A. Máu và những bệnh liên quan
Máu trong cơ thể con người bao gồm: hồng huyết cầu (red cell), bạch huyết cầu (white cell), và tiểu cầu (platelet), nằm trong một chất lỏng gọi là huyết tương (plasma). Hồng huyết cầu đem dinh dưỡng và oxy (O2) tới các bộ phận trong cơ thể, và mang chất thải và carbonic (CO2) đi. Trong khi đó, bạch huyết cầu có tác dụng tăng cường kháng thể, phá hủy những tế bào già và tấn công những mầm bệnh hay ngoại chất. Tiểu cầu có tác dụng làm cho máu đông lại sau khi ra khỏi cơ thể con người.
Có nhiều bệnh liên quan đến máu. Bốn loại rối loạn chính trong huyết học là: thiếu máu (anemia), hoại huyết (leukemia), loãng máu (coagulation), và truyền nhiễm máu (infectious disorder, ví dụ:HIV).
Bệnh hoại huyết - hay còn gọi là ung thư máu - (leukemia) có 2 loại cấp tính (acute leukemia) và mãn tính (chronic leukemia). Bệnh hoại huyết cấp tính là sự tăng nhanh con số những bạch huyết cầu non, chưa trưởng thành làm cho tủy sống (marrow) không thể tạo ra những huyết cầu mạnh khoẻ một cách kịp thời. Hoại huyết cấp tính thường xảy ra đối với trẻ em.
Bệnh hoại huyết mãn tính bao gồm sự tăng nhanh con số những bạch huyết cầu đã trưởng thành, nhưng bất thường. Bệnh này cũng làm ảnh hưởng đến sự tạo ra những huyết cầu khoẻ mạnh của tủy sống. Tuy nhiên, hoại huyết mãn tính thường kéo dài nên không ảnh hưởng đến tính mạng nhanh như loại cấp tính. Hoại huyết mãn tính có thể xảy ra cho bất cứ ai, không kể tuổi tác.
Khi bệnh nhân được phát hiện mang bệnh hoại huyết, những bạch cầu ác tính của bệnh nhân sẽ phải từ từ bị tiêu hủy bằng phương pháp hoá trị (chemotherapy), và tế bào gốc (stem cells) tốt và phù hợp với bệnh nhân được cấy vào tủy để từ từ tạo ra những huyết cầu mới, khoẻ mạnh và làm đúng chức năng của máu: đem chất dinh dưỡng và O2 đến các bộ phận của cơ thể, mang chất thải và CO2 đi, tăng cường kháng thể, không bị loãng máu, v.v…
Để kiếm người có cùng tế bào gốc, một loại chất đạm (protein) tên là kháng nguyên (HLA – human leukocyte antigens) được xác định. Nếu kháng nguyên của người hiến tặng phù hợp với kháng nguyên của bệnh nhân, qua một vài thủ tục y khoa cũng như sự đồng ý của người hiến tặng, tế bào gốc của người hiến tặng sẽ được phân tách ra từ tủy hay từ máu, và được cấy vào cho bệnh nhân.
Theo thống kê, trong số những trường hợp có cùng loại kháng nguyên: 30 % là từ người cùng huyết thống, tức trong gia đình hay giòng họ, còn 70 % kia là từ người dưng, không thân thuộc. Tế bào gốc có thể lấy từ:
- Tủy sống (bone marrow). Tủy sống được lấy từ xương chậu của người hiến tặng.
- Tế bào gốc ngoại vi trong máu (peripheral blood stem cell). Máu của người hiến tặng được lấy ra từ một cánh tay. Sau đó, tế bào gốc ngoại vi được phân tách khỏi huyết tương,và phần còn lại được truyền ngược vào cánh tay kia của người hiến tặng.
- Máu cuống rốn (umbilical cord blood). Máu cuống rốn được thu lúc sản phụ sinh con. Bình thường máu cuống rốn bị bỏ đi.
