Saturday, 15 November 2014

Những thứ "bệnh" đặc biệt ở Việt Nam - Văn Quang - Viết từ Sài Gòn

           
Tại Lâm Đồng, trung tâm hành chính tỉnh đang được xây dựng trên diện tích 56,000m2 (trên diện tích đất 3.5ha) thuộc đường Trần Phú (thành phố Đà Lạt), tập trung toàn bộ sở - ngành tỉnh Lâm Đồng, dự trù bàn giao quý I năm 2014. Tổng vốn đầu tư là 1,014 tỉ đồng ($48 triệu), một phần ngân sách lấy từ việc bán và cho thuê 24 biệt thự, nhà phố ở Đà Lạt.

Xin thưa ngay đó không phải là Ebola hay ung thư mà đó là loại BỆNH THỜI ĐẠI. Nhưng trước khi tường trình với bạn đọc xin cho tôi nêu lên một tí thắc mắc. Quý bạn đọc có nghe nói đến một cơ quan hay một tổ chức thế giới nào có giá trị bầu chọn Việt Nam là 1 trong 20 nước đáng sống nhất trên thế giới chưa? Thú thật là lần đầu tiên tôi đọc được cái tin này qua nhiều trang báo ở VN khiến tôi phát hoảng và thật sự làm nhiều người VN cười… muốn chảy nước mắt. Nhưng có thể còn nhiều bạn chưa có thì giờ đọc nên tôi nhắc lại nguyên văn nguồn tin đó được loan trên nhiều tờ báo lớn ở VN như báo Tuổi Trẻ, Pháp Luật Xã Hội, Lao Động, Tin Mới, 24h… Tất cả dựa trên nguồn tin của trang Web Business Insider.

 
Theo các tờ báo trên đưa tin:
“Việc đưa ra một xếp hạng chính xác dựa vào tất cả các tiêu chí trong cuộc sống là điều rất khó, vì vậy Business Insider cho biết họ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sống, nền kinh tế, môi trường và mức sống của người dân để đánh giá một quốc gia.

Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rộng khoảng 2ha, có mức đầu tư hơn 1,000 tỉ đồng
 
Theo đó, “Top 20 quốc gia đáng sống nhất thế giới” là những “miền đất hứa” dành cho những ai đang muốn thay đổi môi trường sống nhàm chán hiện tại mà chưa thể quyết định sẽ di chuyển tới đâu.
 
Đứng ở vị trí thứ 16, đất nước chúng ta vượt mặt cả những quốc gia nổi tiếng có mức sống cao như Nhật Bản, Nga hay Bỉ. Điểm cộng lớn nhất đưa Việt Nam lên vị trí này là chi phí dịch vụ thấp, từ giao thông vận tải với vui chơi giải trí, mọi thứ đều hợp túi tiền.
 
Bên cạnh đó, khung cảnh tươi đẹp, thiên nhiên tuyệt hảo và thức ăn ngon, đa dạng, hương vị đặc trưng cũng là những ưu điểm lớn của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Theo cuộc khảo sát của tạp chí này, 87% người nước ngoài tới Việt Nam đều đánh giá tốt và tỏ ra thích thú với những món ăn bản địa, vì vậy về đồ ăn, nước ta đứng ở vị trí thứ 3.
 
 Trụ sở các cơ quan hành chính Lai Châu
 
Ngoài ra, về chế độ ăn uống, Việt Nam đứng thứ sáu trên thế giới theo bảng xếp hạng, đứng thứ nhất về sự thân thiện, dễ kết bạn và đứng thứ tư về mảng đời sống xã hội.
 
