Sunday 12 April 2015

Vài chuyện thật xảy ra trong 9 năm kháng chiến 45-54 - Hứa Hoành

“Chiều 17/12/1946, “bác Hồ” và đồng đảng rút vào hang sâu trong núi Phượng Hoàng ở Sơn Tây. Nửa đêm 19/12/1946, từ chỗ ẩn náu an toàn, bác Hồ hùng hổ tuyên bố “Toàn quốc kháng chiến”, báo hại tụi du kích, Tự vệ thành…ngơ ngác mất người chỉ huy, cầm tầm vong vạt nhọn, dao găm, mã tấu, anh dũng…làm bia đỡ đạn Pháp ở Hà Nội !
“Ở Nam Bộ, khi Pháp mở cuộc tổng phản công (23/9/1945), Ủy Ban Hành Chánh (CS) của Trần Văn Giàu đã chạy thụt mạng vô Chợ Ðệm. Pháp tiến quân ra Phú Lâm, Ủy Ban chạy tới Tân An. Pháp mở cuộc ruồng bố Tân An, Ủy Ban chạy xuống Mỹ Tho, rồi tiện đường…dông tuốt vô Ðồng Tháp Mười mất dạng. Trong khi đó, các lãnh tụ quốc gia như Trần Văn Ân, Nguyễn Văn Sâm, Kha Vạng Cân, Hồ Văn Ngà liều chết ở lại lập Ủy Ban phong toả Saigon, Chợ Lớn… Trước khi bôn tẩu, Ủy Ban Kháng Chiến của Trần Văn Giàu ra lịnh đốt chợ, đốt phố, đốt nhà dân, và cho tự vệ đi lùng bắt các lãnh tụ quốc gia, đảng phái, tôn giáo…đem thủ tiêu. Cách chiến đấu của CS thật lạ lùng khó hiểu. Tỉnh nào cũng hành động y chang “bác Hồ”.
Nhà văn Nguyễn Gia Bảo, chứng nhân thời cuộc :
“Từ đó đến nay, nửa thế kỷ đã trôi qua..đa số chúng ta cứ đinh ninh ngày 19/8/45 là ngày “cách mạng thành công”. Ðiều đó hoàn toàn không đúng, như việc “kháng chiến thành công”, mang lại độc lập, tự do cho xứ sở. Thật ra, CS cướp công kháng chiến, một cuộc kháng chiến hào hùng, do toàn dân đóng góp…” (trong “Hà Nội, Những Ngày Tháng Cũ”, trang 12).
Nhà văn Vương Hồng Sển, chứng kiến :
“…ngày 5/11/1946, Ủy Ban (Hành Chánh của Trần Văn Giàu) ra lịnh đốt chợ Sóc Trăng, Tây kéo đến, ta rút lui. Ngày thứ Bảy 6/1/46 lại đốt chợ Bãi Xàu… Trước đó, ngày 17/12/45, Thanh Niên Tiền Phong đến nhà treo đồ bổi, lá khô, trên trình thượng 2 căn phố của thân phụ, ép mình ký tên cho đốt nhà để “tiêu thổ kháng chiến” khi có giặc Tây đến… Cách chiến đấu như vậy đâu có…chết thằng Tây nào !”
Bài viết sau đây là những chuyện thật, xảy ra trong thời kháng chiến chống Pháp, nhưng rất ít được sách báo thuật lại. Công cuộc kháng chiến giành độc lập là của toàn dân VN, chớ không riêng đảng CS, mà CS luôn luôn hãnh diện khoe khoang thành tích. Là nạn nhân của CS trong nhiều năm, chúng ta nhận ra một sự thật : gian ác, lừa bịp, tráo trở là bản chất của người CS.
Cho tới nay, lịch sử kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 trở đi, là một khoảng trống vắng. Chính quyền quốc gia lấy lý do phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của CS, nên các chính phủ Ðệ I Cộng Hòa (1954-1963) và Ðệ II Cộng Hòa (1963-1975), đều không viết lại lịch sử trong giai đoạn tranh tối tranh sáng của đất nước.
Lợi dụng sự sơ hở của chính quyền quốc gia, ở miền Bắc, nhà cầm quyền CS triệt để khai thác đề tài trên theo quan điểm của họ. Họ loại bỏ và phủ nhận tất cả công lao của các đảng phái quốc gia và toàn dân yêu nước không phân biệt chính kiến. Hàng triệu thanh niên nam nữ yêu nước, bị lợi dụng cho mưu đồ riêng tư của CS hoặc bị thanh trừng, ám sát, thủ tiêu một cách man rợ như thời trung cổ. Ai cúi đầu tuân lịnh họ, sẽ bị làm viên gạch lót đường như trường hợp Ba Dương, lãnh tụ Bình Xuyên (bị ám sát chết ở Bến Tre) hay Trung tướng Nguyễn Bình... CS trực tiếp ám hại Ba Dương rồi đổ cho giặc Pháp giết để CS giành quyền lãnh đạo kháng chiến…sau đó họ làm lễ truy điệu, hay quốc táng (như ông Huỳnh Thúc Kháng) để truy phong chức tước. Bằng thủ đoạn gian manh lừa đảo, CS cướp đoạt công lao của người khác về cho phe nhóm mình. Ngoài ra, khi viết lịch sử kháng chiến, các sử gia bồi bút của CS còn bịa đặt, thêu dệt nhiều huyền thoại về các lãnh tụ của họ, ngụy tạo các gương chiến đấu, hy sinh…làm cho cuộc chiến tranh mà họ cướp công lãnh đạo như một cuộc thánh chiến. Ðó là một sự lừa bịp vĩ đại, hào nhoáng trong lịch sử cận đại.
