1. Xin thưa ngay, tự cổ ở đây không có nghĩa từ cổ trở lên hay trở xuống, mà từ xưa, trong câu nói made inChina quen thuộc: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Dịch nghĩa: Người đẹp từ ngàn xưa cũng như tướng tài / không cho thiên hạ thấy đầu mình bạc. Diễn nôm thêm: Người đẹp và tướng tài không được phép già. Nghĩa là phải chết trẻ. Nghĩa là cấm sống lâu. Thế thôi. Và đúng thôi. Vì già sẽ xấu, kể cả tài tử, hoa hậu, ca sĩ, người mẫu. Trừ một trường hợp duy nhất, tôi sẽ nói sau. Già mà chường mặt ra cho người ta ngắm, ca hát hoặc làm em-xi, lại càng xấu hơn.
Dĩ nhiên, bắt người ta chết trẻ là ác. Nhưng bắt sống dai sống già cũng ác, có khi ác hơn. Như chuyện ông thần đẹp trai, háo sắc Apollon, mà tôi cứ khoái kể đi kể lại hoài, trong thần thoại Hy Lạp và tuyệt phẩm L’Énéide của thi hào Latin Virgile. Apollon, vì mê nhan sắc của mỹ nhân Sibylle de Cumes, tên Deiphoba, một trong những trinh nữ trẻ đẹp giữ đền thờ của thần, đã đồng ý cho nàng được bất tử theo lời xin, nhưng lờ đi điều ước thứ hai, là được trẻ mãi. Lý do: nàng đã dám cự tuyệt tình yêu của thần. Và Virgile kể tiếp: đêm đêm Deiphoba một mình một bóng một ngọn đèn dầu leo lét, da nhăn má nhúm, dáng đi lụ khụ, đến quì trước tượng Apollon khẩn cầu thần cho trẻ lại, hoặc chết phứt đi cho xong, mà ông thần playboy vốn thù dai, hận tình đen bạc, còn hơn người trần mắt thịt, vẫn giả điếc làm ngơ, vẫn bắt nàng sống mãi, sống già, sống nhăn, sống nhó. Cho bõ tức.
Ngoài ra, làm tướng ngày xưa thì phải chết ngoài mặt trận, da ngựa bọc thây. Bởi không có gì thảm hơn là hình ảnh của mấy ông lỉnh (dấu hỏi) tướng già bây giờ nằm ngáp vặt trên giường, chờ ngày em út chuẩn bị hia mão đến hô phủ cờ. Bởi sống già, sống yếu, sống sai, chả có gì vui, nói chung cho mọi người, không riêng các ông tướng. Một người quen của tôi, trước là một sĩ quan oai hùng, vai năm tấc rộng thân mười thước cao, không thua Từ Hải, ở tù cải tạo chín năm, lúc mới qua đây, vẫn còn ngon lành, bây giờ làm bạn đêm ngày với đủ thứ bệnh, kể cả tiểu tiện không người lái, tự nhiên lùn xuống, ốm nhom, lưng gù, đi đâu cũng phải nhờ bà vợ và đệ tử [Johnnie]Walker chống đỡ, trông thật tội, mặc dù chợt ngoảnh lại mình, NLGO tôi cũng thấy bóng đời nghiêng đổ, đâu khá gì hơn, tự cổ trở xuống hay tự cổ trở lên đều xêm xêm, giống y chang, nghĩa là chán lắm.
Tuy nhiên, vóc dáng bên ngoài của người đàn ông không quan trọng bằng cái hào hùng trên chiến trường hay lịch lãm trong trường đời. Quả thế, VNCH mình không thiếu những ông tướng tài giỏi mà nhỏ con, lại xí trai. Danh tướng Napoléon đâu cao ráo gì. Người hùng thứ giả Poutine lại là người lùn thứ thiệt. Còn ở người đàn bà, người ta không cần tài cho bằng nhan sắc trời cho (trai tài gái sắc mà!), ít ra, qua lời thơ của ông thi sĩ lãng mạn Đinh Hùng:
Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt dị kỳ!
Ta trông đó cả trời ta mơ ước,
Ta thấy đó, một vừng đông thuở trước,
Cả con đường sao mọc lúc ta đi [...]
