Thưa Quý Vị,
Mẫu dưới đây tôi đã in được một số để xử dụng vào ngày 11-1-2015.
Tôi không đề Cộng Đồng Người Việt nhưng tôi đề Communauté vietnamienne vì nghĩ rằng 99,99% người tham dự sẽ không hiểu tiếng Việt ????
Tôi kèm theo pdf để Quí Vị tùy nghi xử dụng và hẹn nhau ngày chủ nhật 11-1-2015.
Sẽ có nhiều Nguyên Thủ quốc gia bạn của Pháp quốc tham dự cũng như Cộng Đồng Á Châu Tự Do hưởng ứng.
Xin mời Quí Vị đọc bài viết dưới đây và giúp phổ biến.
Từ chiều hôm thứ tư 7/1/2015, cái tên thông dụng nhất ở Pháp hiện nay là Charlie. "Je suis Charlie" (Tôi là Charlie) . Tôi không biết có bao nhiêu người nhưng chắc chắn là nhiều, rất nhiều và Charlie không dừng ở đó .
Không chỉ có người Pháp mới "je suis Charlie" mà là ở khắp Tây Âu "I am Charlie" , "Yo soy Charlie" (Tây ban Nha) hay " Ich bin Charlie " (Đức). Sang đến Bắc Mỹ "We are Charlie"... rải rác khắp cùng thế giới. Tiếng Nga, tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp, tiếng Ả Rập nhưng không thấy ở Tàu và …Việt Nam ?!.
Từ cườm tay của hài nhi mới chào đời "Je suis Charlie" cho đến bức ảnh Tư Cầu Muối Gérard Depardieu hay Johnny Hallyday tay cầm biển chữ "Je suis Charlie" … Từ em bé mẫu giáo đến bà cụ 94 tuổi ngồi xe lăn tham dự biểu tình đêm qua ở Bastille v. v... muôn người như một « Un pour tous. Tous pour …. Charlie" !
"Charlie Hebdo" là tên môt tuần báo biếm họa nổi tiếng ở Pháp với một ban biên tập gồm những họa sĩ "Chóe" lẫy lừng của Pháp: Cabu, Wolinski, Tignous, Charbonnier … Danh từ "Charlie" lấy từ "Charlie Brown", tên một họa sĩ biếm họa lừng danh.
Tiền thân của Charlie Hebdo là "Hara- Kari hebdo", khai sinh do sáng kiến của ký giả François Cavana (1923 – 2014) và giáo sư Georget Bernier (1929 – 2005) .
Sau nhiều lần chết đi, sống lại , Charlie Hebdo hiện diện trên các sạp báo từ 1992 đến nay. Năm 2006 , Charlie Hebdo bị nhóm cuồng tín Hồi giáo hăm dọa vì đã đăng lại một biếm họa Mohammed của họa sĩ Kurt Westergaard (Đan Mạch) từng gây phản ứng trong thế giới Hồi .
Năm 2011, như để biểu hiện tinh thần "uy vũ bất năng khuất" , trong một số báo «Charlie Hebdo» đổi tên là «Charia Hebdo» (chơi chữ / Sharia : bộ luật Hồi giáo) và lại biếm họa về Mohammed .
Ngay đêm hôm sau, tòa soạn bị thiêu hủy ! Hành động khủng bố hăm dọa này chỉ khích động ban biên tập «chịu chơi» Charlie Hebdo biếm họa dài dài nhà tiên tri Mohammed !
Sáng thứ tư vừa qua , khoảng 11h , trong khi toàn bộ ban biên tập đang họp , thì 2 tên khủng bố che mặt (chịu chơi mà còn run!) xông vào tòa soạn, bắn hai nhân viên tiếp tân, xong lên lầu vào phòng họp bình thản xã súng bắn những người hiện diện! Sau đó, trên đường rút, lại bắn chết thêm 1 nhân viên cảnh sát. Kết quả cuộc khủng bố : 12 tử thương và 11 trọng thương ! Cả nước Pháp chấn động !
Chấn động không chỉ vì đây là vụ «11/9 » của Pháp mà vì đệ Tứ Quyền bị xâm phạm trầm trọng . Nhất là trong một nước yêu chuộng và tôn trọng Tự Do , Dân Chủ như Pháp. 2 tên cuồng tín Hồi Giáo đã phục hận cho Mohammed bằng cách bắn vào những người chỉ có bút, giấy để tự vệ!