Máu cuống rốn có lợi điểm hơn tủy sống và tế bào gốc ngoại vi vì máu cuống rốn có thể được lấy trước, lưu trữ, và được dùng ngay; đồng thời, giảm thiểu sự rủi ro truyền bệnh cho bệnh nhân. Có lẽ vì máu cuống rốn là những "tinh chất" mà người mẹ truyền cho người con, giả thiết rằng người mẹ mạnh khoẻ và không mang mầm bệnh. Truyền máu cuống rốn có thể điều trị trên 50 bệnh và rối loạn liên quan tới máu ví dụ như: hoại huyết (leukemia), lyphoma, aplastic anemia, inherited immune system, và metabolic disorders, và ngay cả bệnh huyết cầu hình lưỡi liềm (sickle cell), và bệnh loãng máu.
C. Bác sĩ chính đại diện cho bệnh nhân
Bác sĩ chính đại diện cho bệnh nhân phải xác định kháng nguyên của bệnh nhân bao gồm 8 nhóm: 2 nhóm A, 2 nhóm B, 2 nhóm C (tuỳ chọn), và 2 nhóm DRB1.
Bác sĩ của bệnh nhân cũng phải kêu gọi những người cùng huyết thống, và ngay cả người không thân thuộc đến ghi danh tại những viện hay cơ quan huyết học địa phương, tỉnh, hay trung ương để tìm ngay người có kháng nguyên phù hợp với bệnh nhân.
Tại Hoa Kỳ và Canada, để tìm ra người có kháng nguyên (HLA) phù hợp, một phương pháp rất đơn giản được thực hiện gọi là swabbing tức lấy mẫu nước bọt và tissue trong khoang miệng. Bốn cây có quấn bông gòn được dùng để lấy mẫu nước bọt và tissue ở bốn vị trí: má trái, má phải, hàm dưới bên trái, và hàm dưới bên phải. Tất cả đều lấy ở trong miệng. Tại mỗi vị trí, cây quấn bông gòn được cho vào và xoay tròn như thể đánh răng, hay như thể nạo nhẹ trong vòng 20-30 giây. Bốn mẫu swabbing được bỏ vào bao thư, 4 cây tách rời, không được chạm vào nhau, cùng với những chi tiết về sức khoẻ và bệnh trạng của người ghi danh được gửi về phòng thí nghiệm. Nếu người ghi danh vào Danh bạ Tủy sống (Bone Marrow Registry) không bị những bệnh nan y, hiểm nghèo, hay truyền nhiễm. Trong trường hợp một người ghi danh được phát hiện là có tế bào kháng nguyên hợp với một bệnh nhân, người đó sẽ được liên lạc để làm một vài thủ tục hành chánh cần thiết, được khám sức khoẻ, và nếu như mọi chuyện hành chánh và y khoa tốt đẹp, người này sẽ tham gia quá trình hiến tủy hay hiến tế bào gốc ngoại vi.
Trong số những người ghi danh và có kháng nguyên phù hợp với bệnh nhân, 25% chọn hiến tủy (lấy từ xương chậu) và 75% chọn hiến tế bào gốc ngoại vi (lấy từ cánh tay).
D. Những viện và cơ quan huyết học của Hoa Kỳ, Canada, Thế giới, và Việt Nam
Tại Hoa Kỳ, Chương trình Hiến tủy Quốc gia (NMDP - National Marrow Donor Program) có danh bạ là Be-The-Match có chứa kháng nguyên của 10.5 triệu người,và gần 185,000 đơn vị máu cuống rốn. Mỗi đơn vị máu có khoảng 488 mL máu.
Tại Canada, trực thuộc Dịch vụ Máu Canada (Canadian Blood Services) có hệ thống OneMatch Stem Cell and Marrow Network. Không rõ số chi tiết về số kháng nguyên và số đơn vị máu cuống rốn.
