh kể từ sau cuộc Ðại Chiến Thứ Hai và sau khi chấm dứt Chiến Tranh Lạnh. Có những quốc gia thù nghịch (Úc, Nhật hoặc Nam Hàn, Trung Cộng) nay lại hợp tác. Nhật Bản và Nam Hàn vừa cộng tác, vừa đối đầu. Mỹ, Nhật từng là kẻ thù, nay là đồng minh. Mối thù cũ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn được chính quyền Trung Cộng dùng để khích động dân chúng, để họ lãng quên ách cai trị độc tài đầy tham nhũng.

Bản Hiến Pháp năm 1947 do quân đội Mỹ soạn trong thời gian chiếm đóng đã lỗi thời. Sau khi ông Abe xác định muốn nước Nhật trở lại vai trò “một quốc gia bình thường,” chính phủ Mỹ cũng ủng hộ lối giải thích mới của ông. Chỉ có một nửa dân chúng Nhật hoàn toàn ủng hộ chính sách quân sự mới của ông Shinzo Abe. Sống trong chế độ dân chủ tự do, cho nên nhiều người Nhật đã biểu tình phản đối, một người đàn ông đã tự thiêu ở nhà ga xe lửa Shinjuku, Tokyo.

Nước Nhật sẽ tái võ trang, lập lại quân đội chính quy, không thể nào tránh được. Một quốc gia với nền kinh tế lớn hàng thứ nhì, rồi thứ ba trên thế giới không thể nào “tự cung,” không lập quân đội và từ bỏ quyền dùng vũ lực bên ngoài lãnh thổ của mình. Trung Cộng đang hô hoán về mối đe dọa quân phiệt Nhật tái xuất hiện. Nhưng chúng ta biết dân Nhật đã nếm mùi dân chủ tự do từ hơn nửa thế kỷ qua, khó lòng chấp nhận một chính quyền quân phiệt.

Chính sách nước Nhật thay đổi chính vì mối đe dọa bành trướng của Trung Cộng, đặc biệt là tham vọng kiểm soát vùng Ðông Nam Á. Ông Shinzo Abe đã so sánh hành động của Trung Cộng trong Biển Ðông nước ta với tham vọng của các đế quốc Ðức và Áo muốn kiểm soát bán đảo Balkan đầu thế kỷ 20, đầu mối gây ra cuộc Ðại Chiến Thứ Nhất, xảy ra trước đây đúng 100 năm. So với Trung Cộng thì hiện nay quân đội Nhật Bản thua về số lượng, nhưng vượt hơn rất xa về phẩm chất. Ngân sách quốc phòng của Trung Cộng lên tới 188 tỷ đô la trong lúc nước Nhật chi 49 tỷ (Mỹ chi 640 tỷ, sau khi đã cắt giảm). Quân đội Trung Cộng có 2 tỷ 3 sĩ tốt dưới cờ, còn “quân tự vệ” Nhật Bản chỉ có 58,000 người.

Nhưng thực ra, ngay trong tình trạng chỉ có “quân tự vệ” theo bản Hiến Pháp hòa bình đòi hỏi, lực lượng quân sự Nhật cũng đủ sức đương đầu với quân Trung Cộng, không cần Mỹ can thiệp, hỗ trợ. Hầu hết các vũ khí quân Trung Quốc đang dùng đều cũ kỹ, vì nền kinh tế và công nghiệp suy sụp trong những năm Mao Trạch Ðông còn sống. Trong số gần 8,000 xe thiết giáp, chỉ có 450 chiếc thuộc thế hệ mới sản xuất. Phần lớn máy bay chiến đấu là di sản thời 1970, nhập cảng máy bay Nga Xô Viết. Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh mua lại của Ukraine, do Nga Xô chế tạo thời 1980, chỉ dám hoạt động ở vùng ven biển Trung Quốc; không đủ sức phóng những máy bay đường xa. Chỉ có một nửa số tàu ngầm của Trung Cộng được chế tạo trong 20 năm gần đây.

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn tiếp tục mua vũ khí, phi cơ của Mỹ từ mấy chục năm qua; cho nên hải quân và không lực Nhật mạnh hơn Trung Cộng. Trong ba năm nữa, Nhật sẽ nhận được những máy bay F-35 mới, chỉ bán cho các nước đồng minh thân nhất. Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo của Bắc Kinh tiết lộ rằng máy bay F-35 có thể bắn hạ những hỏa tiễn do hàng không mẫu hạm Liêu Ninh phóng lên, từ khoảng cách an toàn xa 290 cây số. Những máy bay J-15 tối tân nhất của Trung Cộng có thể bị bắn trước khi biết sắp gặp F-35 của quân địch. Hệ thống phòng thủ trên đất liền của Nhật được trang bị với các hỏa tiễn Mỹ có thể hạ các hỏa tiễn địch bắn bên trong hay bên trên bầu khí quyển.

Trong lúc ở Canberra, ông Abe phân trần rằng nước Nhật không có ý gây chiến với ai mà chỉ muốn “xây dựng một trật tự thế giới dựa trên tinh thần thượng tôn luật pháp.” Ðó cũng là điều ước ao của mọi người dân trong vùng Ðông Á. Người dân ở xã hội nào cũng muốn được bảo đảm an toàn bằng luật pháp minh bạch, công khai. Trong bang giao, các chính phủ cũng phải tôn trọng luật lệ quốc tế. Hành động của chính quyền Cộng sản Trung Quốc hiện nay trong vùng Biển Ðông hoàn toàn bất chấp luật pháp của loài người. Ðó là điều khiến tất cả các quốc gia khác đều lo ngại. Khi nào người dân Trung Hoa được sống trong một thể chế dân chủ tự do thì họa may họ mới có thể bầu lên một chính quyền biết tôn trọng luật pháp thế giới.

Chúng ta đã thấy người Trung Hoa sống ở Ðài Loan đã thực hiện được công cuộc dân chủ hóa từ ba chục năm qua. Dân Hồng Kông cũng mới biểu lộ khát vọng dân chủ trong tuần qua. Từ năm 1997, mảnh đất này được trao trả lại cho Trung Quốc, chính phủ Anh đã đòi Bắc Kinh không được áp dụng ở đó thể chế cai trị như trong lục địa, nhờ vậy dân Hương Cảng vẫn được hưởng nhiều quyền tự do như còn sống dưới chế độ thuộc địa Anh. Trong tuần qua, dân Hồng Kông đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý, và 87% cử tri đồng ý các cuộc bàu cử trong tương lai phải theo đúng các thủ tục dân chủ tự do quốc tế.

Chúng ta có thể tin rằng sớm hay muộn người dân Trung Hoa trong lục địa cũng đứng dậy xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng sản. Trào lưu dân chủ hóa tràn lan khắp miền Á Ðông, có thể sẽ thay đổi cục diện bang giao. Vì các chính quyền do dân chúng bầu lên thường không thể gây chiến tranh phi lý. Dưới chế độ dân chủ chính quyền khó lòng mê hoặc dân bằng những tình tự dân tộc quá khích; mà dân nước nào cũng chỉ muốn được sống hòa bình.