Không biết đấng Mohammed có tiên tri rằng , có một ngày, Hồi Giáo của ông đã bị bọn cuồng tín lợi dụng , biến Hồi-Giáo-của-chúng thành một « chủ nghĩa « giết người . Giết người và giết mình , xem cái chết nhẹ tựa lông .. gà ( ! ) : chết cho lãnh tụ , cho giáo phái ! Như Quốc Xã . Như Cộng Sản !
Hôm qua , cả nước Pháp để tang những nạn nhân « 7/1 « . Cờ hạ trên toàn quốc . Nế thắp phố phường . Cả nước cùng nhau « 1 phút mặc niệm « . Công sở , hãng xưỡng , nhà thờ , nhà trường …vv . Tất cả . 12h trưa qua , cùng với hàng trăm đồng nghiệp , chúng tôi tụ nhau tại một phòng họp lớn , kín trong , đầy ngoài , một phút im lặng nghĩ đến những nạn nhân . Cái không khí nghiêm trang , đầy tình người đó bất chợt làm tôi muốn khóc ( thì đã bảo , đâu có ai cũng được như cụ Tam Nguyên « tuổi già hạt lệ như sương « ! ) . Và tôi nghĩ đến « Trời « . Có « Trời « không ? Nếu có Trời , sao lại có những tên giết người như thế ? Nếu không có Trời , tại sao, từ một quốc gia Cộng Sản , tôi lại được yên bình đứng ở nơi đây , tưởng niệm « Charlie « ? « Tôi là Charlie « . Là Charlie có nghĩa là chết chung với Charlie , chia nhau nỗi đau , cùng nhau hãnh diện với Charlie . Không khuất phục trước một bạo lực nào . Không rút lui trước một hăm dọa nào . Là Charlie có nghĩa là Tự Do . Tự do báo chí . Tự do ngôn luận . Như những Charlie-miền–Nam-ta đã bỏ mình trong ngục tù Cộng Sản . Charlie-nhà-văn Dương hùng Cường . Charlie-nhà-báo Hiếu-Chân-Nguyễn Hoạt , Charlie-nhà-báo Hồ hữu Tường , Charlie-nhà-văn Nguyễn mạnh Côn . Charlie-thi-bá Vũ Hoàng Chương .. vv Hay những Charlie thà làm tù nhân hơn làm hàng sĩ : Charlie Doãn quốc Sỹ , Charlie Phan Nhật Nam , Charlie Trần dạ Từ … vv
Cha đẻ logo "tôi là Charlie" tên Joachim Roncin : ký giả của tờ Stylist . Gần 1h sau cuộc khủng bố, trong môt trao đổi trên twitter với nữ đồng nghiệp Valérie Nataf, Joachim thú nhận : « Viết ra cái logo này vì tôi không biết nói gì ! « ( "J'ai fait cette image parce que je n'ai pas de mots « ) . Trước sự dã man, ngôn ngữ đành thúc thủ, chữ nghĩa cũng …tị nạn . Nhưng vì tôi là Người, là một cây sậy biết suy nghĩ, nên tôi phải làm một cái gì đó. Thế thôi . Bravo Joachim ! Merci Joachim !
Thế giới , có thể có người chỉ mới nghe "Charlie" lần đầu , từ trưa hôm kia ( 7/1/2015 ) . Nhưng với người tị nạn chúng ta có ai mà không biết Charlie , nơi mà cách đây 43 năm trước , Trung tá Tiểu đoàn trưởng 11 Dù Nguyễn đình Bảo đã ngã xuống tại đó, trong mùa hè đỏ lửa 72. Và "Người ở lại Charlie" là tên một nhạc phẩm nổi tiếng của Trần thiện Thanh để vinh danh cố Đại tá Bảo nói riêng , binh chủng Dù nói chung . "Người ở lại Charlie" là những người hùng, là con chim đầu đàn Nguyễn đình Bảo nhưng cũng là những « con cái « Nguyễn-đình-Bảo của tiểu đoàn 2 cái đinh sét ( 11 ) đã anh dũng chết cho quê hương , sắc áo , màu cờ, ở "hột lạc" Charlie !
Hôm nay, 43 năm sau , không những « Charlie , tên đã thân quen người dân thị thành « mà trên khắp thế giới, người ta hãnh diện mà tự xưng " Tôi là Charlie " . Chúng ta là Charlie !
Xin một lần nữa , một lần nữa , vẫy tay chào buồn anh đi , Charlie!
