Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Từ ngày lên ngôi vào tháng 11 năm 2012, tới nay đã được 2 năm, Tập Cận Bình bắt đầu một “Chương trình cải cách rộng lớn”, đi đến việc thanh trừng 182 000 công chức Nhà nước, Đảng và Quân đội, trong đó có 40 người Thứ trưởng và nhiều Tướng tá.
Có người cho rằng chương trình cải cách này sẽ thành công. Nhiều ý kiến khác thì hoàn toàn ngược lại, cho rằng không thành công mà còn có thể đi đến sự sụp đổ của chế độ.
Tập Cận Bình và chương trình cải cách của ông
Tập Cận Bình sinh năm 1953, tại Bắc Kinh, nhưng quê quán thực của ông ở Thiểm Tây, cha là Tập Trọng Huấn (1913-2002), là một Phó Thủ tướng trước đây. Tập Cận Bình là người ít nói, ít phát biểu, có nhiều người còn cho ông là người không có lập trường rõ rệt. Ông từng làm Bí thư thành phố Thượng Hải, được Giang Trạch Dân chọn lựa và hậu thuẫn để trở thành người kế thừa của Hồ Cẩm Đào với ý định trong tương lai, khi họ Đào không còn quyền, ông lên ngôi, thì họ Giang dễ khống chế ông.
Tập Cận Bình từng bước trở thành Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung cộng khóa 15, Ủy viên Chính thức Trung ương Đảng các khóa 16, 17. Tháng 10 năm 2007, tại Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung cộng, được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương, được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Ngày 15 tháng 3 năm 2008, được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau đó lần lượt vào năm 2010 ông được bầu vào chức Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, năm 2012 trở thành Tổng Bí thư BCH Trung ương, Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ngày 14 tháng 3 năm 2013, ông được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kết thúc quá trình chuyển giao quyền lực của đảng cộng sản Tàu.
Có lẽ tất cả những kế hoạch, dự đoán của họ Giang từ ngày họ Tập lên ngôi đều trở nên mây khói?
Chương trình cải cách của Tập Cận Bình
Tháng 8/2013, họ Tập ra Văn kiện được mang tên là “Văn kiện số 9”, trong đó có 7 cái “Không”, bắt buộc đảng viên, công chức từ dưới lên trên phải tuân theo. Đó là: Không được tự do phát biểu ý kiến riêng ngoài ý kiến chính thức của đảng, không chấp nhận ảnh hưởng từ nước ngoài, không chấp nhận tư tưởng tự do, dân chủ, tính phê bình, và không chấp nhận tư tưởng độc lập.
Thêm vào đó, để ngăn cản sự trốn chạy ra nước ngoài của cán bộ, họ Tập thâu hồi tất cả những hộ chiếu của họ, thành lập ủy ban gồm 3 người, kiểm soát lẫn nhau, nếu có 1 trong 3 người xuất ngoại “không chính đáng”, thì 2 người còn lại phải vạ lây. Họ Tập mệnh danh chương trình cải cách này là một chương trình “Trẻ trung hóa vĩ đại”, dựa trên giấc mơ của Trung cộng, niềm tự hào của dân tộc, dựa trên chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Cũng từ đó, họ Tập đã tập trung tất cả quyền hành vào trong tay mình, từ Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy hội, Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc gia, Chủ tịch Ủy ban thanh lọc Nhà nước v.v...
Họ Tập đã thanh trừng từ trên xuống dưới, bắt đầu phong trào “Giết hổ và đập ruồi”, loại khỏi đảng, khỏi Nhà nước 182 000 công chức từ thấp đến cao, bắt đầu bằng vụ đưa ra tòa Bạc Hy Lai, rồi khai trừ Từ Tài Hậu, nhân vật thứ nhì trong Quân Ủy hội ra khỏi đảng vào ngày 30/06/2014. Ngày 29/7/2014, Đảng cộng sản Tàu tuyên bố điều tra Chu Vĩnh Khang, nhân vật thứ ba, trong đảng.
Đó là sơ qua một vài vụ thanh trừng to lớn.
Ngoài ra họ Tập còn đàn áp dã man dân Duy Ngô Nhĩ, dân phần lớn theo đạo Hồi ở vùng tây bắc, trấn áp Tây Tạng, gửi thông điệp cứng rắn đối với Đài Loan, dẹp tất cả những hy vọng của dân Hồng Kông mong muốn có một cuộc bầu cử tự do trong tương lai, theo kiểu dân cử, dân bầu, chứ không phải là một cuộc bầu cử “Đảng cử, dân bầu”, được áp đặt từ Bắc Kinh.
Nhưng thật ra bản chất của cuộc cải cách này là một cuộc cải cách giật lùi hay đúng hơn chỉ là một cuộc tranh quyền, thâu tóm quyền hành vào tay một người, trái lại nguyên tắc lãnh đạo tập thể, để lại từ hồi Đặng Tiểu Bình, và tương đối được tuân thủ và áp dụng bởi Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Độc tài từ cổ chí kim trên thế giới là một chế độ cai trị dân qua cái loa, cái còng và cái súng, nhất là với 2 chế độ độc tài phát xít và cộng sản. Cái loa có nghĩa là khai thác tối đa nghệ thuật tuyên truyền. Kiểu nói như Goebel, Bộ trường Tuyên truyền của Hitler: “Một sự việc dù không phải là sự thật, nhưng chúng ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Lúc đầu dân còn bán tín, bán nghi, sau đó không nghi nữa và cuối cùng cho đó là sự thật.” Bưng bít thông tin, chỉ cho dân nghe những thông tin, dù không phải sự thật, nhưng có lợi cho chế độ.