Cả hai tổ chức trên nối danh bạ của họ vào tổ chức thế giới là Tổ chức Hiến tủy Toàn cầu (BMDW - Bone Marrow Donors Worldwide), có trụ sở tại Leiden, Hà Lan. Theo phúc trình vào tháng 2, 2014, số người ghi danh bao gồm 52 quốc gia, 48 kho dự trữ (bank) máu cuống rốn tại 33 quốc gia. Danh bạ thế giới bao gồm kháng nguyên của 22.5 triệu người và 605,000 đơn vị máu cuống rốn.
Danh bạ của Mỹ, Canada, và Thế giới được dùng cho tất cả các bệnh nhân trên toàn thế giới, không giới hạn biên giới quốc gia.
Theo nguồn tin cá nhân, tại Việt Nam có Viện Huyết học (Blood Institute) tại Hà Nội, Bệnh viện Huyết học Sài Gòn, và Bệnh viện Quốc tế Vinmec. Ba cơ quan này có những hoạt động liên quan đến máu.
E. Những sản phụ sắp sanh nở
Chúng tôi kêu gọi những sản phụ sắp sanh nở nên nghĩ đến trường hợp cứu mạng sống một bệnh nhân, cứu hạnh phúc một gia đình bằng cách hiến tặng máu cuống rốn của mình cho các cơ quan hay viện máu quốc gia. Ghi chú: nhiều gia đình giàu có giữ lại máu cuống rốn và gửi trong một kho tư nhân nào đó để đề phòng sau này, con cái và người trong gia đình bị bệnh thì may ra, dùng lại tế bào gốc của gia đình, giòng họ mình để cứu sống bệnh nhân.
Những việc thu máu cuống rốn hoàn toàn an toàn và không ảnh hưởng gì đến việc sanh đẻ của sản phụ cũng như sức khoẻ của trẻ sơ sinh.
Riêng tại Canada, hiện nay có 5 bệnh viện tại 4 thành phố Ottawa, Brampton, Edmonton, và Vancouver nhận máu cuống rốn từ những sản phụ. Ngay khi ghi danh vào bệnh viện, gia đình và sản phụ chỉ cần điền vào một mẫu đơn giản, ký tên, và chuyển cho bác sĩ hay y tá phụ trách trong ngày sinh nở, mọi chuyện sẽ được thực hiện một cách chu đáo.
Mọi chi tiết về địa chỉ của 5 bệnh viện, xin tham khảo thêm ở website số 6 trong mục Tài liệu tham khảo.
F. Về phương diện pháp luật và xã hội
Tại California, Hoa Kỳ, những người được mời đi hiến tủy hay hiến máu (ngoại vi) để cứu bệnh nhân Leukemia hay bệnh liên quan đến máu khác sẽ được công ty hay chủ hãng trên 15 người - trả lương cho những ngày nghỉ làm vì phải vào bệnh viện dựa trên Luật Bảo vệ Người Hiến tủy và các bộ phận cơ thể mang tên Michelle Maykin (Michelle Maykin Memorial Donation Protection Act) được ban hành vào năm 2010. (Xin xem toàn văn luật 1304 tại mục số 18 trong phần Tài liệu tham khảo).
Michelle Maykin là một sinh viên năng động, tháo vát và tham gia và lãnh đạo nhiều hoạt động xã hội. Chẳng hạn như International Business Fraternity of <a>Delta Sigma Pi</a>, nơi mà cô giữ vai trò quyền Chancellor, Interchapter Liaison, và cũng là Phó chủ tịch của Pledge Class Operations; rồi Phụ tá Vũ sư múa tại chùa Thái Lan <a>Wat Buddhanusorn</a>; và Điều hợp viên của Santa Clara Juvenile Hall.
Bác sĩ phát hiện Michelle Maykin bị bệnh Hoại huyết cấp tính (<a>acute myeloid leukemia</a>) vào năm 2007. Qua chương trình Project Michelle, 18,000 người đã ghi danh vào Danh bạ Hiến tuỷ và đã tìm được kháng nguyên phù hợp với 4 bệnh nhân khác. Tuy nhiên, không tìm được người phù hợp với cô. Michelle Maykin qua đời năm 2009 lúc 27 tuổi.