Cho nên, mỹ nhân và danh tướng, vốn chẳng dây mơ rễ má gì với nhau (trừ câu chuyện tình đẹp như thơ của Ngu Cơ và Hạng Võ, bị địch quân vây khốn, đã tự vẫn, kẻ trước người sau, cùng chết bên bờ Ô giang) mà vẫn bị những văn gia Tàu tự tiện cột dính vô, chứ có ai bắt. Nhưng về mặt câu cú, đối tượng chính mà mấy ông nhắm đến, theo thiển ý, là mỹ nhân (vế thứ nhất), chứ không phải danh tướng (vế thứ hai) –được dùng như một tỷ ngữ để làm tròn câu so sánh. Bởi vì, ngày nay với kỹ thuật và trang bị tác chiến tân tiến, cũng như sự tiến bộ vượt bực của ngành Y-Dược, những ông tướng, chỉ huy từ trực thăng hoặc từ văn phòng, khó chết lắm bởi súng đạn hay bệnh tật, không như thời của Jules César, Alexandre Le Grand, Genghis Khan, Napoléon, hay Quang Trung, thời mà làm tướng phải xách đao kiếm xáp lá cà, tả xung hữu đột như mọi người.
Ý tôi muốn nói: mỹ nhân mới là quan trọng, và người ta có thể thay danh tướng bằng một chữ (phụ) khác cùng vần điệu, chẳng hạn, thi bá: “Mỹ nhân tự cổ như thi bá”, nghe cũng ổn lắm chứ! Mấy ông làm thơ con cóc, thơ con c... (trên một diễn đàn bên Úc), thơ liên tồn, thơ điên, thơ hũ nút, thơ gạch chéo v.v... dù được bơm bởi những anh mù sờ voi, hay tự bơm, là thi hào, cũng phải chết sớm cùng với mỹ nhân, thích nhé!
2. Chuyện về mỹ nhân vốn xưa như trái đất, mà dù có kể qua “một ngàn lẻ một đêm” vẫn chưa hết, như nàng Sheherazade trong tác phẩm Á-Rập cùng tên. Nhưng thế nào là một người đàn bà đẹp? Không có câu trả lời thỏa đáng. Và nếu có, cũng rất tương đối. Tôi vốn thích câu sau đây đọc được trên báo, trong mục tìm bạn bốn phương lẩm cẩm, từ một đoạn câu khách: “Thiếu phụ cô đơn, đã 40 mùa thu lá rụng, một lần dang dở. Có tiệm neo. Mê tiếng hát Chế Linh, mến nhạc họ Trịnh và họ Từ. Xấu đẹp tùy người đối diện, ai đến với em, em cám ơn. Xin đừng đùa giỡn.”.
Tùy người đối diện. Nghe dễ thưong chi lạ, buồn cười đến tội nghiệp, nhưng quá đúng, lại còn hàm chứa một triết lý sâu xa về luật tương đối, trong việc thẩm định và thưởng ngoạn không chỉ sắc đẹp phụ nữ, mà còn giá trị của những bộ môn nghệ thuật nói chung, như âm nhạc, hội họa, thi ca, điêu khắc v.v...
