Thursday 12 February 2015

40 năm không tồn tại quyền sở hữu đất đai - Nam Nguyên, phóng viên RFA

Người dân Việt Nam trên thực tế đã không còn quyền sở hữu đất đai mà chỉ được nhà nước giao quyền sử dụng đất.
Người dân Việt Nam trên thực tế đã không còn quyền sở hữu đất đai mà chỉ được nhà nước giao quyền sử dụng đất.
RFA files
Người dân Việt Nam trên thực tế đã không còn quyền sở hữu đất đai mà chỉ được nhà nước giao quyền sử dụng đất.
Từ cải cách ruộng đất ở miền Bắc tiếp đến đất đai sở hữu toàn dân sau khi Việt Nam thống nhất năm 1976. Đến nay Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có 3 lần công bố Luật Đất đai, chỉnh sửa nhiều vấn đề kỹ thuật và câu chữ. Tuy nhiên người dân Việt Nam trên thực tế đã không còn quyền sở hữu đất đai mà chỉ được nhà nước giao quyền sử dụng đất.
Một bộ Luật về Đất đai không rõ ràng
Luật Đất đai 1987 có hiệu lực thi hành từ 1988, áp dụng trong thời kỳ đổi mới qui định: “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Đến năm 2003 Quốc hội Việt Nam ra Luật Đất đai mới sửa lại thành: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.” Qui định này được Quốc hội kéo dài hơn một chút trong Luật Đất đai sửa đổi ban hành vào cuối năm 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo qui định của Luật này.”
Công luận Việt Nam từng cho rằng, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã bỏ qua một cơ hội để sửa đổi vấn đề sở hữu đất đai tạo đà phát triển kinh tế cho đất nước. TS lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:
“Đúng là qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một qui định không rõ ràng. Bởi vì toàn dân không phải là pháp nhân, toàn dân là ai bây giờ tất cả người dân ở đây thì sở hữu đất đai và tài nguyên khoáng sản như thế nào không rõ. Người sở hữu đích thực Nhà nước lại nói rằng mình chỉ có quyền sử dụng. Vì vậy cho nên không bảo đảm được quyền sở hữu về tài sản mà một tài sản rất quan trọng là đất đai đã hạn chế rất nhiều sự đầu tư của nông dân để tăng thêm độ phì cho đất đai, sự gắn bó của người nông dân với đất đai và làm cho nông nghiệp phát triển.”
Đúng là qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một qui định không rõ ràng. Bởi vì toàn dân không phải là pháp nhân, toàn dân là ai bây giờ tất cả người dân ở đây thì sở hữu đất đai và tài nguyên khoáng sản như thế nào không rõ
TS Lê Đăng Doanh
Điểm chính từng gây nhiều tranh cãi trong chính sách đất đai của Việt Nam được cho rằng, vì không có quyền sở hữu đất đai thực sự và quyền sử dụng đất do Nhà nước cấp thì cũng có thể bị Nhà nước thu hồi. Bên cạnh việc thu hồi đất vì các lý do liên quan đến an ninh quốc phòng, Luật Đất đai 2013 vẫn tiếp tục qui định nhà nước được quyền thu hồi đất để “phát triển kinh tế, xã hội, vì lợi ích công cộng.”
TS Lê Đăng Doanh nhận định:
“Tôi nghĩ rằng sắp tới đây hãy cố gắng làm sao hạn chế việc thu hồi đất với một cái giá thấp, rồi giao lại cho các nhà đầu tư với giá rất cao để ăn chênh lệch giá, như vậy đã gây thiệt hại rất nhiều cho người nông dân, người nông dân bị thiệt thòi và 65% sự phản đối và sự khiếu kiện ở Việt Nam là liên quan đến đất đai và liên quan đến nông dân. Đó là một tình hình hoàn toàn khác so với trước kia đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy đất của địa chủ để chia cho người nông dân. Tôi hy vọng sắp tới đây vấn đề đó ngày sẽ càng được giải quyết một cách có hiệu quả hơn bằng cách là trước khi lấy đất thì phải thỏa thuận với người nông dân, trao đổi thảo luận với người nông dân rồi thì công bố công khai cả về giá cả, cả về nghĩa vụ của cả hai bên và bên sử dụng đất phải có trách nhiệm nhiều hơn về việc tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân.”
