Saturday, 13 September 2014

Liệu Chúng Ta Có Thể Đánh Bại Tổ Chức Quốc Gia Hồi Giáo Ở Iraq Được Không?

SAN FRANCISCO:    Thêm một lần nữa Hoa Kỳ tuyên chiến với một nhóm khủng bố khác. Tối hôm thứ Tư 10/9 Tổng thống Ob ama đưa ra chiến lược cứng rắn, có tính toán để đối phó với tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo -  một đe doạ trong vùng và cả nơi khác. Nhưng chúng ta hãy xem lại khi tiến hành chiến lược này, chúng ta có rút tiả được bài học trong 13 năm chiến đấu chống tổ chức al-Qaeda sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 hay chưa?.

Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm rút tiả được trong cuộc chiến vừa qua:

Đừng Bao Giờ Vội Vàng Cắn Phải Mồi Nhử Của Quân Khủng Bố:  Trong một diễn văn được thu hình video để gửi cho đồng bọn đàn em, lãnh tụ khủng bố Osama bin Laden đã phác hoạ chiến lược của y như sau: “Chúng ta chỉ cần gửi hai chiến sĩ cảm tử trương cao được mảnh vải ghi dòng chữ al-Qaeda ở điạ điểm cao nhất, khiến cho bọn tướng tá Mỹ phải vội vàng chạy tới xem, thế là chúng ta thành công.”.


Những hình ảnh chặt đầu, xử tử ghê rợn thu hình qua video vừa qua chỉ có mục đích kích động Hoa Kỳ. Và nhóm khủng bố ISIS đã đạt được mục đích này: Chúng làm cho Hoa Kỳ nổi giận. Trong suốt tháng qua, tổ chức tự mệnh danh là Quốc Gia Hồi Giáo không hề thay đổi sách lược, với những ảnh trông thấy qua video. Nhưng Hoa Thịnh Đốn đã bắt đầu ra tay hành động. Học giả Fawar Gerges  viết cách đây vài tháng rằng tên lãnh tụ Abu Barr al-Baghdad cho biết tổ chức của hắn chưa sẵn sàng tấn công Mỹ, nhưng “hắn mong muốn Hoa Kỳ sẽ gửi quân trên bộ đến để tổ chức Quốc Gia Hồi Gáo có cơ hội đối đầu với người Mỹ và giết họ.”.

Chúng ta phải hành động đánh lại nhóm khủng bố này. Nhưng chúng ta nên làm theo cung cách, và thời điểm do chúng ta chọn lựa, chủ động. Chúng ta không nên  nhẩy vào vòng chiến vì bị kẻ thù khiêu khích.

Đừng lượng định qúa cao sức mạnh của quân thù:  Tổ chức Quốc Gia Hồi giáo còn có tên gọi là ISIS hay là ISIL quả thực là một địch thủ hết sức lợi hại, nhưng việc đánh trả chúng chỉ mới bắt đầu. Khi các lực lượng quân sự tham gia như quân đội Iraq , lực luợng dân quân của người Kurd, và không lực Hoa Kỳ được phối hợp nhịp nhàng, tổ chức ISIS sẽ bắt đầu bị lung lay tận gốc. Chúng ta nên nhớ rằng tổ chức này không chiếm đóng được nhiều thành phố, hay thị trấn như được vẽ trên bản đồ, để phóng lên đài truyền hình. Phần lớn những vùng gọi là  “lãnh thổ” bị ISIS kiểm soát chỉ là những vùng sa mạc trống trơn, không người ở. Các thành phố của Iraq và Syria đều tụ tập dọc theo những dòng sông.