Xin bấm theo hình sau
Chúng ta đều là Charlie Hebdo
Ngô Nhân Dụng
“Je suis Charlie,” “Tôi cũng là Charlie!” Câu đó được viết trên nhiều biểu ngữ trong các cuộc biểu tình trên đường phố Paris, nước Pháp, cũng như tại Trafalgar Square, London, thủ đô Anh quốc. Charlie Hebdo là tên tờ báo Pháp mới khủng bố bị tấn công, 12 người thiệt mạng. Năm 2001, sau vụ tấn công khủng bố giết hơn 3,000 người Mỹ ở New York, dân chúng Paris đã biểu tình với khẩu hiệu: “Chúng ta đều là người Mỹ!” Năm nay, khẩu hiệu “Je suis Charlie” có ý nghĩa mạnh hơn. Những người biểu tình không những muốn tỏ lòng tiếc thương các nạn nhân, mà còn muốn thách thức những kẻ khủng bố. “Je suis Charlie” nghĩa là tôi cũng sẽ hành động như tạp chí Charlie Hebdo! Tôi sẵn sàng chia sẻ số phận của những người chết vì thực hành quyền tự do ngôn luận của mình, bất chấp mọi đe dọa.
Tuần báo Charlie Hebdo đã bị đe dọa nhiều lần. Và đã được khuyên can nhiều lần. Năm 2006, báo Jyllands-Posten, Ðan Mạch đã in 12 bức vẽ của nhiều nhà hí họa trên báo với tựa đề “Chân dung Muhammad,” nhà Tiên Tri của Hồi Giáo. Những bức hoạt họa này đã gây ra nhiều cuộc biểu tình của người Hồi Giáo khắp thế giới, tờ bưu báo Jyllands bị đe dọa khủng bố, vì theo tín lý đạo Hồi không ai được vẽ hình Ðức Giáo Chủ. Ngày 9 Tháng Hai năm đó Charlie Hebdo đã in lại các hí họa này, vẽ thêm nhiều bức khác, trong một số báo vẽ trên bìa hình Giáo Chủ Mohammad đang khóc, kèm theo câu nói: “Bị mấy thằng điên khùng nó yêu khó sống quá!” (C'est dur d'être aimé par des cons!) Tổng Thống Pháp Jacques Chirac lúc đó đã chỉ trích báo Charlie Hebdo, coi là “cố tình gây hấn.” Ông Chirac nói rằng, “Bất cứ hành động nào xúc phạm tới niềm tin của người khác, nhất là niềm tin tôn giáo, đều nên tránh.” Nhiều nhà chính trị Pháp cũng khuyên can. Một số tổ chức Hồi Giáo chính thức ở Pháp đã kiện, nhưng năm 2007 tờ báo được tòa tha bổng vì họ không phạm tội phỉ báng Hồi Giáo hoặc các tín đồ theo đạo. Charlie Hebdo luôn luôn khẳng định họ chỉ chống hành động của những kẻ cuồng tín nhân danh Hồi Giáo đi giết người chứ không chống tôn giáo này.
Năm 2011, tờ báo bị ném bom nhưng ban biên tập vẫn không lùi bước. Năm nay, nhóm khủng bố tới tòa báo gọi đích danh Stéphane Charbonnier, nhà hí họa ký tên Charb, chủ bút tờ báo, và các nhà vẽ hoạt họa khác trong khi nổ súng. Trong số báo tuần này, Charlie Hebdo đã giới thiệu Soumission, một cuốn tiểu thuyết mới của Michel Houellebecq, một “enfant terrible” trong làng văn. Tựa sách là Quy Phục, Soumission, cũng là ý nghĩa của tên gọi các tín đồ Hồi Giáo: Quy phục Thượng Ðế. Michel Houellebecq tưởng tượng một người Hồi Giáo đắc cử làm tổng thống nước Pháp vào năm 2022, sau khi thắng bà Marine Le Pen, lãnh tụ Mặt Trận Dân Tộc, một đảng cực hữu đề cao dân tộc hiện nay đang lên mạnh.