Nhiều người sống trong giai đoạn ấy, đã tham gia kháng chiến như một người yêu nước, đã bị lừa bịp, đã giác ngộ nhận ra sự thật, nhanh chân bỏ hàng ngũ đành chịu tiếng oan “theo giặc”, để thoát khỏi nanh vuốt của CS. Tiếp xúc với các người từng ở trong hàng ngũ kháng chiến cũ, ai nấy đều bày tỏ thái độ hằn học trước những luận điệu tuyên truyền lừa bịp của CS, nhưng chưa có dịp nói lên tâm sự cùng thái độ của mình. Giai doạn lịch sử này ngắn ngủi nhưng nhiều biến cố dồn dập, phức tạp, gần như một định mệnh nghiệt ngã dành riêng cho người quốc gia và cả dân tộc. Cảm thấy công việc viết lại lịch sử quá sức mình, tôi (tác giả Hứa Hoành) không dám làm công việc ấy. Trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp, tôi chỉ kể lại một số sự kiện rời rạc, nhưng là những chuyện thật về những hành động, những màn lừa bịp, tráo trở lâu nay bị dấu kín dưới lớp bụi thời gian. Trung thành với tôn chỉ “biết tới đâu thì tâu tới đó”, chúng tôi xin kể lại những gì chúng tôi được biết hoặc trực tiếp nghe, thấy.
CS gọi công cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 là cuộc “Cách mạng tháng 8″ hay “Cách mạng mùa thu”, nhưng thực tế nó chỉ là hình ảnh của một cuộc chiến tranh vệ quốc giống như nhiều cuộc chiến tranh chống Tàu trước đây. Cuộc chiến này không phải là “cách mạng”. CS gán gọi cho nó là “Cách mạng tháng 8″ là có mưu đồ tiến hành một cuộc cuộc thay đổi hoàn cảnh chính trị, xã hội và văn hóa của nước ta đi theo hướng Mác-xít, nhưng hoàn cảnh lúc đó vẫn chưa thuận tiện cho họ làm thế nên họ đã che giấu bộ mặt thật. Viết bài này, chúng tôi được nhiều nhân chứng lịch sử từ nhiều phía :
– Trước hết là các người yêu nước, các lãnh tụ quốc gia từng kháng chiến chống Pháp, nhưng đã bị CS giết hụt, đã phải hợp tác với Pháp để sống còn và mang tiếng “phản bội” như Trần Văn Ân, An Khê Nguyễn Bính Thinh (nhà văn, nhà báo mới qua đời ở Pháp), Vương Hồng Sển,…
– Hoặc những người đã sống, chiến đấu trong hàng ngũ CS, biết rõ tâm địa và mặt mũi của họ như các ông Dương Ðình Lôi, nhà văn Xuân Vũ, Nguyễn Ngọc Nga (tức Hoàng Quốc Kỳ), Lê Tùng Minh…và rất nhiều vị khác.
Việt Minh (gọi tắt của Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh), là một sự lừa bịp dư luận. Ông Hồ Chí Minh luôn luôn lo sợ dư luận biết ông ta là một lãnh tụ CS, một thành viên quốc tế của Ðệ Tam Quốc Tế CS sẽ phải luôn phục vụ cho quyền lợi Quốc tế CS, nên luôn che dấu bộ mặt thật. Thậm chí vào ngày 11/11/1945, ông HCM tuyên bố giải tán đảng CS để lừa bịp mọi người. Riêng tại miền Nam, CS phái cán bộ len lỏi vào các tổ chức, đoàn thể thanh niên, tôn giáo, xã hội…
Các cán bộ CS này đã được huấn luyện thành thạo kỹ thuật xâm nhập, lủng đoạn, khuynh đảo để cướp đoạt tổ chức của người khác. Trước khi Nhật đầu hàng Ðồng Minh, ở miền Nam có những tổ chức xã hội và phi chính trị như sau :
– Liên đoàn Công chức, do Lý Vĩnh Khuông làm tổng thư ký.
– Hội Truyền bá Quốc ngữ do Michel Văn Vĩ làm hội trưởng.
– Tổ chức Thanh niên Tiền phong do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Kha Vạn Cân, luật sư Thái Văn Lung làm lãnh tụ.
– Hội Cứu đói Nam Kỳ do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm hội trưởng.
Tất cả những hội ấy lúc thành lập, đều theo đuổi những mục tiêu phi chính trị, gồm những người yêu nước, thuộc các gia đình khá giả. Cán bộ CS tìm cách xâm nhập, lèo lái những thành phần lãnh đạo các hội đoàn ấy ngả theo phe mình, như trường hợp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Tại Nam Kỳ không có “Nạn đói năm Ất Dậu”, nên đồng bào miền Nam chưa thấy CS lợi dụng nạn đói ấy vào công cuộc vận động quần chúng ủng hộ họ ra sao. Ở Bắc Việt, Việt Minh đã xúi giục dân cướp kho thóc của Pháp, Nhật, của các điền chủ, các nhà giàu…khơi lên sự căm phẫn trong khối quần chúng nghèo khổ, mục đích là để nắm được sức mạnh của họ.
Trong các tổ chức vừa kể trên, ban đầu chưa có một tổ chức nào có thành phần CS, nhưng CS khôn khéo đưa người xâm nhập, lủng đoạn, thậm chí khủng bố những người ấy để biến họ thành những công cụ phục vụ cho đảng CS. Chẳng hạn, như thành phần Hội Truyền bá Quốc ngữ, chỉ nhìn thành phần, chúng ta biết lập trường của họ :
– Hội trưởng : Michel Văn Vĩ, giám đốc ngân hàng.
– Phó chủ tịch : Ðoàn Quan Tấn, Chủ tịch Hội Khuyến học Nam Kỳ.
– Thư ký : Nguyễn Thị Châu, giáo sư Trường Áo Tím (Trường Gia Long).
– Hội viên sáng lập gồm : bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, bác sĩ Trần Văn Ðôn (thân phụ Tướng Trần Văn Ðôn), bác sĩ Trần Quang Ðệ.
Ta hãy nghe CS thú nhận trong cuốn “Mùa Thu Rồi…”, nxb Chính trị Quốc gia, 1985 :
“…Mục đích chúng ta là càng ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động từ tính chất văn hóa, xã hội…qua chính trị. Từng bước “lấn sân”, giành quyền chỉ huy. Ðây là một cuộc tập hợp đông đảo nhân dân quần chúng, chờ thời cơ để cướp chính quyền” (trang 267).
“…Qua công cuộc cứu đói, các nạn nhân miền Bắc, chúng tôi (CS) đã kết hợp với việc động viên tinh thần yêu nước và chờ đợi thời cơ để…cướp chính quyền” (trang 320).
