THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc
Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
SÁCH DẠY TIẾNG ANH MẤT DẠY
Tôi không biết làm
cách nào mua được hai cuốn sách dậy tiếng Anh hãi hùng đó vì tôi chỉ được đọc có
một hai trang của những cuốn sách đó do một người bạn gửi cho xem qua
internet. Mấy trang sách ấy lại không được gửi kèm với bìa nên tôi không
biết soạn giả là những ai và do cơ sở nào xuất bản. Nhưng tôi tin là chúng phải
… có thật và có được bán, lưu hành tại Việt Nam.
Trên mỗi trang của
một cuốn có ba cột. Cột thứ nhất là những câu tiếng Anh. Cột thứ hai là phiên âm
những câu tiếng Anh đó và cột thứ ba là phần dịch những câu đó sang tiếng Việt.
Phần tiếng Anh có thể được lấy từ một cuốn sách dậy tiếng Anh nào đó của một tác giả nước ngoài. Vì thế, đóng góp của soạn giả chỉ là phần phiên âm và dịch nghĩa những câu tiếng Anh sang tiếng Việt.
Phần dịch nghĩa từ
tiếng Anh sang tiếng Việt không có gì đáng nói, vì với một cuốn tự điển Anh Việt,
người ta có thể hoàn tất việc đó không khó khăn bao nhiêu. Thêm nữa, những câu
Anh ngữ trong sách (bài số 13) không phải là những câu hành văn phức tạp gì cho
cam, chỉ là những câu mệnh lệnh thường gặp trong Anh ngữ. Chính phần phiên âm
những chữ tiếng Anh để giúp người dùng sách phát âm cho … đúng mới là chi tiết
đáng nói ở đây.
Câu trả lời là không.
Phát âm như sách chỉ dẫn thì có bố Mỹ cũng chịu thua, không cách gì hiểu nổi.
Thí dụ bờ rinh mi
quơ tờ; woát đít; pút phít in tu dờ phờ ri dờ; ơrên dơ cờlâu… thì nhất định
là ta nói ta nghe, Mỹ nói Mỹ nghe là cùng. Những câu phát âm đó là gì vậy? Xem
cột thứ nhất thì đó là các câu bring me water; wash dishes; put fish into the
fridge; arrange the cloths (đáng lẽ phải là clothes vì cloth
là vải chưa may thành quần áo, không có số nhiều).
Rốt cuộc xin chút
nước, nhờ rửa mấy cái chén bát, yêu cầu bỏ cá vào tủ lạnh, xếp quần áo thì người
được nhờ làm những việc đó cứ thế mà đứng ngây người ra mà im lặng thở dài,
nghiêm và buồn cả buổi mà thôi.
Người soạn cuốn sách
dậy tiếng Anh rõ ràng là người không biết nói tiếng Anh. Người này không hề biết
rằng tiếng Việt không có một số âm rất thường gặp trong tiếng Anh. Vì thế, người
ta không thể dùng các âm Việt ngữ để phiên âm tiếng Anh. Thêm vào đó, những âm
cuối của những tiếng trong Anh ngữ đều bị soạn giả bỏ qua, không ghi xuống, cho
dù đó là những danh từ số nhiều (fruits, dishes, papers…) hay những âm
cuối của lunch, cupboard, hand, trash, arrange… Soạn giả cũng không biết
phân biệt những nguyên âm dài, ngắn và do đó cũng không chỉ dẫn cho người dùng
sách những chỗ nhấn (stresses). Rõ ràng là ông ta chưa bao giờ nghe nói
hay biết tới, nói chi tới chuyện biết sử dụng những ký hiệu phiên âm quốc tế (international
phonetic symbols). Bởi thế nên mới có cái mệnh lệnh nghe ghê rợn là pút
dơ đít in tu dơ cắp bo và woát đít.
Một cuốn sách khác (chắc
là thế vì cách trình bầy có hơi khác) lại còn ghê rợn hơn cả cuốn kia. Thí dụ
chữ calculating thì được phiên âm thành con-cu-lây-tinh. Âm đầu
của chữ này không hề có âm “o” trong cách phát âm của người Anh cũng như người
Mỹ. Nhưng nó đã được phiên âm là “con” thay vì là “can” mặc dù “can” cũng đã là
không đúng. Ngay ở dưới là một compound adjective ( tĩnh từ kép) mean-minded
thì được phiên âm thành min-mai-địt.
Đọc trang sách này,
tôi rùng mình khi nghĩ tới cách phiên âm của soạn giả dùng cho danh từ
calculator. Rùng mình vì không biết tại sao nó phải “la to” như soạn giả có
thể sẽ phiên âm theo kiểu phiên âm của ông ta.
Đó là cách phiên âm
gì vậy? Học Anh ngữ bằng cách phiên âm ấy thì nói tiếng Anh như thế nào và cho
ai nghe đây? Nói tiếng Anh như Nguyễn Tấn Dũng chăng?
Tiếng Anh gì mà sexy
quá vậy? Sexy hay mất dạy đây? Thế mà chỉ vừa mấy tuần trước, báo chí trong nước
đã nhắng lên rằng trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam được coi là cao nhất
Đông Nam Á.
Sách dạy tiếng Anh mà
như vậy thì trình độ nhất tiếng Anh với ai đây?
TỘI NGHIỆP LỤC BÁT
Lục bát là thể thơ
đặc biệt của người Việt Nam. Người Hoa không có lục bát. Ở Đông Nam Á, chỉ có
Thái Lan có lục bát với cách gieo vần giống như lục bát của chúng ta. Nguyễn Du,
Nguyễn Đình Chiểu và nhiều tác giả khác trong văn học Việt Nam đã sử dụng lục
bát trong các tác phẩm của họ. Người bình dân trong những câu hò, câu lý, trong
ca dao cũng đã đến với lục bát. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cho rằng
thơ lục bát dễ làm nhưng làm được một bài lục bát hay thì rất khó. Dở một chút
thì lục bát thành vè ngay.