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Việt Nam khiến chúng ta chưa thể vươn lên một vị trí cao hơn theo Business Insider đó là dịch vụ y tế và chất lượng chăm sóc trẻ em thấp. Về hai tiêu chí này, nước ta đứng ở vị trí gần cuối bảng xếp hạng.
Những nước nằm trong Top 20 quốc gia đáng sống nhất thế giới theo xếp hạng của Business Insider bao gồm: Thụy Sĩ, Singapore, Trung Quốc, Đức, Bahrain, New Zealand, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Hong Kong, Canada, Úc, Qatar, Oman, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Việt Nam, Nga, Nhật Bản, Malaysia, Bỉ.”
Đó là nguyên văn bản tin “kỳ lạ” này.
Vậy là các nước như Mỹ, Anh, Pháp… bị văng ra ngoài và liệt vào loại không đáng sống chăng? Và họ hãnh diện so sánh rằng “đất nước chúng ta vượt mặt cả những quốc gia nổi tiếng có mức sống cao như Nhật Bản, Nga hay Bỉ”.
Ký túc xá 2,000 chỗ tại Đà Lạt chỉ có 1 sinh viên đến ở
Nghe “khủng” chưa? Tô hồng vẽ son thì cũng nên tô vừa phải thôi chứ tô màu vẽ son lòe loẹt quá dễ bị ngộ nhận lắm đấy. Cũng như một ông “anh hùng” nói phét với báo chí là ông đã dùng tay quật ngã máy bay trực thăng của địch. Đó là ông Bùi Minh Kiểm hiện sống ở quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, ông kể: “Đôi bàn tay thép như chiếc nam châm hút chiếc UH - 1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất ngờ, chưa kịp gạt cần súng máy thì đã bị anh Thao từ bên dưới bắn thốc lên, thẳng vào buồng lái. Chiếc máy bay mất thăng bằng loạng choạng lao xuống, nổ tan xác”… Ông còn nói dóc nhiều thứ chuyện “phong thần” nữa, tôi đã tường thuật với bạn đọc trong bài “hiệu ứng nói phét” ngày 8 tháng 7, 2013, nên không nhắc lại.
 
Địch chưa cần chửi thì người dân trong nước đã ào ào chửi ông vua nói phét này và cả anh phóng viên đã tường thuật lại “cứ như thật” cũng bị mắng là ngớ ngẩn, đúng là “tuyên truyền kiểu phản tuyên truyền.”
Tôi chỉ nhắc lại một lời bình của một độc giả: “Câu chuyện thần thoại vô chứng cứ với những chi tiết lố bịch đến mức con nít tiểu học nước ngoài cũng phải thốt lên là “bốc phét thì cũng vừa vừa thôi, còn để dành chỗ cho chữ ký! Thế mà báo nhà nước vẫn đăng mới nản!”.


Trụ sở hoành tráng của Bình Dương
Cứ thử về VN sống sẽ biết
 
Lần này cũng vậy, sau khi một số báo đăng nguồn tin của trang Web Business Insider, trên báo Người Lao Động lại rộ lên những lời mỉa mai cay đắng của chính người Việt ở trong nước.
Trong lúc nước ngoài bình chọn và xếp hạng, người trong nước lại vô cùng bất ngờ, họ ngỡ ngàng tự hỏi: “Vậy mà hồi nào đến giờ mình hoàn toàn không hay biết! Có lẽ, mình phải thông báo cho bà con đang ở nước ngoài về nơi đáng sống thứ 16 trên thế giới mới được!”
 
- Bạn đọc Ba Bến Tre viết: “Có thể Việt Nam là nơi đáng du lịch nữa đó. Nhưng Việt Nam lại thống kê rằng đa số khách du lịch đến và ... không muốn trở lại. Phải nhìn nhận sự thật may ra tiến bộ được!”
 
- Bạn đọc Nói Thật Thà bình luận: Đúng là cảnh Việt Nam rất đẹp, muốn rừng có rừng, muốn biển có biển, núi có núi, sông có sông nhưng nhiều nơi bị khai thác du lịch quá đà, tình trạng chặt chém, chèo kéo du khách vẫn còn tồn tại. Các vấn nạn tiêu cực xã hội nhiều từ tệ nạn trộm cướp, tai nạn giao thông... ngày càng gia tăng.
 
- Một bạn đọc “đau khổ” kể ra: “Đến thành phố còi inh tai nhức óc, sơ suất là ngỏm; Ra vườn hoa dạo chơi gặp ăn xin và có thể bị cướp giật, mất mạng như chơi; Ra bờ sông dạo chơi ư? Dòng nước đen ngòm cuồn cuộn bốc mùi hôi hám. Về quê ư? Đất đai tăng giá người ta dựng nhà phố chật chội, rác bay khắp chốn. Ẩm thực ư? Có ai biết rằng Berberin (thuốc trị tiêu chảy) là loại dược phẩm bán chạy nhất!...Quê hương tôi thật đáng sống!”
 
- Nguyễn Cao Sơn mỉa mai: Chào mừng đến một trong những nước "đáng sống trên Thế Giới" để tận hưởng cảm giác lạnh khi qua đường, hít khói bụi khi tham gia giao thông, cảm giác máu lên não khi đi ngang công trình cầu đường, cảm giác bơi xuồng khi nước lên, cảm giác đau tim khi bị giựt đồ, lạnh xương sống khi đi ngang công viên, thích thú khi vào quán chặt chém đễ nghe chửi... Cứ về VN chơi biết liền.
 
