Thứ Bảy, ngày 06.09.2014
Kính thưa quý thính giả,
Một người đã phục vụ tận tụy cho đất nước Việt Nam, xứng đáng làm gương cho các thế hệ mai sau, theo lời chia buồn của Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush sau khi hay tin Ông mất. Ước mơ cuối đời của Ông là được sống đời ẩn sĩ để viết sách, phân tích tại sao dân tộc Việt Nam quả cảm, thông minh, nhưng lại chịu quá nhiều bất hạnh, với mục đích giúp cho các thế hệ tiếp nối tránh được những sai lầm trong quá khứ, ngõ hầu xây dựng một nền văn hóa lành mạnh, vững chắc và đặc thù dân tộc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Xin bấm vào đây để nghe
Tôi chỉ là một người dân đất Việt,
Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương.
Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương,
Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc.
Lúc đường sống mịt mù chưa thấy được,
Tôi mượn thơ để tỏ nỗi căm hờn.
Nỗi u buồn chán nản kẻ cô đơn,
Không phụng sự giang sơn như ý nguyện.
Đó là bài thơ của thi sĩ Đằng Phương, bút hiệu của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một cựu chính khách Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một trong những người sáng lập đảng Tân Đại Việt và là Tổng thư ký đầu tiên của đảng này.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2/11/1924 tại Chợ Lớn. Nhưng quê quán ở làng Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Thuở nhỏ, Ông học tiểu học ở trường Tân Uyên và trung học tại trường Petrus Ký.
Năm 1943, khi làm thư ký tại tòa hành chánh Cần Thơ, Ông tiếp xúc với một số đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng và gia nhập đảng này vào năm 1945.
Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, Ông tham gia kháng chiến một thời gian ngắn. Năm 1946, Ông về Sài Gòn làm việc trong một thư viện. Thời gian này, Ông viết bài cho báo Thanh Niên và báo Đuốc Việt của đảng Đại Việt với các bút hiệu Việt Tâm, Hùng Nguyên, Cuồng Nhân...v.v.
Khi người Pháp liên kết với các tổ chức chính trị để chống lại Việt Minh, Ông cùng nhiều đảng viên Đại Việt khác ra mặt hoạt động công khai.
Năm 1949, Ông làm giảng viên chính trị cho trường Cán bộ Thanh niên Nha Trang.
Năm 1950, Ông cho xuất bản tập thơ Hồn Việt với bút hiệu Đằng Phương.
Năm 1951, Ông được điều động ra Bắc hoạt động cho Thanh niên Bảo quốc đoàn, đến năm 1953, đoàn bị giải tán, Ông về Sài Gòn dạy quốc văn tại trường Lê Bá Cang.
Sau Hiệp định Genève, Thủ tướng Ngô Đình Diệm lần lượt dẹp các thế lực chính trị đối lập tại miền Nam, trong đó có đảng Đại Việt. Ông được đảng chỉ định sang Pháp phụ giúp cho ông Nguyễn Tôn Hoàn.
Tại Pháp, Ông vừa đi làm, vừa đi học đại học tại Paris. Năm 1959, ông đậu bằng Cử nhân Luật khoa và Khoa học Kinh tế tại Viện đại học Paris. Cũng tại Viện đại học này, năm 1960, Ông đậu bằng Cao học Chính trị và năm 1963, Ông lấy bằng Tiến sĩ Chính trị học.
Sau cuộc đảo chánh năm 1963, Ông về nước và không lâu sau đó, lãnh tụ đảng Đại Việt Nguyễn Tôn Hoàn cũng về nước và được Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng Nguyễn Khánh bổ nhiệm vào chức vụ Phó thủ tướng đặc trách bình định. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy giữ chức vụ Đổng lý Văn phòng cho Phó thủ tướng. Tuy nhiên sau đó, ông Hoàn từ chức để phản đối Hiến chương Vũng Tàu. Tháng 9 năm 1964, Giáo sư Huy lưu vong sang Hong Kong và tháng 10, Ông sang Nhật Bản.