Với Hitler thì khơi dậy chủ nghĩa quốc gia cực đoan, bài trừ Do Thái, đưa ra lý thuyết không có một tý gì là khoa học, theo đó “Chủng tộc Aryen là chủng tộc tinh khiết nhất, tài giỏi nhất. Đó là chủng tộc của dân Đức, xứng đáng để thống trị thế giới”. Cộng sản thì khơi dậy những bản năng xấu xa, ghen tị của con người, qua lý thuyết bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp, xóa bỏ tất cả những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp được truyền thừa hàng ngàn năm lịch sử nơi con người. Thêm vào đó cả 2 chế độ phát xít và cộng sản đều vẽ ra một thiên đàng, một bên là thế giới thiên đàng của dòng giống Aryen, dân tộc Đức. Bên kia là thiên đàng cộng sản.
Cai trị dân với cái còng và cái súng là khủng bố, bỏ tù những thành phần không cùng chính kiến, đường lối với họ, và nếu sự chống đối trở nên có ảnh hưởng mạnh mẽ thì sẽ bị vu khống, thủ tiêu và hãm hại.
Ngày nay, ở một vài nước cộng sản còn lại, vì kinh nghiệm cộng sản đã thất bại ê chề sau hơn 70 năm áp dụng, thì họ trở về chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kiểu phát xít.
Từ đó chúng ta xét bản chất thực của chương trình cải cách Tập Cận Bình: Đó là chương trình cải cách giật lùi, trở về thời quân chủ phong kiến, quyền hành tập trung vào tay một người, ngày xưa là ông vua, ngày nay là Tổng Bí thư. Hiện nay họ Tập nắm hết trong tay mọi quyền hành.
Vì vậy bản chất thật cuộc cải cách của họ Tập chỉ là một cuộc tranh quyền mà ngày hôm nay người ta thấy rõ là giữa Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư, được phe nhóm tài phiệt Thượng Hải và Hồng Kông ủng hộ và phe nhóm Tập Cận Bình, được mang nhãn hiệu là chống tham nhũng, trẻ trung hóa và trong sạch hóa chế độ, thực hiện giấc mơ Trung cộng.
Người Tàu có câu châm ngôn “Giết gà để dọa khỉ”, thực chất là họ Tập giết cả gà lẫn khỉ, khi chúng không theo mình, và dung túng cả gà lẫn khỉ, khi chúng theo mình. Hỏi rằng ở nước Tàu hiện nay, trong những người đảng viên, từ cấp dưới lên đến ngay Tập Cận Bình, có ai là không tham nhũng. Cũng như họ Tập ra lệnh thâu hồi tất cả những người có hộ chiếu ra nước ngoài, lập ra tổ 3 người trong cơ quan đảng và nhà nước để kiểm soát lẫn nhau về việc xuất ngoại. Trong khi đó thì chính con gái họ Tập hiện nay đang học ở Hoa Kỳ, tại trường đại học Harvard. Việc thanh trừng 182000 nhân viên đảng và nhà nước đi đến chỗ ai cũng sợ, có những cơ quan nhà nước, người cầm đầu bị thanh trừng, người dưới không dám lên kế vị, vì ai cũng tham nhũng, sợ bị chĩa mũi dùi vào mình.
Họ Tập không những trở về thời quân chủ phong kiến, mà còn trở về thời kỳ xấu xa nhất của chế độ cộng sản Tàu, thời kỳ “Cách mạng Hồng vệ binh”, khơi dậy lòng hận thù của của những giai tầng xã hội, đề cao tinh thần dân tộc cực đoan. Tập Cận Bình hiện nay là hình ảnh những tên bạo chúa tàn ác nhất trong lịch sử nhân loại, như vua Kiệt, Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông của Tàu, như Néron, Staline của thế giới, cho rằng: “Kẻ nào không theo Ta, thì có nghĩa là chống Ta”, “Ta chính là Nhà nước và Pháp luật”.
Ngày xưa vua cho rằng mình thay trời để trị dân, ngày hôm nay họ Tập cho rằng mình có một sứ mạng cao cả, dẫn dắt dân tộc Tàu thực hiện ước mơ của mình, trẻ trung hóa chế độ, mang lại hạnh phúc cho mọi người dân và sự kính nể đối với những nước trên thế giới.
Vẽ ra những ước mơ, cai trị dân qua cái loa, cái còng và cái súng, đây không phải là riêng của Tập Cận Bình, mà là của tất cả giới lãnh đạo cộng sản. Ngày hôm nay Tập Cận Bình đang trở về phương pháp này với dân Tàu. Vì vậy thực chất đây là một cuộc cải cách giật lùi.
Chương trình cải cách của Tập Cận Bình sẽ thành công?
Một câu hỏi đến với chúng ta là liệu chính sách cải cách của Tập Cận Bình sẽ thành công hay không?