Báo Charlie Hebdo là hậu thân của một số tạp chí trào phúng, tờ đầu tiên ra đời từ đầu thập niên 1960, từng mang nhiều tên như L'Hebdo Hara-Kiri, và Charlie Mensuel, vân vân. Charlie Hebdo đã từng nhạo báng rất nhiều định chế xã hội, tôn giáo, chính trị, trong đó có cả Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, các phái cực hữu, bọn kỳ thị chủng tộc, vân vân. Một thí dụ cho thấy tờ báo có truyền thống trào phúng “không từ ai,” cho nên đã hai lần bị đóng cửa vì phạm luật, như vào năm 1970. Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle qua đời ở Colombey-les-Deux-Églises, một tuần trước có một vụ tai nạn ở hộp đêm làm chết 146 người. Tờ báo đã chế nhạo báo chí Pháp loan tin quá nhiều về đám tang vị cựu tổng thống được coi là một anh hùng dân tộc. Họ viết một tựa đề lớn: “Cuộc khiêu vụ thảm khốc ở Colombey: Một người chết.” Sau đó L'Hebdo Hara-Kiri phải đổi thành Charlie Hebdo, lấy tên của một nguyệt san cũ. Charlie là tên nhân vật Charlie Brown trong các hý họa Peanuts nổi tiếng trên các báo Mỹ mà báo Charlie Mensuel cũng đăng lại. Nhưng Charlie nhại tên Tổng Thống Charles de Gaulle. Tờ báo thay đổi chủ và ban biên tập nhiều lần. Stéphane Charbonnier đứng điều khiển từ năm 2009, cho tới khi bị hạ sát ngày Thứ Tư vừa qua.
Vụ khủng bố này cho thấy các thủ phạm đã bày kế hoạch và làm đúng từng bước như một cuộc hành quân. Pháp và Âu Châu rất gần những trung tâm huấn luyện người Hồi Giáo cuồng tín ở Bắc Phi và Trung Ðông. Nước Pháp có 5 tới 6 triệu người theo đạo Hồi, quy tụ số di dân đông nhất ở Âu Châu. Chính phủ Pháp đã làm luật cấm không cho nữ sinh trường công lập được trùm khăn che mặt theo lối của phụ nữ nhiều nước Hồi Giáo còn theo phong tục cổ. Không Quân Pháp cũng hỗ trợ Mỹ đánh bom quân IS ở Iraq. Hai hung thủ đang bị vây bắt là anh em ruột gốc Algérie sinh trưởng ở Pháp. Hàng ngàn người Pháp đã qua Syria và Iraq tham gia nhóm IS, “Quốc Gia Hồi Giáo.” Nhiều người được huấn luyện để trở về hoạt động, trong từng nhóm nhỏ tự trị, không cần một tổ chức chung. Tháng Ba năm ngoái, một người quốc tịch Pháp đã giết ba quân nhân cùng với ba trẻ em và một giáo viên tại một trường học Do Thái Giáo ở Toulouse, nước Pháp. Hung thủ đã được huấn luyện ở Afghanistan và Pakistan; cũng giống như các thủ phạm vụ tấn công vừa qua. Tháng Năm, một hung thủ cũng quốc tịch Pháp đã giết ba người tại một viện bảo tàng Do Thái ở nước Bỉ. Người này đã đi theo tổ chức IS ở Syria trong một năm.
Vụ tấn công báo Charlie Hebdo không thể thay đổi chính sách của nước Pháp. Những kẻ khủng bố không nhằm mục đích đó, vì quá khó. Hành động giết người chỉ cốt chứng tỏ khả năng tàn sát của họ. Mục đích là đe dọa tất cả mọi người, đặc biệt là các nhà báo, nhà văn ngăn không cho ai được phát biểu bất cứ bài viết, hình vẽ, ý kiến, tư tưởng nào mà những kẻ cuồng tín không chấp nhận. Họ nói muốn trả thù cho Mohammad, giết những người xúc phạm tới tôn giáo của họ. Nhưng chính đa số các tín đồ Hồi Giáo không chấp nhận hành động đó. Các nước Âu Mỹ không phải là nạn nhân duy nhất của những nhóm cuồng tín. Nhiều người khắp thế giới đã bị tàn sát chỉ vì không đồng ý với họ. Họ từng tra tấn và giết chết những nữ sinh muốn đi học ở Afghanistan, Pakistan và Ấn Ðộ. Họ mới tấn công một trường tiểu học tại Pakistan, giết hàng trăm học sinh. Miền Bắc xứ Nigeria, Phi Châu, đang hỗn loạn vì các nhóm cuồng tín; cũng như nhiều vùng ở Tunisie, Ai Cập và các nước Trung Ðông. Họ giết cả những tín đồ Hồi Giáo mà không chịu cuồng tín, cực đoan như họ. Bọn người cuồng tín đang đe dọa các quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do ngôn luận của tất cả loài người. Loài người đã tranh đấu mấy ngàn năm mới đạt tới kết quả được ghi thành bản “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền,” trong đó tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng là những quyền quan trọng nhất. Xâm phạm các quyền tự do này là hành động của những kẻ còn sống man rợ, không tiến kịp với cuộc tiến hóa của xã hội văn minh.
