Tuesday, 18 November 2014

Nhận diện chủ truơng bạo hành - tra tấn hãm hại giới bảo vệ nhân quyền

Thứ Ba, ngày 18.11.2014     
Để ngăn chận và trả thù những người lên tiếng chống chế độ độc tài áp bức cũng như để kiếm mối lợi trong thương thuyết, CSVN đã hành hạ, tra tấn những người này rồi dùng họ làm hàng hóa bán mua với ngoại quốc. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: "Nhận diện chủ truơng bạo hành - tra tấn hãm hại giới bảo vệ nhân quyền " của Phạm Bá Hải sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski nói với giới báo chívào ngày cuối của chuyến công du 5 ngày tại Hà Nội rằng "Sẽ không có tiến bộ nếu thả chục người này rồi lại bắt hơn chục người khác. Do đó chúng tôi nhấn mạnh việc theo đuổi các cam kết mà VN tuyên bố bằng cách cải cách luật pháp..."
Tính đến ngày hôm nay trong năm, VN đã ân xá cho 13 tù nhân chính trị, bao gồm Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Tư, Nguyễn Tuấn Nam, Trần Hoàng Giang, Nguyễn Long Hội, Lê Văn Tính, Điếu Cày và một người dân tộc thiểu số là Giàng A Chừ. Một vụ thả tù chưa từng có đã được các nước ghi nhận là "có tiến bộ".

