Saturday 6 September 2014

Đặc Nhiệm Đen Sẽ Tiêu Diệt ISIS

SEAL_Team-6_1

Dưới mắt Mỹ và Anh, IS rất mạnh, nguy hiểm hơn Al-Qaeda nhiều lần, lại còn rất xảo quyệt với chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”, tức dùng người phương Tây.
Sau khi cân nhắc thiệt hơn, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Barack Obama đã quyết định không gửi lực lượng bộ binh hùng hậu đến chiến trường Iraq và Syria để quyết đấu với ISIS. Thay vào đó là những nhóm đặc nhiệm nhỏ của Anh, Mỹ phối hợp với lực lượng địa phương truy lùng và tiêu diệt các thủ lãnh ISIS, đặc biệt là ông trùm Abu Bakr al-Baghdadi – người tự xưng Khalifah, tức “hoàng đế” của người Hồi giáo trên thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ đã treo giải thưởng 10 triệu USD cho người nào cung cấp tin tức chính xác về al-Baghdadi.

Nhiệm vụ nặng nề của “đặc nhiệm đen”

Tuần qua, truyền thông Anh, Mỹ đã hé lộ nguồn tin về lực lượng đặc biệt nêu trên. Theo đó, lực lượng “đặc nhiệm đen” (TFB) bao gồm 80 lính SAS (đặc nhiệm Không quân Anh, gồm cả nhân viên 2 cơ quan tình báo MI5, MI6) và khoảng 200 lính đặc nhiệm Mỹ thuộc 2 biệt đội Delta Force, Seal Team 6.
Mục tiêu của TFB là bắt sống hoặc giết chết ban lãnh đạo của ISIS, đứng đầu là al-Baghdadi, với một chiến dịch theo kiểu “chặt đầu rắn”. Mọi hoạt động của TFB đặt dưới quyền giám sát và chỉ huy của CIA (Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ).
Riêng SAS được thủ tướng Anh giao nhiệm vụ xác định và tiêu diệt “Jihadi John”, người được cho là đã cầm dao cắt cổ nhà báo Mỹ James Foley. Các chuyên gia tình báo Anh, Mỹ thẩm định đây là một người Anh gốc Pakistan từng sinh sống ở London. Y cũng là người đứng đầu bảng “danh sách phải chết” của CIA.
Biệt đội “đặc nhiệm đen” còn được nhân viên CIA và MI6 hỗ trợ đằng sau. Tại Iraq, họ sẽ tái lập Apostle, lực lượng đặc nhiệm do Mỹ thành lập sau chiến tranh Iraq rồi bị giải tán. Tại miền Bắc Iraq, nơi IS đánh chiếm được một số lãnh thổ, TFB sẽ huấn luyện Peshmerga, lực lượng vũ trang của người Kurd bản địa, cách chiến đấu với ISIS.
TFB thật ra được thành lập cách đây nhiều năm ở Iraq, cũng với thành phần hỗn hợp lính đặc nhiệm Anh – Mỹ và đã đẩy lui Al-Qaeda ra khỏi Iraq. Thành tích nổi bật nhất của TFB là tiêu diệt được Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh Al-Qaeda, tại Iraq tháng 6-2006 bằng hỏa tiễn phóng đi từ máy bay không người lái của CIA. Tay trùm khủng bố này từng đích thân chặt đầu nhiều con tin phương Tây.