Dù qui định như thế nào trong các bộ Luật Đất đai qua các thời điểm 1987, 2003 và 2013 thì người dân Việt Nam hoàn toàn không có quyền sở hữu đất đai kể cả mảnh ruộng hương hỏa của tổ tiên. Nếu là đất thổ cư thì có quyền sử dụng ổn định lâu dài, còn đất nông nghiệp thì có hạn chế về diện tích cũng như thời hạn sử dụng. Luật Đất đai 2013 có một số thay đổi cụ thể, như cho phép mở rộng diện tích ruộng đất đến mức tối đa 10 lần hạn mức giao đất. Thí dụ hạn điền 3 héc-ta có thể tích tụ thành 30 héc-ta. Thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm cũng được nâng lên 50 năm và có gia hạn.
Không công bằng, không công khai minh bạch
Thử lắng nghe ý kiến của một nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long về việc không có quyền sở hữu thực sự đối với đồng ruộng của mình, cho dù thời hạn và diện tích có được nâng lên.
Cố gắng làm sao hạn chế việc thu hồi đất với một cái giá thấp, rồi giao lại cho các nhà đầu tư với giá rất cao để ăn chênh lệch giá, như vậy đã gây thiệt hại rất nhiều cho người nông dân
TS Lê Đăng Doanh
“ Vấn đề chủ sở hữu dù cho là 20 năm hoặc 50 năm đi chăng nữa thì người chủ vẫn không phải là mình. Nếu tôi có mở rộng thì chỉ giới hạn phần nào thôi. Nếu tôi tính 50 năm thì đời mình qua rồi còn đời con đời cháu, dù mấy mươi năm tôi vẫn không phải là chủ của tài sản của tôi, dù tôi xuất tiền ra mua nhưng tôi lại không làm chủ, cái khó là khó như vậy.”
Một nông dân ở Nam Trung Bộ, nơi rất ít ruộng đất cho nên tỏ ra không quan tâm gì đến sở hữu toàn dân hay hay sở hữu cá nhân. Tuy nhiên nông dân này cho rằng Đảng đã nói đất đai sở hữu toàn dân thì hãy làm tốt vấn đề này đó là sự công bằng xã hội. Ông nói:
“Đất đai là sở hữu của toàn dân thì người dân sinh ra nhà nước phải giải quyết chỗ ở, về mặt lý thuyết về mặt chính sách về mặt Hiến pháp thì nói vậy. Nhưng khi người dân sinh ra, nhà nước không giải quyết chỗ ở mà người ta phải bỏ tiền đi mua mà đất ở đâu chính là đất cán bộ lợi dụng  này nọ biến thể coi như bán cho người dân để kiếm lời. Đảng CSVN cho đất là sở hữu toàn dân thì cơ bản ở chỗ là làm sao thực hiện công bằng. Do sự không công bằng, không công khai minh bạch về vấn đề tài nguyên đất đai cho nên mới sinh ra khiếu kiện.”
Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang một người rất am hiểu chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước và thực tế nông thôn đưa ra nhận định:
“về sở hữu cũng có ảnh hưởng tâm lý tới vấn đề sản xuất lớn tức là qui mô đất đai, cái đó cũng ảnh hưởng một phần nhưng không hoàn toàn là do vấn đề đó. Bởi vì hiện nay tuy rằng sở hữu cá thể, sở hữu tư nhân không có trong đất đai, đó là nói trong hình thức vậy thôi, thực chất bên trong 5 quyền nó cũng vậy thôi, tôi nghĩ vấn đề này cũng không thật sự nghiêm trọng lắm.  Nếu có là về mặt tâm lý mức độ thôi, chớ bản thân người nông dân họ vẫn xem đất đó là của họ thôi.