"Kinh doanh" tù nhân lương tâm
Bắt bớ, giam cầm, thả tù là ba giai đoạn của một quy trình đầu tư kinh doanh tù nhân lương tâm. Họ bắt bớ vì những người này đã vạch trần tham nhũng, lên án lạm quyền, tố cáo xâm phạm nhân quyền. Họ giam cầm Tù Nhân Lương Tâmvới các bản án nặng nề để răn đe dân chúng, đồng thời nâng cái giá của những tù nhân lương tâm cao hơn khi có sự để ý của các nước dân chủ. Họ thả để chứng tỏ "chính sách nhân đạo" của họ và thả trong những cuộc thương thảo đổi chác với các nước đòi hỏi. Những sản phẩm "chất lượng cao" của họ là "tù nhân lương tâm dành cho xuất khẩu".
Kể từ sau năm 1975, một loạt các vấn đề hậu chiến khiến hai cựu thù Hoa Kỳ và CSVN tìm cách giải quyết trên nguyên tắc " hai bên cùng có lợi". Nhu cầu hòa nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới cũng thôi thúc CSVN làm dịu các chỉ trích vi phạm nhân quyền. Tháng 9 năm 1998, các báo lớn quốc tế chạy hàng tít ba tù nhân chính trị có tiếng tăm được thả tự do, gồm BS Nguyễn Đan Quế, GS Đoàn Viết Hoạt, GS Nguyễn Đình Huy. Động lực thả khởi nguồn từ các cuộc thương thuyết Hiệp định mậu dịch song phương, qua đó tiến đến hưởng quy chế "tối huệ quốc" .Tháng 7/2000 Hiệp định Mậu dịch song phuong giữa VN với Hoa Kỳ được ký kết.
Bên cạnh ba trụ cột trong phong trào đấu tranh dân chủ lúc bấy giờ, các đài phát thanh, truyền hình còn đưa tin các vị tu sĩ Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), LM Nguyễn Văn Lý ra khỏi tù. Dư luận không nghi ngờ đó là kết quả của chuyến thanh tra của Đặc phái viên LHQ về tự do tôn giáo, ông Abdelfattah Amor. Sau đó, CSVN liên tục đạt được các thỏa thuận song phương và đa phương về cả kinh tế, giáo dục, an ninh.
Đợt thả 13 người lần này trong thế đổi lấy TPP, vũ khí sát thương với Hoa Kỳ,. Họ thả cũng để chứng tỏ họ đủ tư cách làm trọn nhiệm kỳ trong Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Bạo hành, tra tấn – con số không dừng lại
Một bản phúc trình với tựa đề "Những cái chết trong tù và tính tàn bạo của Công an VN" của Human Rights Watch liệt kê 14 trường hợp chết do tra tấn, 4 vụ chết không biết lý do, 6 vụ bị cho là tự tử, 4 vụ báo cáo là bệnh tử và 22 người tù đã bị đánh trọng thương. Các nạn nhân của công an bạo hành trong bản phúc trình này thu thập tin tức từ tháng 8/2010 đến tháng 7/2014, không bao gồm các tù nhân chính trị, giới bất đồng chính kiến.
Thống kê dưới đây, tôi chỉchú ý vào giới bảo vệ nhân quyền mà truyền thông lề trái đã đưa.
Chỉ riêng trong năm 2014, đã có ít nhất 31 vụ chủ động tấn công bạo lực, làm nhục. Trực tiếp xâm hại đến 115 người. Thí dụ:
Ngày 11/2 Bùi Hằng trong một đoàn 22 người đã bị phục kích đánh đập tại xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp
Ngày 24/2 Nguyễn Bắc Truyển bị hành hung tại Hà Nội khi trên đường đến ĐSQ Úc.
Ngày 19/4 Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hồ Nhật Thành và Nguyễn Văn Hải bị đánh đập và câu lưu vì tổ chức café nhân quyền tại Nha Trang.
Ngày 25/5 thành viên Hội PNNQ Trần Thị Nga bị đánh gãy xương cổ tay trái và vỡ chân xương phải. Vụ hành hung tàn bạo này xảy ra tại huyện Thanh Trì, Hà Nội lúc hơn 4g chiều.
Ngày 8/8 Trương Minh Đức bị 2 an ninh kéo ra khỏi taxi đánh tới tấp tại Hà Nội.
Ngày 30/10 Phạm Bá Hải bị nhục hình tại Tp Vinh. Anh bị bắt cùng với Lê Văn Sóc khi vừa xuống sân bay Vinh.
Trong khi đó, số vụ tấn công của năm 2013 là 18 vụ và trực tiếp xâm hại đến 71 người.
Tra tấn và các hình thức xâm phạm nhân phẩm đối với tù nhân lương tâm:
Năm 2014 đã có ít nhất 18 TNLT hoặc tuyệt thực hoặc bị kỷ luật, đánh đập.
Thí dụ:
_ Tạ Phong Tần bị sỉ nhục và bị đánh trong buồng giam
_ MS Nguyễn Công Chính tố cáo bị 15 quản giáo dùng gậy cao su, roi điện, bình xịt hơi cay đánh đập không cho ông cầu nguyện trong phòng giam.
_ Đặng Xuân Diệu tuyệt thực (chỉ còn 41 kg) để phản đối không giải quyết đơn thư của anh. Anh cũng nhất quyết không mặc áo tù vì cho rằng mình vô tội.
_ Võ Thu Thủy tố cáo ngược đãi hành hạ tù nhân, trong đó có Hồ Thị Bích Khương.
_ Nguyễn Đình Cương bị biệt giam và cùm chân
Con số tù nhân lương tâm bị ngược đãi của năm 2013 ít nhất là 12 người.
Nhìn vào con số vụ bạo hành tra tấn, năm 2013 là 18 vụ với 71 người so với 31 vụ với 115 người của năm 2014. Con số 31 có dừng lại cho đến hết năm?
Tù nhân lương tâm luôn là đối tượng đàn áp ở mọi nhà tù khắp VN. Khi không khuất phục được những người tù kiên cường với các bản án nặng nề, quản giáo dùng rất nhiều biện pháp ngược đãi, bạo lực để làm nhục ý chí họ. Các vụ tuyệt thực phản đối của TNLT tăng từ 12 người năm 2013 lên 18 người năm 2014.
Để xoa dịu sự chỉ trích của quốc tế và làm phù hợp với cuộc vận động ứng cử thành viên Hội đồng LHQ, chính quyền đã giảm thiểu đột ngột các vụ bắt bớ truy tố. Năm 2013 và cả năm 2014 chỉ có 4 vụ bắt giam chính mỗi năm, bao gồm Ngô Hào, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy (năm 2013); Bùi Hằng (3 người), Anh Ba Sàm (2 người) và Lê Thị Phương Anh (3 người) của năm 2014. Một chiến thuật trong chiến lược vừa đàm vừa đánh.
Hoa Kỳ và các nước ngoài con đường ngoại giao, bày tỏ sự quan ngại vi phạm nhân quyền mà không có biện pháp chế tài kèm theođã góp phần vun đắp cho chủ trương đổi chác trong đàm phán của chính quyền VN, biến người tù thành món hàng trao đổi.
Lịch sử đã chứng minh, người CSVN không phải lúc nào cũng tuân thủ những gì họ đã ký cam kết với Hoa Kỳ và quốc tế. Họ làm theo cách của họ, cách của kẻ độc tài sẵn sàng đè bẹp tất cả những ai có khả năng làm suy yếu họ cho dù đó chỉ là các hoạt động ôn hòa vận động cho nhân quyền.
Tính dã man không có điểm dừng của bạo lực, sẽ bao giờ chấm dứt và ai sẽ mang công lý đến cho người bảo vệ nhân quyền tại VN?

Phạm Bá Hải