Thời cơ xảy đến đột ngột : Ngày 19/8/1945, Nhật đầu hàng Ðồng Minh. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, tập họp tất cả những thành phần yêu nước, không phân biệt chính kiến, đảng phái, tổ chức một cuôc biểu tình rầm rộ để mừng “độc lập”. Quần chúng, đồng bào, đã sống trong bầu không khí nghẹt thở, ngột ngạt của chế độ thực dân, sôi sục lòng phấn khởi, tràn ra đường hoan nghinh, reo hò. Tất cả mọi thành phần xã hội, khuynh hướng, đảng phái, tôn giáo…đều bày tỏ sự vui mừng trước “nền độc lập” bất ngờ. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất là đại biểu cho quyền lực lúc này.
Trước khí thế mạnh mẽ của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, được quần chúng ủng hộ, CS thấy thất thế. 6 ngày sau, CS lại tổ chức một cuộc biểu tình khác để mượn lực lượng quần chúng đã theo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất tuần trước, phô trương thanh thế của họ. Thực chất, trong cuộc biểu tình này, CS chỉ có một số cán bộ cầm cờ đỏ sao vàng đi trước và cái “Lâm Ủy Hành Chánh” của họ thành lập vội vàng, rồi trong đêm 24 rạng 25/8/1945, lén đem niêm yết trước Bồn Kèn (tức công trường Lam Sơn) để giành quyền lãnh đạo. Rõ ràng CS biểu dương bằng sức mạnh…của người khác. Trong bầu không khí sôi sục vì độc lập tự do, chưa phân biệt chính kiến, vô tình đồng bào đã trở thành công cụ phục vụ cho đảng CS. Tội nghiệp đa số quần chúng lao động ngây thơ, bị CS tuyên truyền lừa bịp, nên hết lòng phục vụ mọi mệnh lệnh của họ. Biết bao người trí thức, điền chủ, thương gia đã vì lý tưởng yêu nước mà từ bỏ cuộc sống nhung lụa, êm ấm, dấn thân vào chốn lửa đạn…để rồi chịu hy sinh, hoặc bị ám sát, khủng bố hay trở thành công cụ của họ. Tựu chung, họ trở thành viên gạch lót dường cho CS, gián tiếp phục vụ cho quyền lợi Quốc tế CS.
* “Lâm Ủy Hành Chánh” đại diện cho ai ?
Ở miền Bắc, từ rừng núi Thái Nguyên, ông Hồ Chí Minh tự phong cho phe nhóm của mình trở thành chính phủ, nắm quyền điều khiển việc nước. Ai trái với họ, bị coi là “Việt gian”, là “bán nước”. Ngày 2/9/45, cái chính phủ tự phong ấy trình diện tại vườn hoa Cột Cờ (sau gọi là Ba Ðình). Ở Saigon, một nhóm cán bộ CS chưa quá vài chục ngươi, lén lút lập ra “Lâm Ủy Hành Chánh”, phân chia các chức vụ với nhau, gạt bỏ tất cả mọi người yêu nước khác chính kiến, đảng phái, tôn giáo. Cũng nên nhắc lại, tại Saigon, trong 2 tuần lễ cuối tháng 8 và đầu tháng 9/45, đã có 3 cuộc biểu tình lớn nhứt trong lịch sử :
– Ngày 21/8/45, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất gồm các thành phần chính trị như:Việt Nam Ðộc Lập của Hồ Văn Ngà, Thanh Niên Tiền Phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – kỹ sư Kha Vạn Cân – nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, Liên Ðoàn Công ChứcPhật Giáo Tịnh Ðộ Cư SĩHòa Hảo, Cao ÐàiÐảng Lập HiếnViệt Nam Nhân Dân Thống Nhất Cách Mạng Ðảng, lãnh tụ nhóm Trốt-kít như Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Dương Văn Giáo (Ðảng Lập Hiến), Tạ Thu Thâu, luật sư Huỳnh Văn Phương, bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Sương… Cuộc biểu tình này tụ họp trước khán đài trên đại lộ Norodom (đường Thống Nhứt sau này), rồi sau đó tuần hành khắp thành phố Saigon – Chợ Lớn. Lần đầu tiên tại Saigon có cuộc biểu tình với 400,000 người tham dự đông đủ, khí thế sôi sục như vậy. Trước khán đài và trên đường phố chính, người ta đọc được các biểu ngữ phản ảnh chủ trương của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất như sau : Chống đế quốc Pháp, Chống ngoại xâm, Bảo vệ trị an, Bài trừ phản động.
Trước đó mấy ngày, 17/8/45, ông Trần Văn Ân, Chủ tịch Hội đồng Nam Kỳ, đã tiếp thu chính quyền từ trong tay quân Nhật. Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Nam Kỳ, ông Trần Văn Ân bổ nhiệm các ông :
– Hồ Văn Ngà, quyền Khâm sai Nam Bộ trong khi Khâm sai Nguyễn Văn Sâm từ Huế chưa về.
– Kha Vạn Cân làm Tư lịnh Saigon – Chợ Lớn.
– Chứng kiến cuộc biểu tình đầy khí thế đấu tranh và kết hợp mọi khuynh hướng, đoàn thể, cán bộ CS tức lồng lộng. Vẫn thủ đoạn nham hiểm, xâm nhập, lủng đoạn rồi cướp chính quyền từ trong tay Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, nên tối 24/8/45, Việt Minh lặng lẽ niêm yết danh sách “Lâm Ủy Hành Chánh” trước Bồn Kèn (ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Huệ). Sáng hôm sau, họ kêu gọi một cuộc biểu tình khác. Dân chúng ngỡ ngàng đọc danh sách “Lâm Ủy Hành Chánh” tự phong. Ðại diện mọi khuynh hướng chính trị, đảng phái trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất đều không được tham khảo ý kiến. Cuộc biểu tình lần thứ hai, cũng với thành phần dân chúng đã tham dự khi trước, chỉ khác là có một số cán bộ CS giương cờ đỏ sao vàng đi trước, và “Lâm Ủy Hành Chánh” đi kế bên. Ðây không phải là một cuộc phản biểu tình, mà chỉ là một sự thay đổi kẻ lãnh đạo, có mục đích phô trương để giành chính quyền.