Tùy người đối diện. Nghĩa là không có tiêu chuẩn bất biến nào hết. Từ thời cổ đại Hy Lạp, triết gia Platon quan niệm rằng vẻ đẹp dưới trần gian chỉ là hình bóng nhạt nhòa của Cái Đẹp Tuyệt Đối trên cõi trời cao, và sự nhận thức chỉ là một hồi niệm, ví dụ vẻ đẹp thể xác của một người làm nhớ lại trong linh hồn tình nhân những kỷ niệm hạnh phúc bất tử về Cái Đẹp đã bắt gặp từ muôn kiếp trước (Phédon). Tiếc rằng Platon không tả Cái Đẹp Tuyệt Đối ấy như thế nào. Trong thi ca Tàu hay ta, ngày xưa, người đẹp phải có “mắt phượng mày ngài”, phải bắt “chim sa cá lặn” và “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xinh”, phải “nhất cố khuynh thành, tái cố khuynh quốc”, tương tự câu thơ của Xuân Diệu trong một nội dung khác: “Quay mặt lại cả lầu chiều đã vỡ”... Trên thực tế, ở Tàu ngày xưa, đàn bà đẹp phải có chân bó, thân hình nhỏ nhắn, vừa tay ôm. Bây giờ, trên hoàn vũ, hoa hậu phải khoẻ mạnh, vòng trên vòng dưới đầy đủ "chất lượng", có chân dài, cao cỡ 1m75 trở xuống là đi chỗ khác chơi. Chúng ta, quả thực, chưa bao giờ thấy Tây Thi, Dương Quý Phi, Chiêu Quân, ngay cả Thúy Kiều, hay nàng Cung nữ (của cụ Nguyễn Gia Thiều) cao thấp, mập ốm như thế nào, chỉ biết các nàng phải đẹp, đẹp lắm, qua những miêu tả ước lệ có tính cách “khống chế” trên. Truyền thuyết đôi khi lừa bịp trí tưởng tượng: ai cũng cho nữ hoàng Ai Cập Cléopâtre (69-30BC) là một giai nhân tuyệt thế (nhờ Elizabeth Taylor?), nhưng các nhà khảo cổ mới đây đào được những bức tượng và đồng tiền vàng thời ấy khắc hình nàng cho thấy nàng thuộc loại chân ngắn, xấu, mũi xẹp –làm ta nhớ câu tiên tri nổi tiếng của Pascal, thế kỷ XVII, trong Pensées: “Nếu mũi của Cléopâtre ngắn hơn thì cả bộ mặt của trái đất đã sẽ thay đổi” (s’il eût été plus court, toute la face de la terre aurait changé). Đúng ngay bon, cho đến thế kỷ XXI, chỉ ngót bốn trăm năm, thế giới loài người đã trải qua biết bao cảnh sao dời vật đổi, thương hải tang điền.
Tùy người đối diện. Có người thích mái tóc dài chấm vai. Có ông, như Nguyên Sa, lại mê “em mùa thu tóc ngắn”. Một anh ca sĩ chuyên hát nhạc Tây còn chế ẩu “tóc demi-garçon” –là tóc gì hả trời, chữ này đâu có trong tự điển Pháp? Có anh khoái vóc dáng đẫy đà, "điện nước đầy đủ", nói theo kiểu bình dân nham nhở, có cậu ghiền “vai em gầy guộc nhỏ”. Ôi thôi, đủ cỡ. Khi thương trái ấu cũng tròn, bồ hòn cũng ngọt mà! Ví dụ, trong ca dao: Lỗ mũi[em] mười tám gánh lông / Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho / Đêm nằm thì ngáy o o / Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà [...].
Trước kia, người ta chuộng sắc đẹp tự nhiên. Trời sinh sao để vậy. Bây giờ dao kéo và botox làm tăng thêm, hoặc hủy hoại, nó. Kẻ khen, cho nên những thẩm mỹ viện mọc lên như nấm. Người chê, như một anh bạn, than vợ sửa thế nào mà ban đêm nằm ngủ thấy mắt em cứ mở trừng trừng, tưởng còn thức, bèn tiếp tục nói chuyện, đến chừng "nghe tiếng ngáy o o mới biết em ngủ rồi, làm quê độ". Ngoài ra, dù đẹp tự nhiên hay tái tạo, mỹ nhân vẫn là người trần, không phải tiên nữ, cho nên phải chịu định luật “sinh bệnh lão tử”, và những nhu cầu, thực tế và hạ cấp (cả hai nghĩa) của thân xác. Nội bấy nhiêu cũng làm mất hết sự quyến rũ, chưa nói mộng mơ, lãng mạn hay tình yêu thần thánh. Vì vậy, tôi đọc ở đâu đó, bà Jackie Kennedy, vốn giữ gìn ý tứ, mỗi khi vô phòng tắm ở nhà là mở hết các vòi để tiếng nước xối xả làm át những thứ tiếng khác.
