Wednesday, 16 July 2014

Nguyễn Tường Tâm - Nhân World Cup 2014: Một chút Rio De Janeiro, Brazil

World Cup 2014 đang diễn ra tại Brazil, mấy chục triệu người trên thế giới đang hướng mắt về "thánh địa bóng đá". Đất nước Brazil có ba điều hầu hết mọi người đều biết, dù chưa bao giờ đặt chân tới, đó là khu rừng rậm Amazon, thành phố Rio de Janeiro và thác Iguazu.
Rừng rậm Amazon là một vùng đất nhiều mời gọi đối với những người du lịch thích mạo hiểm. Ngay cả những backpacker là những tay du lịch chuyên nghiệp (seasoned traveller) đều mơ sẽ phải có một chuyến len lỏi vào khu rừng rậm nam Mỹ này. Thác Iguazu là ngọn thác nằm trong rừng sâu ráp ranh biên giới ba quốc gia Argentina, Brazil và Paraguay; và là ngọn thác rộng nhất thế giới. Thành phố Rio de Janeiro nổi tiếng với bức tượng chúa Giê Su trên đỉnh núi dang rộng hai cánh tay giữa trời bao la, và cũng rất nổi tiếng những thiếu nữ mặc bikini nhỏ như những sợi dây mỏng manh đi dạo trên bãi biển Copabacana.
tambien.jpg
Tôi tới Brazil, cũng như bao tây ba-lô (backpackers) khác, vì tiếng gọi của rừng thẳm mênh mông phủ kín hai bên bờ sông Amazon, con sông dài thứ nhì thế giới với chiều dài 6437 Km. Nhưng ngoài ra, khi đã quyết định tới Brazil, thì phải tới Rio de Janeiro. Mà một khi đã tới Rio de Janeiro, thì tôi phải tới sân bóng đá Maracana, bởi vì tôi đã từng là một thiếu niên "tiêu biểu" của miền Nam Việt Nam cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, thế hệ thanh thiếu niên và đàn ông mê bóng đá, ngưỡng mộ cầu vương Pele của Brazil. Maracana ở Rio de Janeiro vốn dĩ đã là sân bóng nổi tiếng vì lớn nhất thế giới vào thời đó, với sức chứa 76 ngàn người, nhưng sân Maracana còn nổi tiếng vì trên sân bóng đó đã diễn ra một kỳ tích của vua bóng đá Pele mà tôi nghĩ hầu hết những người mê Pele của thập kỷ đó đều biết, đó là một cú làm bàn "lịch sử".

Pele có nhiều cú làm bàn lịch sử, nhưng tôi biết và mê cú làm bàn lịch sử trên sân Maracana nhất. Cú làm bàn lịch sử đó đã được Trang web Wikipedia ghi nhận như sau, "Tháng 3/1961, Pele đã có một cú làm bàn đáng ghi vào một tấm bia (the gol de placa) trong trận đội Santos của Pele thi đấu với đội Fluminense tại cầu trường Maracana. Pele nhận bóng ở sát vòng cấm địa đội nhà, và chạy một mạch suốt chiều dài sân, tránh né nhiều đối phương, và sút bóng vượt qua thủ môn đối phương. Cú làm bàn này được coi thần sầu (spectacular) tới nỗi người ta đã làm một tấm plaque để kỷ niệm cú làm bàn đẹp nhất trong lịch sử sân bóng Maracana (the most beautiful goal in the history of the Maracan)(1)

Quí vị nào muốn xem lại pha đi bóng và làm bàn thần sầu này của Pele có thể bấm vào link. Thực ra, thời đó máy quay phim không sẵn như bây giờ cho nên không có khúc phim thật của pha đi bóng này. Nhưng vì pha đi bóng thần sầu quá cho nên người ta phải dựng lại với Pele là người biểu diễn. Youtube này có tên Pele "GOL DE PLACA"-The best goal in the history of Maracana (1961)", có nghĩa là Pele với "cú làm bàn để đời"-Cú làm bàn đẹp nhất trong lịch sử sân bóng Maracana (1961). Đây là trận đội Santos của Pele thắng đội Fluminense 3-1 ngày 5-3-1961. Trong youtube người xem cũng được thấy tấm plaque kỷ niệm cú làm bàn lịch sử này. Trong đoạn phim diễn lại này người ta thấy Pele trong đồng phục trắng, vớ trắng, nhận bóng từ vòng cấm địa sân nhà bật lên như tên bắn nhắm thẳng cầu môn đối phương. Các cầu thủ đối phương lần lượt xông ra truy cản. Nhưng Pele với đôi chân tuyệt diệu vờn bóng như đang nhẩy vũ điệu Samba. Samba là một vũ điệu truyền thống của Brazil chủ yếu phô diễn sự nhanh nhẹn và uyển chuyển của đôi chân (2). Pele lách sang phải vượt qua đối phương thứ nhất, lách qua trái vượt qua đối phương thứ hai; cả hai đối phương đều trượt té trên sân cỏ. Pele vẫn tiếp tục lướt đi. Mấy đối phương kế tiếp lướt tới cản phá đều bị Pele tránh né vượt qua. Trong tích tắc Pele với bóng trong chân đã tới gần vòng cấm địa đối phương. Thủ môn đối phương vội tiến tới phía trước trong vòng cấm địa nhằm mục đích thu hẹp khung thành để truy cản. Một hậu vệ từ bên trái Pele cũng phóng tới vươn chân định cản phá. Nhưng nhanh hơn, Pele đã sút bóng rất căng vào phía phải khung thành, tức bên trái của Pele. Mặc dù thủ môn đã đoán đúng ý định của Pele, tung người ra đón bóng. Nhưng không còn kịp nữa! Bóng rời chân Pele như mũi tên bắn sà vào khung thành bên phải. Mặc dù không thấy, nhưng tôi có cảm tưởng toàn thể sân bóng Maracana bùng vỡ tung sau cú phá lưới tuyệt vời đó. Và tôi đã tới sân bóng Maracana vì vậy, tôi tới Maracana vào một ngày Chủ Nhật nắng ráo 16/8/2009.