Chủ trương củng cố tình đoàn kết, không tham quyền cố vị, các vị lãnh đạo trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất bày tỏ thiện chí bằng cách để “Lâm Ủy Hành Chánh” thay mặt điều khiển việc nước… Tối đêm đó, trong một phiên họp chung, ông Nguyễn Văn Sâm đồng ý trao quyền cho “Lâm Ủy Hành Chánh” kể từ đêm 25/8/45. CS đã khéo léo, tấn công “mặc cả hợp tác vói Nhật của người quốc gia”, nên đã thương lượng để Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất nhường quyền lãnh đạo cho họ.
Theo “Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc” của Nguyễn Long Thành Nam, trang 34, danh sách “Lâm Ủy Hành Chánh” cho chúng ta thấy hầu hết là những người CS như :
  • Trần Văn Giàu, Chủ tịch (CS).
  • Dương Bạch Mai, Thanh tra chính trị miền Ðông (Công an CS).
  • Nguyễn Văn Tạo, Nội vụ (CS).
  • Nguyễn Văn Tây, Thanh tra chính trị miền Tâyï
  • Các ủy viên : bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (mới ly khai với Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ngày 22/8/45 để gia nhập Việt Minh).
  • Từ Bá Ðước, Ðảng Dân Chủ, lãnh tụ Thanh Niên Tiền Phong ở Trà Vinh.
  • Kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, Đảng Việt Nam Ðộc Lập của Hồ Văn Ngà, ly khai.
  • Kỹ sư Hoàng Ðôn Văn thuộc Tổng Công Ðoàn, thiên tả.
  • Sinh viên Huỳnh Văn Tiễng (CS)
“Lâm Ủy Hành Chánh” lập Sở Công an, giao cho Nguyễn Văn Trấn (tác giả “Viết cho mẹ và quốc hội”) làm giám đốc, gọi là “Quốc Gia Tự Vệ Cuộc”. Lực lượng này không lo đánh Pháp, mà nhận chỉ thị của Trần Văn Giàu. Nguyễn Văn Trấn theo đó di khủng bố, bắt cóc, ám sát, thủ tiêu các thành phần lãnh đạo, các thân hào nhân sĩ có uy tín, thậm chí cả những người làm việc cho Pháp trước kia. Những tên dao búa chyên đâm thuê chém mướn như Tô Kỳ, Ba Nhỏ, Kiều Ðắc Thắng, Kiều Tấn lập…là tay sai trực tiếp của “Lâm Ủy Hành Chánh”, để thi hành các mật lịnh. Dân chúng đang say sưa trước cao trào độc lập tự do, khi thấy cờ đỏ sao vàng xuất hiện, họ bàng hoàng, nhưng rồi cũng tự an ủi :
– Ai lãnh đạo cũng được, miễn họ chống Pháp để giải phóng quê hương.
Còn lãnh tụ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất thì sẵn sàng giao quyền hành cho bất cứ ai có hy vọng thành công, giải phóng đất nước. Ông Hồ Văn Ngà, trong một cuộc mít tinh trước vườn Ông Thượng (sau này là sân Tao Ðàn) cũng tuyên bố :
“…Thế nên, người VN nào đảm đương được và có hy vọng thành công, chúng tôi sẵn sàng tán trợ. Nghĩa là lúc nào chúng tôi cũng đặt nền độc lập của tổ quốc trên địa vị. Ai bảo khôn, ai bảo dại, ai chê hèn yếu, chúng tôi nhận lãnh cả. Miễn tránh được sự đổ máu của đồng bào, để dành bầu máu nóng ấy, mai sau hy sinh cho đúng chỗ hy sinh”. (“Phật giáo Hoà Hảo trong dòng lịch sử dân tộc”, trang 344).
Người quốc gia vừa thành thật, vừa tỏ thiện chí như thế, dọn đường tạo cơ hội cho CS cướp chính quyền mau chóng ! Với vài mươi cán bộ, CS đã biến cuộc biểu tình tuần hành ngày 25/8/45 thành một cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của họ. Cũng cần nhớ lại hoàn cảnh năm 1945 rằng hầu hết giới thanh niên không phải thân Nhật hay có cảm tình với CS, mà vấn đề chính là họ chưa biết CS là gì. Núp dưới chiêu bài Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh, gọi tắt là Việt Minh, CS lừa bịp dư luận, khiến cho mọi người hiểu lầm rằng tổ chức đó là một mặt trận liên minh tất cả các đảng phái của người quốc gia ! Một vị cao niên kể lại rằng tối đêm 28/5/45, có dự phiên họp giữa Lâm Ủy Hành Chánh và đại diện Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, đại diện Lâm Ủy Hành Chánh là Trần Văn Giàu nói :
– Các lãnh tụ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất bị mang tiếng cộng tác với Nhật, do đó sẽ bị (quân đội) Ðồng Minh coi là kẻ chiến bại, có thể bị kết án tội phạm chiến tranh vì đã làm “tay sai cho Nhật”. Chi bằng bây giờ quí vị tạm rút lui trong bóng tối, nhường quyền đại diện dân chúng Nam Bộ cho Việt Minh để tránh bị Ðồng Minh coi là kẻ thù khi đến tiếp thu và giải giới quân Nhật. Hơn nữa, Việt Minh từng chiến đấu chống phát xít Nhật và đế quốc Pháp, sẽ được Ðồng Minh dành cho nhiều cảm tình. Ðiều đó có lợi cho đất nước.
Lời nói điêu ngoa nhưng lại dịu dàng nghe bùi tai. Hơn nữa, các lãnh tụ trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất là những người yêu nước, đặt quyền lợi tối thượng của tổ quốc trên hết, nên tạm thời rút lui. Trong bài phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Ðang đăng trên báo Nhân Dân, trang 2, đã viết :“…người ta biết các anh (CS) nhứt định sẽ gây nội chiến, nên đành phải nhường. Ngoài Bắc, trong Nam cũng vậy cả thôi”.