Điều này dẫn đến một quan niệm khác về vẻ đẹp của phụ nữ: đó là sự duyên dáng, đằm thắm, kín đáo, rất quan trọng, tiềm ẩn bên trong, được toát ra ngoài bằng hoa cười ngọc thốt đoan trang. Cái Đẹp tinh thần tuyệt đối mà Platon đã gợi ý, mà tôi mê mải đi tìm, vô vọng, trên cõi đời này? Người đàn bà đẹp thực sự, ở đây, không biểu lộ buồn vui thái quá, không nói điều chi gây thất thố. Tất cả do sự giáo dục của gia đình và bản thân. Đó mới là ý nghĩa thật của chữ dung, một trong bốn đức tính có giá trị muôn đời, công dung ngôn hạnh, mà phụ nữ Việt Nam ngày xưa được dạy phải đạt tới –chữ dung mà đa số các cô các bà bây giờ không hiểu rõ lắm, hoặc hiểu mà cố tình lờ đi, cứ nghĩ dung chỉ là sắc đẹp thiên phú hay nhân tạo bề ngoài, theo nguyên nghĩa trong các tự điển.
Nếu quý vị xem những trận tennis đơn nữ, sẽ thấy nữ đấu thủ Ana Ivanovic, người Serbe, sinh năm 1987, cao 6 feet (1m84), vừa đẹp người vừa đẹp nết: không như các đấu thủ khác, nam và nữ, cô lúc nào cũng điềm tĩnh, không biểu lộ phản ứng, vui mừng hoặc thất vọng, một cách ồn ào, như đá văng trái banh, đập vợt, vung tay vung chân, cãi với trọng tài, nhăn mặt, la hét, dù thua dù được một cú banh hoặc trận đấu. Thua trận, cô chỉ nhẹ lắc đầu, cười buồn, chấp nhận. Thắng, nét mặt tươi lên, nhưng không “hồ hởi” quá đáng, không đấm hai tay lên trời, mếu máo khóc giả hoặc toe toét cười thật, hoặc nằm ngửa trên sân trong tư thế rất “hoành tráng”. Cho nên tôi rất “chịu” người đẹp tennis này, mặc dù tài nghệ đang đi xuống, hoặc những câu tuyên bố của cô về chính trị thế giới đều trật lất.
Tùy người đối diện. Nếu sở hữu cả hai sắc đẹp trong và ngoài, phụ nữ sẽ là một tuyệt tác, một món quà quý giá Thượng Đế ban cho loài người, đặc biệt cho những chàng hay cụ đa tình, lãng mạn như NLGO tôi đây. Nhưng nếu phải chọn, thì nhan sắc bên ngoài phải nhường chỗ cho vẻ đẹp bên trong. Trong nước, mấy cậu ranh con, nhà quê học đòi làm dân chơi cầu ba cẳng, hùng dũng tuyên bố rằng cái đẹp đè bẹp cái nết, cốt phản đối câu nói khôn ngoan, đầy kinh nghiệm của cổ nhân ta: Cái nết đánh chết cái đẹp. Các cậu sai, vì cái đẹp chóng phai, còn cái nết ở mãi với thời gian. Lấy vợ dư sắc mà thiếu nết thì có ngày cũng sẽ từ chết đến bị thương cho mà xem. Nhiều bà, nhiều cô đẹp lộng lẫy, nhưng hễ mở miệng nói một câu là nghe vô duyên, mất sướng, khiến tôi muốn thốt lên như Baudelaire trong một câu thơ -thoạt đầu có vẻ kỳ thị đàn bà, nhưng nghĩ kỹ cũng có lý, “Sois charmante et tais-toi”(Em hãy duyên dáng đi, và hãy khép miệng lại, cf “Sonnet d’automne”) và cuốn phim Sois belle et tais-toi, năm 1958, của Marc Allégret, hay bài hát cùng tên của Serge Gainsbourg.