Nhưng có thật là lục
bát dễ làm không?
Ở bậc trung học trước
năm 1975, ngay ở năm đầu, tôi nhớ là học sinh lớp đệ thất cũng đã được dậy về
luật thơ lục bát: chữ cuối của câu sáu phải vần với chữ thứ sáu của câu tám; chữ
cuối của câu tám phải vần với chữ cuối của câu sáu, và chữ thứ sáu của câu sáu
phải vần với chữ thứ sáu của câu tám … và cứ như thế tiếp tục trong suốt 3254
câu của truyện Kiều.
Cách hiệp vần lục bát
như vừa nêu ra ở trên thoạt nghe thì có vẻ khó nhớ, nhưng chỉ cần lẩm nhẩm mấy
câu đầu của truyện Kiều là nhớ ngay cách hiệp vần lục bát:
Trăm năm trong cõi người TA
Chữ tài chữ mệnh khéo LÀ ghét NHAU
Trải qua một cuộc bể DÂU
Những điều trông thấy mà ĐAU đớn lòng
Chữ tài chữ mệnh khéo LÀ ghét NHAU
Trải qua một cuộc bể DÂU
Những điều trông thấy mà ĐAU đớn lòng
Trong những câu trên,
TA vần với LÀ; NHAU vần với DÂU, với ĐAU. Tuy dễ như vậy, nhưng hình như không
phải người Việt Nam nào cũng biết cách hiệp vần của thơ lục bát. Mới đây, một
cựu học sinh của một trường trung học danh tiếng ở Sài Gòn trước đây cũng đã lạc
vận một cách tệ hại trong mấy câu gọi là lục bát của ông:
…Ấy ơi, ấy hãy vào ĐÂY
Cho em đổi lại cái QUẦN chút COI
Cái quần duy nhất của EM
Hôm qua anh lấy về BÊN ấy rồi
Cho em đổi lại cái QUẦN chút COI
Cái quần duy nhất của EM
Hôm qua anh lấy về BÊN ấy rồi
…
Hôm nay mưa đổ sụt SÙI
Tớ không hong nữa cái QUẦN không PHƠI
Bên hiên vẫn vắng bóng NÀNG
Rưng rưng tôi nghiện cái QUẦN của em
Tớ không hong nữa cái QUẦN không PHƠI
Bên hiên vẫn vắng bóng NÀNG
Rưng rưng tôi nghiện cái QUẦN của em
Trong 8 câu lục bát,
chỉ có mấy chữ EM, QUÊN và NÀNG, QUẦN là tạm có thể coi là có vần với nhau mặc
dù có hơi khiên cưỡng. Những câu khác thì đều lạc vận. ĐÂY không thể vần với
QUẦN; COI không thể vần với EM; SÙI không thể vần với QUẦN; PHƠI không thể vần
với NÀNG.
Thơ tự do thì không
cần phải có vần. Nhưng nếu một câu sáu kế đó là một câu tám thì đó là lục bát và
phải theo luật của lục bát và phải hiệp vần.
Mấy câu đó được nghe
thấy trong một cuộc họp mặt tất niên của các cựu học sinh mấy trường trung học ở
Sài Gòn trước đây. Nguyên đó là một bài thơ lục bát của Nguyễn Bính gồm 42 câu
kể chuyện một cuộc tình bi thảm của một thanh niên với cô hàng xóm. Mối tình
chưa có dịp thổ lộ thì người phụ nữ trẻ qua đời. Bài thơ này đã được ít nhất hai
nhạc sĩ phổ thành nhạc. Và một trong hai bản nhạc cũng được sửa lời để hát diễu
thành hai người lấy lộn quần của nhau vì cùng phơi trên một cái cọc giữa hai căn
nhà. Nhưng rồi chính lời diễu của bài hát diễu đó cũng lại được sửa lại thành
những câu lục bát lạc vận một cách thảm hại được hát lên trong buổi họp mặt vừa
qua.
Tác giả của những lời
ca được sửa lại lần nữa với những câu lục bát què quặt ấy, theo bài tường thuật
trên báo, cho biết có giữ bản quyền. Việc đó không cần thiết vì lục bát mà như
vậy thì sẽ không có ai chôm chỉa của ông đâu khiến ông phải quá lo xa.
Nếu tác giả chỉ đọc
cho vợ con nghe trong bếp thì tôi sẽ không bao giờ có ý kiến. Nhưng vì nó được
phổ biến ở một nơi công cộng nên người nghe được quyền có ý kiến và nhận xét.
Có ý kiến vì tôi sợ
rằng sẽ có người nghe hay đọc thấy những câu ấy rồi tưởng thơ lục bát là như thế
rồi cứ thế mà bắt chước làm thơ lục bát thì tội cho cụ Tiên Điền biết là chừng
nào. Bỗng nhớ hai câu bi thảm của Nguyễn Du:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Ba trăm năm nữa có
dư / Biết còn ai khóc Tố Như Tiên Điền)
Thưa Tố Như tiên sinh,
lục bát, thể thơ mà tiên sinh dùng để viết truyện Kiều đã bị thảm sát như vậy
thì con số người khóc tiên sinh chắc chắn không phải là nhỏ.
Mà cũng tội nghiệp
cho lục bát biết là chừng nào! Ấy là chưa nói tới câu cuối (rưng rưng tôi
nghiện cái quần của em) là một câu tuyệt đại cực kỳ nham nhở và dơ dáy.
Nên cũng tội nghiệp
luôn cả Nguyễn Bính nữa.