sanbongmaracana.jpg

Sau lưng tác giả là sân bóng Maracana, Brazil.
Người Brazil đi xem bóng đá với phong cách như đi chẩy hội. Mặc dù không đông, vì chỉ là một trận đấu địa phương, nhưng tinh thần người đi xem rất là nhiệt tình. Họ mang theo cả cờ quạt, biểu ngữ để ủng hộ đội của họ. Tôi cũng mượn lá cờ của họ phất lia lịa để chụp hình kỷ niệm.
tacgia.jpg

Tác giả cầm cờ cổ vũ cho một trong hai đội bóng đang thi đấu
quangcao.jpg

Trên bảng thông báo điện tử của sân Maracana, người ta quảng cáo cho World Cup 2014.
Bây giờ xem lại, tôi thấy thời gian trôi thật mau, thế mà đã 5 năm rồi. Lúc đó, tại sân Maracana, trước mặt tôi, trên sân cỏ, chỉ lảng vảng hình bóng Pele với cú đi bóng và làm bàn thần sầu khiến tôi nhớ mãi và phải cố công tới nơi ngày hôm đó. Bóng tròn chỉ thi đấu vào hai ngày cuối tuần mà tôi không thể ở Rio de Janeiro quá một tuần (vài ngày du lịch cho một thành phố đã là quá đủ) cho nên tôi phải tính toán lộ trình để tới nơi làm sao có dịp trải qua hai ngày cuối tuần ở Rio de Janeiro.
Nhưng để tới Brazil so với các quốc gia khác không phải chuyện đơn giản đối với các công dân Hoa Kỳ, Anh và Việt Nam. Công dân những quốc gia này muốn thăm Brazil phải nạp đơn xin visa trước chứ không phải chờ tới phi trường xin tại chỗ. Ngoài ra lại còn phải có giấy chích ngừa quốc tế bệnh yellow fever (bệnh sốt vàng da?). Dường như hiện nay Brazil đã bỏ đòi hỏi giấy chủng ngừa yellow fever đối với du khách. Tại Hoa kỳ xin visa mất 2 ngày, ngày nạp đơn và ngày hẹn tới lấy. Việc tiêm chủng ngừa bệnh yellow fever cũng là mũi chủng ngừa đắt nhất, $120 đô Mỹ một mũi.
Nhưng cái khó khăn nhất khi du lịch Brazil là vấn đề an ninh. Các sách du lịch Brazil đều cho biết vấn đề an ninh đối với các du khách rất là trầm trọng. Một lần đọc trên báo trong nước một bài cho biết có phái đoàn nhà nước Việt Nam sang họp ở thủ đô của Brazil. Sau khi họp, thành viên trong phái đoàn với complet, cà vạt và samsonite định ra phố "tham quan". Viên chức địa phương liền khuyên quí vị đó không nên tự đi mà nên để được hướng dẫn đi, vì nếu tự đi thì có thể bị trấn lột hoặc ăn cắp. Về vấn đề an ninh tại Rio de Janeiro, cuốn sách du lịch Frommer's Brazil ở trang 59 viết thế này, "Có nhiều điều cần nhớ. Thật là dại dột khi lang thang không bạn đồng hành vào bất cứ một khu nhà ổ chuột nào ở trong và quanh thành phố. Đó là những nơi nhiều tội phạm nhất. Tại những khu vực trưởng giả (snobbish) như khu Zona Sul, những khu nhà ổ chuột nằm cheo leo ở sườn đồi dốc và trên đỉnh vực. Tốt nhất cũng là tránh khu trung tâm thành phố vào cuối tuần, đặc biệt là Chủ Nhật. Khu trung tâm thành phố vào những ngày cuối tuần hầu hết trống vắng, và hơi đáng sợ (more than a little eerie.) Hãy tránh các bãi biển vào ban đêm, vì ở đó tối và hầu như vắng người (hãy bám vào những đường tản bộ dọc bờ biển có đèn sáng và cảnh sát du lịch tuần tra.) Ban đêm, nên dùng taxi chứ đừng dùng phương tiện giao thông công cộng. Cuối cùng, cũng như bất cứ vùng thành phố rộng lớn nào (large metropolitan area), thái độ khôn ngoan nhất là dùng sự cảnh giác thông thường: Không phô trương nữ trang và số tiền mặt lớn, và hãy bám sát những con đường chính có nhiều đèn sáng và nhiều người qua lại."