– Vì thế, ông Nguyễn Văn Sâm, khâm sai Nam Bộ, đại diện cho Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất trao quyền cho Lâm Ủy Hành Chánh điều khiển việc nước. Như vậy, rõ ràng trước sức mạnh của đại diện các đảng phái, tôn giáo, CS yếu thế, nên đã dùng thủ đoạn để dành nắm quyền. Cuộc mít tinh lớn nhất tổ chức ngày 2/9/45 tại Saigon do Việt Minh nắm quyền lèo lái, mặc dầu thành phần tham dự vẫn là những người của mấy cuộc biểu tình trước.
Cũng buổi sáng hôm ấy, khắp các đô thị lớn trong nước như Hà Nội, Huế, Hải Phòng, các tỉnh lỵ như Cần Thơ, Sóc Trăng…đều có tổ chức biểu tình “mừng độc lập”. Ðó là một thứ độc lập không do tranh đấu mà có. Có người cho rằng “độc lập giả hiệu”, bởi vì chính quyền Nhật đã đầu hàng, quân Pháp thì chưa tới, nên chính quyền ở VN bỏ trống. Ông Phan Khôi đã nhận xét :
“Ta lượm được chính quyền, chứ cướp cái nỗi gì ? Tại Huế, nhiều huyện, xã, ủy ban khởi nghĩa không có, như Thọ Lộc, khu phố 5…, các Lý Hương phải khăn đen áo dài, để sổ đinh, sổ điền trong mâm thao, trên phủ khăn điều đến trụ sở Việt Minh “xin tổ chức này cướp chính quyền cho”. Thậm chí một xã gần thành phố Huế như Hồ Lâu, Dương Xuân Hạ mới thành lập gần Ðập Ðá, nằm về phía Tây Vỹ Dạ…cũng đề nghị Việt Minh đến “cướp chính quyền dùm họ”.
Trong cuộc biểu tình ở Saigon vừa đề cập trên, Lâm Ủy Hành Chánh lại dẫn đầu tuần hành. Khí thế cuộc biểu tình vô cùng khích động, sẵn sàng gây chiến. Khi cuộc biểu tình diễn hành qua trước Nhà Thờ Ðức Bà, để quẹo sang đường Catinat (Tự Do), từ trên lầu cao có tiếng súng lẻ tẻ bắn xuống. Ðó là mấy người Pháp muốn khuấy rối. Ðám đông cuồng nộ, công an, Thanh Niên Tiền Phong liền túa ra lục soát khắp các dãy phố 2 bên dường 2 bên dường. Họ bắt được 2 người Pháp và xử tử tại chỗ (trong đó có linh mục Tricoire) không cần cứu xét và làm nhiều người bị thương. Báo Cứu Quốc của Hà Nội đăng tin :“Ðội xung phong của chính phủ bắt giữ 30 người Pháp và một số Việt gian”.
Danh từ “Việt gian” xuất hiện từ đó. Ai bị gán cho tiếng “Việt gian” có nghĩa là chết hoặc bị thủ tiêu. Mọi người mới bắt đầu lo sợ Lâm Ủy Hành Chánh vì những hành động giết ngươi mờ ám của họ.
Thấy CS chuyên quyền làm nhiều việc mất đoàn kết, không lo tổ chức việc phòng thủ chống lại Pháp đang lăm le đưa quân vào tái chiếm miền Nam, họ lại lo giết những người đối lập, những kẻ tình nghi, những người trước đây có làm việc cho Pháp, nên trong phiên họp ngày 7/9/45, đại diện Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất yêu cầu Lâm Ủy Hành Chánh cải tổ. Trước tình thế ấy, buộc lòng CS phải cải tổ, đưa Phạm Văn Bạch, một luật sư, con một đại điền chủ ở Trà Vinh, lên làm chủ tịch, Trần Văn Giàu vẫn là phó chủ tịch, nắm quân sự. Lần này trong số ủy viên dự khuyết có các ông :
  • Phan Văn Hùm.
  • Trần Văn Nho.
  • Nguyễn Văn Thủ.
  • Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, cố vấn đặc biệt.
Thật ra Phạm Văn Bạch chỉ giữ hư vị, mọi quyền hành vẫn nằm trong tay cán bộ CS. Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn sai mật vụ núp dưới danh nghĩa Thanh Niên Tiền Phong, Tự Vệ Cuộc đi lùng bắt, ám sát, khủng bố các lãnh tụ quốc gia, tôn giáo là những người vừa mới hợp tác với họ, được họ mời giữ chức vụ này, chức vụ nọ trong Ủy ban Hành chánh. Chỉ nội trong 2 tuần lễ, từ 25/8/45 tới 7/9/45, mà Lâm Ủy Hành Chánh khủng bố, ám sát, tiêu diệt các nhân vật trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất mà cách đó không lâu CS năn nỉ xin nhường quyền lãnh đạo. Tình trạng trở nên ngột ngạt. Không khí hoang mang, nghi kỵ bao trùm. Khối đoàn kết quốc dân bị rạn nứt. Tiềm lực chiến đấu bắt đầu suy yếu. CS tiếp tục ra lịnh ám sát, bắt cóc, thủ tiêu các nhân vật sau đây : Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (nhưng thất bại), Vũ Tam Anh (tức Nguyễn Ngọc Nhan) bị công an của Trần Văn Giàu là Lý Huê Vinh bao vây bắt tại Xóm Thơm (không thành công), nhưng CS đã thành công trong việc tới nhà ông Bùi Quang Chiêu để hạ sát toàn thể gia quyến một cách dã man. CS bắt các ông Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh, Lương Trọng Tường…chờ ngày thủ tiêu. Ðược biết, từ đầu tháng 9/45, CS được bổ sung cán bộ từ Côn Ðảo trở về. Cũng cùng lúc đó, ngoài Bắc, Hồ Chí Minh sợ CS ở Nam Bộ ly khai nên phái Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lĩnh, Nguyễn Thị Thập…vào Nam để kiềm chế và tăng cường. Vì đã có thêm sức mạnh trong tay, nên Việt Minh mới trở mặt. Thay vì tổ chức kháng chiến chống Pháp thì Việt Minh đã tập trung sức mạnh để tiêu diệt những người quốc gia cùng chiến tuyến chống Pháp với họ.