Có nhiều người cho rằng sẽ thành công, viện những lý do: Với sức mạnh kinh tế hiện nay, theo như bản thống kê mới nhất của Quỹ Tiền tệ thế giới, tổng sản lượng kinh tế tính theo khả năng mua sắm, thì Trung cộng hiện nay là 17632 tỷ $, đã qua mặt Hoa Kỳ là 17416 tỷ, cũng như Ấn Độ, với tổng sản lượng là 7 277 tỷ, đã qua mặt Nhật, với 4 788 tỷ. (Theo Bản Tường trình của FMI - tháng 10/2014). Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhớ là sản lượng tính theo đầu người hàng năm của Hoa Kỳ và của Nhật là gấp 4 hay 5 lần của Trung cộng. Ngoài ra hiện nay Trung cộng có một dự trữ gần 4000 tỷ $, hiện là nước có nền thương mại lớn nhất thế giới, hàng hóa Trung cộng có mặt trên khắp 5 châu.
Đây là một điều hay, nhưng cũng có mặt trái của nó, đó là đừng nghĩ với kinh tế, tiền bạc là có thể giải quyết được tất, nhiều khi mang hại vào thân, ngay ở cả mức độ quốc gia, vì mức độ giàu nghèo quá chênh lệch ở Trung cộng, thêm vào đó giới giàu có, quyền lực thì càng ngày càng muốn giàu có thêm, nhiều quyền lực thêm, trước sự đau khổ của dân.
Chúng ta có thể giản tiện hóa vấn đề, ví một quốc gia như một gia đình. Một gia đình giàu có, có nhiều con cái với nhiều thân thuộc, bộ hạ, vấn đề chia gia tài giữa các con, sau khi người cha chết, có thể đưa đến việc các con cấu xé lẫn nhau. Trung cộng hiện nay đang bị “nạn” tương tự qua việc chuyển quyền hành. Những đại gia, vừa giàu có, vừa có quyền, đang tìm cách ti êu diệt lẫn nhau như việc Giang Trạch Dân, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai v.v... tìm cách đảo chính Tập Cận Bình, cũng như sau đó tìm cách ám sát nhiều lần, nhưng không thành, theo như nhiều nguồn tin đáng tin cậy.
Điều này chứng tỏ tình hình Trung cộng không ổn như người ta tưởng.
Thêm vào đó, họ Tập lại thâu tóm quyền hành một cách rất mau lẹ. Vừa mới lên ngôi, họ Tập đã gặp Obama vào năm 2 013, chính một nhân viên của Phủ Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Chúng tôi rất ngạc nhiên là ông Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền hành mau lẹ như vậy”.
Chương trình cải cách của họ Tập chỉ là một chương trình bế quan tỏa cảng vào cuối thời nhà Minh, nhà Thanh, vì vậy nó sẽ không thành công, mà còn có thể đi đến chỗ làm sụp đổ chế độ cộng sản?
Có người lại cho rằng sức mạnh của Trung cộng hiện nay chỉ là cái vỏ, chỉ là “Một con hổ giấy”, nhãn hiệu mà Mao dùng để chỉ Hoa Kỳ trước đây. Thật vậy, không nói đâu xa, ngay chính Chu Dung Cơ, cựu Thủ tướng của Trung cộng cũng nói: “Trung cộng chỉ là anh khổng lồ chân bằng đất sét.”
Lý do đầu tiên và quan trọng trong sự thất bại của Tập Cận Bình là ông đã đi ngược lại đà tiến bộ của văn minh nhân loại.
Thật vậy, nhân loại đã trải qua 5 nền văn minh: văn minh trẩy hái, văn minh du mục, văn minh định cư nông nghiệp, và văn minh thương mại, rồi tới văn minh trí thức điện toán ngày hôm nay.
Mỗi một thời văn minh tương xứng với một mô hình tổ chức nhân xã. Với hai 2 nền văn minh đầu, đó là chế độ gia tộc và bộ lạc. Với văn minh định cư nông nghiệp, đó là chế độ quân chủ phong kiến; và ngày hôm nay là mô hình tổ chức dân chủ tự do và kinh tế thị trường.
Có người bảo rằng họ Tập muốn trở về thời kỳ cộng sản của Mao. Nhưng chúng ta biết, mô hình tổ chức nhân xã của cộng sản chỉ là mặt trái của mô hình quân chủ phong kiến, cũng là một chế độ cá nhân, độc đảng, độc tài, nó đã dùng khoa học, kỹ thuật và thông tin tuyên truyền để củng cố chế độ.
Lý do thứ nhì của sự thất bại, đó là như Khổng Tử đã nói: “Để cai trị dân tốt thì phải dựa trên công lý và lòng thành tâm.”
Đằng này họ Tập không dựa trên công lý để chống tham nhũng, nhưng chỉ nhằm vào người nào tham nhũng không theo ông, còn những người theo ông thì dung túng. Họ Tập thâu hồi tất cả những chiếu khán, hạn chế tối đa sự xuất ngoại, nhưng chính gia đình ông xuất ngoại, con gái ông đang học ở Hoa Kỳ.
Lý do thứ ba của sự thất bại đó là ông đã phá hủy tất cả những luật bất thành văn, được để lại bởi Đặng Tiểu Bình, nhằm thực hiện những cuộc trao quyền một cách êm thắm, tránh đổ máu. Những luật bất thành văn này đã được thực hiện bởi 2 người trước ông là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ngày 29/7/2014, họ Tập ra thông cáo điều tra Chu Vĩnh Khang, quản thúc ông tại gia, tịch thu tài sản của những người họ hàng thân thích với ông này, lên tới 300 người, với tài sản là 14,5 tỷ $.
