Sunday 12 April 2015

Ký sự đường dài – những cuộc viếng thăm TPB VNCH

VRNs (12.04.2015) – Chuyến đi được tiếp tục bằng một hành trình đến tỉnh Tây Ninh và Đồng Nai. Tháp tùng cha Vinhsơn Phạm Trung Thành và cha Giuse Đinh Hữu Thoại, ngoài các thiện nguyện viên cố hữu có thêm cha Giuse Trương Hoàng Vũ cùng chia sẻ chuyến đi.
Qua trung gian ông TPB Nguyễn Văn Chủ, SN 1943, 72 tuổi, bị thương vào năm 1968 Mậu Thân, người nhà ông dẫn chúng tôi đi tìm đến ông TPB Nguyễn Văn Vân, SN 1942, 73 tuổi, thuộc Biệt Động Quân. Rất tâm đắc với chương trình ‘Tri ân Anh – TPB VNCH’, ông Chủ cộng tác với chúng tôi tìm kiếm các TPB quanh vùng của ông và giúp họ nộp hồ sơ tham gia chương trình. Ông Vân là một trường hợp.
Hình số 1
TPB Nguyễn Văn Chủ, SN 1943
Ông TPB Nguyễn Văn Vân tiếp chúng tôi trên chiếc xe lăn, người vợ hiền chung trinh của ông trao cho chúng tôi xem tấm hình thời trai trẻ của ông. Ông đứng hiên ngang trong bộ quân phục rằn ri, với dáng người cương nghị đã một thời làm say đắm con tim của bà. Ông bị thương năm 1970, vết đạn làm tổn thương cột sống gây liệt toàn bộ phần cơ thể phía dưới của ông. 45 năm rồi, bà vẫn đắm say con người ấy cho dù ông đã trở thành ‘bại tướng liệt chân’. Chúng tôi đề nghị ông cầm tấm hình cũ để chúng tôi ghi lại một tấm hình mới, một tấm hình của một con người nhưng cách nhau 45 năm. 45 năm của những thương đau và cũng là của hạnh phúc. Đáp lại sự thăm viếng và món quà chia sẻ, ông nói: “Tôi xin cám ơn tất cả các anh em trong Hội, quý cha và quý ân nhân.” Chúng tôi ngỏ ý muốn chuyển cho ông một chiếc xe lăn mới thay cho chiếc xe lăn cũ ông đang dùng. Ban đầu, ông vui lòng nhận nhưng sau đó không biết nghĩ thế nào ông từ chối, ông chỉ nói chiếc xe ông đang dùng vẫn còn dùng được và ông không có nhu cầu thay mới.
hình số 2
TPB Nguyễn Văn Vân, SN 1942
Hình số 3
Chuyến đi được tiếp tục bằng cuộc viếng thăm TPB Phan Thanh Hồng, SN 1937, 78 tuổi, thuộc Địa phương quân, Tiểu khu Tây Ninh. Ông bị thương vào năm 1968 Mậu Thân, viên đạn trúng vào tủy sống làm ông bị liệt hai chân với thương tích hơn 90%. Thêm một lần nữa, chúng tôi chứng kiến sự anh hùng tràn ngập màu sắc tình yêu của người phụ nữ dành con tim của mình cho người yêu là lính VNCH. Bà (hiền thê của ông Hồng) đã vượt qua mọi áp lực từ nhiều phía để có thể kết hôn và chung sống với ông cho đến hôm nay. Hiện nay, cả hai ông bà đã rất yếu sức, chân tay run rẩy, ông cố gắng dùng chiếc xe lắc để kiếm tiền bằng nghề bán vé số. Chiếc xe tiều tụy như chính thân thể của ông và bệ rạc như chính ngôi nhà của ông đang sống.