Trong lúc tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo có vẻ tối tân, hùng hậu hơn tổ chức al-Qaeda về kỹ thuật, và điều hành, nhưng tổ chức ISIS có một nhược điểm rất hiển nhiên, rõ ràng. Al-Qaeda là một tổ chức liên kết các nhóm Hồi Giáo, chúng có sức lôi cuốn các nước Hồi Giáo trên toàn thế giới. Trong lúc đó, tổ chức ISIS mang nặng tính chất giáo phái. Nó là hậu duệ của nhóm al-Qaeda ở Iraq , do Abu Musab al-Zarqawi lập ra với chủ đích diệt trừ giáo phái Shiite. Thực tế cho thấy tổ chức Al-Qaeda đã xa lánh tay lãnh tụ Zarqawi, khuyên hắn chớ nên gây thù oán với người Hồi Giáo thuộc giáo phái khác. Tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo thù ghét phe Shiite, và gây hận thù cả với người Kurds, người theo Cơ Đốc Giáo, và nhiều phe nhóm khác trong vùng Trung đông. Điều này có nghĩa là tổ chức ISIS có nhiều kẻ thù ở trong vùng, muốn đánh lại chúng. Họ muốn đánh ISIS vì quyền lợi riêng của họ, chứ không phải vì Hoa Kỳ muốn họ cùng tham gia.

Nên Nhớ Là Phải Có Chiến Lược Chính Trị Đi Kèm Theo:  Hành động quân sự phải được đi kèm với chiến lược chính trị khôn ngoan. Tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo phát sinh từ hành động xâm lăng Iraq của Hoa Kỳ, và từ những quyết định chính trị sai lầm của Mỹ chẳng như giải thể quân đội Iraq, và phá tan guồng máy hành chính cuả đảng Baath ở Iraq. Hậu quả của những sai lầm này là khiến cho khối dân Iraq theo giáo phái Sunni bị mất hết quyền lực, và họ trở nên tức giận, muốn báo thù. Họ phải đứng ta thành lập tổ chức nổi dậy. Một tài liệu của giới truyền thông phỏng vấn những người Iraq theo giáo phái Sunni nói về những xáo trộn đang xảy ra hiện nay, họ cho biết họ cảm thấy hạnh phúc sung sướng sống dưới sự sự cai trị của Quốc Gia Hồi Giáo hơn là dưới sự cai trị của “Quân đội Shiite”, ám chỉ chính quyền Iraq hiện nay.

Chính quyền của tổng thống  Obama đưa ra một chiến lược khôn ngoan ở Iraq , ép buộc chính phủ tại Baghdad phải mời thêm đại diện phe Sunni vào trong chính phủ. Nhưng sự việc này chưa xảy ra --- phe Shiite vẫn tỏ ra ngoan cố, chậm chạp khi được yêu cầu nhượng bộ quyền hành cho phe Sunni. Quân lực của Iraq vẫn chưa được tái cấu trúc đầy đủ để có đủ tinh thần đoàn kết, và hữu hiệu thay thế cho tình trạng chia rẽ, phân biệt giáo phái trong quân đội. Đây là một vấn đề hết sức thiết yếu bởi vì nếu Hoa Kỳ bị coi là chỉ lo bảo vệ hai chế độ không phải là Sunni - tại Iraq và Syria - để chống lại sự nổi dậy của phe Sunni, chúng ta sẽ không thắng được cuộc chiến. Ngoài ra, chúng ta sẽ còn gặp những khó khăn khi tuyển mộ đồng minh ở điạ phương. Tại Iraq , Sunni chỉ là nhóm thiểu số, nhưng trong cộng đồng Hồi Giáo ở vùng Trung Đông, Sunni chiếm đa số rất lớn.

Xét kỹ chiến lược của Tổng Thống Obama kỳ này, chỉ riêng khía cạnh giúp đỡ đồng minh của Mỹ ở Syria là yếu nhất. Chúng ta không thể mở mặt trận đánh tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo mà không gián tiếp làm cho chế độ của tổng thống Bashar al-Assad vững mạnh thêm. Chúng ta có thể nói rằng, chúng ta không có ý định làm điều này, nhưng chúng ta không thể thay đổi cục diện thực tế trên chiến trường. Nhóm Lực Lượng Quân Đội Syria Tự Do – Free Syrian Army- đồng minh của Mỹ ở Syria vẫn còn yếu và chia rẽ so với nhiều nhóm nổi dậy khác.