Hành động lộ liễu nhứt là bao vây triệt hạ vị lãnh tụ Phật Giáo Hòa Hảo.
Ðêm 9/9/45, Trần Văn Giàu ra lịnh cho Quốc Gia Tự Vệ Cuộc, tức Công an võ trang, đến bao vây trụ sở Phật Giáo Hoà Hảo ở số 8 đường Sohier, góc đường Miche, để lùng bắt Ðức Huỳnh Phú Sổ. Nhưng họ chỉ bắt được các tín đồ và chức sắc, còn giáo chủ thì không tìm thấy (“Phật Giáo Hoà Hảo trong dòng lịch sử dân tộc”, trang 373).
Ông An Khê Nguyễn Bính Thinh kể lại vụ này như sau :
“Nguyễn Văn Mười, tự Mười Bạch, làm trưởng bót cảnh sát Quận 1 thời Nhật, đã ngả theo Việt Minh. Một hôm Mười Bạch nhận được lịnh quái gở“đánh vào trụ sở Phật Giáo Hoà Hảo để bắt Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ”. Mười Bạch đã từng chịu ơn Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ khi ra khỏi Khám Lớn Saigon. Anh đến tá túc tại trụ sở của vị Giáo chủ Hòa Hảo và Ðức Thầy có biệt nhãn với anh. Ðêm hôm ấy, Mười Bạch cố tình đến họp quân trễ hơn nửa giờ và mật báo cho Ðức Thầy biết… Vì thế, sau khi bao vây và tấn công vào 2 tòa nhà của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, Việt Minh không tìm ra vị Giáo Chủ Hòa Hảo, mà chỉ bắt hơn 300 tín đồ, với cấp chỉ huy Ðệ Ngũ sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp lập ra để chống xâm lăng”.
Cũng nên nhắc thêm, trước đó thời Nhật thuộc, Nguyễn Thành Long làm cảnh sát trưởng Quận 3, và Mười Bạch coi Quận 1. Khi Việt Minh cướp chính quyền, họ ngả theo Việt Minh để đánh Pháp. Ðột ngột Bạch và Long nhận được lịnh của Lâm Ủy Hành Chánh “giải tán các quận cảnh sát”. Các bót bỏ trống và võ khí phải trả lại cho Pháp (?). Theo lời nhà văn An Khê, trong bót Quận 1 có 25 súng trường, 25 súng trái khế, và Quận 3 có 15 súng trường…tất cả đều giao trả cho Pháp. Các cảnh sát trưởng kinh ngạc đến tột độ và gặp Trần Văn Giàu chất vấn thì Giàu ngụy biện :“Chính phủ đang thương thuyết với Pháp. Ðể tỏ thiện chí, ta giao súng cho họ”. Rõ ràng là CS đã có âm mưu triệt hạ tất cả mọi nhóm có võ trang ngoài họ.
Một chuyện lạ tại Rạch Giá được nhà văn An Khê thuật lại như sau :
“Về sau, đến năm 1945, trong khi toàn quốc chuẩn bị kháng chiến chống xăm lăng, chúng tôi, một nhóm chính trị phạm quốc gia ở Côn Ðảo về, lập ra Cảm tử quân, gồm 2 đại đội, khoảng 600 người, quyết tâm bảo vệ quê hương. Ủy Ban Kháng Chiến mới của CS muốn lôi kéo 2 đại dội Cảm tử quân về phía họ, nhưng không được, vì những người cầm đầu là những người tù chính trị ở Côn Ðảo về, biết rõ bộ mặt thật của CS. Không ăn được thì phải phá cho nát. Chủ tịch CS tên Tiểng (không phải sinh viên Huỳnh Văn Tiểng), liền bắt một số Cảm tử quân nồng cốt và “gởi đi thụ huấn”. Tách một đại đội qua trấn giữ Châu thành Hà Tiên đang bị Pháp từ Miên đe dọa đánh qua. Hai em gái tôi (lời nhà văn An Khê) trong đảng Tân Dân Chủ, không chịu ngả theo CS, đang đóng tại Hòn Chông, Hà Tiên, bị CS ruồng bắt (gọi là tảo thanh), phải nhờ người dẫn đi trốn qua Quận Long Mỹ do Lý Thanh Cần (tức nhà báo Nguyễn Kiên Giang sau này) làm chủ tịch để nương đậu. Tưởng vậy đã yên, nào ngờ 2 hôm sau, Pháp vượt biên giới Hà Tiên, thì một lần nữa CS phát nát 2 đại đội Cảm tử quân như sau :
– Chiến tuyến đầu, giữ mặt trận Hà Tiên do quân đội của Lâm Quang Phòng (ông hiện cư ngụ tại Cali), phải rút về Hòn Ðất.
– Chiến tuyến thứ hai, do Cảm tử quân Lê Hiền và Hà Ngọc Phú chỉ huy, bị CS tước khí giới giải tán cho về Rạch Giá.
– Tại Rạch Giá, CS cho khám xét trụ sở Cảm tử quân, tước hết súng ống của họ và giải tán tổ chức này. CS bắt theo một số anh em Cảm tử quân, trong đó có anh tôi, Nguyễn Bính Tiên”.
Tại Sóc Trăng, theo ông Vương Hồng Sển trong cuốn hồi ký “Hơn nửa đời hư”, trang 386, có thuật lại như sau :
“Ngày 19/8/45 có cuộc biểu tình đòi đôc lập và hoan nghênh ông Nguyễn Văn Sâm được Hoàng đế Bảo Ðại phong làm Khâm sai Nam Bộ, Hồ Văn Ngà làm phó. Ông Sâm là người quê ở Bang Long (Giếng Nước), Sóc Trăng.