Cuộc chiến sẽ dai dẳng, ác liệt

Chiến thuật của TFB lần này cũng giống như lần trước. Trạm do thám của MI6 và CIA sẽ khai thác và phân tích dữ liệu tình báo (điện đàm, tin nhắn trên điện thoại di động, hình ảnh vệ tinh…) thu thập được ở Iraq và Syria. Một nguồn tin quý giá khác là 40 chiến binh ISIS bị quân đội người Kurd bắt làm tù binh. Kết quả phân tích sẽ được TFB dùng để thực hiện chiến dịch “chặt đầu rắn” ISIS. Máy bay không người lái Anh, Mỹ tiếp tục được dùng trong chiến dịch này.
Nhật báo Anh Daily Mirror dẫn lời một cựu thành viên của TFB cho biết nguồn tin tình báo trợ giúp “đặc nhiệm đen” lần này rất phong phú, bao gồm mạng lưới điệp viên cao tay nghề tại chỗ và tình báo điện tử. Máy bay thám thính Anh, Mỹ sẽ nghe lén điện thoại các thủ lãnh IS và chỉ điểm vị trí của những nhân vật này.
TFB cũng sẽ áp dụng một phương pháp rất hiệu nghiệm mà Biệt đội Seal Team 6 từng sử dụng trong cuộc truy lùng và tiêu diệt Osama bin Laden, ông trùm Al-Qaeda, năm 2011. Đó là mở những cuộc đột kích bằng trực thăng không vận không tiếng động.
Trùm ISIS: AbuThủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi Ảnh:CNN Bakr al-Baghdadi. Ảnh:CNN
TFB cũng sẽ đẩy mạnh chiến tranh tâm lý. CIA hứa tặng các chiến binh IS tiền bạc và một tương lai tươi sáng nếu từ bỏ tổ chức này. Tình báo Mỹ tin rằng những chiến thuật tàn bạo như thời trung cổ của IS (hành quyết tập thể, chặt đầu) đã làm nao núng tinh thần các chiến binh trẻ. Họ chưa dám bỏ IS vì lo sợ bị trừng phạt. Nếu có tiền và có cơ hội đổi đời, họ sẽ đào ngũ ngay.
Nguồn tin của Daily Mirror cho biết trở lại Iraq lần này, dự kiến TFB sẽ hoạt động ít nhất vài tháng, thậm chí vài năm, do địa bàn chiến trường mở rộng sang Syria.
“Đây sẽ là một cuộc chiến dai dẳng, ác liệt, có thể tồi tệ hơn cuộc chiến Iraq và Afghanistan trước đây. Chúng tôi không có sự lựa chọn trong cuộc chiến này. Họ có rất nhiều tiền mặt và nguồn cung cấp đầy đủ vũ khí. Họ không phải loại người có thể đàm phán và thương lượng. Nếu chúng tôi không tấn công trước thì họ sẽ tấn công chúng tôi” – nguồn tin nhấn mạnh với Daily Mirror.
Dưới mắt Mỹ và Anh, ISIS rất mạnh, nguy hiểm hơn Al-Qaeda nhiều lần. Tổ chức này còn rất xảo quyệt với chiến thuật“gậy ông đập lưng ông”, tức dùng người phương Tây đánh lại phương Tây.

Rắn 6 đầu

Đài truyền hình Ả Rập Al Arabiya News dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Iraq Adnan al-Asadi cho biết ban lãnh đạo ISIS gồm có 6 người:
- Abu Bakr al-Baghdadi: Thủ lãnh IS, 43 tuổi, từng bị Mỹ bắt tháng 4-2004. Sau khi được thả ra 3 năm sau, y thành lập Quân đội Sunni, gia nhập Al-Qaeda rồi tách riêng thành lập ISIS (tiền thân của IS).
- Abu Ayman al-Iraqi: Nguyên đại tá tình báo không quân Iraq thời Saddam Hussein. Bị bắt năm 2007 và được thả năm 2010, y đến Syria cầm đầu quân ISIS chiếm đóng thị trấn Edlib, Aleppo và vùng núi Lattakia.
- Abu Ahmad al-Alwani: Cựu sĩ quan quân đội Iraq thời Saddam Hussein. Hiện nay, y là ủy viên Hội đồng Quân sự IS.
- Abu Abdulrahman al-Bilawi: Một trong 4 ủy viên Hội đồng Quân sự IS. Y từng bị Mỹ bắt giam trong nhà tù Bucca (Iraq) năm 2007 và đã bị giết ở al-Khalidiva.
- Haji Bakr: Cựu sĩ quan quân đội của Saddam Hussein, phụ trách phát triển vũ khí. Y từng bị bắt giam ở nhà tù Bucca rồi gia nhập Al-Qaeda sau khi được thả. Mới đây, tay thủ lãnh cao cấp IS ở Syria này đã bỏ mạng.
- Abu Fatima al-Jaheishi: Từng phụ trách tác chiến ở miền Nam Iraq trước khi chuyển đến TP Kirkuk ở phía Bắc.

