Sunday, 12 April 2015

ngày 04 tháng 04, 40 năm trước - Đinh Từ Thức

Có một con số người Tầu kiêng cữ hàng đầu, nhưng người Mỹ không kiêng, và một tai nạn thảm khốc đã xảy ra bốn mươi năm trước. Đó là con số 4.
Những người đã từng du lịch qua Bắc Kinh hay Đài Loan, nếu để ý, thường thấy những khách sạn nhiều tầng không có tầng 4. Đếm từ dưới lên, chỉ thấy tầng một, tầng hai, tầng ba, rồi tầng năm… Sở dĩ như vậy, vì người ta kiêng con số 4, tiếng hán việt đọc là “tứ”. Phát âm theo tiếng Tầu, số 4 nghe rất gần với “tử”, là chết. Người Mỹ không kiêng cữ giống người Tầu, họ đã bắt đầu cuộc di tản khỏi Việt Nam vào ngày 04 tháng 04, 1975, bằng chuyến bay khổng lồ chở hơn ba trăm người, trong số có 230 trẻ mồ côi ra đi, và chuyến bay đã gặp nạn.
clip_image002
Các trẻ mồ côi ra đi trong “Operation Babylift”
Vào thời gian cuối của VNCH, khi cuộc chiến gia tăng mạnh, những nhà hảo tâm vẫn quan tâm và chăm sóc trẻ mồ côi, rất lo lắng cho thành phần kém may mắn này. Thuốc men và thực phẩm tiếp tế từ nước ngoài không còn đến đều đặn như trước. Điều đáng lo nhất là nếu cộng sản thắng, số phận và tương lai đám trẻ này sẽ ra sao? Trong khi ấy, nhiều trẻ em mồ côi đã được những gia đình ở Mỹ, Canada, Úc, Pháp… nhận làm con nuôi, mọi thủ tục đã xong, nhưng vào thời gian chót, rất khó kiếm chỗ trên máy bay dân sự để ra đi, vì rất nhiều người muốn ra đi bằng mọi giá. Ngay từ tháng Ba 1975, giới liên hệ đã vận động với chính phủ Hoa Kỳ để chở trẻ mồ côi từ VN ra nước ngoài, trước khi quá muộn.
Trong khi chờ đợi chính phủ Mỹ chính thức giúp đỡ, ông Edward J. Daly, chủ hãng hàng không World Airways đã dùng một chiếc DC-8 của hãng “chở đại” (không được phép của cả hai chính phủ Việt và Mỹ) 57 trẻ mồ côi rời Tân Sơn Nhứt đi Nhật vào tối ngày 02 tháng 04, 1975. Ông Ed Daly là một phi công vô cùng liều lĩnh, xuất thân là một Trung Sĩ thời Đệ Nhị Thế Chiến, ông đã trở thành triệu phú từ tay trắng. Chính ông đã từng ra lệnh cho một chiếc Boeing 727 tới Đà Nẵng vào cuối tháng Ba để chở đàn bà trẻ con bị kẹt lại, nhưng chuyến bay đã bị tràn ngập, liều cất cánh trở về Sài Gòn, chở tới 260 người, thay vì 105 người tối đa thường lệ. Hãng tin CBS đã mô tả đây là “Chuyến bay về từ địa ngục”.
Hôm sau, ngày 03 tháng 04, Tổng Thống Ford chính thức cho phép khởi đầu chiến dịch Babylift (Bốc trẻ em), chở 2.500 trẻ mồ côi rời VN.
Theo lời kể của Sơ Susan Carol McDonald viết trên Website tưởng niệm các nạn nhân chuyến bay C-5A ngày 04 tháng 04, 1975: Ngày 03 tháng 04, USAID (Cơ quan Hoa Kỳ Viện trợ Phát triển Quốc tế – United States Aid to International Development) báo cho biết sẽ có ba phi cơ chở bệnh nhân (medevac) “Nightingale” từ Philippines tới chở các em cô nhi vào hôm sau.
Hôm sau, ngày 04 tháng 04, được thông báo kế hoạch đã thay đổi. Các em sẽ được chở đi bằng một phi cơ quân vận khổng lồ C-5A. Vì không có medevac, không có phương tiện chăm sóc y tế trên phi cơ, chỉ có các em khoẻ mạnh, từ ba tuổi trở lên được ra đi. Cùng với các nhân viên săn sóc từ các cô nhi viện, còn có nhiều nữ viên chức người Mỹ làm cho DAO (Defense Attaché Office), trở về Mỹ nguỵ trang như người săn sóc cô nhi, để dư luận không biết nhân viên Mỹ bắt đầu di tản khỏi VN.