Với riêng tôi, sau khi đi lang thang gần hết Âu châu và đông Nam Á, tôi phải nghĩ tới du lịch Nam Mỹ. Khi nói tới Nam Mỹ người Việt mình thường hình dung toàn bộ vùng châu Mỹ phía Nam của Hoa Kỳ. Ít người nhớ tới địa lý của vùng này, kể cả tôi đang sống tại Hoa Kỳ khá lâu. Châu Mỹ được chia làm ba vùng. Bắc Mỹ bao gồm Canada và Hoa Kỳ. Trung Mỹ từ ráp ranh Hoa Kỳ xuống hết Panama. Dưới Panama là Nam Mỹ mà cuối cùng là Argentina. Có một điều khá lạ phải đi tới nơi mới biết là giữa biên giới phía nam của Panama và Nam Mỹ là một khu rừng rậm mà không hiểu sao lại không có đường bộ. Ai tới Panama mà muốn mạo hiểm đi tiếp xuống nam Mỹ thì phải đi đò; đò kiểu như đò ngang ghé qua mấy hòn đảo nhỏ ở vùng ráp ranh chứ không phải tầu thủy lớn. Đấy là khi tới Panama tôi nghe nói vậy chứ không biết nếu đi đò ngang như thế thì cửa khẩu để cấp visa làm sao.
Vì biết là du lịch Nam Mỹ không như Âu châu hay Á châu về phương diện an ninh, cho nên khởi đầu tôi chỉ dám đi mon men gần biên giới Mỹ là hai quốc gia Mexico và Guatamala. Sách du lịch hướng dẫn tới hai quốc gia này cũng nói những điều ghê gớm. Ngay cả mấy người quen của tôi người Mexico, hay ngay một viên cảnh sát quen người gốc Mexico cũng khuyên tôi không nên du lịch Mexico. Và theo họ, nếu đi Mexico thì phải rất cẩn thận, bọn tội phạm có thể bắt cóc hoặc chặt tay để lấy nữ trang. Dĩ nhiên nghe vậy tôi cũng thấy rùng mình. Nhưng như thế chẳng lẽ từ nay trên đời chẳng đi đâu nữa? Tôi vẫn cứ liều đi. Chuyện du lịch Mexico và Guatamala thì dài, tôi chỉ tóm tắt, tại thủ đô Mexico City, cách nhau chưa đầy 100 mét là có một nhân viên an ninh vũ trang súng dài canh gác. Trên lầu nhà hàng McDonald's cũng có một nhân viên an ninh cầm súng dài nhìn xuống quan sát khách hàng. Tình hình an ninh ở mấy nước khác ở Trung Mỹ cũng vậy, trừ Nicaragua, quê hương của một thời "cách mạng" và "phản cách mạng" trong các thập niên 1960 tới 1980, lại được sách ghi nhận và tôi đã tới nơi, xác nhận là quốc gia an ninh nhất thế giới.
Sau khi đã "thực tập" đối phó với vấn đề an ninh du lịch tại mấy quốc gia Trung Mỹ rồi, tôi tự tin đi sâu xuống vùng Nam Mỹ và vào tận rừng rậm Amazon nhiều vẫy gọi. Tôi không tới Brazil từ Hoa Kỳ mà tới từ Argentina, đi đường bộ ngược lên phía bắc để xuyên biên giới phía nam của Brazil. Địa điểm đầu tiên tôi thăm viếng là thác Iguazu ở biên giới giữa Argentina và Brazil. Thác Iguazu chỉ thấp hơn thác Victoria ở Châu Phi nhưng lại rộng hơn nhiều. Như vậy thác Iguazu cao thứ nhì thế giới nhưng lại rộng nhất thế giới. Tôi phải chụp 4 lần liên tiếp mới nối lại được toàn cảnh bề ngang của thác Iguazu.
Từ vùng thác Iguazu tôi đi xe bus xuống thành phố Sao Paulo ở vùng đồng bằng. Sau mấy ngày ở Sao Paulo tôi bay thẳng lên biên giới phía bắc của Brazil để vào vùng rừng rậm Amazon. Rừng rậm Amazon ở Brazil là vùng rừng nhiệt đới (rainforest) ở lưu vực sông Amazon (Amazon River basin) nên không có núi. Tuy nhiên, máy bay chỉ đưa tới thành phố Manaus, một thành phố làm bàn đạp (staging area) để vào vùng rừng rậm Amazon. Từ thành phố Manaus để vào vùng rừng rậm Amazon còn phải đi phà, xe hơi và cuối cùng là xuồng nhỏ len lỏi dưới những rừng cây ngập nước như ở vùng sông nước miền Tây (Việt Nam), tổng cộng mất hơn nửa ngày mới tới địa điểm cắm trại trong rừng. Amazon là con sông dài thứ nhì thế giới, sau sông Nile của Ai Cập, nhưng lại là con sông có lưu lượng nước chảy mỗi giây nhiều nhất, nhiều hơn lưu lượng nước của bảy con sông rộng kế tiếp cộng lại. Đồng thời sông Amazon có một lưu vực (river basin) rộng nhất thế giới với 7 triệu 50 ngàn cây số vuông. So sánh với vùng đồng bằng tam giác sông Hồng ở miền Bắc thì diện tích chỉ có 120 km vuông. Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam thì rộng hơn đồng bằng sông Hồng nhiều, có nhưng diện tích cũng mới là 40 ngàn 500 km vuông.