Nhà thơ bạn tôi, Ngọc Bội, đã nói một câu thâm thúy, như châm ngôn: “Nếu đã yêu người một mắt, thì những ai hai mắt là thừa”. Nhưng đâu dễ gì yêu người chỉ có một mắt. Muốn thế, người độc nhãn ấy phải thật sự quyến rũ ghê gớm về mặt tinh thần. Dĩ nhiên. Năm 1967, được biệt phái hành quân tại tiểu khu Phú Yên, tôi nghe người dân địa phương kể chuyện một ông đại tá (chỉ nhớ họ Vi), bị thương, hỏng một con mắt. Bà vợ bèn tặng cho ông một con, và bà trở thành “người một mắt” của ông bạn Ngọc Bội tôi. Nếu chuyện ấy có thật, thì những phụ nữ như bà thật đáng yêu, đáng phục, đáng quý hơn bội phần “những ai hai mắt”. Điều này cắt nghĩa tại sao có những chàng đẹp trai như Don Juan, hay Phan An, Tống Ngọc lại lấy vợ tầm thường, dưới trung bình, và trung thành đến chết. Chắc chắn có cái gì trong tâm hồn người đàn bà đó đã khiến các chàng ta mê mệt? Trái lại, có những giai nhân yêu kiều mà suốt đời duyên phận hẩm hiu, và đổ thừa cho số mệnh, hay ông Trời già: “Trời xanh quen thói mà hồng đánh ghen”. Về điều này, mấy ông bạn sồn sồn của tôi, có rượu vào, hay kể rằng ngày xưa, tại Tô Châu, bên Tàu, có một kỹ nữ de luxe đẹp tuyệt trần, không thua Thúy Kiều của ta. Bao nhiêu vương tôn công tử gần xa nghe danh, nô nức tìm đến, nhưng chỉ xong một đêm là đều bỏ của chạy lấy người. Sau đó, có một anh lái buôn diêm sinh (lưu huỳnh, sulfur, soufre, dùng làm pháo), chịu bỏ tiền chuộc và đưa nàng về dinh. Ai cũng ngạc nhiên. Hóa ra: nàng có bệnh thối mồm (nghĩa rất đen) kinh niên, nhưng mũi anh lái buôn vì quen hít mùi diêm sinh lâu ngày trở thành điếc đặc, không còn ngửi thấy gì hết.
3. Tài tử Ava Gardner sinh năm 1922, thua mẹ tôi hai tuổi (1920), cùng tuổi bà dì tôi. Tôi biết “nàng” Ava lần đầu qua phim “Fifty-five days at Pekin” (1963), xem tại Sài Gòn, trong vai nữ bá tước Natalie Ivanoff (Nga) với Charlton Heston (thiếu tá TQLC Mỹ Matt Lewis).
Ava Gardner (1922 – 1990)
Tôi bị hớp hồn bởi sóng mắt khuynh thành của nàng, long lanh, đắm đuối ngước nhìn ai là người đó, tôi nghĩ, phải chết đứng như Từ Hải, hoặc chết tươi như tôi. Ở Mỹ, tôi tìm xem lại những phim cũ, có nàng. Đôi mắt chan chứa tình si, vẫn tuyệt vời. Tôi bèn lẩm nhẩm câu thơ quá “ấn tượng” Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt dị kỳ! của Đinh Hùng, và câu Nhất cố... tái cố... của mấy ông Tàu.
Kể cũng oan cho tôi, bởi mê nàng, đâu chỉ mình tôi. Tại Smithfield, NC, quê nàng, Tom Banks, một anh nhócfan 12 tuổi, năm 1941, đã gom góp những công trình thủ công nghệ về nàng thành một collection, rồi về sau, với sự trợ giúp của gia đình, đã lập ra Ava Gardner Museum. Trong phim The Life and Times of Judge Ray Bean (1972) do Paul Newman thủ diễn, nhân vật Ray Bean, một cựu outlaw, tự phong làm ông tòa xét xử thiên hạ, cũng là người hâm mộ nàng, một lần (trong phim) đã đến viếng Museum.
Ava Gardner là thần tượng của tôi, từ lâu lắm, bởi hai lý do: a) Nàng mất năm 1990, lúc 68, không trẻ cũng không già lắm ở vào thời đại y khoa tân tiến này; và b) Không xuất hiện, không cho thấy bức hình nào chụp nàng lúc về già, hoặc trong nhà quàn (chết vì bệnh sưng phổi, tại London). Cũng như Nam Phương Hoàng Hậu (1914-1963) và Bà Trần Lệ Xuân (1924-2011), đố ai thấy được hình của hai bà lúc bước vào tuổi già hay nằm trên giường chết..
