Friday, 1 May 2015

Hoàng Đức Nhã : « Đừng ảo tưởng vào yểm trợ của Mỹ » - Thanh Phương

Trong vài ngày nữa là đến kỷ niệm đúng 40 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, 30/04/1975. Cuộc chiến đã kết với việc miền Nam lọt vào tay Cộng sản, một phần do Hoa Kỳ lúc đó đã hoàn toàn bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Đúng 20 năm sau đó, hai kẻ thù cũ Hà Nội và Washington bình thường hóa bang giao và bây giờ, Việt Nam có vẻ muốn dựa vào Mỹ nhiều hơn để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.

Nhưng Hà Nội đừng nên quá ảo tưởng vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ, mà phải lo tự phát triển tiềm lực kinh tế và quân sự để có thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ. Đó là ý kiến của ông Hoàng Đức Nhã, nguyên là bí thư của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Năm nay 73 tuổi, ông Hoàng Đức Nhã hiện sống tại thành phố Chicago, Hoa Kỳ. 

Ông Hoàng Đức Nhã24/04/2015Nghe
RFI : Xin kính chào ông Hoàng Đức Nhã. Thưa ông, với tư cách là một cựu giới chức chính phủ VNCH, mỗi năm khi đến ngày 30/04 thì tâm trạng của ông như thế nào, nhất là năm nay kỷ niệm đúng 40 năm sự kiện này?
Ông Hoàng Đức Nhã : Mỗi năm đến ngày này và trong thời gian những ngày trước 30/04, lúc nào tâm trí tôi cũng quay về quê hương. Thứ nhất là sống lại cái cảnh mà đáng lý ra mình không mất nước nếu hiệp định ( Paris ) được thi hành nghiêm chỉnh và đồng minh không bội ước. Thứ nhì, 40 năm qua, nhìn lại cái thực trạng đất nước mình và tình trạng mà dân Việt Nam mình phải đối đầu, tôi thấy tương lai còn nhiều nguy hiểm, chưa tốt đẹp như thật sự mình mong muốn đối với một quốc gia đã được hòa bình trong 40 năm qua.
RFI : Thưa ông Hoàng Đức Nhã, ông có nhắc đến hiệp định Paris 27/01/1973, gọi là hiệp định hòa bình nhưng thực tế là sau hiệp định này, chiến tranh vẫn tiếp diễn cho đến 30/04//75, với việc miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Nếu hiệp định này được thi hành nghiêm chỉnh thì lịch sử đã được viết khác ?
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
Ông Hoàng Đức Nhã : Rất đúng. Trước khi mình ký hiệp định, vào năm 1972, vào mùa Xuân và mùa Hè, khi quân Bắc Việt mở ba trận tấn công, cố chiếm lấy miền Nam, trận Quảng Trị, Thừa Thiên, ở trên cao nguyên và ở dưới Xuân Lộc. Nhưng quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã đánh bại. Lúc đó quân đội Mỹ trợ giúp quân lực VNCH bằng những phi vụ và các vấn đề về tiếp vận, chứ không có lính tham gia, hoàn toàn chỉ có lính VNCH.
Lúc đó, chính quyền CS Bắc Việt nghĩ rằng, ngày nào mà VNCH có thời gian thì sẽ củng cố không chỉ khả năng quân sự mà cả khả năng kinh tế. Đó là điều họ sợ nhất, vì lúc đó mình đã có chương trình phát triển rất mạnh, không chỉ về mặt xã hội, mà cả kinh tế và an sinh cho nông dân.
Người nông dân biết rằng sống dưới chế độ tự do rồi một ngày sẽ có tương lai rất sáng lạng. Nếu chúng ta có thêm một năm nữa sau tháng 04/75, thì chúng ta sẽ bắt đầu xuất cảng gạo. Lúc đó nông thôn rất phồn thịnh, vì chương trình cải cách điền địa, phát triển nông thôn bắt đầu thành công. Ngoài ra, vào giữa năm 1974, VNCH có dầu lửa ở ngoài khơi. Những yếu tố đó sẽ giúp miền Nam sống qua được, mặc dù cũng còn cần đến viện trợ của Mỹ.
Người Mỹ đã không thực sự giúp VNCH trên phương diện quân sự, không làm đúng theo điều khoản " thay thế một cây súng này bằng một cây súng khác", nếu quân Bắc Việt tiếp tục xâm lăng, cũng như đã không giúp về mặt kinh tế, thành ra chúng ta không còn có khả năng chiến đấu, trong lúc quân Bắc Việt thì được sự hỗ trợ hùng hậu của Trung Quốc và Nga Sô.