Toàn bộ vùng rừng rậm Amazon, kể cả thành phố Manaus bị bao quanh bởi con sông Amzon, không có đường bộ thông thương ra ngoài. Muốn ra vào vùng này phải hoặc đi máy bay hoặc đi tầu thủy. Năm ngày cắm trại trong rừng tôi đã câu cá, bơi lội trên giòng sông Amazon. Cho nên lúc ra tôi không muốn đi tầu trên con sông Amazon nữa mà dùng máy bay ra thành phố gần nhất. Đó là thành phố Belem. Từ thành phố Belem tới Rio de Janeiro dài 3085 km. Còn từ Belem tới thác Iguazu, tức là đoạn đường bộ từ bắc xuống nam Brazil tổng cộng dài 3348 km. Chưa kể đoạn đường xe bus tôi đi từ thủ đô Buenos Aires tới thác Iguazu dài 1362 km. Như vậy từ thủ đô của Argentina lên phía bắc Brazil tôi đã đi tổng cộng 4710 km đường bộ. Khi về tới Rio de Janeiro, nghe tôi kể đoạn đường đi, mấy người Brazil bảo tôi điên. Ý họ nói sao không đi máy bay cho nhanh. Từ Belem đi dọc theo mấy thành phố miền duyên hải xuôi nam để tới Rio de Janeiro, tôi cũng ghé lại mấy thành phố nữa mà hiện nay cũng có thi đấu World Cup. Con đường quốc lộ xuyên Brazil thật rộng, mặt đường phẳng phiu, không một ổ gà, không có nạn kẹt xe, hai bên đường nhà cửa cách xa lòng đường, hệ thống xe bus tổ chức tuyệt hảo so với hệ thống xe bus ở những quốc gia tôi đã đi qua. Tôi đã thu thập đầy đủ hình ảnh cho một bài viết về sự tổ chức và hệ thống giao thông đường bộ tại Brazil như một mẫu mực cho sự cải tổ giao thông công cộng tại Việt Nam nhưng chưa có dịp thuận tiện để công bố. Đường rộng thênh thang, bầu trời bao la, trên không trung, suốt hơn 3000 km, luôn thấy những chim hải âu là-là soải cánh. Những lần ngắm nhìn đàn chim hải âu trên bờ biển Brazil hay trên bầu trời dọc theo cuộc hành trình, tôi thấy tâm hồn phiêu lãng. Bao nhiêu đoạn đường lãng du đã trải qua trong đời! Chim hải âu theo xe bus tới mãi gần thành phố Rio de Janeiro.
Tại tất cả mấy thành phố tôi ghé lại, câu hỏi đầu tiên của tôi đối với một sinh viên du khách (tôi dịch bacpackers là sinh viên du khách) là về vấn đề an ninh thì đều được trả lời một cách tỉnh bơ đại khái là ra ngoài nhà trọ phải cẩn thận. Đôi khi kèm theo câu chuyện một du khách bị trấn lột hay mất cắp. Riêng tôi cũng có kinh nghiệm hai lần trước đó ở thành phố Sao Paulo rồi nên hỏi vậy chứ bản thân cũng biết rồi.
Trên lộ trình, đáng lẽ tôi phải ghé lại thủ đô Brasilia. Du lịch tới nước nào mà chẳng ghé thủ đô. Nhưng tất cả những sinh viên du khách mà tôi hỏi thăm đều không ai ghé thủ đô Brasilia. Điều này phù hợp với hướng dẫn trong sách du lịch là vì mới xây cất nên thủ đô Brasilia không có gì để thăm viếng ngoài mấy buildings hành chánh. Ngày nay, được biết tại thủ đô Brasilia cũng có mấy trận World Cup, tôi tự hỏi những khách xem World Cup tại thủ đô Brasilia sẽ dùng thì giờ đi đâu, làm gì trước và sau và những hôm không có World Cup.
Trên lộ trình tôi đã hoạch định, dù ghé đâu thì cũng phải tới Rio de Janeiro trước hay trong ngày thứ Sáu; vì một trong các đặc thù của Rio de Janeiro là có sinh hoạt ca nhạc, ăn uống ngoài trời vào khuya thứ Sáu mỗi tuần được gọi là Thứ Sáu vui nhộn nhất (The best Friday). Ngay khi bước tới bàn tiếp tân tại nhà trọ sinh viên (tôi dịch hostels là nhà trọ sinh viên), cô tiếp tân trẻ đã vui vẻ chào tôi một cách không chính thức "Best Friday!" Tôi cũng trả lời đúng rồi, chính vì vậy mà tôi tới đây hôm nay. Theo thông tin trong sách du lịch thì hàng tuần vào thứ Sáu tại Rio de Janeiro có cuộc tụ tập khoảng 20 ngàn người tại một công trường ở trung tâm thành phố. Nơi đó nhiều ban nhạc chơi miễn phí. Mọi người tập trung uống và nhẩy nhót. Cuộc tập trung bắt đầu từ 10 giờ đêm kéo dài tới 5 giờ sáng. Trước khi tới Rio de Janeiro, tôi cũng đã tình cờ được tham dự một tối vui tương tự tại một thành phố khác, nhưng cuộc tụ tập vui chơi ca nhạc ở thành phố đó lại diễn ra vào Thứ Ba, nên ở đó người ta gọi là Thứ Ba Vui Nhộn Nhất (The best Tuesday!) Cũng như mọi quốc gia Trung và Nam Mỹ, Brazil là xứ sở của âm nhạc.
