Sau khi Tổ Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Dầu Lửa (OPEC) quyết định không giảm sản lượng dù giá dầu xuống, thị trường dầu lửa đang chuyển biến theo một xu hướng ngoài dư kiến của những chuyên gia.
Theo Wall Street Journal, cung cấp chứ không phải tiêu thụ là yếu tố quyết định của thị trường. Trước kia nhu cầu tiêu thụ, của Trung Quốc, Ấn Ðộ và các nước đang phát triển, tác động đến giá dầu thô. Hiện nay sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến Hoa Kỳ cùng với dầu từ các mỏ cát dầu ở Alberta, Canada, đã làm đảo lộn tình hình. Chiều hướng dầu thô xuống giá, và hệ quả là giá xăng ở Mỹ đang xuống dưới $3.00 một gallon, có lẽ sẽ còn tiếp tục ít nhất là trong nửa đầu năm 2015.
Khai thác dầu đá phiến (shale oil) ở khu mỏ Bakken, North Dakota. (Hình: AP/Gregory Bull)
Ðầu thập niên 1930, việc tìm ra những mỏ dầu ở miền Ðông Texas làm giá dầu xuống tới 10 cents một barrel và những cây xăng phải dùng những biện pháp khuyến mãi như thịt gà và quà tặng cho khách hàng.
Cuối những năm 1950, dầu lửa Trung Ðông sản xuất tràn ngập, đưa tới sự thành lập OPEC để bảo vệ giá cả.
Tới thập niên 1980, những mỏ dầu mới khai thác ở Bắc Hải, Alaska, Mexico lại làm giá dầu xuống thấp, còn $10 một thùng. Tình trạng lúc ấy khó khăn cho OPEC còn hơn là hiện nay, do kinh tế suy thoái nhu cầu tiêu thụ giảm trên 2 triệu thùng mỗi ngày và nhiều nhà máy điện chuyển qua dùng than thay vì dầu.
Gần đây nhất, năm 2008 là lúc giá lên cao do sự lo ngại nguồn dầu lửa sẽ cạn. Người ta sợ rằng với nhu cầu năng lượng trên thế giới tiếp tục tăng nhanh, sẽ tới một lúc tiêu thụ dầu lửa đạt tới mức cao điểm, rồi sau đó sản lượng phải giảm nhanh vì các mỏ không thể còn dầu mãi mãi.
Nhưng không phải trực tiếp vì sự lo lắng thiếu dầu, mà nguyên nhân chính là nhờ giá dầu cao khiến Hoa Kỳ có thể khai thác các mỏ dầu đá phiến, khó khăn và tốn kém hơn. Từ đó đến nay, sản lượng dầu lửa Mỹ tăng 80%, lên tới 9 triệu thùng mỗi ngày, đứng vào hàng thứ ba trên thế giới chỉ kém Nga và Saudi Arabia.
Trong ba năm vừa qua, dầu thô quanh quẩn trên dưới $100 một thùng. Gián đoạn cung cấp do tình hình Libya, South Sudan hay cấm vận xuất cảng dầu Iran không làm giá dầu biến đổi mạnh vì dầu nội địa Hoa Kỳ và Canada có thể quân bình thiếu hụt. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong mấy tháng mới đây và sản lượng dầu Libya hồi phục, tăng gấp 4 lần, lên tới khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày, làm dầu xuống vào tháng 9 rồi sau đó tiếp tục rớt giá.
Bên cạnh đó cũng có tác động của sự gia tăng sử dụng các loại năng lượng sạch và tiến bộ kỹ thuật của những kiểu máy xe hơi ít tốn xăng. Phối hợp tất cả những yếu tố cung cầu ấy, người ta dự đoán giá dầu sẽ không trở lại tình hình như hồi đầu năm nay.
Quyết định của OPEC trong kỳ họp ngày Thứ Năm tuần trước, giữ nguyên không giảm bớt sản lượng 30 triệu thùng mỗi ngày, thể hiện sự tin tưởng là giá dầu thấp sẽ làm nản lòng việc khai thác dầu không quy ước, như dầu đá phiến Mỹ và cát dầu Canada.
Tuy nhiên, sản xuất của các công ty dầu đá phiến Mỹ tỏ ra có sức chịu đựng dai dẳng hơn dự đoán. Hầu hết các hãng này đều là nhỏ, không phải đại công ty như Exxon Mobil, Chevron, BP, Shell. Người ta đã tính ra rằng nếu giá dầu khoảng từ $85 đến $90 một thùng, việc khai thác sẽ không đủ hiệu quả kinh tế. Nhưng theo phân tích của IHS, công ty nghiên cứu kinh doanh trụ sở tại Colorado, thì 80% dầu không quy ước khai thác vào năm 2015, sẽ có hiệu quả kinh tế nếu giá dầu giữa khoảng $50 đến $69 một thùng vì những cải tiến kỹ thuật sẽ giúp giảm bớt chi phí.