Tổng thống Ob ama hứa sẽ làm “suy yếu” tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo. Điều này hay lắm. Ông cũng hứa rằng cuối cùng thì  tở chức ISIS sẽ bị “tiêu diệt”. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa loại trừ được al-Qaeda. Muốn tiêu diệt một nhóm khủng bố lớn như vậy, chúng ta phải loại bỏ đi được yếu tố thù hận về tranh chấp giáo phái, nhân tố nuôi dưỡng tổ chức. Việc này Hoa Thịnh Đốn không thể làm được, chỉ có thể làm được điều này khi chúng ta thuyết phục được người dân Iraq , kéo thêm người Ả Rập Sê U, và những cường quốc khác ở trong vùng can thiệp vào.

Chính sách can thiệp bằng quân sự của Tổng Thống Obama ở trong vùng chỉ đem lại kết quả tốt nếu có sự can thiệp tương tự, hay can thiệp tích cực hơn, khẩn trương hơn nữa về khía cạnh chính trị.
Bài nhận định của Fareed Zakaria trên Washington Post ngày 11/9/2014
Nguyễn Minh Tâm dịch

Tây phương rốt cuộc chọn giải pháp quân sự chống Nhà nước Hồi giáo

 
Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo kế hoạch
                  chống Nhà nước Hồi giáo. Ảnh chụp tại Nhà Trắng ngày
                  10/09/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo kế hoạch chống Nhà nước Hồi giáo. Ảnh chụp tại Nhà Trắng ngày 10/09/2014. REUTERS/Saul Loeb/Pool


Như vũ bão, trong vòng một năm, lực lượng thánh chiến Hồi giáo đã chiếm một phần rộng lớn lãnh thổ hai nước Irak và Syria. Thế giới hoảng hốt, Hoa Kỳ lúng túng chiến lược. Cuối cùng « tiêu diệt khối u thánh chiến », Washington quyết định thành lập một liên minh quân sự rộng lớn và kỳ vọng vào sự hợp tác của các quốc gia khu vực. Một cuộc chiến lâu dài đang chờ Tây phương vì đối thủ có tài chính dồi dào, nhân lực bất tận mà một phần là công dân Tây phương.


Lá cờ đen của Nhà nước Hồi giáo phất phới trên hàng loạt thành phố lớn nhỏ ở Irak và Syria từ hơn một năm. Nhưng phải chờ hình ảnh hàng trăm ngàn tín đồ đạo Thiên chúa, đạo Hồi nhưng thuộc hệ phái Shi-a, rồi người Kurdistan, người Yazidi chạy loạn trong cơn đói khát, kẻ bị chặt đầu, người bị cưỡng hiếp bay đến Washington thì Nhà Trắng mới có phản ứng quan tâm nhưng khẳng định là « không có chiến lược ». Phải chờ thêm hình ảnh hai phóng viên Mỹ bị hành hình, Hành pháp Mỹ mới dứt khoát bắt đầu có phản ứng sử dụng vũ lực.
Không những chủ động tại Irak, lực lượng thánh chiến cực đoan theo hệ phái Su-ni cũng làm mưa làm gió trên chiến trường Syria nhưng đa phần chiến tích là lấn áp phe đối lập võ trang, do Tây phương hậu thuẫn, chống chính quyền Damas.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Hoa Kỳ do dự trong một thời gian dài trước khi đích thân Tổng thống Mỹ tuyên bố chọn giải pháp can thiệp trở lại tại Irak và ở Syria ? Tình thế cho cuộc chiến tại Irak có vẻ thuận lợi nhưng ở Syria thì sao ?

Theo giới phân tích quốc tế thì Nhà nước Hồi giáo chiến thắng không phải chỉ vì sức mạnh quân sự mà phần lớn là do sự rệu rã của các chế độ mất nhân tâm trong khu vực và do những lỗi lầm của chính Tây phương.