Đi vui chơi thì cũng phải có bạn. Tôi mới tới nên chưa quen ai. Chúng tôi tập trung tại phòng sinh hoạt (community room) của nhà trọ. Ở đó có bếp, có tủ lạnh, xoong nồi, chảo, chén, đĩa, dao, muỗng, nĩa v.v... nghĩa là đủ dụng cụ để người ở trọ nấu nướng. Họ chỉ việc mua đồ ăn đề tên và để trong tủ lạnh. Không ai dùng lầm của ai. Buổi chiều mọi người vừa nấu nướng và ăn cơm chiều xong, đang rửa chén bát. Mặc dù ai hay nhóm nào nấu nướng và ăn uống thì tự rửa chén bán sạch sẽ rồi úp vào nơi chỉ định gọn gàng, nhưng cũng có khi vui chuyện đấu láo, cùng rửa chén với nhau cho vui. Phòng sinh hoạt là một khu vực chủ yếu của nhà trọ sinh viên, vì nơi đó những du khách trẻ, có học thức tới từ bốn phương trời, gặp gỡ nhau, đấu láo với nhau, kết bạn với nhau, bạn tạm thời hay lâu dài, và ít nhất là cung cấp thông tin du lịch cho nhau. Vì thế trong phòng có đủ cả soffa, TV, tủ lạnh, bảng thông báo các thông tin du lịch, các tour du lịch, v...v. Trong chiều đó tôi thấy một cô da trắng, tóc cắt ngắn, má hồng tự nhiên, xinh đẹp, miệng lúc nào cũng cười tươi và luôn tay rửa chén dùm những người khác. Sau đó tôi thực lòng nói với cô ta rằng cô ta là người rất dễ thương (nice). Từ đó cô ta có vẻ có cảm tình với tôi. Tên cô là Katharina Deinoff, người Na Uy. Tháng 8 năm 2012 tôi có du lịch tới Oslo gặp lại Katharina, Oslo là thủ đô của Na Uy. Chính Katharina giúp tôi lập trang facebook và post tấm hình tôi cùng cô đang vui chơi với các bạn nam nữ tây ba lô khác. Trong hình, Katharina là cô gái tóc ngắn áo đỏ ngồi cạnh tôi. Trong lúc tụ tập từng nhóm tán gẫu, tôi thấy một anh chàng người địa phương, da ngăm đen, tóc dài ngang vai, người tầm thước, khuôn mặt chữ điền, cằm vuông, đôi vai ngang, tròn, tướng rắn chắc, có vẻ bụi đời, la cà nói chuyện với tất cả mọi người. Nghe nói anh ta là tour guide nên la cà nơi đây để nhận khách. Nhưng mấy ngày sau tôi cũng không thấy anh ta đưa ai đi tour. Tuy nhiên chiều hôm đó tôi nghe anh ta hỏi ai muốn đi tour vào khu nhà ổ chuột thì tối đi với anh ta, chỉ tốn 1 đô la tiền xe bus đi và về thôi. Tôi quá lớn tuổi so với họ lại mới tới chưa nhập được nhóm nên tôi chỉ nghe chuyện họ rủ nhau chứ họ không rủ tôi. Tôi rất muốn đi mà không biết sao. May quá, mới quen nhưng Katharina hỏi tôi có muốn đi không. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Tôi nhận lời và hồi hộp không dám ở trong phòng ngủ lâu mà chờ đợi tại phòng sinh hoạt, sợ họ đi lúc nào mình không hay. Tuy đi vì tò mò nhưng tôi cũng không biết sao họ lại rủ nhau đi xem khu ổ chuột, khu ổ chuột thì có gì để xem? Buổi tối, tay tour guide tới, mọi người đi theo ra xe bus chờ ở đầu đường. Khu ổ chuột không xa, chừng 20 phút xe chạy. Qua trung tâm, rồi qua một khu giầu có, xe chạy tiếp ra ngoại ô, đường xá bắt đầu vắng. Dân địa phương lại da đen. Cũng đã thấy hơi rợn người. Cuối cùng xe lên dốc thấp vào một khu ở chân đồi. Đúng ra đây là một đồi cao mà là núi thấp cho nên gọi là núi hay đồi cũng đúng. Đúng là khu lao động. Những căn nhà nhỏ liền kề nhau. Mọi người ngồi trước cửa nhà. Nhiều người cởi trần. Một số thanh thiếu niên tụ họp ở ngã tư vắng xe, bên mấy nhà nhỏ bán tạp hóa và mấy chiếc xe đẩy bán đồ uống và kẹo bánh. Khi xe bus tới, mọi người dừng hoạt động, im lặng dương mắt quan