Saturday 15 November 2014

Cười ra nước mắt - Nguyễn Ngọc Phúc

Tôi có 7 năm để chờ đợi, nỗi mong còn đếm được mỗi ngày, còn thấy được một tí ánh sáng nhấp nháy ở cuối đường để biết được con đường đi tới.

Câu chuyện chờ và đợi hơn 25 năm, không có tí ánh sang ở cuối đường, ở một con đường đi hoài không tới để đến nỗi có người đã tự mổ bụng khi bị bắt phải quay về cõi chết.

 Rồi có những đứa trẻ sình ra ở một nơi không biết mình là người nước nào?

Của nơi sinh ra ? không biết! của nơi bỏ đi? không phải! của nơi sắp tới ? chả biết đâu!

Toàn là không và không.

Nhưng có điều chắc chắn là họ không bị bỏ quên bởi họ là người Viêt Nam đi tìm tự do và ở một nơi xa xôi khác trên quả đất, vẫn có nhiều người Việt Nam yêu tự do khác đang nhớ tới họ.

Phải thành thật cám ơn những người này, những người đã đi qua con đường đó, vẫn nhớ được con đường đã đi và đã nhớ con đường trở về tìm họ.

Hơn 1/4 thế kỷ, hơn 25 năm, nó dài lắm chứ không ngắn đâu các bạn.

Họ, những người không và những người có đó đã chọn một ngày gặp nhau, ngày 13 tháng 11 năm 2014,  mọi người đã gặp nhau ở cuối đường tỵ nạn Thai Lan và đầu đường tự do ở Vancouver.

Phải đi hơn 25 năm mới tới! Không hiểu chân đã mỏi, gối đã chồn hay lưng đã gù chưa?

Thương thật.

Lúc tôi xem và thấy được nụ cười đầu tiên trên vùng đất hứa của người " Đi riết rồi cũng tới", mắt tôi nhòa đi vì khi cánh cửa của tự do lần đầu tiên mở ra trên đời ỏ phi trường Vancouver, Canada, nhìn người đàn ông bước ra với nụ cười nở trên môi này, tôi tưởng là mình đang đi đó. Sao nó giống nụ cười của tôi quá, một nụ cười hạnh phúc của tự do nở vào ngày 11 tháng 8 năm 1982 tại phi trường LA, USA, hơn 30 năm về trước.

Ngày ấy, mắt tôi không nhòa như hôm nay nhưng nước mắt ướt tuôn trên mặt. Quanh tôi, không có đông người như vậy, chỉ cớ anh em gia đình ở đầu đường tự do đón chờ mà thôi.

Cái câu của ông bà nói : " Cưởi ra nước mắt " bây giờ mình mới hiểu. 

Cám ơn Voice, cám ơn người Việt Quốc Gia tự do ở Vancouver, cám ơn đất nước Canada giầu tình người và cuối cùng, phải cám ơn hai  chữ tự do đã giúp cho những người đi mất hơn 25 năm trên con đường tỵ nạn để rồi cuối cùng cũng đến bên kia bờ Đại Dương.

Đằng sau tự do là niềm tin và hy vọng, là những gì đã nuôi họ sống được trên con đường dài đi sâu thăm thẳm này.

Đó mới là câu chuyện chính.


Nguyễn Ngọc Phúc.


xin click link sau để xem câu chuyện mới để nhớ chuyện xưa.

 
 
Kính thưa quý anh chị từ Thái Lan vừa đặt chân lên đất nước Canada, xứ lạnh, tình nồng này,

Tôi xin tự giới thiệu: tôi là Trần Văn Nhã, một cựu thuyền nhân tại Thái-Lan từ năm 1988 đến năm 1990. Chắc lúc tôi rời khỏi trại Phanat Nikhom, thì quý anh chị vừa mới đến. Trong thời gian ở trại, tôi làm việc thường xuyên với cha Jean Houlmann, người Thụy Sĩ, cha Olivier Morin, người Pháp và cha Peter Namwong, người Thái và anh Sagiang, người Thái làm việc với cha Peter Namwong. Tôi không ngờ 25 năm sau, cha Peter Namwong vẫn còn phục vụ đồng bào VN mình. Nếu anh chị em nào có dịp viết thơ cho cha Peter Namwong, xin cho tôi kính lời thăm hỏi ngài. Có thể nhắc với cha Peter là tôi sống ở trại với cha Nguyễn Hữu Lễ, bây giờ đang ở Tân Tây Lan, thì hy vọng ngài nhớ tôi.

Hiện nay, tôi đang làm việc cho Liên Hội Người Việt Canada (LHNVC) trong vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, tôi xin thay mặt tất cả anh chị em trong LHNVC chào mừng 28 anh chị em vừa mới đến và cầu chúc quý anh chị sớm an cư, lạc nghiệp nơi quê hương mới Canada này, là nơi (như anh Nam Lộc nói) mà quý anh chị được hưởng một nền Tự Do chân chính và để bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với Canada, không gì bằng quý anh chị thi thố tài năng của quý anh chị qua công ăn, việc làm, và các em, các cháu chăm chỉ học hành để sau này thành những công dân tốt cho xã hội.

Xin thân ái chào mừng quý anh chị và thân chúc quý anh chị thực hiện được những ước mơ khi quý anh chi quyết định lên đường tìm Tự Do và ''đi riết rồi cũng tới''.

Thân kính,
Trần Văn Nhã
Chủ Tịch Hội Người Việt Sherbrooke
Chủ Tịch HĐQT LHNVC