Trái lại, trừ tài tử Greta Garbo giải nghệ, biệt tích –không khác nàng Tây Thi của Phạm Lãi– vào lúc tuổi còn xanh và trên tột đỉnh vinh quang, đa số những cô đào lừng danh khác, lại để cho nhân gian kiến bạch đầu, tiếc quá. Từ Sophia Loren đến Raquel Welch đến Gina Lollobrigida đến Rita Hayward đến Ingrid Bergman v.v... Tỷ như, sơ sơ, dưới đây, Brigitte Bardot, một cựu bom sex, hay Elizabeth Taylor, hay Ali McGraw, you name it.
Brigitte Bardot (1934- )
Elizabeth Taylor (1932 - 2011)
Ali McGraw (1939 - )
4.. Tuy nhiên, có một phụ nữ Việt Nam, mât lúc 86 tuổi, già nua, bệnh hoạn, tóc trắng như sương như mây, hương sắc úa tàn, mà tôi vẫn thương yêu tha thiết, và xem như một người đàn bà đẹp nhất trên đời. Dù bao nhiêu mỹ nhân thế giới gom lại cũng không thể sánh bằng. Đó là mẹ tôi.
Cậu tôi kể, mẹ là con cả trong một gia đình buôn bán, khá giả, không phải trâm anh thế phiệt, hoặc sắc nước hương trời gì, lại học hành dở dang. Lúc 17, được nhiều người đeo đuổi, có anh gốc “đại gia” bị từ chối, cầm dao dọa đâm bụng tự tử, nhưng mặc kệ, mẹ chỉ “phải lòng” ba mà thôi, một hàn sĩ tứ cố vô thân, đẹp trai, từ miền Trung lưu lạc đến quê mẹ. Ai trong gia đình cũng thương ba, ngoại trừ bà ngoại. Bà ngoại ghét, vì ba theo “đạo Chúa”, nói tiếng trọ trẹ, lại nghèo –tội nặng nhất. Thấy vậy, bà cố ngoại chịu chơi của tôi bèn bày mưu cho cặp Roméo và Juliette dẫn nhau đi trốn tại một làng quê thuộc một tỉnh khá xa, trong nhà người quen của cố. Vào năm 1937, đó là một cuộc cách mạng xã hội “cực kỳ vĩ đại”. Được vài tháng, Juliette bị sốt rét rừng, da vàng xanh. Ông ngoại phải cấp tốc đi đón về. Và chữa lành bệnh, rồi nhờ cố nói vào, cho cưới, sau khi mẹ được rửa tội, theo đạo. Sau này, bà ngoại lại là người thương quý ba nhất. Những năm cuối đời, bà cố ngoại được ba mẹ rước về nhà phụng dưỡng, hầu hạ, để đền ơn làm nội gián.
Tôi là con đầu lòng, sinh ra trong thời ly loạn, lâu lâu phải tản cư bằng ghe đến những hải đảo, tránh bom đạn, học hành gián đoạn, cho nên được cưng chiều nhất, dù ba mẹ thương yêu hết mọi đứa. Khoảng năm, sáu tuổi, được mẹ ôm vào lòng, vuốt má mẹ, tôi thấy mẹ đẹp lắm. Tám tuổi, thấy mẹ cao lớn, và nói theo danh từ “hiện đại”, mẹ thuộc loại chân dài. Phải sau ngày mẹ xa lìa dương thế và vĩnh viễn thuộc về của Tuổi (belongs to the Ages), tôi mới tình cờ bắt gặp tấm ảnh đã cũ trên 3/4 thế kỷ, ngả màu ố vàng, dưới đây, nằm lạc loài, cùng vài tấm khác, trong hộc tủ riêng của mẹ, và hãnh diện biết mẹ cũng là một mỹ nhân, sort of... mỹ nhân, cây nhà lá vườn, vào thời đó.
Mẹ có cái trán hơi vồ, bướng bỉnh (con gái tôi cũng có kiểu trán y hệt. Di truyền?). Cho nên, mẹ không bao giờ sợ hãi trước những tên công an phường khóm, luôn làm khó dễ mẹ, bởi mẹ có ba thằng con và một chàng rể tương lai bị tù cải tạo và hai đứa con gái bị tù vượt biên. Những chúng rất ớn mẹ, vì mẹ nói gì cũng có lý có tình, và nói liền, nói thẳng vào mặt. Ngày mẹ mất, năm 2006, anh em chúng tôi từ ngoại quốc về đầy đủ, chúng cũng đến thắp nhang, vái mẹ, bời gió đã đổi chiều.