Nhà nước Hồi Giáo : thực lực và chiến lược

Nhà nước Hồi giáo là tên mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông giờ đây kiểm soát một phần lớn miền bắc Syria và tây bắc Irak. Lãnh đạo của tổ chức là Abu Bakr Al Baghdadi, một nhân vật bí ẩn, sinh năm 1971, từng bị ngồi tù 4 năm trong một nhà giam của quân đội Mỹ ở Irak. Nhân vật này tự xưng là « calif » hay người nối nghiệp của tiên tri Mohamet và tuyên bố thành lập « califat » một chế độ chính trị hồi giáo.

Tuy xưng là « nhà nước » nhưng thực tế tổ chức này không công nhận khái niệm biên giới và cũng không có một định chế chính trị, kinh tế, quân sự nào. Ngược lại, Nhà nước Hồi giáo có một bản sắc rất rõ ràng nhất là cội nguồn của tổ chức và thành phần nhân sự, tình nguyện đến từ bốn ngã địa cầu. 

Phong trào này hình thành tại Irak khi Hoa Kỳ đưa quân lật đổ Saddam Hussein. Một nhóm chừng vài tay súng xuất thân từ hàng ngũ thánh chiến Afghanistan tự xưng là thuộc mạng lưới Al Qaida ở Irak . Tuy nhiên, ngay sau đó, nhóm này tách rời khỏi « học thuyết » của Ben Laden.

Thay vì chống Mỹ hay Israel « kẻ thù xa », họ đưa ra phương châm hành động « diệt kẻ thù gần ». Thay vì chống lực lượng viễn chinh Mỹ đang chiếm đóng Irak, nhóm này mở một cuộc chiến đẩm máu, đặt xe bom, khủng bố tự sát giết người theo hệ phái Shi-a. Thái độ cực đoan của họ dẫn đến xung đột tương tàn giữa những người cùng đạo . Hậu quả là tổ chức bị đánh trả tơi bời, gần như tan rã, phải trốn sâu trong sa mạc. 

Ngày hôm nay, do đâu mà Nhà nước Hồi giáo quay trở lại với thế mạnh áp đảo ?

Trách nhiệm của Tây phương và các chính quyền vùng Vịnh :

Theo phân tích của Peter Harling trên Le Monde Diplomatique tháng 9/2014, đó là nhờ tất cả kẻ thù của phe thánh chiến đều suy yếu, để cho Hồi giáo cực đoan một xa lộ thênh thang. Chính quyền Irak của thủ tướng Nouri Maliki, chế độ Damas của nhà độc tài Syria Bachar Al-Assad đã huy động mọi phương tiện trấn áp, kể cả vũ khí hóa học trong trường hợp Syria, để nhân danh « chống khủng bố quốc tế » nhưng kỳ thực là tiêu diệt đối lập Su-ni. Sau một thời gian tranh đấu bất bạo động trong làn gió « mùa xuân Ả rập » mà không được cộng đồng quốc tế trợ lực, đối lập Su-ni bị thu hút vào con đường tranh đấu bạo lực.
Cả Washington lẫn Matxcơva đều có trách nhiệm trong diễn biến này nếu không muốn nói là đã cỗ vũ cho giải pháp chiến trường.Chính quyền Hồi giáo Iran cũng không phải vô tội. Chính sách đối ngoại của Teheran trong thời gian qua là bơm hơi cho phe Shi-a cực đoan, duy trì những « điểm nóng » qua trung gian các tổ chức như Hezbollah ở Liban, đồng minh của chế độ Damas ở Syria, đào thêm hố sâu chia rẽ hai hệ phái đạo Hồi .

Iran không phải là nhà nước duy nhất trong vùng đùa với lửa. Các quốc gia dầu hỏa trong vùng Vịnh tung hàng tỷ đôla tài trợ cho những nhóm hồi giáo quá khích để mua lấy bình yên. Thổ Nhĩ Kỳ, một thời gian dài bỏ ngỏ biên giới cho các nhóm thánh chiến tình nguyện từ khắp năm châu, từ Pháp, Đức, Anh, Ý cho đến tận nước Úc xâm nhập vào Syria.