Lúc đó, Hoa Kỳ dùng hiệp định Paris để đạt được mục tiêu chủ yếu là đem quân của họ về và lấy lại hết tù bình. Thật sự thì quân của họ đã bắt đầu rút đi từ năm 1970 và đến năm 73, khi ký hiệp định thì họ không còn quân lính chiến đấu trên lãnh thổ VNCH nữa.
Cũng như trong các hiệp định, có những điều khoản Hoa Kỳ cam kết cái này, cam kết cái kia, nhưng vì họ không đưa ra Quốc hội phên chuẩn, cho nên hiệp định đó không có ràng buộc nhân dân Hoa Kỳ, do Quốc hội đại diện, để thực thi các lời hứa. Cái đó cũng do tình hình chính trị nội bộ của Hoa Kỳ, đặc biệt là vụ scandal Watergate, và quan trọng hơn hết là lúc đó đảng Dân Chủ, đang nắm cả lưỡng viện Quốc hội, quyết tâm chấm dứt mọi sự can thiệp của Hoa Kỳ, nhất là ở Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ hồi chiến tranh Triều Tiên, lúc đó có một thỏa ước do Quốc hội phê chuẩn đàng hoàng, nên sau này Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giúp đở Đại Hàn, nhưng riêng đối với VNCH thì không có điều khoản đó.
RFI : Lịch sử đôi khi có những điều trớ trêu. Miền Bắc Việt Nam trước đây chiến đấu chống Hoa Kỳ, nhưng bây giờ gần như là coi nhau như đồng minh, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với mối đe dọa xâm lăng từ Trung Quốc. Trở ngược lại lịch sử, khi nghe tin Hà Nội và Washington bình thường hóa bang giao ( năm 1995 ), cảm nghĩ lúc đó của ông như thế nào ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Người làm chính trị phải biết đối đầu với thực tế. Dĩ nhiên cảm xúc của con người thì lúc nào cũng có. Mình có thể chống, nhưng trong cương vị lãnh đạo thì mình phải biết thực trạng nó như thế nào và phải đối phó như thế nào. Không thể nào cực đoan nói rằng ông phải làm như thế này, ông phải làm như thế kia.
Thành thử, khi thấy Hoa Kỳ bắt đầu nói chuyện với Hà Nội về bãi bỏ cấm vận, rồi tiến tới tái lập bang giao, mình là VNCH bị Hoa Kỳ bội ước thì thấy điều đó là hoàn toàn phi lý, đâm sau lưng người đồng minh trước đây.
Nhưng chính trị của Hoa Kỳ không có tình cảm gì cả. Họ nói họ không có kẻ thù vĩnh cửu, cũng như bạn vĩnh cửu, mà chỉ có quyền lợi vĩnh cửu của họ. Họ nghĩ rằng tái lập bang giao ( với Hà Nội ) thì thứ nhất, họ sẽ bành trướng ảnh hưởng của họ trên phương diện chính trị, thứ hai là khai thác sự hợp tác mới về kinh tế và thương mại.
RFI : Ngày 30/04 đã cho thấy là khi cần, Hoa Kỳ có thể sẳn sàng bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, để cho miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Nhìn từ góc độ lịch sử đó, thì theo ông hiện nay, Việt Nam có nên hoàn toàn đặt tin tưởng vào Hoa Kỳ, trong việc tìm kiếm yểm trợ chống âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay chắc là có nghiên cứu về vấn đề, nhưng nhiều khi họ tin tưởng vào người Hoa Kỳ. Cá nhân tôi, từ lúc còn làm trong chính phủ, và sau đó sang Mỹ có những nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề một cách chiến lược, tôi vẫn nói rằng Hoa Kỳ chỉ có những quyền lợi, mà họ gọi là quyền lợi vĩnh cửu. Nếu bảo vệ quyền lợi đó mà cần phải bỏ một người bạn mới hay người bạn cũ, thì họ cũng vẫn làm như thường. Lúc đó họ sẽ giải thích rằng : « Quyền lợi của chúng tôi không cho phép chúng tôi đi con đường đó nữa ».
Vì vậy, nếu chính quyền Việt Nam bây giờ cứ tiếp tục tin rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác qua những hành động mấy năm nay như hợp tác về mặt quân sự, văn hóa, đủ thứ hết, tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam chống lại việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở vùng Biển Đông, thì đó là một ảo tưởng và một ngày nào đó sự thật sẽ rất là đau cho Việt Nam.