Suốt đời mẹ cực khổ vì con. Trong chiến tranh, mẹ sống phập phồng, lo âu, từng giờ. Ðêm đêm nguyện cầu cho những đứa con trai từ miền lửa đạn trở về bình yên. Rồi từ ngày đất nước rơi vào tay giặc, mẹ nếm đủ mùi cơ cực, trăm cay nghìn đắng, vất vả ngược xuôi. Cơ nghiệp tan tành, cửa nhà bị tịch thu, con cái tù đày. Mẹ một mình tần tảo, lo cho cả gia đình, lặn lội đi thăm nuôi các con, băng rừng vượt suối, từ Nam ra Bắc. Tóc mẹ bạc trắng, mắt mẹ quầng thâm, lưng
Mẹ lúc 18 tuổi, trước ngày cưới, năm 1938
còng, gối mỏi, đi đứng khó khăn, môi cười héo hắt. Nhưng tôi thấy mẹ đẹp hơn bao giờ hết, hơn ai hết. Và những lần được thăm nuôi, khi từ biệt mẹ trở lại địa ngục, tôi ôm mẹ, hôn lên trán, lên má mẹ, rất lâu, như thuở ấu thơ, mà nước mắt rưng rưng. Ơn sinh thành, ơn dưỡng dục, ơn cứu tử, tôi không thể nào quên.
Cũng như tôi không thể quên bài hát, “Maman, c’est toi la plus belle du monde”, mà tôi cho là một trong những bài –nếu không nói là một bài– hay nhất, làm cảm động nhất của Dalida hoặc của thế giới. Nhạc, lời, và tiếng hát Dalida nghe trầm buồn, nức nở, thiết tha, vang vọng đến thiên thu:
Maman, Maman jolie
Mẹ ơi, Mẹ xinh đẹp ơi
Maman tu es la plus belle du mondeMẹ, mẹ đẹp nhất trần đời
Aucune autre à la ronde n'est plus jolieKhông ai chung quanh đẹp hơn
Tu as pour moi, avoue que c'est étrange,
Đồi với con mẹ có –mẹ hãy thú nhận đó là điều lạ lùng–
Le visage d'un ange du paradis
Gương mặt của một thiên thần trên thiên đàng
Dans tous mes voyages
Dans tous mes voyages
Trong tất cả những chuyến du lịch của con
J'ai vu des paysages
J'ai vu des paysages
Con đã thấy nhiều phong cảnh
Mais rien ne vaut l'image
Mais rien ne vaut l'image
Nhưng không có gì giá trị hơn là hình ảnh
De tes beaux cheveux blancs
De tes beaux cheveux blancs
Của mái tóc trắng đẹp của mẹ
Tu es, Maman, la plus belle du monde
Tu es, Maman, la plus belle du monde
Mẹ ơi, mẹ đẹp nhất trần đời
Et lorsque tout s'effondre autour de moi
Et lorsque tout s'effondre autour de moi
Và khi tất cả sụp đổ chung quanh con
Maman, toi tu es là !
Maman, toi tu es là !