Phi cơ mới cất cánh khoảng trên 10 phút, vừa ra tới biển, cửa sau bật tung, cuốn theo một số người lớn và trẻ em. Tuy bộ phận lái phía đuôi bị hư, phi công cố gắng quay lại Tân Sơn Nhứt, nhưng không thành công, phải đáp bằng bụng xuống ruộng ở Hóc Môn, phi cơ bị bể và bốc cháy. Người lớn ở tầng dưới bị chết nhiều. Đa số trẻ em thoát chết, nhờ ở tầng trên. Tất cả 180 người chết, trong số có 11 quân nhân thuộc phi hành đoàn, và 78 trẻ em.
Theo lời ông Wolf Lehmann, Phó Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, kể lại trong Tears Before The Rain:
Tôi không có vấn đề gì với ông Daly và World Air, miễn là họ làm việc trong khuôn khổ đã được quy định. Nếu họ cho phi cơ, đó là điều tốt. Nhưng hành động đặc biệt đó (chở đại trẻ mồ côi khỏi VN) là vô trách nhiệm, cực kỳ vô trách nhiệm, và không bao giờ nên xảy ra.
Chiến dịch Babylift là chuyện khác. Chiến dịch này đã khởi sự có tổ chức và được chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, thực ra chúng tôi đã bắt đầu, tôi có thể nói bây giờ, chúng tôi đã không thừa nhận trước kia, chúng tôi bắt đầu sử dụng chiến dịch Babylift với chủ tâm bắt đầu di tản phụ nữ. Rồi xảy ra vụ C-5A bị tai nạn. Nói về những thời gian đen tối trong đời tôi – đây là một trong những lúc buồn thảm nhất.
Có người của chúng tôi trên đó. Hôm đó là 4 tháng 4. Chúng tôi nói là tất cả trẻ em cần người săn sóc. Chúng không cần nhiều như vậy, nhưng chúng tôi lợi dụng chuyện này, vì chúng tôi không muốn nói về chuyện di tản. Tất nhiên rồi chiếc C-5A ngày mùng 4 cất cánh và xảy ra một tai nạn khủng khiếp, và cũng có một câu chuyện về vụ này. Tôi được báo qua điện thoại là có một tai nạn đã xảy ra, rằng họ đã dùng tất cả số trục thăng của Air America để gom người. Chúng tôi đã phải nghĩ ngay tới không phải chỉ về người, nhưng về những tiếng dội chính trị của tai nạn. Khi một trong những chuyện đó xảy ra, chúng tôi đã không muốn một ông Tướng Không quân ngồi ở Washington nói rằng nó chỉ có thể xảy ra vì một hành động của địch quân hay là phá hoại – và đó chính là điều đã được nói ra. Nếu để cho điều này lọt ra, nó sẽ tăng thêm hoảng loạn trong thành phố. Và tiếng nói đầu tiên của chúng tôi là không có chuyện đó, hoá ra sau này mới biết chúng tôi đã nói đúng.
Chuyện đã xảy ra là do lỗi kiến trúc của phi cơ hay lỗi của người ta, mà tôi không thể nói rõ về bên nào. Một trong những cửa sau đã không được đóng kỹ, bật tung, làm hư bộ phận giữ thăng bằng phi cơ khiến phi công không thể lái máy bay. Ông ấy đã làm được chuyện phi thường là đáp khẩn cấp xuống ruộng. Nhưng kết quả là tất cả những người ở tầng dưới đều thiệt mạng. Những người ở tầng trên thoát chết. Nhưng chúng ta không thể nói rằng đó là do phá hoại hay hành động của kẻ thù. Không phải như vậy.
Vì thế, qua điện thoại, tôi đã cùng với ban tham mưu Bạch Ốc để loại bỏ chuyện vô lý này. Không Quân không thể mơ tưởng được rằng những đồ chơi ưa thích của họ, chiếc C-5A, có thể có vấn đề về cấu trúc hay có thể do lỗi lầm con người hoặc sơ sẩy của phi hành đoàn.
Chúng tôi đã có thể bao biện chuyện này khá mau lẹ. Chúng tôi đã khiến cha này im mồm. Chúng tôi đã nói rằng sẽ có một cuộc điều tra, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đây là hành động thù địch. Không hề có. Thế là mọi chuyện trong vòng kiểm soát.
