Sunday, 23 November 2014

Luân Đôn ‘phải lòng’ bánh mì Việt Nam? - Ngọc Quyên Tường thuật từ London

Câu chuyện về Loan Phan và Vân Trần, nằm trong số những người đầu tiên mang bánh mì kẹp Việt Nam tới London, cho thấy đồ ăn mang đậm bản sắc Việt không chỉ đang có chỗ đứng mà còn cả tiềm năng phát triển có qui mô.
Loan Phan chỉ vài tháng tuổi khi cùng cha mẹ di cư vào Anh sau Cuộc chiến Việt Nam theo làn sóng tị nạn của thuyền nhân. Vào thập niên 1980, tìm được đồ ăn Việt Nam ở London là việc không dễ.
Nhưng Loan may mắn vì sinh trưởng trong gia đình cha mẹ đều giỏi nấu ăn. Ông Bảy, người cha của chị, từng là đầu bếp có tiếng khi còn ở Việt Nam.
Thế nhưng đâu là nguồn cảm hứng để Loan mở một cửa hàng bánh mì?
“Mỗi khi chúng tôi muốn ăn bánh mì là ba mẹ phải đi mua nguyên liệu và mất hàng tiếng đồng hồ làm nhân bánh,’’ Loan giải thích. “Và cứ như vậy trong nhiều năm, lúc nào muốn ăn bánh mì là chúng tôi lại phải lặp lại qui trình này.’’
Vì vậy ý tưởng mở tiệm Bánh Mì Bảy của Loan là để gia đình mình và bạn bè “có thể thưởng thức bánh mì bất cứ khi nào họ muốn.”
Trong khi đó, Vân Trần, sinh viên từ Hà Nội sang Anh học tập, đã tìm tới bánh mì như món ăn để quảng bá đồ ăn Việt tới khách hàng tại London.
“Hồi nhỏ khi lớn lên ở Hà Nội, sáng nào ngủ dậy việc đầu tiên tôi làm là đi chợ với mẹ.”
Loan Phan cùng gia đình nhập cư vào Anh sau Cuộc chiến Việt Nam.
Vì vậy khi đến thăm khu chợ Broadway ở phía đông London, Vân cảm nhận được sự thân thương và quen thuộc của một phiên chợ Việt Nam. “Mọi thứ ngoài chợ đều rất tươi ngon, khác hẳn với những đồ ăn mình tìm thấy trong siêu thị. Ở đó có rất nhiều gian hàng bán đủ loại món ăn, thế nhưng không có đồ ăn Việt Nam.”
Và thế là Vân cùng một người bạn đã quyết định mở một gian hàng bán bánh mì tại khu chợ này. Trong vài năm, chị và người bạn đã làm bánh mì ở nhà và dùng xe đạp để chở bánh mì tới chợ phiên vào mỗi thứ Bảy hàng tuần.
Nhưng các dự định của Vân không chỉ dừng ở đó. “Chúng tôi muốn tạo ra một không gian để có thể truyền đạt được những giá trị văn hóa Việt Nam và cho tất cả những gì mình yêu thích và trân trọng không gian đó.”
Sống đúng với di sản của mình trong thời toàn cầu hóa hẳn có vị đắng xen lẫn ngọt ngào, nhưng hành trình của bạn sẽ có thành quả khi người ta bắt đầu chào đón và trân trọng chính các giá trị và nền văn hóa đó.

'Bỏ ngân hàng mở nhà hàng'

Trong một bước có thể xem là khác thường, Vân, sinh viên tốt nghiệp Đại học Oxford, đã bỏ việc làm tại một ngân hàng danh tiếng ở London và mở nhà hàng có tên Bánh Mì 11.
Vân Trần bỏ công việc tại một ngân hàng ở London để mở nhà hàng.
“Chuyển đổi từ một nhân viên ngân hàng sang làm riêng trong ngành ẩm thực là sự thay đổi một trời một vực,” Vân chia sẻ. “Từ một công việc khá an toàn với rất ít sự cố, hàng ngày mình đi làm vào 9 giờ sáng và ngồi trước máy tính, tới một môi trường mà mình phải làm chủ tất cả những quyết định của mình và không có ai chỉ đường vạch lối.”
Vậy mở tiệm chuyên bán bánh mì Việt Nam ở London, nơi ẩm thực thế giới gốc Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt rễ hàng chục năm, gặp phải những thách thức gì?
“Bánh mì Việt Nam lúc đó là một khái niệm hoàn toàn mới ở London, nhưng chúng tôi muốn biến bánh mì thành một sản phẩm thành công về thương mại,” Loan Phan nói.
Tuy nhiên liệu một món ăn nhanh đậm nét Việt Nam có thể có chỗ đứng trong một thành phố đầy sự cạnh tranh như London hay không? Cả Loan và Vân đều thấy tự tin về cái gọi là “yếu tố độc đáo.”
“Bánh mì Việt Nam khác hẳn với những loại sandwich khác. Nó như là một bữa cơm của người Việt trong một ổ bánh mì, có đầy đủ mọi thứ như thịt nướng, rau thơm, với tất cả những mùi vị đặc trưng cho một bữa cơm Việt Nam”, Vân nói.
Ngoài ra, thông qua bánh mì, Vân muốn giới thiệu đến các bạn quốc tế những giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam.
“Người Việt ướp thịt rất lâu trước khi nấu, người Việt ăn theo mùa, người Việt ngày nào cũng đi chợ và ăn thức ăn của ngày hôm đó. Và khi các vị khách hiểu được những giá trị đó, họ sẽ cảm nhận được ẩm thược Việt Nam khác các ẩm thực khác như thế nào, và họ rất thích,” Vân nói thêm.
Nhưng liệu bánh mì Việt Nam có tiềm năng để trở thành món nằm trong chuỗi cửa hàng thực phẩm đồ ăn nhanh trên toàn cầu hay không, hay nó chỉ bó hẹp trong phạm vi kinh doanh gia đình?
“Tôi nghĩ bánh mì có tiềm năng trở thành đồ ăn nhanh được biết đến rộng rãi như McDonalds,” Loan chia sẻ.
'Bánh mi' đang là "cụm từ" trở nên quen thuộc như sushi hay dim sum
Nhận định của Loan dường như không phải là không có cơ sở. Kể từ khi chị mở Bánh Mì Bảy vào năm 2006, nay đã có tới cả chục cửa hàng bánh mì khác mọc lên ở London.
“Tuy nhiên, có những yếu tố độc đáo của bánh mì Việt Nam mà có thể sẽ rất khó để đưa quy trình sản xuất hàng loạt, vì tất cả các nguyên liệu đều phải rất tươi, ” Loan nói thêm.
Có thể thấy rằng ẩm thực Việt Nam nói chung dường như đang ngày càng khẳng định được thế mạnh tại thị trường London. Có chăng sự thiếu vắng hiện tại là những chuỗi cửa hàng lớn của người Việt giống như Pizza Express, Pret A Manger, Itsu, hay Wagamama.
Liệu Loan và Vân có trở thành một Alan Yau, ông chủ của Wagamama hiện có tới 110 nhà hàng tại Anh Quốc, hay không?
Xét về mức độ nhiệt huyết và đam mê, rất có thể họ sẽ làm được.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, là sinh viên hiện du học tại London