Phân tích này không được tất cả mọi người đồng ý. Hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia, nói rằng giá dầu dưới $65 một thùng sẽ khiến khó có thể tiếp tục khai thác dầu đá phiến, đặc biệt là với vùng mỏ Bakken ở North Dakota chi phí khai thác và vận chuyển nhiều hơn vùng mỏ Egle Ford ở Texas.
Về phía OPEC, quyết định không giảm sản lượng cũng chỉ thích hợp cho các thành viên giầu, các quốc gia có sẵn một trữ lượng ngoại tệ lớn, không bị ảnh hưởng tới ngân sách. Saudi Arabia là nước đứng đầu và giữ nguyên sản lượng sẽ giúp duy trì được thị phần ở Hoa Kỳ dù nhất thời phải chịu thiệt thòi với giá dầu thấp. Theo ngân hàng Golman Sachs thì chỉ có Kuwait, Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Á Rập UAE, Qatar là những nước khác có thể an toàn với giá đầu $70 một thùng.
Các thành viên nghèo như Iran, Iraq, Libya, Venezuela cần có giá dầu cao hơn và muốn OPEC giảm bớt sản lượng ít nhất là 1 triệu thùng mỗi ngày để giữ giá. Giữa năm 2008, OPEC đã làm giá bằng cách cắt giảm sản lượng 2.2 triệu thùng một ngày và đó là một thời kỳ dân Mỹ phải trả tiền xăng cao nhất.
Venezuela đã mạnh mẽ vận động OPEC giảm sản lượng nhưng không thành công. Thu nhập từ dầu lửa chiếm khoảng 65% chi tiêu của chính quyền, thêm nữa sản lượng hiện nay đang giảm do quản lý và điều hành kém cỏi. Venezuela cũng sẽ là nạn nhân hàng đầu nếu đường ống dẫn dầu Keystone XL được phép xây dựng để đưa dầu thô từ Canada về vùng vịnh Mexico.
Iran cũng là nước chủ trương OPEC giảm sản lượng trong tình trạng nền kinh tế tài chính đang rất khó khăn và ngân quỹ thiếu hụt.
Nga là nước sản xuất dầu lửa nhiều nhất thế giới nhưng không phải là thành viên OPEC. Mới đây, Tổng Thống Vladimir Putin đã tuyên bố rắn Nga đã chuẩn bị và sẵn sàng đối phó với giá dầu “rất thấp.” Xuất cảng dầu lửa cung ứng khoảng 40% ngân sách Nga và Nga đã tích lũy được mấy trăm tỷ dollars ngoại tệ. Tuy vậy với mức xuất cảng gần 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, một tháng Nga thiệt ít nhất $5 tỷ, sự chịu đựng không thể là lâu dài.
Như thế nếu tình hình dầu thô hạ giá tác động có giới hạn tới các quốc gia phát triển và giầu mạnh, các nước Tây Phương và Trung Ðông, thì đối với nhiều quốc gia Á Phi và những nước nghèo có nền kinh tế dựa nhiều vào dầu lửa, sẽ rất bị ảnh hưởng. Các đại công ty ngoại quốc không còn hăng hái trong việc khai thác những khu mỏ dầu mới hoặc chỉ chấp nhận những hợp đồng đấu thầu rất rẻ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các công ty năng lượng đều xuống sau quyết định của OPEC trong khi chờ đợi những dấu hiệu chuyển biến mới. Nhiều công ty dầu khí nói rằng nếu tình hình tiếp tục, một số sẽ rút khỏi ngành kỹ nghệ này vì thiếu các nhà đầu tư.
Tình trạng dầu mất giá gây ảnh hưởng nặng nhất đến các hãng cung cấp kỹ thuật và dịch vụ khoan dầu. Chứng khoán Schlumberger Ltd., công ty lớn nhất trong lãnh vực này, xuống 22% trong ba tháng vừa qua, Halliburton Co. xuống 38%, Seadrill Ltd. hãng khoan dầu ngoài khơi Na Uy xuống 29%.
Nhưng Tổng Giám Ðốc Chevron John Watson bày tỏ thái độ lạc quan về tương lai của kỹ nghệ năng lượng. Theo ông 1/3 nhân loại sẽ chuyển từ năng lượng đốt, gỗ, phân gia súc, than, sang sử dụng dầu khí, và nhu cầu năng lượng hầm mỏ sẽ còn tiếp tục gia tăng. Trong cuộc phỏng vấn dài một tiếng đồng hồ, ông Watson không bao giờ đề cập đến vấn đề giá dầu hiện nay và khi bị thúc ép nêu ý kiến, ông chỉ coi đây là một tình hình nhất thời và sẽ còn nhiều chuyển biến trong tương lai.
Ông Watson chú trọng tới những chiến lược lâu dài của Chevron, đại công ty này trong 12 năm đã tăng gấp đôi chi phí khoan tìm những mỏ dầu mới, và nhu cầu này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Ông cho biết khu Vaca Muerta ở Argentina, là mỏ dầu đá phiến lớn nhất ngoài Hoa Kỳ đang được phát triển từ 2011. Theo ông, Chevron hiện nay tham gia vào 12 dự án phát triển khai thác trên toàn thế giới với vốn $150 tỷ và sẽ bắt đầu sản xuất từ 2017.