Họ vẫn liên kết, vẫn mở rộng diện tích, vẫn hợp tác, chủ yếu bây giờ có người cũng sở hữu cả trăm héc-ta nhưng là đứng dưới tên gọi khác nhau của gia đình…chia chác vậy đó nhưng chánh quyền cũng biết vậy. Cái sản xuất lớn vẫn làm được nhưng nói chung về điều kiện pháp lý mà không rộng mở thì nó có hạn chế thì cái đó là điều tất nhiên.”
Đối với một số nhân sĩ trí thức, sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đi kèm với chủ trương đất đai sở hữu toàn dân. Một giải pháp khả thi là qui định đất đai đa sở hữu trong đó có sở hữu Nhà nước được đề cập tới, nhưng bị Đảng bác bỏ.
Những bất cập về đất đai sở hữu toàn dân và sự thu hồi đất không đền bù tương xứng theo giá thị trường, từng gây ra những vụ phản kháng với hậu quả nặng nề. Thí dụ như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng hay vụ Văn Giang Hưng Yên.
Vấn đề chủ sở hữu dù cho là 20 năm hoặc 50 năm đi chăng nữa thì người chủ vẫn không phải là mình. Nếu tôi có mở rộng thì chỉ giới hạn phần nào thôi. Nếu tôi tính 50 năm thì đời mình qua rồi còn đời con đời cháu, dù mấy mươi năm tôi vẫn không phải là chủ của tài sản của tôi, dù tôi xuất tiền ra mua nhưng tôi lại không làm chủ
Một nông dân
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trụ sở ở Hà Nội từng bày tỏ quan điểm:
Về quyền sở hữu, tôi vẫn tán thành là sở hữu công hay sở hữu chung, còn tên gọi thế nào tôi không quan tâm, gọi là sở hữu nhà nước sở hữu toàn dân chỉ là cách gọi thôi. Nhưng điều quan trọng hơn cả tên gọi của chế độ ấy là quyền sử dụng được luật pháp bảo vệ như thế nào, hiện nay vẫn là điều chưa được nói rõ. Do đó việc tùy tiện xâm phạm vào quyền sở hữu ấy đã diễn ra tương đối phổ biến, vì vậy chúng tôi đề xuất Quốc hội Việt Nam nên sớm ban hành Luật Tài sản. Trong đó tài sản bất động sản bao gồm cả quyền sử dụng đất và khi đã có quyền tài sản rồi thì có cả quyền chiếm hữu hưởng lợi định đoạt đối với tài sản đó như là thông lệ quốc tế ở các nước. Như vậy quyền sở hữu tài sản được bảo vệ, cần đưa ra luật riêng về vấn đề này.”
Luật Đất đai 2013 hiện hành được xem như là chắt lọc của gần 30 năm đổi mới, khi mà Việt Nam đã tiến một bước khá xa so với thời kỳ nghèo đói, ngăn sông cấm chợ trong hơn 10 năm sau ngày thống nhất. Tuy vậy những ai từng trông đợi một sự cải cách lớn lao liên quan đến lãnh vực đất đai và quyền sở hữu thì đều đã hoài công. Luật Đất đai 2013 hiện nay được ghi nhận là có một chút ít thay đổi về mặt kỹ thuật, về nội dung câu chữ chặt chẽ hơn. Sự thay đổi được mô tả là có thể giảm bớt sự tùy tiện của chính quyền địa phương trong vấn đề thu hồi đất và đền bù thu hồi đất.
Ngay từ khi Việt Nam thống nhất về mặt pháp lý năm 1976 và đặt  dưới sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, khái niệm sở hữu tư nhân về đất đai xem như không còn tồn tại.
Trong một bài viết trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kỳ cựu về pháp chế ngân hàng mô tả đất đai là vấn đề căn bản. Theo lời ông: “Cho dù người dân có quyền sở hữu hay quyền sử dụng thì thực tế, đất đai vẫn luôn là khối tài sản quan trọng và có giá trị nhất với hầu hết mọi người dân. Vì là khối tài sản quan trọng của mọi người dân nên nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền về tài sản đó bao gồm 3 quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.”
Chúng tôi xin phép mượn lời LS Trương Thanh Đức để kết thúc phóng sự này.