Cuối cùng, Hoa Kỳ cũng đã gián tiếp góp gió nâng con diều Nhà nước Hồi giáo lên cao : sau hai nhiệm kỳ gặp đâu đánh đấy của Tổng thống George Bush junior, khi Barack Obama lên thay thì Mỹ thay đổi chinh sách 180° : phủi tay rút quân về nước. Trong khi đó thì tại Trung Đông, hai chế độ Bagdad và Damas khánh tận biến thành môi trường mầu mỡ cho thánh chiến sinh sôi.

Chỉ trong vòng hai năm 2013, 2014, thánh chiến Su-ni không những ra khỏi bóng đêm mà còn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn sau khi đánh chiếm một loạt thành phố lớn như Rakka, Falluja, Mossul… và một khu vực rộng lớn của Syria ở phía bắc. 

Chiến lược của Nhà nước Hồi giáo rất đơn giản và thực tế có thể tóm gọn vào hai chữ « củng cố thành quả ». Tuy tuyên truyền là sẽ giải phóng thế giới, trên thực địa, phe này tập trung « củng cố thế lực » trong khu vực kiểm soát.

Họ tập trung đánh chiếm và bảo vệ các giếng dầu, kho tàng đô la trong sa mạc bảo đảm nguồn tài chính tự lập. Để bảo vệ thế độc tôn, Nhà nước Hồi giáo không ngần ngại đánh diệt các lực lượng Su-ni cạnh tranh.

Tuy nhiên, khi trực tiếp đụng độ với các đối thủ nặng ký hơn, thiệt hại đã làm cho phe thánh chiến bớt hăng hái. Do vậy họ ít tấn công trực diện vào quân đội Syria, tránh né đụng độ với dân quân Shi-a ở Irak và tỏ ra bớt hung hăng với lực lượng tự vệ Kurdistan.

Cho đến gần đây, thánh chiến sử dụng con tin để làm tiền các thủ đô phương tây. Sự kiện họ hành quyết hai nhà báo Mỹ chứng tỏ có dấu hiệu thay đổi trong chiến lược.

Không rõ Abu Bakr Al Baghdadi tự tin hơn hay đã linh cảm bất trắc ? 

Sau khi chiếm được Mossul, thành phố trù phú với hơn một triệu dân, Nhà nước Hồi giáo kiểm soát hàng loạt ngân hàng, thu cả nửa tỷ đôla. Thế nhưng, Nhà nước Hồi giáo không có một biện pháp phân bố tài nguyên phục vụ lợi ích chung, cũng không có một đường lối điều hành quốc gia mà chỉ dựa vào cái gọi là « theo cách sống của nhà tiên tri Mohamet » và những lời kêu gọi khuyến khích bạo lực vô giới hạn.

Cho đến nay, lực lượng thánh chiến đánh đâu được đấy vì chấp nhận thiệt hại nhân mạng do có nguồn nhân sự vô tận.

Theo nhật báo Ý La Republica, chỉ riêng tại Syria, lực lượng thánh chiến lên đến 50.000 tay súng mà gần 20.000 là thanh thiếu niên tình nguyện đến từ 83 quốc gia trên thế giới.
Sự kiện kẻ hành quyết nhà báo Mỹ James Folley ngày 19/08 nói tiếng Anh giọng Luân Đôn đã làm Tây phương rúng động. Đoạn băng video loan tải trên mạng càng làm tăng mối lo âu : Chúng tôi ở bên cạnh quý vị và đã từ lâu nay rồi. Nhà nước Hồi giáo thu hút hàng ngàn thanh niên châu Âu, những người Hồi giáo thuộc thế hệ thứ hai, sinh ra tại châu Âu nay là công dân hay thường trú ở Pháp, Bỉ, Anh, Ý, Đức, Bắc Âu…

