Saturday, 13 September 2014

Bí mật quân sự của Ngũ Giác Đài đổi lấy nụ hôn của cô gái Trung Hoa


© Collage: The Voice of Russia


Cô gái trẻ Trung Quốc đã quyến rũ làm mê đắm vị quân nhân Mỹ hồi hưu.
Hai năm phiêu lưu tình ái ngọt ngào bây giờ có giá bằng hai chục năm tù giam cho một người Mỹ ưa phụ nữ phương Đông. Những hẹn hò âu yếm đã khiến vị quân nhân say mê đến mức không còn tỉnh táo và thế là các kế hoạch chiến tranh bí mật của Mỹ, tiềm năng hạt nhân, chu trình triển khai các hệ thống nhận biết sớm và lá chắn chống tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên...đều bị khai thác, rò rỉ và chảy về Trung Quốc. Đây là câu chuyện hoàn toàn có thực – vụ án đang được xem xét tại phiên điều trần trong Tòa án Liên bang Hoa Kỳ. 
Benjamin Bishop 59 tuổi bị bắt hồi tháng Ba năm ngoái, không phải trong khung cảnh riêng tư thân mật mà là ngay tại trụ sở Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Honolulu. Người tình của ông ta khi đó vừa 27 tuổi. Bây giờ cô gái ở đâu thì ngay cả FBI cũng không rõ. Thêm nữa là cơ quan tình báo Mỹ không nắm được bằng chứng trực tiếp nào cho thấy cô ta làm việc cho Chính phủ Trung Quốc.
Người Trung Quốc khiến cơ quan tình báo Hoa Kỳ ngày càng đau đầu nhiều hơn, - ông Oleg Demidov chuyên viên Trung tâm về các vấn đề an ninh mạng nêu nhận xét. 
“Nhiều thành viên trong cộng đồng người Hoa quan tâm đến các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ và cộng tác với họ. Có cả những đại diện của CHND Trung Hoa chỉ thuần túy làm việc tạm thời ở nước Mỹ. Trong nhiều trường hợp, xuất phát từ động cơ yêu nước hoặc theo yêu cầu dai dẳng liên tục từ quê hương, mà họ mạo hiểm tham gia vào hoạt động có thể hội đủ điều kiện định tính như là tình báo hoặc gián điệp công nghệ. Hoa Kỳ phải đối mặt với thực tế là những năm gần đây các trường hợp như thế ngày càng nhiều hơn”.
Xì-căng-đan om sòm nhất gắn với vụ việc gần đây của kỹ sư điện tử Steve Liu, người gốc Hoa. Ông ta làm việc trong một công ty Mỹ là nhà thầu hàng đầu của Ngũ Giác Đài. Liu nhận án 6 năm tù về tội ăn cắp công nghệ cho máy bay không người lái, tự động bắn trúng mục tiêu không cần bắt liên lạc với vệ tinh.
Bản án khác – 5 năm tù – được tuyên với Minh Toàn Chương vì âm mưu mang về nước mấy tấn sợi carbon. Đây là vật liệu được dùng ở Mỹ trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay. Các vị quan tòa đã không tin thương nhân Trung Quốc khi anh ta thề thốt rằng mua thứ nguyên liệu này về chỉ để sản xuất gậy chơi khúc côn cầu.
Những vụ án này đã gây tiếng vang và sự chú ý lớn ở Hoa Kỳ. Tiếp theo là kích động vòng xoáy mới của chiến dịch cáo buộc Trung Quốc săn lùng thông tin mật và ăn cắp công nghệ công nghiệp. Kết quả là, vào cuối năm 2013 người ta buộc tội cố vấn của Giám đốc Tình báo Quốc gia Theodore Morgan làm gián điệp cho Trung Quốc, mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Ở đây thuần túy là điển hình về chuyện “săn ma” trong thế kỷ 21, - ông Andrei Ostrovsky Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận định. Cuộc “săn ma” đã bắt đầu ở nước Mỹ từ giữa thế kỷ trước, gán tội cho tất cả những người rơi vào diện tình nghi có liên hệ với các nước Cộng sản.
“Nói chung đây là sự tiếp nối “cuộc săn ma” cả trong quan hệ với Trung Quốc. Hoa Kỳ đối đầu chống Trung Quốc, mà như thế có nghĩa là "ai không cùng ta, kẻ đó ắt chống ta”. Và tóm lại là nhân nào quả nấy. Trong khi tình hình hoàn toàn không đồng nhất. Một mặt, chính tri, mặt khác là kinh tế. Trung Quốc là cường quốc hùng mạnh với nền kinh tế phát triển như vũ bão. Dựa vào quan hệ thương mại kinh doanh với Trung Quốc, nhiều công ty Mỹ hưởng lợi, và hiển nhiên họ không chia sẻ quan điểm cho rằng Trung Quốc đang làm gián điệp mọi nơi, ăn cắp mọi thứ”.
Làn sóng các vụ xì-căng-đan gián điệp ở Mỹ - cả có cơ sở lẫn vô căn cứ - sẽ còn tăng lên trong khi Trung Quốc cố gắng giảm bớt khoảng cách lạc hậu của họ so với Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ dân dụng và quân sự. Mà ngay tại Trung Quốc cũng có thể chờ đợi sự đột biến về những vụ phát giác gián điệp. Bởi chắc là Bắc Kinh sẽ cố gắng đáp trả đối xứng với Washington.