Sau vụ binh biến thất bại của tướng Dương Văn Đức, lãnh tụ Nguyễn Tôn Hoàn cũng đi lưu vong tại Nhật và giao quyền lãnh đạo đảng Đại Việt cho Giáo sư Huy.
Ngày 26 tháng 10, Thượng Hội đồng Quốc gia được thành lập với Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Trần Văn Hương. Ông Huy trở về nước tiếp tục hoạt động chính trị, tuy nhiên khi ấy đảng Đại Việt đang bị phân hóa trầm trọng ở cấp lãnh đạo.
Ngày 14/11/1964, Ông cùng một nhóm các đảng viên Đại Việt trẻ tuổi thành lập đảng Tân Đại Việt và được cử giữ chức vụ Tổng thư ký. Thời gian sau đó, Ông làm Tổng thư ký của Phong trào Quốc gia Cấp tiến, một tổ chức ngoại vi của đảng Tân Đại Việt.
Năm 1965, Ông được mời dạy môn Chính trị học và Luật Hiến pháp tại Học viện Quốc gia Hành chánh và nhiều Trường đại học ở Đà Lạt, Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức... Ông cũng được mời giảng dạy tại các trường Cao đẳng Quốc phòng, Tham mưu Cao cấp, Đại học Chiến tranh Chính trị.
Sau năm 1975, Ông sang Hoa Kỳ và làm chuyên gia khảo cứu cho Đại học Harvard, tham gia vào việc dịch Bộ luật Hồng Đức ra tiếng Anh và chú giải bộ luật này.
Năm 1981, Ông tập hợp các thành viên cũ trong Phong trào Quốc gia Cấp tiến và một số nhân sĩ độc lập tại hải ngoại, thành lập Liên minh Dân chủ Việt Nam và Ông được bầu làm Chủ tịch. Năm 1986, Ông sáng lập và làm Ủy viên danh dự của Ủy ban Quốc tế Yểm trợ Việt Nam tự do.
Ngày 28/5/1988, Ông và cựu đại sứ Bùi Diễm tổ chức phiên họp tại San José, California, mời các nhân sự lãnh đạo của ba hệ phái Đại Việt với mục đích thống nhất Đại Việt Quốc Dân Đảng nhưng không thành. Ngày 28/7/1990, Ông qua đời tại Paris vào lúc 9 giờ 30 tối.
* * *
Sự ra đi của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là một mất mát lớn của người Việt quốc gia. Ông là người đã cống hiến suốt đời mình cho lý tưởng phụng sự quốc gia dân tộc, lấy nền tảng "dân là gốc" làm phương châm hoạt động. Mặc dù mang nhiều tật bệnh vào những năm cuối đời, thậm chí là giọng nói trở nên thều thào, nhưng Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vẫn lặn lội đi khắp nơi để tìm một con đường quang phục đất nước, giải thoát đồng bào khỏi gông xiềng cộng sản.
Nhưng cũng giống như các bậc tiền bối Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu vào một thế kỷ trước, Giáo sư Huy đã phải ngậm ngùi ra đi trong khi dân tộc tiếp tục bị đọa đày và xã hội càng lúc càng bị băng hoại dưới sự cai trị của đảng CSVN.
Giáo sư Huy đã không có cơ hội để nhìn thấy ánh sáng cuối con đường phục hưng đất nước, nhưng ý chí của Ông đã và đang được thế hệ con cháu tiếp nối. Những bài thơ đầy tình tự yêu nước thương dân của Giáo sư Huy sẽ có ngày trở lại trong các sách giáo khoa. Và một điều chắc chắn, trong tương lai gần đây sẽ có những con đường trong nước mang tên Nguyễn Ngọc Huy, một người con lỗi lạc của miền Nam!
Việt Thái