Vừa rồi là lời kể của một viên chức cao cấp Toà Đại sứ Mỹ về những toan tính và đối phó với dư luận liên quan tới tai nạn ngày 4 tháng 4. Sau đây là lời kể của cô Becky Martin, một nhân chứng tại hiện trường, nhân viên DAO, cũng trong Tears Before The Rain:
Chúng tôi đã có một MISTA (Monthly Intelligence Summary and Threat Analysis – Tóm lược và phân tích tình hình tình báo hàng tháng) vào ngày 4 tháng Tư, và sáng hôm ấy, một đại tá tới văn phòng, nói “Chúng ta sắp có cuộc di tản đầu tiên; sẽ khời sự hôm nay”. Trước đó, chúng tôi đã làm một danh sách ưu tiên cho những ai ra đi vào lúc nào – những cá nhân ít quan trọng sẽ đi trước. Ông ấy nói những ai trong danh sách đi trước tiên sẽ ra đi hôm đó – 4 tháng Tư. Tôi biết trong danh sách này có tên người đưa tin của tôi và một trong các thư ký. Nó cũng gồm cả ba người phân tích ít thâm niên trong văn phòng chúng tôi. Và tôi nói, “Vì chúng ta có MISTA, tại sao chúng ta không cứ tiến hành, và giữ lại tất cả mọi người? Chúng ta sẽ ở lại trong một thời gian và họ sẽ ra đi bằng những chuyến bay sau”. Ông ấy nói, “Trời, tôi cũng nghĩ như vậy”. Tôi nói, “Tuyệt”. Sau đó ông trở lại và nói, “Đại tá LeGro đồng ý. Chúng ta giữ nguyên mọi người”.
Và thế là văn phòng chúng tôi, phần vụ tình báo đương thời, là cơ sở duy nhất không mất người nào vào ngày 4 tháng Tư, vì đó là ngày trọng đại của chúng tôi.
Nhưng họ vẫn tiến hành cuộc di tản ngày hôm đó. Họ quyết định di tản một số lớn trẻ em Việt Nam. Và họ nghĩ, “Thật là một cách tốt đẹp để giảm nhân viên và tiến hành di tản hầu hết phụ nữ làm việc ở DAO”. Thế là họ cho các phụ nữ biết vào sáng hôm đó sau khi những người này đã tới sở làm việc. Họ được gọi tới phòng họp, và được loan báo họ sẽ ra đi, và họ được có thì giờ về nhà để lấy đồ (tôi nghĩ họ được cho mang theo hai xách tay) và mọi thứ khác sẽ được gửi về sau. Thế là hầu hết phụ nữ đã trở lại điểm tập trung, và được xe bus chở từ DAO ra phi trường lên máy bay. Một số phụ nữ đã không tới chỗ đáng lẽ họ phải tới. Một số phụ nữ khác cảm thấy họ đã gắn bó với một số gia đình Việt Nam và nghĩ rằng họ không nên ra đi mà không cố gắng đem những người này đi theo. Họ đã không trở lại làm việc cho đến ngày hôm sau.
Chúng tôi làm việc trễ đến chiều, và một người từ ban an ninh đến, nói: “Chiếc C-5A bị tai nạn trở lại Tân Sơn Nhứt”. Họ nói muốn có những người giúp để chuyển người từ những trực thăng sẽ bay tới Tân Sơn Nhứt. Thế là tất cả chúng tôi ra, chen chúc trên một chiếc pickup truck, chạy ra phi trường và đứng đợi những chiếc trực thăng tới. Không có nhiều lắm.
Một vài người chết đến trước, nhưng phần lớn là những người sống sót. Và hầu hết những người sống sót là trẻ em. C-5A là loại phi cơ ba tầng. Phần lớn trẻ em ở tầng trên nên đã thoát hiểm, nhưng chúng bị phỏng. Tôi nghĩ sự việc khiến tôi sửng sốt và giao động hơn cả là tất cả trẻ em hình như đều bị thương. Có thể nhìn thấy những chỗ da bị phỏng, và chúng ỉa đái tùm lum, nhưng không có đứa nào khóc. Chúng nằm đó như những búp bê im lìm. Tôi đã chờ đợi chúng kêu khóc om xòm, nhưng chúng đã không có tiếng động nào – không có gì, không phản ứng.
Những bạn tôi ở DAO đều chết. Giống như mất cả một gia đình. Tôi đã cảm thấy họ chết, ngay từ trước khi trực thăng đem trẻ con tới. Bao nhiêu người chạy ra giúp, và tôi đứng đó nhìn. Và tôi nghĩ, “Tất cả đều chết rồi”. Một tình trạng tê liệt lan từ phía sau đầu toả ra khắp não bộ. Tôi bị tràn ngập bởi cảm giác mất mát. Một phản ứng hoá học nào đó xảy ra trong cơ thể khiến tôi có thể đối phó với nó. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tình trạng tê liệt như thế trước đây.