Ngày xưa thì có việc chu di tam tộc, quả là ác ôn và đổ máu. Nhưng ngày hôm nay, dù không đổ máu, nhưng tịch thu hết gia sản, rồi hôm nay bị thẩm vấn, ngày mai bị tra hỏi bởi công an, mặc dầu sống nhưng nhiều khi khổ hơn là chết. Chính vì vậy mà có người cho rằng lịch sử Tàu là một chuỗi dài tranh quyền, cướp nước và trả thù.
Những gia đình, gia tộc bị họ Tập thanh trừng, bằng bất cứ giá nào cũng tìm cách trả thù. Phim ảnh không nói lên tất cả, nhưng cũng nói lên một phần nào lịch sử, văn hóa của một dân tộc. Phim chưởng Tàu là một chuỗi dài những cuộc trả thù thiên thu bất tận.
Chương trình cải cách của Tập Cận Bình chỉ là trở về chính sách bế quan tỏa cảng
Trở về với ý kiến cho rằng chương trình cải cách của Tập Cận Bình chỉ là trở về chính sách bế quan tỏa cảng trước đậy.
Thật vậy, nước Tàu có một nền văn minh lớn và rất sớm, nhưng sau đó nước Tàu bị tụt hậu, vì rất nhiều nguyên do, nhưng trong đó có một nguyên do chính, đó là chính sách bế quan tỏa cảng vào cuối đời nhà Minh và cuối đời nhà Thanh và chính sách mở cửa nhập cảng vội vã tư tưởng Marx Lénine của đảng cộng sản, cặn bã của văn hóa, văn minh tây phương mà những nước này đã chối bỏ.
Nước Tàu là một nước lớn, dân tộc Tàu có một nền văn minh rất sớm:
Năm 105, đời nhà Hán (206 trước Tây Lịch - 219 sau Tây Lịch), nước Tàu đã phát minh ra giấy. Kỹ thuật ấn loát có nguồn gốc từ triều Tùy (581-618) do Tất Thăng phát minh ra, sau đó được người Mông Cổ truyền sang Châu Âu. Mãi sau này Johannes Gutenberg (1400-1468), người Đức dựa vào những phát minh trên đã phát minh ra máy in và có thể nói đây là một trong những nguyên do chính giúp Âu châu phát triển, vì nhờ máy in mà sự hiểu biết, trí thức được lan rộng, lúc đầu là ở trong nhà thờ, in kinh thánh, sau đó được quảng bá ra ngoài.
Năm 1000, đời Bắc Tống (916-1125), phát minh ra địa bàn và thuốc súng. (Theo “La Formidable Histoire de l’Economie mondiale de l’Egypte antique à la Chine de 2014 - báo Capital - hors série - Juin - Juillet 2014”)
Tuy nhiên văn minh Tàu bị khựng lại vì rất nhiều nguyên do, mà trong đó là chế độ quân chủ, kéo dài quá lâu, từ chế độ quân chủ phong kiến tản quyền sang chế độ quân chủ tập quyền, từ thời nhà Chu (1134-770 trước Tây Lịch) cho tới ngày hôm nay với chế độ cộng sản (1949-?), chỉ là mặt trái của chế độ này. Người ta nói Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và ngay Tập Cận Bình là những ông hoàng đế đỏ, cũng không sai.
“Cải cách giật lùi, đi ngược lại đà tiến bộ của con người, của nhân loại “của Tập Cận Bình có thể thành công ngắn hạn, nhờ kích thích tinh thần quốc gia cực đoan, tôn quân, bản tính gió chiều nào theo chiều ấy của người Tàu, như trường hợp điển hình, ông Chu Bân, con của Chu Vĩnh Khang, đã đứng về phía họ Tập, tố cáo bố mình. Tuy nhiên nếu thành công cũng chỉ là ngắn hạn; nhưng dài hạn, thật dài, thì có hại cho Tàu, gương cuối đời của 2 triều đại nhà Minh và nhà Thanh còn ngay trước mắt.
Thực ra nói đến chính sách bế quan tỏa cảng của Tàu thì đã có từ lâu, có thể từ thời lập quốc, qua quan niệm nước Tàu là trung tâm của vũ trụ (Trung hoa), Hán là dân tộc văn minh nhất, còn những dân tộc chung quanh chỉ là man di, mọi rợ. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài này, chúng tôi không thể đi xa, đi sâu, chỉ xin nói sơ về sự thất bại của chính sách bế quan tỏa cảng cuối đời nhà Minh và cuối đời nhà Thanh:
Nhà Minh (1368-1643), do Chu Nguyên Chương lập ra, sau khi đánh đuổi nhà Nguyên (1278-1368), một chế độ của người Mông cổ mà sử còn gọi là chế độ Nguyên Mông, chế độ ngoại tộc, không phải là Hán tộc. Chính vì vậy mà Chu Nguyên Chương và tất cả vua quan sau này của nhà Minh có một chính sách bế quan tỏa cảng, bài ngoại rất cao, rất tàn ác với những dân tộc không phải là Hán. Đây là kinh nghiệm máu xương của dân tộc Việt nam trong vòng 20 năm bị lệ thuộc nhà Minh từ năm 1407 tới 1427. Quân đội của Trương Phụ nhà Minh không những tàn ác với dân Việt, mà còn tìm cách tiêu hủy tất cả những gì có tính chất đặc thù dân tộc Việt, qua việc đốt sách vở, bắt tất cả những người có đầu óc mang về Tàu. Việc 2 người Việt nam, ông Nguyễn An, một trong những kiến trúc sư chính, xây lên Tử cấm Thành (thành Bắc Kinh), một người khác, ông Hồ Nguyên Trừng, con của Hồ quí Ly, bị bắt qua Tàu, làm đến chức Bộ Công, xây dựng quân cụ thời vua Minh Anh Tông, đã làm ra súng đại bác (thần công), cũng là từ đó. Theo sử sách thì “Quân Minh khi làm lễ tế súng, đều phải tế Trừng”.
