Sunday 12 April 2015

Phan Nhật Nam: Thư của người tình hư vô

(Chân dung người giải phóng: ...Người dân rời xóm làng để lại nơi chốn cho những người ”giải phóng”. Họ đi từ Bắc vào, từ Thanh Hóa, Nghệ An xuống Đồng Hới, băng qua biên giới dọc theo Tchépone, Mường Nông xuôi dần xuống phía Nam, rẽ vào Kontum hay mặt trận B3 hoặc tiếp tục xuống vùng Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt trước khi qua lại biên giới để vào Lộc Ninh, cách An Lộc 18 cây số - Hành lang di chuyển mở rộng không chướng ngại. Họ đến An Lộc từ đầu tháng Tư sau sáu tháng di chuyển và bắt đầu “được” xích vào cần chân ga thiết giáp, xích vào cây để bắn máy bay và xích vào cổ người bên cạnh để đi hết lời nguyền “Sinh Bắc Tử Nam”. Ôi, nhưng đó chỉ là bề ngoài, một bề ngoài giả dối tội nghiệp để che chở phần tinh thần đổ nát, tan vỡ trong kinh hoàng, khiếp đảm. Làm sao không sợ được, vì trong đêm 11 rạng 12 tháng 5, sau khi được 8000 quả đạn dọn sạch đường, 3 trung đoàn, mỗi trung đoàn quân số 3 Tiểu đoàn đầy đủ được“ tùng thiết” với một đại đội chiến xa thuộc các trung đoàn 203 và 303 thiết giáp, tưởng sẽ san bằng An Lộc, giết toàn thể lính Mỹ Ngụy, không để sống một người dân. Mười bẩy “pass” B52, mỗi “pass” đi qua do 3 phi cơ thực hiện với 42 quả bom 500 ký, 24 quả bom 250 ký. 17 pass bom sát nách An Lộc 600 thước, chiếc hầm béton của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn I Dù “di chuyển” theo cơn rung của bom. Bom chiến lược, với nguyên tắc chỉ thả cách quân bạn khi có khoảng cách an toàn từ hai cây số trở lên. Cuộc đánh bom phải do chính Trung Tướng James Hollingswoorth của Vùng III điều khiển. Và chỉ một “pass” bom ở Trãng Bàng cũng đủ làm cho thành phố Sài Gòn chuyển động, cách nơi đánh bom 30 cây số đường chim bay! Con người nào chịu nổi 17 pass bom đi trên đầu, bao chung quanh không phải từng lớp nhưng từng chồng, từng tảng âm thanh mà cường độ nằm ngoài sức tưởng tượng... Sợ, phải sợ, dù người có được đúc bằng thép, thép cũng chảy, người có uống thuốc liều, thuốc cũng phải tan, Marx, Lénine, Hồ Chủ Tịch, Võ Đại tướng chẳng còn là cái quái gì trong khối không gian điên đảo tàn khốc đó - Sợ, nên dù có bưng bít, che dấu trong lá thư gởi về gia đình ở Nghệ An, Nguyễn Đình Nghiêm, ám danh quân số và đơn vị là HT 810042 SZ 7, sau một thời khuyên nhủ gia đình “công tác tốt để đạt được tiêu chuẩn... Em Ba hãy gắng học tập để tiến bộ đúng sự hướng dẫn của Đảng...” Cuối thư không thể cầm lòng được, Nghiêm viết thẳng: “Điều kiện chiến trường rất gian khổ, vô cùng khó khăn, thư có khi 2, 3 năm không viết được, nên gia đình cha mẹ chớ trông thư con”. Viết thế nào được dưới 17 pass B52 đó? Viết thế nào được dưới AC 130 Spector bằng Ra-đa ba quả 105 ly một?! Không viết thư được là chuyện bắt buộc. Không thể sống được là điều tất nhiên. Làm sao có thể sống được hở người Cộng Sản? Làm sao để sống và chiến thắng hở ông Võ Nguyên Giáp - “Thiên tài ngu muội” của lịch sử dân tộc. Lỗi lầm này mấy biển rửa cho tan. Oán hờn chồng chồng cao ngất.