Một chiếc trực thăng nữa vừa trờ tới, trên đó có thêm nhiều trẻ em. Tôi ra giúp chuyển chúng từ trực thăng sang xe cứu thương. Rồi tôi thấy một cơ thể phụ nữ, và đó là Barbara, một người làm trong văn phòng. Con gái bà ta sống sót, ngồi cạnh mẹ. Mũi và miệng Barbara đầy bùn. Ngoài ra, không có vết tích nào trên người bà. Và sau đó, người ta nói bà chết vì sợ hãi. Bà đã bị một cơn truỵ tim. Một trực thăng khác tới, trên đó có thi hài của một người thuộc phi hành đoàn. Đầu ông bị đập bể. Chắc ông đã chết tức thì. Có muời hai bao tử thi trên trực thăng kế tiếp, khi trông thấy, tôi quay mặt và bỏ đi.
Tôi luôn tin tưởng vào việc mừng những ngày lễ gia đình, bất cứ khi nào. Bao giờ cũng có nhiều người, và phải làm mọi chuyện cho thật tươm tất. Xếp đặt bàn ăn và chỗ ngồi, và không ăn trên bát đĩa giấy, làm cho giống ở nhà một tí. Thế là bao giờ tôi cũng ráng có những ngày lễ kiểu Mỹ. Mới mừng Lễ Phục Sinh hôm Chủ Nhật đó, và tất cả phụ nữ tới dự tiệc mừng Phục Sinh đều chết trong tuần đó.
clip_image004
Người săn sóc thoát hiểm lo âu sau tai nạn: Em bé của tôi có còn sống?
Rất nhiều người còn nhớ, vào sáng 29 tháng 04, 1975, đài phát thanh Quân Đội Mỹ tại Sài Gòn đã phát đi hiệu lệnh di tản bằng mẩu tin “Thời tiết Sài Gòn nóng 105 độ và đang lên”. Kèm theo là bài hát “I’m Dreaming of a White Christmas”. Theo anh Chuck Neil, nhân viên đài phát thanh Quân Đội Mỹ, nói trong Tears before the Rain,sáng kiến dùng bản nhạc này làm mật hiệu di tản là của cô Ann Bottorf, viên chức phụ trách giao tế quần chúng tại DAO. Cô về nước trên chuyến bay C-5A ngày 4 tháng 4, là một trong những người thiệt mạng vì bị cuốn ra ngoài khi cửa máy bay bật tung. Vẫn theo Chuck Neil, trong cuộc họp tại Toà Đại Sứ cùng với cô Ann, mọi người đồng ý chọn bài do Bing Crosby hát, nhưng khi thu băng, kiếm không ra đĩa Bing Crosby, anh lấy đại cái đĩa do Tennessee Ernie Ford hát. Nhưng cho đến nay, mọi người, kể cả tác giả CIA nổi tiếng Frank Snepp, vấn nói bài đó do Bing Crosby hát.
*
Tháng Tư Sài Gòn 40 năm trước, tuy ông Đại Sứ Mỹ Graham Martin cố giữ một bề ngoài bình thường, không chính thức di tản, không thu dọn đồ đạc, không chặt cây, không cho bà Đại Sứ về nước, nhưng bên trong, cả thành phố sôi sục vì lo sợ. Đến nỗi, Washington yêu cầu Giám Đốc Thông Tin Mỹ ở Sài Gòn Alan Carter gửi báo cáo riêng, để hy vọng biết rõ tình hình. Theo lời Carter được ghi lại trong cuốn Strange Ground, American in Vietnam 1945-1975:
Tôi ngồi xuống thảo một điện văn gồm cả câu “sợ hãi tới bờ hoảng loạn”. Tôi nói không cần nhiều nữa để hoảng loạn nổ tung ngoài đường phố. Rồi tôi gửi đi, biết rằng cuối cùng ông Đại Sứ cũng bắt kịp. Hôm sau, chiếc máy bay vận tải C-5A chở hàng trăm trẻ mồ côi Việt Nam bị nạn gần phi trường. Tôi nhận được cú điện thoại từ Graham. Ông nói, “Anh biết đấy, tai nạn này đáng lẽ không bao giờ xảy ra nếu người ta đã nói với tôi về vụ này. Tôi biết đủ về quân sự để hiểu rằng C-5A có vấn đề. Tôi đã không bao giờ cho phép chuyện đó, nhưng tôi đã không đuọc tham khảo. Đó là chuyện xảy ra khi người ta qua mặt tôi và nói với Washington rằng có chuyện sợ hãi ở đây, và Washington đã không cần biết tới tôi”. Tôi nói, “Trời đất, ông muốn nói rằng tôi phải chịu trách nhiệm về tai nạn máy bay đó”. Ông nói, “Anh muốn đọc cách nào cũng được. Tôi chỉ nói với anh rằng nếu tôi đã được tham khảo…”
Vào cuối năm 1975, tại California, đã có người nạp đơn kiện cả Tổng Thống Ford và Ngoại Trưởng Kissinger về vụ C-5A. Sau hai năm, toà quyết định không xử, cho rằng vụ kiện thiếu căn cứ.

bài đã đăng của đinh từ thức