Nếu tính từ cuộc chiến tranh chống Liên Xô xâm lăng Afghanistan trong thập niên 1980, Bosnia 1990, rồi ở Afghanistan bên cạnh Taliban và Ben Laden đến giai đoạn khủng bố đẫm máu tại Irak do Al- Zarkaoui chỉ huy thì đã qua 4 thế hệ thánh chiến. Ngày nay những tay súng bịt mặt cắm cờ đen ở Irak, Syria ngày nay là thế hệ thứ năm nhưng thế hệ này điểm đặc biệt là tất cả đều còn rất trẻ trong đó có nhiều thiếu nữ lớn lên tại châu Âu.

Như vậy, nguồn nhân lực của Nhà nước Hồi giáo không phải là những kẻ cực đoan cuồng tín mặc dù thủ đoạn của họ tàn bạo không giới hạn.

Theo giải thích của nhà bình luận chính trị Anh gốc Ấn Mehdi Hasan, thì những ứng viên bỏ nhà sang Syria gia nhập hàng ngũ thánh chiến không phải là những tín đồ cuồng nhiệt. Thật sự đây là thành phần « chán đời, không công ăn việc làm vững chắc, có nghề nhưng không được trọng dụng ». Nhà nước Hồi giáo là một « ông chủ » tốt, biết trọng nhân tài, cho họ đất dụng võ…. Ngày nào mà Tây phương chưa có một chính sách hội nhập hiệu quả, những người thanh niên gốc Ả Rập còn cảm thấy bị kỳ thị thì thánh chiến Hồi giáo còn nguồn máu mới.

Đây cũng là cơn ác mộng của Tây phương khi những thanh niên nam nữ này trở về với khả năng sử dụng vũ khí, đặt bom ? Mạn lưới an ninh nào có thể kiểm soát những công dân của chính nước mình chưa một lần phạm pháp ? 

Can thiệp quân sự 

Sau khi gởi 400 « cố vấn quân sự » sang Irak và nhiều tuần lễ dội bom, Tổng thống Obama cuối cùng phải hành động : thành lập một liên minh quân sự với 40 nước tham chiến. Trong thông điệp gửi đến toàn dân vào ngày 09/09, chủ nhân Nhà trắng thông báo sẽ oanh kich tại Irak lẫn Syria, đưa thêm 475 cố vấn sang Irak hỗ trợ kỷ thuật, tác chiến, và tình báo cho quân đội quốc gia và lực lượng Kurdistan.

Mỹ sẽ phối hợp với Ả rập Xê Út xây dựng lại lực lượng kháng chiến ôn hòa tại Syria để đương cự với cả thánh chiến và chế độ Damas bị xem là mất tính chính đáng. Tổng thống Obama cho biết là sẽ « tăng viện » cho lực lượng đối lập võ trang tại Syria, còn Ả Rập Xê Út loan báo sẽ cho mượn lãnh thổ để huấn luyện.

Thiên thời có vẻ thuận lợi vì đối thủ không có khả năng leo thang chiến tranh, không có phương tiện trả đũa kinh tế và nhất là có thêm yếu tố nhân hòa vì đại đa số công luận thế giới và công luận Mỹ ủng hộ. Tại Irak, từ chính phủ cho đến hàng giáo sĩ hệ phái Shi-a, dân quân các sắc tộc theo hệ phái Su-ni, người Kurdistan đều muốn tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo. Do vậy, can thiệp quân sự vào Irak lần này sẽ không gây xung khắc ngoại giao.

Tuy nhiên, vấn đề đưa phi cơ vào không phận Syria để oanh kích thánh chiến Hồi giáo sẽ tế nhị hơn vì tuy Damas và Washington có cùng kẻ thù chung nhưng Mỹ không muốn chế độ Bachar Al Assad tồn tại. 

