Saturday, 15 November 2014

Sáng tạo đầu hàng chỉ đạo - Nguyên Văn Hà

Từng một thời, vấn đề nhân lực và chảy máu chất xám đốt nóng diễn đàn nghị trường, xã hội. Thế nhưng, bao năm qua, vẫn đó không những chưa được giải quyết, mà ngày càng rơi vào tình trạng trầm trọng thêm. Chất xám không những thiếu điền kiện để “hữu dụng” tại Việt Nam mà liên tiếp bị ngăn trở. Dẫn đến tình trạng, các cá nhân, tổ chức sáng tạo buộc phải hướng ra nước ngoài nếu muốn theo đuổi… đam mê sáng chế, đam mê khoa học.


Trần Quốc Hải và đam mê khoa học


Thủ tướng Hun Sen trao tặng Huân chương Đại tướng quân cho ông Trần Quốc Hải

Câu chuyện “Đam mê của tôi không được khuyến khích ở VN”của hai cha con ông Trần Quốc Hải (Tây Ninh) là một câu chuyện đau lòng như vậy.

Trần Quốc Hải và con là Trần Quốc Thanh được biết đến rộng rãi khi Nhà nước Campuchia vinh danh, thông qua việc phong tặng Huy chương Đại tướng quân vì đã giúp sửa chữa xe bọc thép cho quân đội nước này.

Trước đó, ông từng có đam mê chế tạo máy móc nông nghiệp, thậm chí trực thăng. Chiếc trực thăng đầu tiên của ông (từng bị cấm bay ở Việt Nam) đã được trưng bày tại Viện Bảo tàng New York - Mỹ.

Họ (giới chức Việt Nam) nói: “Anh chế (tạo) rất giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”, ông Trần Quốc Hải chia sẻ trong cuộc phỏng vấn BBC Vietnamese.


“Anh rất giỏi, nhưng chúng tôi rất tiếc”

Cái điệp khúc “giỏi”nhưng “thôi đừng làm nữa”không phải chỉ áp dụng mỗi cho ông Trần Quốc Hải.

Vụ “Nông dân làm lò đốt rác phát điện bị cấm ở Thái Bình”, theo báo cáo của Đoàn khảo sát của Tổng cục đo lường chất lượng của Việt Nam thì kết quả đo lường cho ra kết quả an toàn. Tuy nhiên, với những kết quả thuyết phục như vậy, ông Bùi Khắc Kiên vẫn bị Sở Khoa học & Công nghệ Thái Bình ngăn cấm, không cho thử nghiệm, chế tạo chiếc lò đốt này. Hay khoảng giữa tháng 12/2013, anh Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) đã chế tạo, thử nghiệm máy bay trực thăng và được báo chí đưa tin. Hai tháng sau (2/2014), anh đã bị  công an quận Long Biên đến nhà lập biên bản yêu cầu gia đình phải viết cam kết không được tiếp tục chế tạo, thử nghiệm chiếc máy bay.

Một trường hợp khác là ông Phan Bội Trân - một doanh nhân, kỹ sư cơ khí và là một chuyên gia về sản xuất tàu ngầm người Pháp gốc Việt cũng rơi vào trường hợp như vậy. Mặc dù ông cho biết, ông cũng muốn tàu ngầm của mình được sử dụng tại Việt Nam, nhưng “trong hoàn cảnh này thì tôi đành bán cho nước ngoài để có thêm điều kiện nghiên cứu tiếp”, ông Trân ngậm ngùi.

Sự thờ ơ đó đã khiến cho nước ngoài chớp lấy cơ hội, và một công ty kinh doanh du lịch tại Malaysia đã đặt hàng năm chiếc tàu ngầm do ông chế tạo để phục vụ du lịch.

Các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo không được cơ chế khuyến khích, dẫn đến nguồn kinh phí và hỗ trợ về mặt giấy phép trở thành rào cản lớn nhất đối với những người như ông Hải, ông Trân.

Chuyện tương tự cũng xảy đến với chiếc máy bay VAM do ông Vimar Nguyễn và Hội Cơ học Việt Nam chế tạo cách đây gần 8 năm. Chiếc VAM thế hệ 1 (VAM-1) đã từng bay thử nghiệm thành công tại sân bay Long Thành (Đồng Nai) vào cuối năm 2005. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá cao tinh thần học hỏi, dám nghĩ dám làm của những người tham gia dự án nhưng sau thử nghiệm thành công đó, sự ra đời của chiếc VAM-2 đã không có cơ hội sảy cánh lên trời, mà phải chịu số phận nhập kho, “chưa hẹn ngày tái xuất”.