Vì vậy, chúng ta phải lên án vụ sát hại các ký giả báo Charlie Hebdo.
Nhiều người như Tổng Thống Jacques Chirac có thể không đồng ý với chủ trương trào phúng không giới hạn của báo Charlie Hebdo. Nhưng dù chống lại việc chế nhạo các giá trị tôn giáo thiêng liêng, bất cứ tôn giáo nào, chúng ta cũng không chấp nhận được hành động khủng bố và đe dọa quyền phát biểu của các nhà báo, hay của bất cứ người nào khác.
Ký giả này không bao giờ đem biểu tượng các tôn giáo hoặc của các dân tộc ra làm đề tài chế nhạo; và không đồng ý với bất cư cơ quan truyền thông nào làm như vậy. Nhưng chúng ta cần phân biệt hai phạm vi, một bên là lựa chọn đạo đức, luân lý cá nhân, bên kia là lựa chọn chung của cả xã hội. Chúng ta có thể nhắc lại lời Voltaire, một nhà văn Pháp vào thế kỷ 18: “Tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng dù chết tôi cũng sẽ tranh đấu để anh được nói ra.” (Je ne suis pas d'accord avec ce que vous dites, mais je me battrai jusqu'à la mort pour que vous ayez le droit de le dire.)
Một xã hội đặt ra luật pháp để bảo vệ các giá trị, trong đó có cả hai quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng. Những người có tín ngưỡng có quyền bảo vệ tôn giáo và danh dự chung của mình; nhưng phải tự vệ trong vòng luật pháp, tức là không được xâm phạm những quyền tự do được luật pháp công nhận của người khác. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu ý kiến về các xu hướng, lý thuyết chính trị, văn chương, nghệ thuật, vân vân, cũng như về các tín ngưỡng miễn là không kêu gọi bạo động bằng cách gây hận thù.
Không ai có quyền ngăn cấm người khác viết hoặc vẽ tranh trào phúng về mình, dù thấy mình bị chế nhạo. Người bị chế nhạo mà biết bỏ qua còn chứng tỏ có tư cách cao thượng đáng kính trọng. Họa sĩ Apelles, thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, lớn tuổi hơn Hoàng Ðế Alexander. Lúc đó đại đế ngoài 20 tuổi, thuê Apelles vẽ chân dung. Coi tranh, ông không hài lòng, chê họa sĩ vẽ con ngựa của mình không đúng. Vua sai dắt con ngựa tới để so sánh. Khi con ngựa Bucephalus nhìn thấy trong tranh có hình đồng loại, thì nó hí vang lên hào hứng. Apelles nói: “Con ngựa nó biết thưởng thức tranh hơn hoàng thượng!” Alexander không bắt họa sĩ đi nhốt ở “Cổng Trời,” mà sau đó còn thuê Apelles vẽ một phi tần đẹp nhất của ông. Khi bức chân dung hoàn tất, họa sĩ và người mẫu dứt ra không được, Hoàng đế bèn gả luôn ái cơ cho Apelles.
Ngày nay, một người cảm thấy bị xúc phạm có quyền kiện ra tòa, cố chứng tỏ kẻ phúng thích mình đã mạ lị hoặc phỉ báng. Nhưng không ai có quyền giết kẻ chế nhạo mình. Nếu có những kẻ tự cho họ cái quyền giết người như thế, tất cả chúng ta phải đoàn kết chống lại. Ðể bảo vệ thành tựu của văn minh nhân loại là quyền tự do phát biểu.
Sau cùng, chúng ta cũng tuyệt đối không nên coi những nhóm thiểu số cuồng tín và sát nhân là tiêu biểu cho tín đồ Hồi Giáo. Ai nghĩ như vậy là mắc mưu bọn khủng bố, những kẻ chỉ muốn gây chia rẽ và căm thù. Ða số người Hồi Giáo chống thái độ cuồng tín và càng nhiều người chống bạo lực.