“Thấy thế yếu, hôm sau ngày 20/8/45, CS lại tổ chức biểu tình nữa. Lần này họ dùng lực lượng Thanh Niên Tiền Phong làm nồng cốt, rồi giương cờ đỏ sao vàng đi trước. CS dành quyền chủ dộng tổ chức thêm một cuộc biểu tình mừng độc lập ngày 2/9/45. Lần này họ hô khẩu hiệu “Bắt cóc bọn thân thiện với Pháp”. Họ lập Ủy ban hành chánh địa phương, gồm các ông Dương Kỳ Hiệp (thân cộng), Tạ Bá Tòng (CS) với Trương Ðại Lượng, Chung Bá Khánh (Cao Ðài) làm cố vấn và một nhân sĩ Cao Ðài. Rõ ràng khi còn yếu, họ liên hiệp trong một ủy ban. Rồi tối đến, họ mời đi họp và thủ tiêu những người mới liên hiệp với họ. Mấy ngày kế tiếp là những vụ bắt bớ, ám sát, thủ tiêu các nhân vật từng hợp tác với Pháp hay Nhật. Không khí nghi kỵ chia rẽ bao trùm.
“Chiếm được chính quyền rồi, Lâm Ủy Hành Chánh được lịnh tổ chức “Tuần lễ vàng” ngày 16/9/45 để thu góp vàng bạc trong dân chúng, nói là để mua đạn đánh Tây. Thực chất số vàng quyên góp được (không công bố là bao nhiêu) chỉ để củng cố đảng CS lúc này đang yếu thế. Trong bầu không khí phấn khởi mừng độc lập, chúng kêu gọi mọi người móc hầu bao, vòng vàng, bông tai..đem nạp cho ủy ban nhóm tại trụ sở mỗi làng. Vừa áp dụng tâm lý, vừa tuyên truyền “mua súng đạn đánh Tây, lập ngân quỹ cứu trợ nạn đói…”
Ở Nam Bộ, trong “tuần lễ vàng”, CS đã thâu được một số kếch xù. Theo Trần Văn Ðôn trong cuốn hồi ký Việt Nam Nhân Chứng cho biết chính ông Bộ trưởng Huỳnh Thiện Vang mang 12 bao bố loại bao chỉ xanh, chứa đầy vàng đem ra Bắc giao cho chính phủ Hồ Chí Minh. Số vàng quyên góp của dân chúng được xử dụng ra sao ? Nhà văn Hoàng Qyốc Kỳ, một cán bộ trung ương của Ðảng, tiết lộ :“Ông Hồ cho cán bộ đem vàng lên Ðồng Văn đổi lấy thuốc phiện của người Mèo về cung phụng cho Tiêu Văn, Lư Hán. 2 tướng này được Hồ Chí Minh hối lộ hàng tấn vàng bạc với điều kiện là không được ủng hộ, cung cấp vũ khí, che chở cho đảng phái Việt Cách và Việt Quốc. Riêng Tướng Lư Hán, Hồ Chí Minh còn tặng một bộ bàn đèn để hút thuốc phiện bằng vàng ròng”.
Khi theo phái đoàn tham dự Hội nghị Fontainebleau, Hồ Chí Minh cho mang theo 20 kg vàng để tặng báo L’Humanité, tờ báo thân Cộng, để họ ủng hộ đảng CS. Sách Ðường Xuyên Tây của tác giả Nguyễn Hùng, nhà xuất bản Long An năm 1990, trang 81-82 viết :
“Theo chỉ thị của bác Hồ, tất cả chi phí giúp đỡ 3 ông Hoàng Lào, rồi qua tỵ nạn tại Bangkok : ông Hoàng Phouma, Be’sarat và Souphanouvong. 2 ông trên có vợ đầm, còn ông Souphanouvong có vợ Việt là bà Kỳ Nam, người Việt quen gọi là “Cô Tám”.
“Bằng số vàng của đồng bào Nam Bộ lạc quyên trong “tuần lễ vàng”, mà Xứ ủy Năm Ðông (Dương Quang Ðông) đã mang qua Thái Lan. Theo chỉ thị của trung ương, các đồng chí Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tìm cách đưa 3 ông Hoàng Lào từ Thaket qua Thái Lan. một phái đoàn được chỉ định lo “công tác này”, gồm các đồng chí Nai Sà Wạch Trọng, Ban và Năm Ðông…đem vàng và tiền đi rước 3 ông Hoàng qua đất Thái Lan tỵ nạn. Tới Thái, cả 3 ông được ngụ trong một biệt thự sang trọng kà pi (?) và được cấp một chiếc xe Ford để 3 ông đi chơi”.
3 ông Hoàng Lào ấy không phải là tổ tiên của dân tộc VN, mà sao CS lại tự tiện mang vàng cung phụng, chu cấp, còn những người yêu nước, khác chính kiến thì CS lại thủ tiêu, giết hại dã man. Chính sách của CSVN trước sau như một.
Mới chiếm được chính quyền, Lâm Ủy Hành Chánh vội vàng lập Quốc Gia Tự Vệ Cuộc, giao cho Nguyễn Văn Trấn đi lùng bắt, ám sát, khủng bố, cho mò tôm… Ðó là những người mới liên hiệp với họ vài hôm trước. Phạm Hùng (từ Côn Ðảo mới về), Kiều Ðắc Thắng, Kiều Tấn Lập,…được lịnh lùng sục khắp nơi, bắt các nhân sĩ, lãnh tụ các đảng phái, tôn giáo, thậm chí đến những viên chức hội tề đã về hưu.đem thủ tiêu rồi chụp mũ họ là “Việt gian”.
Giữa lúc đất nước lâm nguy, cuộc kháng chiến chống Pháp cần sự đoàn kết toàn dân, thì CS lại chủ trương hòa hoãn với thực dân, nhượng bô họ để rảnh tay tiêu diệt những đồng bào cùng chiến tuyến. Hành động ấy làm tan rã sự đoàn kết, tiềm năng chiến đấu suy yếu. CS lèo lái cuộc kháng chiến chống Pháp đi theo một đường vòng vo để có đủ thời giờ nắm tất cả quyền chỉ huy và tiến hành đưa nước ta vào quỹ đạo CS Quốc Tế. Ông Dương Ðình Lôi đã kể lại việc CS giết một ông Cả, lúc đó đã về hưu trên 70 tuổi, vì đã cộng tác với Pháp trước kia :
“Chính Bảy Trấn, tức Nguyễn Văn Trấn, vào năm 1945-1946 đã ký tên, ra lịnh bắt giết rất nhiều người có liên quan tới chính quyền thuộc địa Pháp, nhứt là Hương chức, Hội tề…vì sợ chính quyền Pháp tái lập chính quyền bằng những thành phần này.