Pháp đã sẵn sàng 

Trong số các đồng minh của Mỹ, Pháp là nước năng động nhất. Sau những đợt thả dù vũ khí, quân đội Pháp chuẩn bị oanh kích các vị trí của Nhà nước Hồi giáo tại Irak. Các cấp chỉ huy quân sự rất kín tiếng nhưng các đường nét chính, mục tiêu của liên minh đã được phác họa. Paris đứng ra tổ chức một cuộc hội nghị quốc tế vào ngày 15/09 quy tụ các nước tham gia chiến dịch quân sự.

Tại sao Pháp tỏ ra hăng hái can thiệp vào Irak ? 

Theo bà Patricia Adam, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Quân lực tại Hạ viện thì nếu Irak rơi vào bất ổn, hệ quả sẽ tác động trực tiếp đến tận nước Pháp và châu Âu : Can thiệp để bảo vệ an ninh cho người dân Irak nhưng cũng chính là bảo vệ an ninh của chúng ta. Nếu không chận đứng được phong trào thánh chiến tại Irak, thì sẽ xuất hiện những phong trào tương tự tại nhiều nơi khác trên thế giới. Do vậy có nhu cầu khẩn cấp phải can thiệp, can thiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia vì nếu quốc gia bị tan vỡ thì tương lai thế giới đáng lo ngại ».

Trong giai đoạn can thiệp đầu tiên, không quân Pháp sẽ theo kế hoạch mà không lực Mỹ đang tiến hành từ nhiều tuần qua, tức là chọn lựa mục tiêu chính xác. Tướng Denis Mercier, Tham mưu trưởng Không quân Pháp cho biết các phi công Pháp tham chiến sẽ tôn trọng « lịch trình » ấn định như đã thực hiện trong quá khứ : chỉ cần vài ngày thậm chí vài giờ sau khi nhận lệnh của tổng thống như ở Lybia và gần đây là Syria, các phi công đã lên máy bay trước khi quyết định can thiệp bị hủy bỏ vào giờ chót.

NATO điều hợp và kịch bản Libya ?

Cũng như trong chiến dịch Lybia, quân đội các nước tham chiến sẽ đặt tin tưởng và NATO điều hợp kế hoạch. Trên đây là nhận định của tướng Jean-Paul Palomeros trong bộ chỉ huy Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Còn theo nhà ngoại giao Michel Fourcher, chiến dịch oanh kích phải rất chính xác từ mục tiêu quân sự đến cứu cánh chính trị. Không nên xem Nhà nước Hồi giáo đơn thuần là « phong trào khủng bố » vì thành phần nhân sự rất đa dạng : có các bộ tộc khác nhau, có cựu sĩ quan quân đội Irak thời Saddam Husein, có những người bất bình chế độ độc đoán, thiên vị phe phái của Bagdad và Damas…

Với một cơ cấu mang tính chất « nhà nước », thánh chiến Hồi giáo lại có lực lượng vũ trang, có tài chính dồi dào, 2 tỷ đôla, Nhà nước Hồi giáo có khả năng trở thành mô hình cho các nhóm cực đoan khác bắt chước như đã xảy ra ở miền bắc Cameroun, miền bắc Nigeria. Do vậy, theo nhà ngoại giáo Michel Fourcher, tình hình rất nguy hiểm cần phải ngăn chận nhưng ông cảnh báo : một giải pháp thuần túy quân sự mà không có chiến lược chính trị cho tương lai thì coi chừng tái lập kịch bản Lybia.

Marc Lynch, một chuyên gia Mỹ thuộc viện nghiên cứu Center for a New Americain Security có cùng nhận định : Khác với tình hình Irak nơi mà quân đội chính phủ và lực lượng tự vệ Kurdistan có khả năng tái chiếm những thành phố rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo, tại Syria, biện pháp oanh kích của Mỹ khó có thể mở ra một con đường đưa đến chiến thắng chính trị hay quân sự vì phe đối lập võ trang quá yếu.

Ngược lại, tình huống này có thể kéo Hoa Kỳ vào cuộc nội chiến Syria.