Có thể nói đó cũng là một thứ bệnh thời đại xuất hiện ở VN, bệnh khoe khoang thành tích, tô hồng vẽ son lên những bộ mặt mà cả nước ai cũng biết nó thế nào. Không biết cái trang Web Business Insider có “ý đồ” gì trong việc bình chọn vô tội vạ này? Bởi cái bệnh ăn chia hoa hồng ở VN bây giờ rất thịnh hành.
 
Cần phải nói tuột ra rằng ăn hoa hồng khắp nơi khắp chỗ. Nhất là những vụ ra nước ngoài mua bán thuê mướn máy móc, thuốc chữa bệnh đều dính vào vụ này, chỉ khác nhau là lớn hay nhỏ thôi. Có là “thánh” mới lắc đầu khi mình chẳng mất gì mà được chia hoa hồng, nhất là lại đếm USD nữa thì tội gì không gật. Còn nhiều thứ bệnh thời đại khác như bệnh “thích hoành tráng”, bệnh khoe của, bệnh thèm ngân sách, bệnh ăn hối lộ vặt (tức là ăn cắp vặt của dân), bệnh đổ thừa….
 
Căn biệt thự bề thế của ông Lê Thanh Cung, chủ tịch tỉnh Bình Dương

Bệnh thích ăn hoa hồng
 
Về thứ bệnh thích “ăn hoa hồng” thì hôm 1/10 vừa qua, Tòa án quận Tokyo (Nhật Bản) chính thức mở phiên xét xử đầu tiên đối với các cựu lãnh đạo Công ty công nghệ giao thông Nhật Bản (JTC) với cáo buộc vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh. Phiên tòa, do Chánh án Shinji Sugiyama chủ trì, sẽ xem xét các cáo buộc các bị cáo do cựu Giám đốc JTC Tamio Kakinuma, 65 tuổi, đứng đầu đã “lại quả” cho các cựu quan chức một số nước (trong đó có Việt Nam) liên quan đến dự án đường sắt sử dụng nguồn vốn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản.
 
Tất nhiên trước nguồn tin loan báo trên toàn thế giới đó, VN buộc phải kiểm tra xem quan chức nào, đơn vị nào đã ăn hoa hồng. Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố Quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên.
Phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra hôm 1/10, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh cho biết đây là cuộc thanh tra được tiến hành theo Kế hoạch của TTCP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, đoàn thanh tra có thêm các thành viên của Thanh tra Bộ GTVT, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng chưa biết kết quả sẽ ra sao, tôi sẽ tường thuật sau.
 
Có một thứ bệnh đã từng lưu cữu nhiều năm, nay lại được các ông đại biểu Quốc Hội mang ra thảo luận. Sự việc tuy không mới nhưng cũng làm nóng nghị trường. Cái thứ bệnh kinh niên mãn tính đã ngốn không biết bao nhiêu ngân sách làm nhân dân điêu đứng, đời sống càng khó khăn, trong khi phải gánh món nợ công quá nặng nề, mỗi người dân gánh nợ tới $800 Mỹ kim! Bao giờ con cháu mới trả hết?

Nói là làm cho dân nhưng thật ra làm cho quan kiếm chác
Sáng 31/10 vừa qua, các đại biểu Quốc Hội tiếp tục thảo luận tại Hội Trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Liên quan đến những gây thiệt hại lớn đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, do tham nhũng trong khu vực công, đai biểu Lê Như Tiến nêu lên một thực trạng: “Nhiều công trình, dự án là hệ quả của những căn bệnh không có trong từ điển y học, đó là căn bệnh hoành tráng: bệnh thèm ngân sách.”
 
Ông phân tích thêm: “Nhiều công trình, dự án tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng, song hiệu quả và công năng sử dụng lại rất khiêm tốn, thậm chí có những công trình do "đẻ non, chín ép" nên vừa khai trương đã khai tử, bỏ hoang hóa, hư hỏng, xuống cấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê làm các dịch vụ phi văn hóa, phi lợi ích công. Người dân không được thụ hưởng như thuyết trình ban đầu của các chủ dự án thường rất hay ho, đó là để phục vụ dân sinh.”
 
Theo ông Tiến, với những dự án này, chỉ có một số người quyết định đầu tư, chủ quản đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án, công trình là được hưởng lợi nên họ thích “vẽ” ra những dự án hoành tráng vì công trình, dự án càng lớn, phần trăm chảy vào túi cá nhân càng nhiều theo phép tính tỷ lệ thuận. Nói thẳng ra là các quan cứ phóng tay vẽ vời hết dự án này đến dự án khác, nói là để phục vụ dân, nhưng dân chưa được hưởng đã hư, chưa được bén mảng tới đã hỏng.
 