sát chúng tôi. Hai bên như hai thế giới, lặng lẽ, không ai cười chào với ai, không ai xã giao với ai. Không khí như có cái gì đó ngấm ngầm dưới cuộc sống. Chúng tôi theo anh tour guide đi vào một con hẻm nhỏ, rất nhỏ, và lại ngoằn nghoèo lên đỉnh đồi. Hai bên là những căn nhà kín cửa và khi mở cửa thì mặt gần như chạm nhau. Thỉnh thoảng có người đứng mở cửa vào nhà, liếc thấy chúng tôi họ liền quay ngay lại việc mở cửa của họ, không một nụ cười. Con hẻm hẹp quá sức vắng vẻ mang lại không khí im lặng rờn rợn. Cũng có người ở trong nhà thấy đông người đi trong hẻm liền mở cửa sổ quan sát, nhìn họ như những người trong nhà tù, nét mặt câm nín, nặng trĩu. Đường hẻm đã hẹp lại bị thu hẹp thêm bởi những bực thềm xây trước cửa nhiều căn nhà, nên đi phải cẩn thận kẻo vấp té. Trên đầu giây điện chằng chịt. Những khu nghèo nhất ở các thành phố miền Nam Việt Nam mà tôi biết cũng không nghèo và rợn người như khu này. Chắc chắn nếu không có người địa phương hướng dẫn thì không ai dám đi vào con hẻm lên núi này. Thỉnh thoảng có người chào anh tour guide. Tôi nghĩ anh tour guide cũng phải là một tay "ngầu" trong vùng. Đường sáng lờ mờ, có những đoạn hẻm ngoặt và có nước nên thỉnh thoảng Katharina nắm bàn tay tôi dìu đi, có lẽ Katharina sợ tôi ngã? Một cảm giác êm dịu. Khó đoán được cái cảm tình của Katharina đối với tôi là tình cảm gì, bởi vì tôi quá lớn tuổi so với nàng; vả lại chúng tôi cũng chỉ mới gặp nhau trong ngày. Nếu tôi ngang tuổi nàng hay chỉ hơn chút ít thì dễ định hình tình cảm hơn. Nhưng dù sao cũng thấy một cảm giác lâng lâng. Gần tới đỉnh đồi có người từ trong một căn nhà mở cửa chào chàng tour guide, chàng ta đứng lại nói mấy câu có vẻ thân mật. Sau đó anh ta bảo chúng tôi rằng đó là quán rượu (pub), lát nữa anh sẽ đưa chúng tôi tới đó. Giờ chúng tôi tiếp tục lên nhà anh ta. Khi lên tới đỉnh cao chót vót, một khung nhà đúc xi-măng cốt sắt rộng rãi đã hình thành nhưng chưa phân buồng và chưa có vách, nhiều bao ciment và vật liệu xây cất còn dang dỡ. Anh ta cho biết chưa có tiền để hoàn tất. Anh ta giới thiệu sau này sẽ làm nhà hàng ở đây và khách sẽ thưởng thức cảnh đẹp của Rio de Janeiro phía dưới. Có lẽ tất cả chúng tôi đều nghĩ quả thật đây là một vị trí tuyệt vời nhất ở Rio de Janeiro. Từ đây có thể nhìn xuống khắp thành phố. Ánh đèn như sao sa. Thành phố quá đẹp. Tôi nghĩ tay tour guide này cũng phải là dân anh chị có máu mặt mới có thể có được vị trí tốt như thế này và mới có thể kinh doanh tại địa điểm này. Katharina đứng cạnh tôi mê mẩn ngắm thành phố. Tôi muốn vòng tay ôm ngang hông nàng. Tôi biết nếu tôi có cử chỉ như vậy thì đối với văn hóa phương tây cũng là bình thường, không có gì xác định một tình cảm hơn là một tình cảm thân mật thông thường. Đã hơn một lần có cô du khách sinh viên trẻ ôm ngang hông hay quàng vai tôi chụp hình. Dĩ nhiên tôi chưa bao giờ cho bà xã hay các con, hoặc ngay cả bạn bè xem những tấm hình này vì tôi không muốn bị cấm cửa không cho trở về. Im lặng một hồi rồi Katharina bảo tôi lấy máy ra chụp hình. Tôi nói tôi không mang theo. Nàng nói tiếc quá. Lý do tôi không mang máy hình theo là vì trước khi đi anh chàng tour guide cũng dặn đừng mang tư trang, máy hình, máy quay phim. Chẳng ai mang theo máy hình, thế là tối đó không ai có hình.