Ở đây, mặt trận với tàn khốc ngập trời, hậu phương lớn ngoài Bắc thì được “bồi dưỡng” với hạnh phúc, “Tết này em sẽ mua về cho Mạ 1, 5 cân đường, hợp tác xã ủy nhiệm cho gia đình người đi nghĩa vụ quân sự số lượng đường với tiêu chuẩn đó. Mạ có nói đem bột, trứng qua bên này, nhưng như vậy thì tốn quá... Em sẽ làm 50 cái bánh và một gói chè và Mạ đã nhất trí ...” Trời đất hỡi, còn tội nghiệp nào nữa hả trời, ba năm đi làm giải phóng được “hỗn hợp vui vẻ” bằng phần thưởng 1, 5 cân đường!!Anh “giải phóng” cho ai và để làm gì hở anh Nguyễn Văn Hưu (số quân, đơn vị 271003TB004)?! Anh giải phóng đồng bào miền Nam để “nhất trí tiến bộ xã hội” với 1, 5 cân đường sao anh?!

Trước An Lộc, không có một luận lý nào có thể tồn tại được, chỉ còn tiếng thở dài bi thiết để nén khối đau ra lồng ngực và chớp mi mắt mọng cay tưởng rơi giọt nước vô hình. Nhưng, khóc cũng không nổi...(Trích: Mùa Hè đỏ lửa, 1972).

Di chuyển trong 6 tháng với cơm khô muối hột, dự trận chiến vô vọng, lại có thêm hoàn cảnh để so sánh. Người dân miền Nam và miền Bắc. Có thư viết về Bắc thú nhận : “Vấn đề bồi dưỡng tại chiến trường lúc này đã tiến bộ, không còn thiếu thốn như ở thời gian di chuyển (từ Bắc vào) nữa” . Được ăn ngon, thấy rõ dân tình, trạnh nhớ đến gia đình nơi xa thiếu thốn, đường về không còn lối, lòng người lính Bắc trẻ tuổi trùng hẳn xuống đến độ thấp nhất, trong cơn ngất ngư lại được “bồi dưỡng” thêm bởi những giòng thư thương nhớ, cái nhớ trùng điệp như Trường Sơn, mịt mù như rừng thẳm, nhớ tha thiết, nhớ giỏ máu, cắt da ... Nhớ và cảm thấy được hết nỗi tuyệt vọng của cuộc tình chia cách. Sức mạnh nào để cầm cây súng, trái tim nào còn đập theo nhịp căm hờn. Người lính Bắc hay gã lính xâm lược ngụy danh cay đắng trong chiến trường lộ mặt, “Áp lá thư em vào ngực anh đọc đã mấy chục lần ...”.Người tình hư không đã viết vào nhật ký để trả lời cho bức thư tha thiết. Thư của Người - gởi - Người. Người yêu dấu không bao giờ gặp lại. Những bức thư có những nội dung như sau :

"Anh Hưu thương :

Thế nào, hai Chủ nhật trôi qua có nhớ lắm không ?Có thể nói từ khi anh và em cùng nhau bắttayxây dựng vợ chồng thì hai Chủ nhật này là hai Chủ nhật khó khăn và nặng nề vượt qua lắm anh hè. Em biết lắm rồi, trong những giờ phút đó anh muốn thét lên thật to để làm sao ôm lại những lời nói của anh, rồi cùng anh nói chuyện, em cũng biết lắm những bước chân đi trong những giờ phút đó nó như một con người không có tri giác mà những bước 9di đó không hề biết đến, không hề nhớ đến, đầu óc sẽ triền miên suy nghĩ, những cái gọi là kỷ niệm ở đời sẽ hiện ra và bắt đầu như diễn kịch trước mắt.Thật đúng tâm trạng của anh lúc đó em sẽ đoán được, vì sao em lại biết tài như thế ?Vì em đã nằm giữa trái tim anh, dòng máu của anh đã cùng chảy theo nhịp thở của em, cho nên dù sao, dù ở phương trời nào em đều đoán được.