Kết quả là mấy anh vẽ ra dự án lãnh đủ thứ từ “hoa hồng” đến việc thực hiện công trình, thay vì phải làm bằng sắt thì cho cái cọc tre vào rối lấp xi măng lên là xong. Tiền chảy vào túi các quan không thể đếm được là bao nhiêu. Nếu tóm được thì cũng chẳng kém gì số tiền ông Wei Pengyuan – Vụ phó Vụ khai thác than Trung Cộng đã tham nhũng, nếu toàn bộ số tiền 33 triệu USD này được quy đổi ra những tờ tiền mệnh giá 100 Nhân dân tệ, người ta phải xếp nó thành chồng tiền cao tới 750 feet ( khoảng 228.6 m) bằng 2/3 tổng chiều cao của tháp Eiffel (Paris, Pháp).
 
Ông Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP. Sài Gòn) cho rằng cách phát triển kinh tế Việt Nam có ba cái “hao” mà không khắc phục được. Đó là rất hao vốn, rất hao ngoại tệ và rất hao tài nguyên môi trường. Tham nhũng tràn lan ở các cấp độ, nợ công, nợ xấu chồng chất, đầu tư công dàn trải, lãng phí và thất thoát…
 
Nhắc lại câu chuyện 86,000 tỉ đồng của Vinashin, ông Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cảnh cáo về câu chuyện hiệu quả sử dụng vốn. Bởi theo ông có nhiều nơi đang sử dụng vốn lãng phí, thất thoát rất nhiều. “Trường hợp ký túc xá sinh viên có mức đầu tư hơn 1,000 tỉ đồng ($47 triệu Mỹ kim) ở Đà Lạt nhưng chỉ một sinh viên đến ở. Lý do là vì trường gần nhất cách đó 5 km và đường đi vô cùng gập ghềnh khó khăn. Hơn 1,000 tỉ đồng cho một sinh viên đến ở là điển hình của sự lãng phí.”
 
 
Đây là bức ảnh với lời ghi chú của nhiều báo ở VN: Dải đất hình chữ S được xếp thứ 16 là nơi đáng sống nhất trên thế giới.

Đến bệnh thích hoành tráng

Cái thứ bệnh quái quỷ này còn hơn là bệnh thèm ngân sách, nó đã và đang chọc vào mắt người dân nghèo khổ. Điểm qua 63 tỉnh thành trên cả nước, số trụ sở mới được xây mới hoặc đang trên dự án không hề nhỏ. Đây có phải trào lưu theo "mốt" nằm trong thứ bệnh thích hoành tráng. Nó cũng giống như mấy cô gái chân dài đi mua tí danh hoa khôi, hoa hậu, diễn viên ca sĩ cho cái bề ngoài “hoành tráng” để dễ bề bán dâm loại sang vừa bị tóm tại Hải Phòng. Xin kể sơ qua vài cái trụ sở này:
 
- Đầu tiên phải kể đến là trụ sở hoành tráng của Bình Dương. UBND tỉnh Bình Dương đã xây tòa nhà hành chính cao 20 tầng, gồm hai tòa tháp, sẽ là nơi làm việc tập trung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và hầu hết sở, ngành. Tổng mức đầu tư hai tòa tháp hơn 1,400 tỉ đồng ($66 triệu Mỹ kim).
 
Bên cạnh đó phải kể đến vụ Scandal về ông Dũng “lò vôi” đang trong thời kỳ gay cấn. Có thể nguyên nhân bắt nguồn từ việc ông Dũng “lò vôi”, tức ông Huỳnh Uy Dũng đã tuyên bố từ ngày 10/11 sẽ đóng cửa Khu Du Lịch Đại Nam vì cho rằng bị chính quyền Bình Dương o ép… trong dự án Khu Công Nghiệp Sóng Thần. Mấy năm trước ông Dũng lò vôi dám kiện chủ tịch tỉnh Lê Thanh Cung đồng thời báo chí đặt câu hỏi cái biệt thự to đùng của ông Cung cùng mớ gia tài đồ sộ từ đâu mà có.
 
- Còn Đà Nẵng xây sau Bình Dương thì có 34 tầng nổi (trong đó, khối đế có 4 tầng và khối tháp 30 tầng). Tổng mức đầu tư xây dựng công trình dự tính 1,900 tỷ đồng.
 