Có người nói thời Minh không có chuyện bế quan tỏa cảng, dẫn sự việc Trịnh Hòa, một hoạn quan thời Minh với lệnh của triều đình, đóng 62 chiếc thuyền, chiều dài cả 100m, chiều ngang 40m, chở 37000 hải quân, đem nhiều vàng, đồ gốm, lụa, đi từ cửa biển Lưu gia cảng, tây bắc Thượng Hải, vào năm 1405, qua Phúc Kiến, có thể nói là một cuộc hành trình vòng quanh thế giới vào lúc bấy giờ, vì đã qua cả chục nước, có nhiệm vụ quảng bá sức mạnh của nhà Minh và đồng thời buôn bán, trao đổi hàng hóa. Đấy là bề ngoài của sự việc, bên trong có người cho là Trịnh Hòa còn có nhiệm vụ tìm vua Huệ Đế, mà vua Minh Thành Tổ nghi là đã trốn ra nước ngoài, ở những nước chung quanh hoặc các đảo ngoài biển.
Sự việc là vua Minh Thái Tổ, Chu Nguyên Chương, lập người con trưởng tên là Tiêu làm thái tử, không dè Tiêu chết sớm, vua bèn lập con của Tiêu, tên là Kiến Văn, lên làm thế tôn. Khi Chu Nguyên Chương chết, Kế Văn lên làm vua, tức Huệ Đế, được 4 năm. Không dè người chú, lúc đó đang trấn thủ ở đất Yên xưa kia, mang quân về đảo chánh, thành công, lên ngôi vua tức Minh Thành Tổ. Minh Thành Tổ nghi Huệ đế trốn ra nước ngoài nên làm ra đoàn tầu Trịnh Hòa, để đi kiếm. Điều này nói lên sự tranh quyền, giữ quyền ở Tàu rất là khủng khiếp, cũng chẳng khác nào như thời Tập Cận Bình hiện nay. Vì nhiều lý do, trong đó có lý do là sau khi Minh thành Tổ chết, việc tìm kiếm Huệ đế không được đặt ra, nên ngân sách cho đoàn tàu Trịnh Hòa dần dần bị cắt giảm.
Ngày hôm nay, giới lãnh đạo cộng sản Tàu, nhắc nhiều đến Trịnh Hòa và đoàn tàu, nhất là trong khuôn khổ tranh chấp biển Đông, muốn nói lên sức mạnh hải quân của Tàu từ xưa, nhưng họ cố ý hay vô tình quên đi sự tranh quyền nội bộ nằm ngay sau lưng.
Triều đại nhà Minh chỉ thịnh lúc ban đầu, nhưng sau đó đi vào suy thoái (1436-1623), rồi bước sang chỗ diệt vong (1623-1660).
Trong thời gian suy thoái và diệt vong này, nhà Minh đã chủ trương chính sách bế quan tỏa cảng cao độ: Hạm đội của Trịnh Hòa không còn nữa, đó là về mặt biển, về mặt đất liền thì tăng cường tu bổ Vạn lý trường thành. Bên ngoài thì bế quan tỏa cảng, bên trong thì bài xích những chủng tộc khác qua văn hóa, giáo dục, bắt đầu bằng chủng tộc Mông, triều đại đã cai trị nước Tàu trước đó. Sau này từ thời Mao thì kỳ thị, coi thường dân tộc Mãn, dân tộc đã đánh bại chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Minh, hay nói đúng hơn là đánh bại nhà Minh, cai trị xứ Tàu sau đó, cũng như tất cả các dân tộc khác như Hồi, Mông, Tạng.
Dân tộc Mãn Thanh là một dân tộc sống ở phía đông bắc nước Tàu.
Hai người được coi là sáng lập nền tảng cho nhà Thanh chính là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực.