Khi trở xuống chúng tôi được đưa vào quán rượu gặp lúc mới lên. Quán rượu này cũng là nhà trọ nên chúng tôi được hướng dẫn xem các phòng ốc kiến trúc một cách lạ lùng. Họ giao cho chúng tôi một số đèn pin vì trong đó rất tối. Các giường ngủ được khoét sâu vào vách. Phòng nọ nối với phòng kia bằng những con đường chật hẹp và ngoằn ngoèo. Dĩ nhiên nhà trọ phải có điện nhưng họ trang trí bằng những ngọn đèn mầu tù mù tạo vẻ ma quái. Kiểu nhà trọ ma quái này tôi xem báo thấy trên Đà Lạt cũng có một khách sạn xây kiểu ma quái như thế này nhưng mà to hơn. Không biết chủ nhân khách sạn đó có từng đến tham quan nhà trọ ma quái này chưa? Hết dẫy phòng ngủ là tới khu quán bar. Hai phòng nhỏ đầy kín khoảng 50 người, kể cả nhóm khoảng 10 người chúng tôi. Một phòng ngồi chơi còn một phòng nhẩy. Hai phòng ngăn với nhau bằng một vách thấp. Khách vào bar không phải mua vé mà cũng không ai bắt buộc phải mua đồ uống. Tôi không uống được rượu nên chỉ uống một chai Heineken. Khói thuốc mù mịt. Đa số trung niên. Không biết họ từ đâu tới. Nhạc inh tai. Chỉ uống và nhẩy. Tôi cũng chẳng biết điệu gì, chỉ thấy mọi người ai cũng nhún nhẩy theo điệu nhạc thì tôi cũng làm vậy. Tôi hỏi Katharina làm sao biết nhẩy điệu này thì cô ta nói là trước khi đi Brazil có xem youtube. Chỉ một điệu nhún nhẩy dễ dàng, ai cũng nhẩy được, nhẩy sao cũng được, chủ yếu là nhún nhẩy. Nhẩy mệt thì ra ngồi nghỉ. Tôi thấy anh chàng trẻ tuổi người Venezuela đã ở nhà trọ trước tôi đang hôn môi thắm thiết với một cô mới tới nhà trọ cùng với người bạn gái sau tôi. Phòng rất chật, mọi người ngồi sát nhau trên ghế băng. Tôi ngồi cạnh Katharina, dĩ nhiên! Hai cô cậu vẫn ôm hôn môi nhau thắm thiết như cặp tình nhân từ lâu lắm, tỉnh bơ mọi người xung quanh; và mọi người xung quanh cũng không ai quan tâm tới họ. Riêng mình tôi kín đáo tò mò quan sát. Bởi vì với tôi du lịch tây ba-lô còn là đi tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Hai cô gái mới tới hồi sáng ăn mặc khá kín đáo và trông bề ngoài có vẻ rất trang nghiêm khiến nhiều người ngại làm quen. Thường thì khi mới tới nhà trọ sinh viên ai cũng nở một nụ cười và ngỏ lời chào những người có mặt, dù chưa quen. Nhưng hai cô gái này không như vậy. Vậy mà không ngờ anh chàng tuổi trẻ Venezuela tán cô ta mau thế. Tôi ngạc nhiên về sự kiện này nên hỏi nhỏ Katharina rằng hai cô gái mới tới hồi sáng rõ ràng không quen biết ai trong nhóm chúng ta sao bây giờ một cô lại hôn môi thắm thiết với anh chàng Venezuela thế kia? Katharina tỉnh bơ giải thích, chuyện tình một đêm ấy mà! Ngày mai họ có thể xa nhau như không. Hai cô gái đi với nhau, không quen ai trong nhóm, bây giờ một cô ngồi kia, thế cô gái kia đi đâu? Tôi thấy thấp thoáng bóng cô gái kia đi với một anh chàng khác không thuộc nhóm chúng tôi từ phòng nọ qua phòng kia. Katharina vẫn là cô gái chừng mực, một thanh niên trong nhóm trong lúc nhẩy có bồng Katharina lên nhưng khi muốn hôn môi thì Katharina đưa tay gạt nhẹ ra. Mấy cặp khác uống và vui cười với nhau rất là thân mật. Sau này tôi biết họ là gay. Nửa khuya trước khi ra về chúng tôi mới thấy chủ quán là một người da trắng tướng tá phốp pháp, trạc tuổi tôi, nghĩa là "già". Ông ta có dáng vẻ giang hồ, giọng nói oang oang, vui vẻ cười chia tay mọi người và hẹn gặp lại. Độc giả muốn biết rõ tình hình an ninh ở khu ổ chuột ở Rio de Janeiro ra sao xin mờibấm vào link. Theo link này, ngày 30 tháng 3, 2014, 1400 cảnh sát vũ trang và thủy quân lục chiến di chuyển bằng chiến xa được trực thăng vũ trang bay quần bên trên yểm trợ tiến vào khu ổ chuột nhiều tai tiếng Complexo da Mare để thanh lọc tệ nạn, băng đảng tội phạm trước khi khai mạc World Cup 2014 vào 6 tuần sau đó. Trước khi về chúng tôi ráo rác tìm cô gái kia. Katharina cũng kéo tôi cố công đi lộn trở lại khu phòng ngủ để tìm. Mọi du khách tây ba lô đều quan tâm tới an ninh của người đi cùng. Cuối cùng không thấy, chúng tôi đành về với hy vọng về tới nhà trọ thì gặp cô ta đã về trước. Nhưng khi về tới nhà trọ cũng không thấy cô ta đâu. Mọi người tỏ vẻ lo lắng. Tôi bảo Katharina, "Có gì đâu, sáng mai cô ta sẽ về." Katharina nói không được, biết cô ta đi đâu tối nay có chuyện gì thì sao. Mọi người hỏi anh tour guide nhưng anh ta cũng không có câu trả lời. Lần đầu tiên sau gần 10 năm du lịch tây ba lô tôi mới có dịp chứng kiến cái tình cảm quan tâm tới an ninh của nhau giữa những người du khách tây ba lô dù chỉ là mới gặp. Cuối cùng mọi người cũng vào trong nhà trọ đi ngủ vì đêm đã khuya. Chỉ còn tôi với Katharina và vài người nữa đứng trước cửa.