Mẹ có mặt ở đó
Pour toi c'est vrai je suis malgré mon âge
Pour toi c'est vrai je suis malgré mon âge
Đúng vậy, đối với mẹ, mặc dù tuổi lớn của con
La petite enfant sage des jours heureux
La petite enfant sage des jours heureux
Con vẫn là đứa con gái ngoan nhỏ của những ngày hạnh phúc
J'avais fait des rêves
J'avais fait des rêves
Con đã từng dệt những cơn mơ mộng
Où l'on m'aimait sans trève
Où l'on m'aimait sans trève
Trong đó người ta yêu thương con không ngừng
Mais les rêves s'achèvent
Mais les rêves s'achèvent
Nhưng những giấc mơ tàn dứt
Et toi seule m'est restée
Và chỉ còn mẹ ở lại với con
Maman tu es la plus belle du monde
Maman tu es la plus belle du monde
Mẹ ơi mẹ đẹp nhất trần đời
Et ma joie est profonde quand tu es là
Et ma joie est profonde quand tu es là
Và niềm vui của con sâu thẳm khi có mẹ đứng bên
Maman, Maman
Maman, Maman
Mẹ ơi, mẹ ơi
Việt Nam ta cũng có nhiều bài hát ngợi khen mẹ rất xuất sắc. Bài nổi tiếng nhất, mà ai cũng thuộc vài câu, là “Lòng mẹ” của Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu...”. Hay “Một bông hồng cho mẹ” của Phạm Thế Mỹ, phổ và sửa lại thơ của Thích Nhất Hạnh: “Mẹ, Mẹ là giòng [sic] suối dịu hiền. Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên. Là bóng mát trên cao. Là mắt sáng trăng sao. Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối...” Phạm Duy thì có “Bà mẹ quê”: “Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều. Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu...” Hay một câu ca dao MiềnNam: “Mẹ già như chuối ba hương / Như xôi nếp một như đường mía lau”
Trong ba bài hát tiêu biểu trên, các tác giả đã dùng phép so sánh (“như”), hoặc ẩn dụ (“là”), để tôn vinh mẹ: Mẹ là hình ảnh tuyệt vời nhất, cao đẹp nhất, hoặc, như Phạm Duy, kể những công lao, nhọc nhằn của mẹ. Khác với Dalida, không ai nói thẳng rằng mẹ là người đàn bà đẹp nhất trần đời, con yêu mẹ vô vàn... Tại sao? Lúc đầu tôi tưởng con gái (Dalida) dễ nói điều đó với mẹ mình hơn là con trai (ba nam nhạc sĩ VN). Những ông này, thực vậy, sợ bị mang “mặc cảm Œdipe” (nhân vật huyền thoại Hy Lạp đã vô tình giết cha và lấy mẹ mình) của nhà phân tâm học Sigmund Freud chăng? Có thể lắm. Nhưng về sau tôi khám phá ra bài hát đó do ba ông: François Bonifay đặt lời, năm 1957, Marino Marani viết nhạc, và Luis Mariano hát, trước khi được Dalida lấy hát lại, sửa đổi vài chỗ, vài chữ và nhất là câu: “Con vẫn là đứa con gái ngoan nhỏ của mẹ” (La petite enfant sage...) cho thích hợp với nhạc và hoàn cảnh. Chưa kể nam ca sĩ Christophe cũng hát một bài khen mẹ mình “đẹp biết bao” trong giường (bệnh?) đầy gối chêm và đôi má xanh xao: “Tu es si belle / La tête sur ton coussin / Tes joues sont pâles / Pourquoi ne dis-tu rien?” [...] Vì vậy, tôi suy nghĩ lại, có lẽ con cái Việt Nam vì truyền thống văn hóa kính trọng cha mẹ, hoặc vì tính cả thẹn (pudeur), khác với Tây phương, không dám ôm hôn hoặc trực tiếp nói lời âu yếm, không biểu lộ công khai tình yêu thương, không dám khen mẹ mình là “đẹp nhất trần gian”, mà chỉ đi vòng vo, mượn những ẩn dụ suối mát, trăng thanh, ánh đuốc, hoặc chuối ba hương... để ám chỉ, so sánh. Đó cũng tốt thôi. Vẻ đẹp của mẹ, dĩ nhiên, hoàn toàn không phải thể xác, mà tâm hồn.
Mẹ dù già, nhăn nheo, dù xấu xí, bệnh hoạn, dù đầu bạc, răng long, mẹ dù quê mùa, ít học (như chuyện một bà ở San José, mà mấy năm trước tôi có nghe ai kể, ngồi bán trầu cau ngoài chợ Lyons, để nuôi đứa con trai ăn học thành bác sĩ...), dù thế nào đi nữa, mẹ vẫn là người phụ nữ duy nhất, bất khả thay thế, đẹp nhất trần gian đối với con cái, mẹ vẫn là hình ảnh ngời sáng phản chiếu vẻ đẹp vĩnh cửu không hề phai từ khung trời Platon huyền diệu, mẹ vẫn là mỹ nhân tuyệt sắc và toàn bích –mà bất cứ người con nào cũng phải kiêu hãnh, tôn vinh và thương yêu trọn đời.
Viết trong Mùa Vu Lan nhớ Mẹ
Portland, 10 September 2014
NLGO