Nỗ nhĩ cáp xích (1559 -1626), ông sinh ra trong một gia đình quí tộc Mãn châu ở vùng đông bắc nước Tàu. Theo chính sách phên dậu của nhà Minh dùng những bộ tộc làm hàng rào, phên chắn cho triều đình trung ương, gia đình ông được nhà Minh phong cho chức Đô đốc vùng Kiến Châu, cha truyền con nối. Ông là người dũng cảm, được viên Tổng trấn vùng đông bắc, nhà Minh, tuyển ông vào đội cận vệ. Từ đó, nhờ can đảm, nhờ những liên hệ gia đình trước đó, cùng những liên hệ mới, ông đã qui tụ những chân tay bộ hạ của bộ tộc mình trước kia, nay bị những bộ tộc khác tiêu diệt, rồi thống nhất 8 bộ lạc Mãn, để lên làm khả hãn, như Thành Cát Tư Hãn của bộ tộc Mông Cổ trước đó. Ông đã lập ra thể chế “Bát Kỳ”, tiêu biểu bằng 8 lá cờ, từ màu vàng, sang màu trắng, màu lam, mà người ta có thể hiểu là 8 bộ tộc, 8 vùng chiến thuật, từ Hoàng Kỳ, Bạch Kỳ, Lam Kỳ v.v... Tám Kỳ này lấy những quyết định quan trọng theo cách bỏ phiếu đa số, nhất là việc kế vị ngôi vua.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích lên ngôi Hoàng đế năm 1616, dần dần trở nên lớn mạnh, thống lãnh cả một vùng đông bắc, có lúc lên đến cả sáu bảy vạn quân. Năm 1619, vua Minh sai Binh bộ thị lang Dương Cảo, lãnh 16 vạn quân, thẳng tiến phía đông bắc nhằm tiêu diệt ông, gồm 4 cánh quân: tây lộ, bắc lộ, đông lộ và nam lộ. Bình tĩnh nhận định tình hình, phân tích sự việc, phân tích từng cánh quân của địch, ông đã cho quân Bát Kỳ, chỉ có 6 vạn, nhanh chóng chiếm bờ sông Tát Nhĩ Hử, chờ cánh quân chủ lực Tây lộ của quân Minh tới. Quả như điều ông tiên đoán, trong trận này ông đã phá tan quân chủ lực của nhà Minh. Những cánh quân tiếp đến, ông tiêu diệt từng cánh một.
Ông chết vào năm 1626, nhưng người ta có thể nói là ông đã gây dựng tất cả những nền móng, để nhà Thanh đánh vào trung nguyên, lập nên nghiệp lớn cho con cháu ông sau này.
Người kế thừa ông là Hoàng Thái Cực (1592-1643), người con thứ 8 của ông. Ông kế thừa sự nghiệp và chí lớn của cha, chủ trương học hỏi tinh thần dũng mãnh, chiến lược hành quân thần tốc của người Mông Cổ, sự uyên bác của người Tàu, nên các vị vua kế nghiệp ông về sau rất thông hiểu văn hóa Tàu. Ông cũng nhất quyết đánh xuống trung nguyên, kết thúc chế độ nhà Minh.
Một sự kiện lịch sử nhỏ chứng tỏ sự thất bại của chính sách xây Vạn lý trường thành, bế quan tỏa cảng của triều Minh: Ngày 27/10/1629, Hoàng Thái Cực xuất binh, vòng qua thành tuyến Liêu Đông, đốt phá Vạn lý trường thành, ở phía tây bắc, vòng đến Hà Bắc, tiến vào đốt phá thành Bắc Kinh.
Nước Tàu ngày hôm nay, Tập Cận Bình có xây bao nhiêu bức tường lửa (Firewall) đi chăng nữa, cũng không thể nào cấm được những nguồn thông tin trung thực, những luồng tư tưởng Tự Do, Nhân Bản từ bên ngoài. Sẽ có ngày không xa người dân Tàu sẽ nổi dậy giành lại quyền sống, lật đổ chế độ cộng sản, như ngày xưa người Mãn đã phá Vạn lý trường thành và lật đổ nhà Minh.
Khang Hy là ông vua thứ nhì đời nhà Thanh, sau khi nhà Thanh chiếm được toàn cõi nước Tàu, được coi là một trong 10 vị Đại Hoàng đế của Tàu. Ông không những tỏ ra thao lược về chính trị và quân sự, mà ông còn giỏi cả về văn hóa, nghệ thuật. Chỉ cần người ta nói đến Tự điển Khang Hy, được làm ra thời ông, bằng Hán văn, gồm 47035 chữ, hay người ta nói đến đồ gốm Khang Hy, vừa đẹp về sắc gốm, vừa đẹp về hình tượng vẽ ở trên, cũng đủ chứng minh ông là một vị hoàng đế lớn.
Tuy nhiên cũng như nhà Minh, chỉ có ba bốn vị vua đầu thì khá, nhưng sau đó thì đi vào thoái trào.
Người ta có thể nói giống như nhà Minh, nhà Thanh đi từ chỗ suy thế (1795-1850), rồi tới thế diệt vong (1850-1911).
Thời nhà Minh, khi quân Minh bị Lê Lợi đánh đuổi về Tàu năm 1427, thì liền sau đó là tới thời suy thoái, bắt đầu vào năm 1436.
Với nhà Thanh, sau khi quân nhà Thanh bị Nguyễn Huệ đánh bại ở Việt Nam, năm 1789, thì nhà Thanh cũng bước vào thời kỳ suy thoái.
Thời kỳ suy thoái của nhà Thanh có thể nói là bắt đầu vào cuối đời vua Càn Long, cầm quyền 60 năm từ năm 1735 đến 1795.
Càn Long vào cuối đời, có thể vì một phần già yếu, không lo triều chính như lúc còn trẻ, thêm vào đó, lại tiêu xài hoang phí, qua những cuộc du ngoạn phương nam, rất tốn kém. Bên cạnh là Tể tướng Hòa Thân, một con người tham nhũng khét tiếng; có người nói, tài sản của họ Hòa hơn cả ngân khố quốc gia.