RFI : Phải chăng cái giải pháp tối ưu cho Việt Nam là phải làm sao cho lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam tương hợp với nhau để mà dù muốn, dù không, hai bên buộc phải bắt tay với nhau để chống âm mưu bá quyền của Trung Quốc ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Việt Nam phải biết thực thi cái mà tôi gọi là chính trị đa dạng, không chỉ riêng trong vấn đề lãnh hải, hay vấn đề chủ quyền những quần đảo nhỏ nào đó, mà Việt Nam đang có chủ quyền thực sự hay đang đòi chủ quyền. Vấn đề đối với Việt Nam là phải có một giải pháp toàn bộ về quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và từ đó tạo ra cho mình một cái thế thương thuyết. Thế thương thuyết này cần phải dựa trên sức mạnh. Về kinh tế thì chúng ta chưa đủ sức mạnh để đối lại sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Sức mạnh thứ nhì là sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân? thì Việt Nam chưa có.
Khi mình thương thuyết với hai căn bản chưa vững đó, thì mình phải đi con đường rất là cẩn thận. Một mặt là dùng các giải pháp quốc tế như Liên hiệp quốc hay Tòa án quốc tế. Mặt khác tiếp cận song phương với Trung Quốc. Theo tôi? cái giải pháp gọi là đa phương, nhiều quốc gia nhảy vào giúp, sẽ không đi đến đâu. Nói thì hay lắm, nhưng trên thực tế không giải quyết gì,  vì Hoa Kỳ đâu có quyền lợi gì, họ đâu có quan tâm đến chuyện đảo này hay mỏm đá  kia trong vùng « lưỡi bò ». Họ cũng đã tuyên bố là không ủng hộ bất cứ phe nào trong tranh chấp ( chủ quyền Biển Đông ). Thành thử nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ giúp chúng ta để chống Trung Quốc là một ảo tưởng.
RFI : Tức là Việt Nam không thể dựa hẳn bên này để chống bên kia, mà phải có một giải pháp trung dung, đứng giữa hai cường quốc nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Rất đúng. Giải pháp trung dung thì người Việt Nam từ xưa giờ vẫn không đi đến hai cực đoan. Trên phương diện quân sự thì khả năng bảo vệ vùng ven biển và lãnh hải thì Việt Nam chưa có. Tàu bè thì chưa có nhiều. Nếu có bỏ hết tiền bạc vào để tăng cường hải quân thì ít nhất cũng phải 10 năm mới có được nhiều chiếc tàu có khả năng chống lại Trung Quốc. Đó là thực trạng thứ nhất. Thực trạng thứ nhì, trên phương diện kinh tế thì Việt Nam bầy giờ vẫn còn tùy thuộc về hợp tác và giao thương với Trung Quốc.
Nhìn vào hai điểm này thì ta phải hiểu là nếu lấy giải pháp nào mà đặt hai quốc gia ở cái thế đụng độ nhau, thì chỉ có dân là chịu thiệt hại thôi. Ngay cả Philipines là đồng minh của Hoa Kỳ, có hiệp ước bảo vệ Philippines, mà vẫn không giải quyết được chuyện bãi đá Scarborough bị Trung Quốc chiếm cách đây 2 năm. Là đồng minh của Hoa Kỳ, có hiệp ước an ninh, mà Hoa Kỳ cũng không nhảy vào giúp Philippines giành lại Scarborough.
RFI : Nhưng đối với Việt Nam thì có thêm một vấn đề, đó là quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc không phải là mối quan hệ bình thường giữa hai quốc gia, mà là quan hệ giữa hai quốc gia với hạt nhân là hai đảng Cộng sản cầm quyền. Phải chăng quan hệ đó khiến Việt Nam khó đi đến một con đường ngoại giao độc lập, đứng giữa hai cường quốc, nhưng vẫn bảo vệ được vị thế, chủ quyền của mình ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Đó là một điểm quan trọng. Thật sự đúng là ở hai nước, Đảng là người cầm quyền, chính phủ chỉ là cơ quan để thi hành chính sách của Đảng. Có điều đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, tuy đều có ý thức hệ Cộng sản, nhưng chỉ lo đến vấn đề quyền lợi của họ, quyền lợi kinh tế, quyền lợi quân sự.