Thế nào rồi đó, chân sưng to không bằng cái “cột đình” chưa ? Vai đã lột những lớp da bên ngoài gọi là “hồng hào” chưa ? Có đau lắm không anh ? Có hỏi họ để tìm lá dầu ngoại khoa mà bóp chưa, nhức lắm anh hè. Anh Hưu ơi, em biết đi đường vất vả lắm rồi đó, ăn uống khô khan như vậy có mua gì cải thiện đến không ? Trên đường đi có xẩy ra đau ốm gì không ? Nghĩ đến đó em tê buốt cả người, càng thêm nhớ nhung suy nghĩ, có sinh ra cái mụt nào để làm thêm đau đớn bản thân không ? Vì mùa này là mùa mụt của “đồng chí” đấy phải không Thủ trưởng. Hai chữ Thủ trưởng nói cho vui vậy thôi, chứ không phải em mơ ước như vậy đâu nhé. Thật ra tâm trạng của em chỉ mơ ước rằng sao cho ba năm nghĩa vụ xong anh được an toàn cùng về với em, em muốn nhắm mắt làm sao thời gian sẽ trôi nhanh đi và nhanh đi nữa để anh và em được về sống trong một ngôi nhà nhỏ hẹp, để cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau hưởng những hạnh phúc đẹp đẽ. Những hạnh phúc đẹp đẽ, những cái đó em nuôi một mơ ước, một mộng đẹp, chứa đựng nó trong một khối óc, trái tim đầy tìnhchung thủy của tình nghĩa vợ chồng đã nhen nhúm từ lúc đầu. Anh ơi, xa anh đi, em nhớ lắm, em thương anh lắm, anh nói, anh cười, anh trìu mến thương, em làm sao quên được. Có ai hiểu thấu tâm trạng của em trong những lúc nhìn vật của anh, từ nét chữ anh viết cho em, rồi đến cái nhìn nữa ... Chao ơi em muốn bấu lấy mà nhìn, nhìn mãi, nhìn vui nào cho chán được. Anh Hưu ạ, nói mãi cũng không hết nhớ nhung của em lúc này đối với anh, thôi em nói chuyện khác anh nhé ...".

Trên đây là hai trang đầu tiên của chị Nguyễn Thị Hàng, giáo viên ở Nghệ An viết gởi anh Lê Văn Hưu địa chỉ là : 271003 TB 04, thuộc cánh quân của trung Đoàn 124 phối hợp với Đại Đội1/117 Trung Đoàn 203 Thiết Giáp, không biết rõ anh ở đơn vị nào ... Thư viết bốn trang, tôi ghi lại hai trang đầu không sửa một nét, không thêm một dấu ... Đầu nặng và tay run khi viết lại những hàng chữ trên, người yêu Lê Văn Hưu của Nguyễn Thị Hàng đã chết, chết ngay tại trận đầu tiên sau sáu tháng vượt Trường Sơn vào Nam giải phóng. Người yêu đấu đó đã chết, làm gì còn “ba năm nghĩa vụ quân sự chấm dứt để anh về với em” hở chị Hàng ? Tình yêu, nỗi lo lắng của chị chỉ còn vang động trên hư không, người yêu dấu rất thương của chị không phải chỉ bị nổi mụt, sưng chân, trầy vai, cảm sốt. Anh Hưu đã bị chết bởi đạn, bởi bom, chết hai lần, ba lượt, chết cháy, chết tan hoang, tiêu tán và tàn khốc. Không phải lỗi của chúng tôi chị Hàng ạ, chúng tôi phải tự vệ để sống còn, cũng không phải của anh Hưu, anh ấy cũng muốn ở lại bên chị để được “cười rúc rích với nhau dưới lớp tơi lá,” để được ăn ngô vì “vườn ngô trước nhà đã được mùa,” để được ăn cá và bánh do chị và mạ làm ... Anh Hưu không muốn qua đèo Mụ Già, không muốn qua Tchepone, Lao Bảo, anh muốn ở cùng chị để tay nắm tay và “máu cùng chảy với nhau..”Tội này là tội của chúng nó - Lũ đồ tể tay không dính máu, hồn cứng ngắt bởi quyền thế và danh vọng. Lũ chúng nó say thứ nặng nhất trong tất cả mọi nỗi đam mê - Chúng nó say danh, say tiếng - Trời hỡi, chút tiếng tăm vang động trên năm châu, trên trăm ngàn tờ báo của mọi nơi đã làm con người biến dạng thành quỷ quá dễ dàng thế sao ? Lũ ngạ quỷ trầm luân mang danh người và chiêu bài cách mạng giải phóng. Chính chúng nó, thứ thiên tài chết ngập đầy oan khiên ... Chị Hàng thân mến, tôi người miền Nam không biết được chị, nhưng tôi cũng có một người yêu, một người vợ lo lắng đón chờ mỗi lần tôi bước ra đi ... Tôi đi ngắn, chỉ qua vài trăm cây số và về lại trong bình yên, anh Hưu đi đường xa vạn dặm, chuyến đi vào mịt mùng, vào tan vỡ ... Anh Hưu không thể trở về, không bao giờ trở về được ... Gởi lời chào đau đớn đến chị, người đàn bà chờ đợi người chồng bộ đội không hề trở về - chị Nguyễn Thị Hàng, ở ngoài Bắc, một vùng đất khổ quê hương tôi....