- Tại Đồng Nai, hiện đề nghị của đơn vị tư vấn, trung tâm hành chính mới của tỉnh Đồng Nai dự kiến được xây với quy mô 10-20 ha ở xã Tam Phước, TP Biên Hòa. Theo tính toán, tổng diện tích sàn xây dựng là 122,000 m2 với số vốn đầu tư dự trù hơn 2,200 tỷ đồng ($103 triệu).
 
- Trong khi đó, theo đề nghị của Bắc Giang, dự án, trụ sở làm việc các đơn vị sự nghiệp của các sở, ngành gồm 1 khối nhà 12 tầng gồm: 10 tầng nổi, 1 tầng trệt, 1 tầng kỹ thuật áp mái với tổng diện tích sàn là 12.355m2, trong đó diện tích sàn tầng trệt là 1,575m2, tổng diện tích các sàn nổi là 10.780m2. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng ($5.6 triệu) từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự trù công trình sẽ hoàn thành vào năm 2015.
 
- Tại Lâm Đồng, trung tâm hành chính tỉnh đang được xây dựng trên diện tích 56,000m2 (trên diện tích đất 3.5ha) thuộc đường Trần Phú (thành phố Đà Lạt), tập trung toàn bộ sở - ngành tỉnh Lâm Đồng, dự trù bàn giao quý I năm 2014. Tổng vốn đầu tư là 1,014 tỉ đồng ($48 triệu), một phần ngân sách lấy từ việc bán và cho thuê 24 biệt thự, nhà phố ở Đà Lạt.
 
- Tại Vũng Tàu, trung tâm hành chính - chính trị tỉnh rộng khoảng 2ha, tại phường Phước Trung (thành phố Bà Rịa), hoạt động từ tháng 4/2012, có mức tổng đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, lấy từ ngân sách tỉnh.
- Ở khu vực miền Tây, mặc dù là tỉnh mới được chia tách còn nhiều khó khăn, nhưng công trình trụ sở làm việc và hội trường Tỉnh ủy Hậu Giang tọa lạc tại P.4, TP Vị Thanh, công trình có tổng mức đầu tư xây dựng gần 300 tỉ đồng ($14 triệu), tọa lạc trên khu đất rộng 3,3ha, với sức chứa trên 300 người được thiết kế rất hiện đại.
 
- Trong đó Tòa án tỉnh Bến Tre sử dụng khu đất rộng tới 14.300m2, nhưng chỉ xây dựng một góc, chừa khoảng sân rộng như sân bóng đá. Năm 2013 tỉnh Bến Tre đã xây dựng tám trụ sở UBND xã với vốn đầu tư 19.2 tỉ đồng. Tính ra mỗi trụ sở chỉ hơn 2 tỉ đồng ($94,000). Trong khi đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Bến Tre xây dựng 135 trụ sở UBND xã mới đến năm 2015, nhưng không thể làm được vì thiếu vốn.
 
- Tại Cần Thơ, từ trước năm 2010, HĐND Cần Thơ đã thông qua nghị quyết đầu tư xây dựng nhà khách Thành ủy Cần Thơ đặt tại huyện Phong Điền trên diện tích 12.6ha lấy từ đất nông nghiệp thu hồi của trên 35 gia đình dân, với tổng số vốn lên đến gần 1,000 tỉ đồng. Dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một gồm 12 hạng mục như: san lấp mặt bằng, cổng tường rào, khu biệt thự, khu hội họp... với tổng mức đầu tư từ ngân sách là 113.5 tỉ đồng.
 
Hiện UBND TP Cần Thơ đang bàn kế hoạch xây dựng một khu hành chính tập trung, rộng khoảng 42ha tại khu vực đường Võ Văn Kiệt để tập trung các sở, ban ngành về một mối. Nguồn vốn dự tính lấy từ đấu giá các trụ sở hiện tại.
Chạy đua với "trào lưu" này có còn rất nhiều địa phương khác cũng có chủ trương xây dựng khu hành chính tập trung như Vĩnh Long, Lào Cai... Ngay cả trụ sở huyện cũng phải “hoành tráng”.
 
Cứ như thế này thì dân không đói mới là lạ. Các quan “ngự” trong những phòng làm việc oai… như cóc nên dân sợ hết vía là phải. Quan hắt sì hơi một phát là anh dân đen giật thót mình muốn bắn ra ngoài hành lang. Làm sao mà nói chuyện gần dân, thương dân được. Chẳng anh dân nào dám tin vào sự thương yêu của mấy ông quan sang trọng đó. Trái lại mỗi khi đến trụ sở hoành tráng như thế, anh “nhà quê” cứ co rúm người lại. Sợ các ông thật.

Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~