Cùng với món quà chia sẻ, chúng tôi ngỏ ý muốn thay cho ông chiếc xe lắc mới để di chuyển dễ dàng hơn, ông cảm động dành những lời cám ơn chân thành đến quý vị hảo tâm và những người phụ tá. Bà chỉ còn biết đứng ngẩn người ra trước những diễn biến bất ngờ dồn dập của cuộc viếng thăm, hẳn rằng vài phút trước bà không thể ngờ bà có món tiền 5.000.000 VNĐ mà bà đang cầm trên tay, gói quà từ mãi đất nước xa xôi bên kia bờ đại dương gửi về mà ông đang đặt trong lòng trên chiếc xe lắc, và lời hứa một chiếc xe lắc mới cho ông đi bán vé số từ cuộc viếng thăm của các cha. Nhìn gương mặt ngạc nhiên của bà, chúng tôi cảm thấy ấm lòng, vì mùa Chay năm nay chúng tôi có một hương vị thật tuyệt vời.
Hình số 4
TPB Phan Thanh Hồng, SN 1937
Một tiếng đồng hồ sau, vượt qua hơn 30 cây số, chúng tôi có mặt trên một bờ kênh và ngồi trên tấm ván của một túp lều Dân oan, ông TPB Bùi Văn Dìa, SN 1951, 64 tuổi, thuộc Địa phương quân Tiểu khu Tây Ninh. Sở dĩ chúng tôi gọi ông là dân oan TPB vì ông đang tham gia một cuộc đấu tranh với nhà cầm quyền địa phương về việc ông bị mất đất. Ông cho biết, 10 ha đất do ông khai phá ở vùng hoang hóa này đã phải dâng cho nhà nước, để thực hiện con kênh thủy lợi mà hiện nay ông đang che tạm túp lều bên dòng kênh ấy. Hai trong mười hecta còn lại trong năm qua người ta quy hoạch biến thành đất của khu công nghiệp, ông được đền bù với giá rẻ mạt, không đủ để xây dựng lại một cái nền nhà mới trong một khu định cư khác, thế là ông trắng tay hoàn toàn 10ha.
Ông cương quyết đấu tranh, mất đất, ông dựng lều che nắng che mưa để sống cùng với vợ con bên dòng kênh đã xẻ vào đất của mình. Ông đã từng bị đánh đập, bị bắt bớ, ông lê chân từ Hà Nội vào Sài Gòn, hồ sơ dân oan của ông đã có thể cân được hàng chục ký nhưng mọi cánh cổng quan vẫn cứ im lặng, khép kín và cuộc đời của người TPB vẫn cứ trôi dạt bên bờ kênh.
Hình số 5
“Nhà” của TPB Bùi Văn Dìa, SN 1951
Hình số 6
Chúng tôi kiên nhẫn lắng nghe nỗi thống khổ của ông, xem từng tấm hình về đất cát mà ông chắt chiu gìn giữ cả những tấm hình ghi những thương tật mới gây ra từ những cuộc bắt bớ dân oan, bên cạnh những thương tật cũ và chiếc chân cụt của ông một thời chiến tranh đã cướp mất. Ông tâm sự, ông sẵn sàng đổi mạng sống của mình để đi đến cùng của sự công bằng và vạch mặt chỉ tên những kẻ tham nhũng hà hiếp dân. Chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi chia sẻ với ông, cầu mong ông đủ nghị lực và sức khỏe để tiếp tục con đường của mình. Đá vẫn tiếp tục cứng không biết đến bao giờ mềm, chân ông còn đâu để chúng tôi chúc nó cứng, chỉ biết nguyện cầu.
Hình số 7
TPB kiêm dân oan Bùi Văn Dìa
Hình số 8
Thêm một ngày nữa trải nghiệm với đường dài và gió nắng, trải nghiệm về tình thương và thân phận con người. Cám ơn Chúa và cám ơn cuộc đời, cám ơn những con người đã lấy chính cuộc đời của mình làm những bông hoa đơn sơ âm thầm tôn tạo vẻ đẹp của tình thương, của sự thủy chung và của nhân cách làm người.
Pv.VRNs
Ảnh: Phạm Đức Hiệp