Tôi muốn đi dự "The best Friday" theo như dự định nhưng chỉ có một mình nên sợ, đang ngần ngừ, phân vân. Mấy người kia hoặc là đã dự The Best Friday rồi hoặc là sẽ dự tuần sau vì họ còn ở đây lâu. Tôi chỉ có Thứ Sáu này, nếu không đi thì sẽ không bao giờ biết không khí dạ hội này. May quá, Katharina hỏi tôi có muốn đi dự The Best Friday không? Tôi hỏi Katharina có muốn đi không thì cô ta cho biết cô ta không muốn đi, nhưng nếu tôi muốn đi thì cô ta sẽ đi với tôi. Nghe thật cảm động và dĩ nhiên là làm sao không thích đi dạ hội với một người đẹp như Katharina được. Nhưng tôi vẫn hơi ớn. Thích thì thích nhưng nguy hiểm thì vẫn sợ. Nửa đêm khuya khoắt, đường lại vắng vẻ, nhiều khúc không nhiều ánh sáng, lại đi cạnh một cô gái trẻ đẹp thì quả là nhiều nguy hiểm. Phải nói là quá nhiều nguy hiểm! May quá, anh tour guide thấy hai chúng tôi định đi Best Friday nên cũng muốn đưa chúng tôi đi. Đường tới nơi tập trung chỉ hơn một cây số. Nửa khuya rồi, đường vắng nhưng vẫn có người đi, không vắng như lúc trở về 5 giờ sáng. Khi tới chỗ tập trung, thật huyên náo. Nhiều rào cản giao thông để giữ trật tự. Mọi người tràn cả ra đường trong khi xe hơi và mọi phương tiện giao thông khác vẫn chạy. Giữa nơi tập trung là một công viên không rộng lắm. Đối diện là một đường dẫn nước cổ La Mã (aqueduct) thật cao như đường xe lửa với các cổng vòng cung. Một bên đường là hàng quán, khách ngồi tràn cả vỉa hè. Chủ yếu họ chỉ uống và nghe nhạc. Dựa vào vách tường của đường dẫn nước cổ La Mã có một vị trí được dùng làm sân khấu, trên đó nhiều ban nhạc thay nhau trình diễn. Chỗ đó đông quá, chúng tôi không thể nào chen vào nên đành đứng xa trên công viên nhìn, ngắm, nghe. Mọi người cũng vậy. Có vài cảnh sát hiện diện. Nhưng khi tôi thấy có mấy thanh niên đánh nhau, đuổi nhau chạy từ bên kia đường sang công viên, gần chỗ mấy viên cảnh sát nhưng không thấy họ can thiệp. Mấy thanh niên đánh nhau có bạn họ can thiệp là xong. Không có gì trầm trọng xảy ra. Thấy vậy, tôi nghĩ, nếu mình bị gì ở đây chắc chẳng trông mong gì mấy viên cảnh sát này giúp đỡ. Chúng tôi không có máy ảnh để chụp hình. Mà cũng không thấy ánh đèn flash chụp ảnh lóe sáng. Chứng tỏ ai cũng cảnh giác không mang theo máy chụp ảnh hay quay phim. Khoảng 3, 4 giờ sáng, đám đông chỗ ban nhạc đã vãn, chúng tôi qua đó quan sát. Vỏ bia và mảnh chai vỡ đầy đường. Chúng tôi đi vòng vào khu vực phía sau dẫy hàng quán, con đường này mới đông gấp bội. Mọi người đi lại va chạm cả tay chân vào nhau, thật đông người. Nhiều thanh niên say và vui đùa lớn tiếng với mọi người. Không hiểu họ nói gì và cũng thấy họ không có vẻ say hung hãn như thường thấy cảnh người say ở Việt Nam nhưng tôi cũng hơi sợ. Có lúc anh chàng tour guide đi hơi xa, tôi chỉ sợ nhóm thanh niên tưởng chúng tôi chỉ có hai du khách ngoại quốc nên nhẩy ra trêu chọc thì phiền. Nhất là Katharina xinh đẹp rất dễ làm mục tiêu bị trêu chọc. Nhưng Katharina có vẻ tỉnh bơ, không sợ hãi. Đã rất nhiều lần đi chơi với "đầm ba lô", kể cả mấy cô còn rất trẻ, kể cả lúc khuya, tôi thấy họ có một phong cách rất là tự tin. Không hiểu nền giáo dục phương tây cho phụ nữ sự tự tin hay du lịch kiểu tây ba lô khiến họ có phong cách đó. Tôi nghĩ tới những thiếu nữ và phụ nữ Việt Nam, giá mà họ cũng có được phong cách tự tin như vậy. Xứ sở Việt Nam người phụ nữ vẫn bị đàn ông chèn ép từ trong gia đình tới nơi làm việc cho tới ngoài đường khiến họ thiếu tự tin như thiếu nữ và phụ nữ phương tây. Thật tội nghiệp cho phụ nữ Việt Nam! Gần 5 giờ sáng, công trường cũng gần hết người, không hiểu ai sẽ thu dọn rác rến bừa bãi, chúng tôi trở về nhà trọ. Trên đường không còn người đi lại. Trong bóng đêm chỉ còn thấp thoáng di động những bóng người có lẽ không nhà và những người ngủ đường. Nếu chúng tôi chỉ đi hai người thì lúc trở về thật là dễ sợ, có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Cũng may có anh chàng tour guide đi cùng. Không biết trong số mấy trăm ngàn du khách tới Brazil dự World Cup 2014 có ai gặp nạn hay không?


(2) Quí vị nào muốn xem vũ điệu Samba xin mời bấm vào hai websites dưới đây: