Hằng năm, cứ đến ngày 18 tháng 11, ngày ông Hồ Chí Minh thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, thì nhà cầm quyền, cụ thể là nhà cầm quyền các địa phương phát động phong trào đại đoàn kết toàn dân và kêu gọi nhân dân trong khu xóm, khu phố cùng chung tiền thêm vào khoản ngân quĩ của nhà nước trung ương rót xuống để mở tiệc gọi là ăn uống no say với nhau thể hiện tình thân ái thông quá ly rượu, miếng thịt ngày hội. Vài năm trở lại đây, năm nào cũng như năm nào, đến hẹn lại lên, câu chuyện ngày hội “đại đoàn kết” nghe ra còn dài thậm thượt.
Theo ông Tuấn, cái ngày gọi là “đại đoàn kết toàn dân” này, thực tâm mà nói, đối với người miền Nam chẳng có ý nghĩa gì nếu không muốn nói là nó chỉ mang tính hình thức và gây tốn kém. Nói sâu xa một chút là cái ngày hội cứ nghe là đoàn kết, là văn hoá này trên thực tế lại gây ra quá nhiều phiền toái và thiếu văn hoá.
Sở dĩ nói ngày hội này quá phiền toái bởi Việt Nam vốn dĩ là một quốc gia mạnh về ăn nhậu nhưng lại rất yếu về ý thức văn hoá cũng như ý thức dân chủ, tiến bộ, chuyện rủ nhau cứ đến hẹn lại lên cùng nhau mổ heo, giết chó, mua bia về bày đầy bàn và xúm xít nhau nói ba điều bảy chuyện gọi là kêu gọi đại đoàn kết, xong công đoạn kêu gọi này lại xúm nhau ăn nhậu hả hê. Mục tiêu chính của người tham gia không phải là đoàn kết. Vì không có kiểu biểu lộ đoàn kết nào lại như thế được.
Mà mục đích để người ta xúm xít đến đây là để ăn nhậu, hẹn hò, ca hát cho thoả thích. Thật ra, thay vì phải di karaoke hay vào quán nhậu hát với nhau tốn nhiều tiền túi, ở các tu điểm “đại đoàn kết toàn dân” này, người ta chỉ bỏ ra một ít tiền túi cộng với tiền nhà nước rót tài trợ là có cái để chơi. Trong khi đó không phải ai đến đây cũng để chơi, nhiều người già cả, cao niên vì nễ mích lòng trưởng thôn nên đến dự, đóng góp xong rồi ra về, những khoản thừa này các nhóm chơi được thoả thích hưởng.
Và trên một đất nước mà đi đâu cũng gặp quan nhậu, dùng bữa nhậu, dùng âm thanh, dàn nhạc để kêu gọi đai đoàn kết toàn dân cũng là điều dễ hiểu. Điều này chỉ cho thấy rằng tầm nhận thức của người dân thôn quê không phải người nào cũng được mở mang. Thậm chí, có nhiều nơi, người ta chỉ biết rượu, thịt, ca hát và say lăn quay ra ngủ, không màn đến bất cứ chuyện gì làm mệt đầu vì suy nghĩ. Có lẽ đây là môi trường tốt nhất cho những buổi liên hoan đại đoàn kết ngộp bia rượu như thế này.
Và đánh vào tâm lý cứ rượu vào thì lời ra, muốn hát, muốn nhảy múa của đa phần người dân vốn thiếu ăn, thiếu mặt quanh năm nhưng lại quá nhiều trầm uất, muốn nhảy múa, muốn hò hét để giải thoát, thường thì các buổi liên hoan đại đoàn kết, ngoài việc hát ca, còn có thêm những chương trình khiêu vũ cây nhà lá vườn giữa các cặp đôi lắp ghép tức thời. Và, cũng có thể nói đây là một trong những đầu mối dẫn đến chuyện ngoại tình tràn lan khắp các miền quê.
Ngày “đại đoàn kết” mở màn…
Một nông dân tên Hiền, ở huyện Phong Điền, Cần Thơ, chia sẻ: “Ngày toàn dân nói chung quy là cũng giống như ngày bầu cử này nọ vậy đó, lễ hội, đua ghe… Họ gom lại thành từng phường, từng khóm rồi tổ chức kéo co, mấy trò chơi lễ hội, rồi đổ ra công viên, bày ra nấu nướng, nhậu nhẹt, ca hát từ sáng tới chiều rồi sáng mai dọn dẹp.”
Nói xong, Ông Hiền đọc thêm hai câu thơ tự sáng tác: Ngày đại đoàn kết mở màn/ Mấy cô rần rật chuyển sang ngoại tình… Đọc xong, ông cười chua chát nói rằng những gì chỉ mang tính hình thức không những không mang lại ích lợi cho người dân mà còn gây ra nhiều sự độc hại bởi trong cái rỗng tuếch của nó đã chứa mầm mống của tội ác.
Tình trạng những cặp hôn nhân trở thành dối trá, lừa dối nhau để tìm bạn tình trong những đêm liên hoan văn nghệ phường, văn nghệ xóm, họp xóm, họp tổ và liên hoan đại đoàn kết toàn dân đang diễn ra khắp các miền đất nước này. Bởi lẽ, khi người dân thực sự đoàn kết không phải là rủ nhau ăn nhậu, đàn đúm mà biết chia sẻ sự hiểu biết cho nhau, tôn trọng sự khác biệt của nhau trong một bầu không khí chan hoà, thân ái.
Và hơn hết, khi con người đoàn kết thật sự, người ta biết chia sẻ nhau từ trong gia đình cho đến xã hội, người ta biết cưu mang, đùm bọc lẫn nhau, người mạnh phải biết nâng đỡ kẻ yếu thế, chuyện đau ốm, tang chay hiếu hỉ trong xóm làng người ta phải biết chia sẻ nhau… Nghiệt nỗi, kể từ khi ngày hội “đại đoàn kết toàn dân” bùng nổ từ Nam tới Bắc, người ta lại bắt đầu sống hình thức và sa đoạ hơn, hết quan tâm đến những người chung quanh đau khổ hay vui buồn, chỉ cần biết có lợi cho bản thân là đủ. Đó là tình hình chung không thể chối bỏ vào đâu.
Ông Hiền cũng nói thêm là nếu được, vẫn còn kịp, nhà nước nên bỏ đi những kiểu hô hào hình thức, những ngày “đại đoàn kết toàn dân” hay “hiến chương nhà giáo”, “thầy thuốc Việt Nam”, “nhà báo Việt Nam”… gì gì đó đi, bởi điều cần tôn vinh nhất là lương tri, đạo đức nghề nghiệp cũng như lương tri, đạo đức xã hội chứ không phải là một ngày hô hào ăn nhậu, liên hoan, mít tinh… vừa gây tốn kém ngân sách lại vừa vô bổ, dẫn đến thói quen hưởng thụ vô tội vạ và ích kỉ.
Một xã hội thực sự tốt là một xã hội của những con người hiểu biết và sống có nguyên tắc, biết tiết chế và không tham lam vô độ. Điều ấy rất cần thiết cho Việt Nam hiện tại.