Hoa Kỳ thành lập liên minh đương đầu với phiến

 

quân ISIS

NATO summit in Wales
Theo AFP/Reuters, ngày 5-9, Mỹ tuyên bố nước này đang thành lập một “liên minh nòng cốt” nhằm đương đầu với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi từ các đồng minh và các đối tác. Tuy nhiên, Washington sẽ không đưa ực lượng bộ binh tham chiến.
Phát biểu tại cuộc họp với sự tham dự của các Bộ trưởng quốc phòng và Ngoại giao 10 nước (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỹ, Italy, Ba Lan và Đan Mạch) ở xứ Wales, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry nhấn mạnh:“Chúng ta cần phải tấn công (ISIS) theo nhiều cách, qua đó ngăn chặn chúng chiếm lãnh thổ; phải tăng cường sức mạnh cho các lực lượng an ninh Iraq và các lực lượng khác trong khu vực sẵn sàng đương đầu với ISIS. Rõ ràng, tôi nghĩ rằng có một giới hạn đỏ dành cho tất cả mọi người ở đây: sẽ không có chuyện triển khai bộ binh.”
Hiện các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của 10 nước trên đã tiến hành thảo luận bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại xứ Wales để thảo luận về chiến lược đối phó với ISIS.
Các nhà lãnh đạo NATO cùng ngày đã lên án “những hành động man rợ và hèn hạ” của ISIS khi chặt đầu hai nhà báo Mỹ./.

Quân đội Iraq tiêu diệt một thủ lãnh ISIS

Giới chức quân đội Iraq cho biết ngày 4-9, một phụ tá hàng đầu của thủ lãnh phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của quân đội ở miền Bắc nước này. Theo Tướng Babaker Zebari, dựa trên các nguồn tin tình báo, các máy bay của quân đội Iraq đã không kích căn cứ của IS tại tỉnh Nineveh và tiêu diệt tên Abu Hajr al-Suri.

Theo một số nguồn tin, khu vực không kích nằm giữa hai thành phố Mosul và Tal Afar, ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Iraq. Hiện chưa có kiểm chứng độc lập về cái chết của đối tượng này trên.
Cùng ngày, các tay súng ISIS đã bắt cóc 40 người tại một thị trấn ở tỉnh Kirkuk, miền Bắc Iraq.  Theo các nguồn tin tại thị trấn Hawija, không rõ mục đích bắt cóc của IS và vụ tấn công của lực lượng này không vấp phải sự kháng cự nào từ người dân địa phương.
Kể từ khi trỗi dậy mạnh mẽ hồi tháng Sáu, lực lượng ISIS đã chiếm đóng một khu vực rộng lớn ở miền Bắc Iraq và miền Bắc Syria, tuyên bố thành lập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tại các vùng chiếm giữ.
Ngoài tiến hành các tội ác man rợ nhằm vào dân thường, ISIS cũng bắt giữ hàng trăm binh sỹ Iraq, Syria cũng như các tay súng của một số nhóm phiến quân khác nhằm đòi tiền chuộc hoặc sát hại các con tin.
Hiện quân đội Iraq với sự hậu thuẫn của không lực Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều đợt phản công nhằm giành lại các khu vực bị lực lượng ISIS chiếm như Mosul hay Armeli ở miền Bắc và giành một số thắng lợi đáng kể.
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Syria, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ngày 4-9, các chiến đấu cơ của quân đội nước này đã không kích thành phố Raqqa ở miền Đông, tiêu diệt 18 tay súng người nước ngoài đầu quân cho lực lượng IS.
Theo SOHR, vụ không kích nhằm vào tòa nhà được cho là một căn cứ của ISIS tại khu vực Gharbiya ở Raqqa. Trong số các phần tử thánh chiến bị tiêu diệt có một thủ lĩnh cấp cao IS và một đối tượng người Mỹ.Ngoài ra, quân đội Syria cũng tiến hành một cuộc không kích khác tại tòa nhà từng là trụ sở của cơ quan tình báo ở thành phố Abu Kamal, gần biên giới với Iraq. 13 người bị ISIS bắt giữ được giải thoát  và nhiều tay súng ISIS bị tiêu diệt..