Dù rằng, nhu cầu máy bay nhỏ ở Việt Nam rất lớn do tính ứng dụng của loại máy bay này rộng rãi, từ cấp cứu y tế, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cho đến tuần tra, bảo vệ rừng, du lịch…

Trong khi Việt Nam thờ ơ, thì một công ty tại Campuchia đã ngỏ ý mời ông đem máy bay VAM qua thử nghiệm, nếu thành công họ sẽ đặt hàng mua với số lượng lớn. Nhưng khác với ông Trân, ông Hải, ông Vimar Nguyễn không xuôi theo, vẫn giữ hy vọng chiếc VAM-2 sẽ bay tại Việt Nam đầu tiên. Nhưng ngày đó là ngày nào thì ông không thể biết chắc.

Như vậy, sự đối đãi tệ bạc trong địa hạt khoa học, công nghệ không chừa một ai. Từ những người nghiên cứu khoa học chính quy cho đến những tay ngang nhưng đam mê khoa học. Nó xuất phát từ nguyên nhân gốc gác: Cơ chế đã “chỉ đạo” khoa học.


Cơ chế chỉ đạo trong khoa học

Về lý thuyết, Việt Nam có đầy đủ các điều kiện hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, sáng chế. Một văn bản có liên quan trực tiếp là Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), tại Điều 5, điểm 1 có ghi rõ nguyên tắc hoạt động như sau: “Bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước.”

Nhưng trong thực tế, với thủ tục hành chính rườm rà, đố kỵ và thờ ơ của các viên quan chức ở các ban ngành liên quan đã khiến cho các sáng chế khoa học bị xếp xó, giấc mơ khoa học bị ngăn trở.

Người ta hay nhắc đến hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ không có sáng chế, nhưng ít ai chú ý đến nguyên nhân thực chất của mọi hiện tượng rơi rụng khả năng nghiên cứu, sáng chế trong xã hội chính là vấn đề cơ chế không tạo điều kiện cho KHCN được phát triển đúng tầm. Dẫn đến việc nghiên cứu KHCN bị ràng buộc (thiếu kinh phí, thiếu môi trường thử nghiệm, thiếu sự ủng hộ về mặt giấy phép), khó khăn trong tiến hành sáng chế hoặc sau khi sáng chế, các ứng dụng thường có xu hướng… nhập kho.

Bởi lẽ, nhà nước ôm lấy các cơ sở NCKH từ kế hoạch cho đến thử nghiệm, khiến tình trạng mất tự do học thuật, độc lập khoa học xảy ra. Từ đó, dẫn đến hiện trạng, thay vì nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, thì nay lại đóng vai trò chỉ đạo, cưỡng ép, thúc đẩy bằng mệnh lệnh hành chính – làm biến mất môi trường sáng tạo. Cơ chế, chính sách kiểu “ôm đồm”đó, cũng đã dẫn đến nạn chảy máu chất xám ở lớp sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở nước ngoài. Hơn 70% không trở về, vì cơ hội trong nước dành cho họ chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Nó (cơ chế) cũng làm sai lệch hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học khi các “hoạt động” này được tiến hành để tăng chất đẹp hồ sơ, và làm tiền đề để lên chức vụ theo nghĩa “khoa học lý thuyết”, chứ chưa chạm đến “khoa học ứng dụng”.

Sự độc quyền về mặt khoa học đã khống chế các tổ chức, các điều luật, các quỹ có liên quan đến việc hỗ trợ sự tự do sáng tạo khoa học tại Việt Nam. Nên dù có Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Việt Nam (VIFOTEC) thì chủ yếu dừng ở mức “tôn vinh”chứ không hỗ trợ cho sự cất cánh về mặt khoa học. Dễ dàng nhìn thấy điều này thông qua sự vắng mặt của VIFOTEC trong công trình tàu ngầm của hậu duệ cụ Phan Bội Châu – ông Phan Bội Trân.