Điều này làm chúng ta liên tưởng đến chế độ cộng sản hiện nay của Tập Cận Bình: tham nhũng từ trên xuống dưới, không chỉ thủ tướng mà cả cựu và đương kim tổng bí thư, xuống đến tận hang cùng ngõ hẻm, đến một anh cán bộ đảng tầm thường cấp xã. Vào thời Càn Long, còn có những ông quan liêm khiết, chính trực, vì còn trọng Nho giáo, Khổng giáo, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm đầu.
Ngày hôm nay tại Tàu, sau khi chạy theo lý thuyết Mác-Lê, theo duy vật chủ nghĩa, vứt bỏ mọi giá trị tốt đẹp cổ truyền, lại thực hiện lời dạy của Đặng Tiểu Bình: “Mèo trắng, mèo đen không cần biết. Chỉ cần là mèo biết bắt chuột.”, từ dân cho chí quan, chạy theo vật chất, không còn chút liêm sỉ, làm giàu, bằng bất cứ thủ đoạn, phương tiện gì, ngay cả giết người, lừa đảo, dối trá.
Thời kỳ diệt vong của chế độ nhà Thanh bắt đầu từ 1850, khi ông vua Hàm Phong, chồng bà Từ Hy, lên ngôi năm 1850 cho tới cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911.
Nguyên sự kiện ông vua này chán nản trước tình hình, vận nước, bị liệt cường xâu xé, như chúng ta lấy sự kiện Hồng Kông đang nổi tiếng qua những cuộc biểu tinh của sinh viên học sinh hiện này. Vùng đất này bị nhượng cho nước Anh trước đó 8 năm, 1842, rồi tới chiến tranh Nha Phiến, Liệt cường xâu xé. Ông đã cùng một thái giám, ban đêm thường lẻn ra khỏi thành, chơi bời nơi tửu điếm, lầu xanh đến nỗi bị mắc bệnh giang mai, rồi chết sớm.
Con của ông với bà Từ Hy, lên ngôi tức vua Đồng Trị, do 2 người Thái hậu nhiếp chính, Đông cung tức bà Từ An, Tây cung tức bà Từ Hy. Sau đó Từ Hy tìm cách vu khống Từ An, loại bà này, nắm toàn quyền nhiếp chính. Từ đây, nước Tàu đời nhà Thanh đi vào thời kỳ diệt vong: không những ngoại loạn, mà còn nội ưu. Sau vua Đồng Trị là vua Quang Tự, người cháu, con người em gái của bà, nhưng bà Từ Hy vẫn toàn quyền nhiếp chính. Ông vua này đã chống đối bà, chủ trương cải cách mạnh cùng với một số trí thức cải cách lúc bấy giờ, như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, cùng một người thầy của vua Quang Tự, ông Đồng Hòa, quyết định biến pháp, năm 1898: ban hành hiến pháp và nhiều luật lệ mới, để canh tân nước Tàu theo gương nước Nhật và nước Nga. Tuy nhiên cuộc biến pháp này chỉ kéo dài 100 ngày rồi bà Từ Hy trở lại dẹp tan, mặc dầu vậy vua Quang Tự vẫn ngồi vì cho tới khi chết năm 1908, rồi bà chết theo. Vua Phổ Nghi lên, ba năm sau, thì có cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911, chấm dứt triều đại nhà Thành.
Cuối đời nhà Thanh, với bà Từ Hy và phe triều đình bảo thủ, củng cố dựng lên những bức tường để ngăn chặn tư tưởng tự do từ bên ngoài, nhưng phòng tuyến đã bị chọc thủng qua nhân vật vua Quang Tự, ngay trong triều, để đi đến chỗ sụp đổ.
Chúng ta thấy 2 chính sách bế quan tỏa cảng của 2 triều đại cuối, nhà Minh, nhà Thanh đều thất bại, hoặc vì nội loạn ngoại ưu, hay ngoại loạn nội ưu.
Thời suy thoái và thời kỳ diệt vong của chế độ cộng sản Tàu
Trở về với nước Tàu hiện nay có người hỏi đâu là thời suy thoái và đâu là thời kỳ diệt vong của chế độ cộng sản?