Bao nhiêu người đã viết, mà cũng chưa chắc là đúng, rằng vùng Biển Đông có rất nhiều dầu khí, nhưng biết đâu sau này khi đến đó khoan dầu, thì mới thấy chỉ có vài ba cái giếng, không đủ để khai thác thương mại. Nhưng Trung Quốc dùng lý do đó để nói rằng chúng tôi giành tài nguyên này để một ngày nào đó chúng tôi sẽ khai thác. Như vậy, tuy là đều có ý thức hệ Cộng sản, nhưng họ có giúp gì nhau đâu, chỉ vì quyền lợi của họ thôi.
RFI : Như ông có nói ở trên, thì về mặt quân sự và kinh tế, Việt Nam chưa có đủ tiềm lực để đối đầu với Trung Quốc. Vậy thì trong bối cảnh hiện nay, 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, vì sao chúng ta chưa phát triển được những nội lực đó, nhất là chúng ta có một cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất đông đảo, với những tiềm lực có thể giúp đất nước phát triển mạnh hơn?
Ông Hoàng Đức Nhã : Lý do rất đơn giản. Thứ nhất, ở trong nước chưa có dân chủ tự do, nên người dân không có cơ hội để thi hành ý kiến của họ để phát triển hay làm ăn. Cái gì cũng phải theo guồng máy của chính quyền. Cộng thêm chế độ con ông cháu cha, nên người dân thường đâu có thể nhảy vào được.
Thứ nhì, về phương diện phát triển kinh tế của Việt Nam, theo tôi, họ không nhắm vào việc tạo khả năng kinh tế, khả năng sản xuất, mà chỉ nhắm vào những dịch vụ mà yếu tố quyết định là giá nhân công rẻ. Làm như thế thì về lâu về dài sẽ không tạo ra sức mạnh kinh tế.
Cách đây 20 năm, Trung Quốc cũng bắt đầu như thế, nhưng họ đưa ra những chính sách, đưa người dân đi học, cho tự do làm ăn. Từ đó phát triển từ việc chỉ làm hàng rẻ tiền : quần áo, giày dép, đi đến sản xuất hàng điện tử và nhiều thứ khác.
Việt Nam cũng phải làm giống vậy, phải mở rộng ra, có như thế người Việt Nam ở hải ngoại mới thấy rằng họ có thể đóng góp được, chứ không phải là về đầu tư, rồi sau đó một thời gian bị giựt, với lý do này, lý do nọ.
RFI : Hòa giải dân tộc là cụm từ nhiều người hay nhắc đến. Nhưng theo ông thì vì sao cho tới nay chúng ta vẫn chưa thật sự có hòa giải dân tộc để người Việt trong và ngoài nước đoàn kết một lòng, phát triển đất nước và bảo vệ đất nước ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Điều đó rất dễ hiểu là tại vì chế độ ở Việt Nam bây giờ vẫn là chế độ Cộng sản, độc quyền, độc đảng, mà độc quyền độc đảng thì làm sao có dân chủ được ? Khi hòa giải mà không có căn bản dân chủ thì hòa giải cái gì bây giờ ? Đó chỉ là hòa giải một chiều thôi. Mà hòa giải một chiều thì làm sao gọi là hòa giải được ? Đó là thống trị thì đúng hơn!
RFI : Chính quyền trong nước thì vẫn trách người Việt hải ngoại là vẫn mang tâm lý thù hằn, không chịu hòa giải với người phía bên kia, vẫn còn giữ ảo tưởng của quá khứ, ... Nếu gặp những người nói như thế, thì ông sẽ trả lời như thế nào ?
Ông Hoàng Đức Nhã : Tôi sẽ trả lời như thế này : Cái chuyện đó là dĩ nhiên. Người Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi lúc trước đã chiến đấu để bảo vệ quyền tự do và tạo điều kiện ấm no cho dân chúng. Bây giờ tôi thấy chính quyền không thực hiện được ( những điều đó ) sau 40 năm không có chiến tranh, vẫn không có dân chủ và vẫn không tạo những điều kiện tốt về xã hội, về y tế cho dân, thì dĩ nhiên tôi đâu chấp nhận được cái chuyện mấy ông nói về hòa giải dân tộc. Nếu muốn nói chuyện với những cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, thì phải tạo những điều kiện tối thiểu cho những cộng đồng đó thấy rằng chính quyền Việt Nam bây giờ đã có những biện pháp cụ thể, tạo những điều kiện để hai bên cùng nói chuyện. Nhưng theo tôi thì hiện chưa có những điều kiện đó và như vậy là khó có thể hòa giải dân tộc.

RFI : Xin cám ơn ông Hoàng Đức Nhã.