Tiếp đến là cơ chế khiến cho các hoạt động nghiên cứu, sáng chế chưa tạo được sự quan tâm, khuyến khích đúng mức. Ngay trong Dự luật Khoa học và công nghệ (KHCN) sửa đổi, chỉ chi có 2% GDP cho hoạt động này, quá ít ỏi so với tầm quan trọng của KHCN trong đời sống kinh tế, xã hội. Không tương xứng so với vị trí mà nó được ghi nhận trong Nghị quyết T.Ư 6 về phát triển KH&CN đến năm 2030 và Điều 6, điểm 1, trong Dự luật Khoa học và Công nghệ: “Huy động mọi nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ”.
Ngay như chương trình 68 (giai đoạn 2011-2015) vốn được đánh giá là hỗ trợ rộng hơn và cơ chế quản lý linh hoạt hơn trong hoạt động KHCN, đặc biệt là phát triển tài sản trí tuệ, cũng chỉ mang tính “hỗ trợ”cho các viện, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ, chứ chưa đi sâu vào cá nhân. Chính điều đó đã dẫn đến hiện tượng người sáng chế bị bỏ rơi, cụ thể như trường hợp Lê Văn Đáo ở Khoái Châu, Hưng Yên, vốn chế được thuốc trừ sâu từ dược thảo, không độc hại cho con người nhưng vì không có ai đứng ra bảo trợ, không có cơ quan tổ chức nào đứng ra nghiên cứu đầu tư phát triển và nhân rộng nên bị bỏ dở.

Chưa kể, trách nhiệm của Sở Khoa học - Công nghệ địa phương trong việc hỗ trợ, đánh giá các sản phẩm nghiên cứu của người dân khá mờ nhạt. Chủ yếu áp đặt cái “tiền lệ”lên cái “sáng tạo, khiến cho các lệnh cấm/ dỡ bỏ công trình sáng chế thường xuyên được áp dụng. Nghĩa là tinh thần, đam mê khoa học gần như không được các cơ quan chức năng có liên quan khuyến khích.

“Cởi trói” hay là chết

Tài sản lớn nhất của một đất nước là con người, sự sáng tạo cá nhân, kỹ năng và tài năng của người dân đất nước đó bởi sáng tạo chính là động lực của phát triển. Nhưng với cách đối đãi tệ hại như thế này đối với các cá nhân, khiến cho họ không có đất dụng võ ngay trên quê hương thì hỏi sao nền khoa học – công nghệ Việt Nam trở nên trì trệ, thiếu linh hoạt. Chính nó đã khiến cho các nỗi lo sợ bị cấm khi sáng chế luôn hiện hữu trong đầu mỗi người dân. “Nếu nhà nước cho phép, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, chứ không thì đành dừng lại thôi”, đó là lời chia sẻ của ông Bùi Hiển (Thuận An, tỉnh Bình Dương), người chế tạo ra máy bay và đang chờ… giấy phép thử nghiệm.

Sáng tạo, thử nghiệm sợ… cấm. Thì liệu còn ai đủ sức để mà nghiên cứu, sáng chế nữa???

Cơ chế hiện nay là tính rập khuôn, gần như cố định, trong khi sáng tạo cần sự biến thiên. Nếu bản thân cơ chế, chính sách không theo kịp, hoặc không bắt lấy tinh thần khoa học trên tinh thần tự do, mà chỉ chăm vào áp dụng các điều khoản “hành là chính” thì “vượt rào sáng chế” sẽ là câu chuyện dài, kết thúc thường không có hậu.

Hệ quả là nhãn tiền là theo khảo sát của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, chỉ số sáng tạo của người Việt Nam hiện đứng ở vị trí 16/24 nước. Chỉ số này là một phần trong nghiên cứu tổng thể của ADB về nền kinh tế tri thức của châu Á.

Không nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn Campuchia đối đãi với cha con ông Trần Quốc Hải hay việc họ sẵn sàng tiếp nhận VAM-2 là đủ biết cơ chế nào đã và đang tạo điều kiện cho khoa học, công nghệ phát triển.

Giới quan chức, những nhà hoạch định chính sách về khoa học, công nghệ liệu có đau lòng không khi ông Trần Quốc Hải thổ lộ: “Người Campuchia rất thân thiện và tạo điều kiện cho tôi thực hiện những đam mê của tôi nên tới đây chắc tôi sẽ tiếp tục hợp tác với họ.”