Đây là câu hỏi khó trả lời vì chế độ cộng sản chưa chấm dứt. Tuy nhiên một cách ước đoán, chúng ta có thể nói:
Thời kỳ suy thoái của chế độ cộng sản bắt đầu từ năm 1989 tới 2014, với sự đàn áp dân, sinh viên và học sinh bằng xe tăng và súng. Chắc chắn có nhiều người khó chấp nhận với nhận định này vì nhìn vào bề ngoài và thực tế thì nền kinh tế Tàu trong giai đoạn này đã tăng trưởng một cách dài hạn và vượt bực, đã đưa tổng sản lượng quốc gia của nước Tầu lên hàng nhất nhì thế giới. Nhưng theo như câu nói của Chu Dung Cơ, cựu thủ tướng dưới thời Giang Trạch Dân, thì nước Tàu chỉ là anh khổng lồ có đôi chân bằng đất sét. Sau biến cố Thiên An Môn, những thành tựu ban đầu do chính sách tương đối cởi mở về tư tưởng và chính trị dưới thời Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, nhằm đưa nước Tàu trên con đường phát triển ổn định và quân bình đã bị hủy bỏ và hoàn toàn đi ngược lại. Vì vậy, mặc dù nước Tàu đạt được một số thành quả ngoạn mục về kinh tế qua chính sách “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, nói nôm na dễ hiểu là chính sách kinh tế tư bản rừng rú kiểu mèo trắng mèo đen của Đặng Tiểu Bình, kiếm tiền, làm giàu bằng mọi cách, bất chấp thủ đoạn và hậu quả. Đằng sau những cao ốc chọc trời, xa lộ thênh thang, xe lửa cao tốc là những bất công chồng chất trong một xã hội bất ổn, vô đạo đức, vô nhân tâm, người người giết nhau như bầy thú chỉ vì chút ít tiền hay tranh giành địa vị. Ngoài ra những vấn nạn: mâu thuẫn chủng tộc, Tạng, Hồi, Mông, Mãn, Hán, ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu, thực phẩm độc hại đang giết hại lần mòn hàng tỷ dân Tàu. Đúng như lời ông François Mittérand, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ, đã bình luận về vụ đàn áp Thiên An Môn 1989: “Một chính quyền dùng súng bắn vào dân, học sinh, sinh viên là một chính quyền dùng súng bắn vào tương lai của mình.” Ngọn lửa Thiên An Môn vẫn âm ỉ cháy trong lòng người dân, trong tâm khảm của hàng triệu thanh thiếu niên, trong lòng của những người mẹ, người cha, chỉ chờ một biến cố nhỏ là có thể bùng cháy kết thúc một chế độ gian xảo, cực ác trong lịch sử nhân loại.
Thời kỳ diệt vong của chế độ cộng sản bắt đầu từ năm 2014, khi xảy ra vụ Bạc Hy Lai, bị bắt và bị đưa ra tòa, bề ngoài là vì tham nhũng, nhưng theo tin tức đáng tin cậy, thì là âm mưu đảo chính Tập Cận Bình, rồi liền sau đó có những vụ ám sát nhưng không thành, khiến cho Từ Tài Hậu, nhân vật thứ nhì trong Quân Ủy hội, cùng một số tướng lãnh bị khai trừ khỏi Đảng. Rồi Chu Vĩnh Khang, nhân vật thứ ba trong Đảng, bị tuyên bố điều tra.
Nhưng thời kỳ diệt vong này kéo dài bao lâu, người ta chưa thể biết.
Cần lưu ý một điều là chế độ cộng sản, khác với 2 chế độ vừa kể, không chủ trương chính sách bế quan tỏa cảng lúc ban đầu từ năm 1949, khi họ cướp được chính quyền, mà phải nói là từ ngày thành lập năm 1921, đảng cộng sản Tàu đã chủ trương mở cửa, đón nhận những tư tưởng nước ngoài. Nhưng có một điều không may mắn, đáng buồn cho dân tộc và nước Tàu, đó là giới lãnh đạo này chưa đủ trình độ trí thức để biết rõ đâu là cái hay cái dỡ của văn hóa, văn minh đông phương, đâu là cái hay cái dở của văn hóa, văn minh tây phương, vội vứt bỏ toàn bộ văn hóa đông phương, kiểu như Mao Trạch Đông tuyên bố: “Khổng tử là con chó giữ nhà cho bọn phong kiến”, vội nhập cảng lý thuyết Marx, Lenin, cặn bã của văn hóa tây phương.
Giới sĩ phu, trí thức cộng sản Tàu và Việt Nam nên suy ngẫm điều này! (1)
Trở về chính sách cải cách của Tập Cận Bình, được che giấu dưới những mỹ từ, nào là chống tham nhũng, lấy lại niềm tin của dân, thực hiện giấc mơ Trung cộng; nhưng bản chất thực là sự đấm đá nội bộ, tranh quyền, trở về chính sách bế quan tỏa cảng, kiểm soát những nhà đối lập mạnh mẽ hơn, cấm dân phát biểu tự do, kiểm soát dân truy cập Internet v.v..., đây cũng là bắt đầu thời kỳ diệt vong của chế độ cộng sản, như một số người đưa ra giả thuyết này.
Nhưng đâu là chỉ dấu của sự diệt vong?
Chỉ dấu đầu là sự thanh trừng nội bộ một sống một còn, khi Tập Cận Bình tuyên bố: “Tôi không màng đến sự sống chết, tôi không lưu tâm đến việc tiếng tăm của tôi còn hay mất, tôi quyết tâm chống tham nhũng.”
Chỉ dấu thứ nhì là sự nổi dậy của dân Hồng Kông. Tất nhiên Hồng Kông không đòi độc lập, nhưng sớm muộn, dân Hồng Kông sẽ đòi tự do, dân chủ, dân cử và dân bầu, chứ không phải là đảng cử dân bầu. Một khi ước vọng này được thực hiện, thì nó sẽ là một vết dầu loang, loang ra những vùng lân cận, như Tây Tạng, Tân Cương, Quảng Đông, Quảng Tây và tới ngay cả Bắc Kinh.
Đến lúc đó, chế độ cộng sản còn đứng vững không? Đảng cộng sản Tàu còn tồn tại không?
Câu trả lời là chế độ cộng sản rất khó tồn tại và đứng vững. Nhưng đó cũng chỉ là dự đoán tương lai. Chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi.
Paris ngày 14/11/2 014
_____________________________________
(1) Xin xem thêm những bài về Tàu và Tập Cận Bình, trênhttp://perso.orange.fr/chuchinam/