“Ông Cả Ðần tại làng Tân Bửu, bị nhân viên Quốc Gia Tự Vệ Cuộc bắn chết tại sân nhà khi ông đang cúng Phật trước bàn thông thiên. Năm 1945, ông Cả Ðần đã 72 tuổi, hưu trí từ lâu..
Theo lời ông Trần Văn Ân trong cuốn Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, trang 415 :
“…Số là ông Hội đồng Nhiều (Hội đồng Thành phố Saigon Nguyễn Văn Nhiều) đã chứa chấp Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ trong nhà với vài người khác, đương đêm bị Việt Minh vào nhà bắt đi và giết chết, chặt thành nhiều khúc, xác bỏ dọc đường mương trông rất thê thảm…”
Lúc ấy Việt Minh muốn giết ai thì họ chỉ cần phao tin những người đó là “Việt gian”. Ai bị mang tiếng Việt gian chỉ còn chờ chết mà thôi. Hình thức giết người của Việt Minh rất tàn bạo : chặt đầu, mổ bụng dồn trấu, trói thúc ké thả xuống sông…mò tôm để tiết kiệm đạn.
Trần Văn Giàu còn ra lịnh, “Chính phủ Nam Bộ đang lập ủy ban điều tra mỗi tỉnh để xem xét và tố cáo bọn phản quốc. Bọn này sẽ bị ra tòa án nhân dân trừng trị, tài sản bị tịch thâu, ruộng đất của họ sẽ bị lấy chia cho dân nghèo…” (Thông cáo ngày 8/9/45, Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc“, trang 365).
Trong một đoạn khác của cuốn sách trên, ông Trần Văn Ân cho biết :
“…chính Bảy Viễn, lúc mới ra hợp tác với Lâm Ủy Hành Chánh, được lịnh Trần Văn Giàu và Nguyễn Văn Trấn để hạ sát mấy trăm người trí thức ở Saigon, nhưng Bảy Viễn không giết. Thí dụ kỹ sư Lê Văn Ngọ (nhạc phục bác sĩ Trần Lữ Y) bị Thanh Niên Tiền Phong bắt trói dưới cột cờ, đợi giờ mổ bụng dồn trấu. Bảy Viễn đi qua hỏi :
– Bắt thằng này trói dưới cờ để làm gì ?
– Thưa đợi giờ mổ bụng dồn trấu !
– Tại sao ?
– Thưa, vì có vợ đầm !
Bảy Viễn ra lịnh :”Thả nó đi. Có vợ đầm kệ nó. Có vợ đầm chưa phải là Việt gian”. (Nên nhớ Phạm Văn Bạch, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đều có vợ đầm !)…
Khi được Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn trao cho danh sách mấy trăm trí thức “Việt gian phải giết”, Bảy Viễn chửi thề :
– ĐM! Ðộc lập mà giết hết trí thức thì lấy ai làm việc !
Ông Hồ Văn Ngà đang ngủ. CS đập cửa vào mời đi họp, rồi bắt đem giam ở Cà Mau. Nghe tin Pháp đánh xuống Cà Mau, Việt Minh đem ông Ngà xuống Hòn Ðá Bạc trấn nước chết. Trước khi chết, ông Ngà đã nói :
– Mấy anh có giết tôi thì giết, đừng nói tôi là “Việt gian, phản quốc”.
Lợi dụng cuộc hưu chiến ngắn ngủi ngày 8/10/45, công an Việt Minh đã bủa lưới bắt trọn các lãnh tụ Ðệ Tứ (Trốt-kít) như các ông Trần Văn Thạch, Phạm Văn Chánh, Nguyễn Văn Sổ, luật sư Huỳnh Văn Phương, bác sĩ Hồ Vĩnh Ký cùng vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Sương, luật sư Dương Văn Giáo…tất cả là 64 người, đều bị giết tại cầu Bến Phân (Hạnh Thông Tây, Gò Vấp) hay chôn sống tại sông Lòng Sông (Mường Mán, Phan Thiết)…
Trước khi chạy thụt mạng xuống Chợ Gạo, Ủy ban hành chánh của Trần Văn Giàu còn chôn sống hàng trăm người trí thức ở Quơn Long (Chợ Gạo), trong đó có luật sư Huỳnh Thái Thông; khai sanh viết là Hình Thái Thông). Có người biết chuyện kể lại rằng vì các ông Hồ Vĩnh Ký, Huỳnh Văn Phương, Dương Văn Giáo…đã nắm được hồ sơ Trần Văn Giàu đã cộng tác với mật thám Pháp là Arnoux. Hồ sơ này bị Nhật tịch thu khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9/3/45, trao lại cho ông Hồ Vĩnh Ký, lúc ấy đang làm giám đốc công an Nam Bộ. Trong hồ sơ, Trần Văn Giàu đã cam kết với Pháp là chỉ điểm những phần tử quốc gia chống Pháp, hợp tác với Nhật, để đổi lại Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai được bố trí cho vượt ngục giả tạo.
Ngoài ra, ông Dương Ðình Lôi còn cho biết Trần Văn Giàu đã được Pháp gởi một em đầm tới cho Giàu mua vui, và thả những người Pháp bị bắt giữ làm con tin khi Lâm Ủy Hành Chánh nắm quyền.
Cũng trong chiến dịch sát hại những người yêu nước không theo CS, Trần Văn Giàu đã ra lịnh giết Tạ Thu Thâu ở Quảng Ngãi, Diệp Văn Kỳ (con ông Diệp Văn Cương và Công chúa Thiên Niệm) ở Tha La (Trảng Bàng). Rồi sau đó, CS lại ám sát Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ tại Ðốc Vàng, do tên Bửu Vinh thi hành. Tác giả Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã viết trong một bài báo “Ðời Mà Anh Trấn”, như sau :
“Ông Trấn chẳng còn bao lâu nữa, hãy vâng lời ông Như Phong nhắn trên đài BBC, nhớ lại càng nhiều càng tốt, những ngày giờ, nơi chốn mà ông đã chôn sống những ai..rồi thông báo cho thân nhân họ, để con cháu biết mà bốc nắm xương tàn, để biết đích xác ngày tháng mà cúng giỗ”.