G. Trường hợp cô Mai Dương, 35 tuổi, cư ngụ tại Montréal, Québec, Canada
Sau khi bệnh viện phát hiện cô Mai Dương – người mẹ của cháu Alice 4 tuổi - bị bệnh hoại huyết, một làn sóng kêu gọi mọi người tham gia vào Danh bạ Tuỷ sống được dấy lên tại Quebec, và những thành phố lớn tại Canada. Sau hơn 2 tháng tìm kiếm, một người mẹ khi sanh con đã đồng ý tặng lại máu cuống rốn. Rất may, theo tường thuật, kháng nguyên trong máu cuống rốn này hợp 5/7 với kháng nguyên của cô Mai Dương. Có ý kiến ví von trường hợp này như là mang lại cuộc sống cho 2 người.
Vào tháng 4 năm 2015, 6 tháng sau khi được truyền tế bào gốc từ máu cuống rốn của một sản phụ, cô Mai Dương đã mọc tóc nhiều, mắt cô cũng dùng được contact lenses. Những tế bào gốc do cơ thể của cô mới sinh sản ra không có dấu hiệu ung thư. Có nghĩa là hệ thống miễn nhiễm của cơ thể của cô trở lại 100% bình thường.
Trong quá trình tìm kiếm, tổ chức Héma-Québec đã vận động Cộng đồng người Việt tại Montréal, Québec và toàn Canada ghi danh. Con số người tham gia trong các cộng đồng sắc tộc (trong đó có Việt Nam) là 1%. Sau lời kêu gọi giúp đỡ cô Mai Dương, con số người Việt trong cộng đồng Việt Nam phần lớn tại Montreal tham gia tăng lên đến 4% và tổng số người ghi danh cả da trắng và da màu khoảng 5,000 người.
Tại Mỹ, Hội Hiến tủy Á châu (A3M – Asians for Miracle Marrow Matches - tôi đã làm thiện nguyện với Hội này), đã tổ chức ráo riết để ghi danh vào ba tối cuối tuần trong hai tháng Bảy và Tám, 2014 liên tục tại Asian Garden hay Phước Lộc Thọ; tại các buổi lễ, ngày hội Cộng đồng Việt Nam (Đại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh kỳ 8, Tết Trung Thu) hay Cộng đồng Hoa Kỳ (Global Village Festival) nói chung; hay tại các chùa, nhà thờ, cao đẳng, hay đại học nói riêng. Tổng số người ghi danh khoảng trên 800 người, trong đó có trên 700 người Việt. Người năng động nhất của Hội Hiến tủy Á châu là anh Tài Nguyễn.
Ngoài ra chị Megan Hoàng Mộng Thu, cô Diana Thanh Thảo thuộc Hội Hiến Tế bào Mầm (AADP - Asian American Donor Program) cũng có tổ chức những buổi ghi danh tại San Francisco, và Đại hội Thánh Mẫu vào cuối tuần ngày 9, 10 tháng 8 năm 2014 tại Carthage, Missouri. Tổng số người ghi danh tại Đại hội Thánh Mẫu Missouri là 630, Houston là 210, và Bay Area - San Francisco khoảng 80 người.
H. Trường hợp cô Võ Ngọc Nữ, 27 tuổi, cư ngụ tại Đà Nẵng, Việt Nam
Cô Võ Ngọc Nữ được bác sĩ cho biết cô bị bệnh Bạch Cầu Tủy Cấp – tức ung thư máu vào khoảng tháng 8 năm 2014. Tôi đoán là Acute Leukemia hay Hoại huyết Cấp tính. Cô Nữ được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, sau đó chuyển vào Bệnh viện Huyết Học Sài Gòn. Tại BVHH Sài Gòn, nghe nói rằng đã tìm được người có tế bào kháng nguyên (HLA) 70% hợp với của cô Nữ. Tuy nhiên, vì lý do y khoa của người bệnh và người hợp, tế bào này không thể dùng được.
Mới hôm nay, 4-7-2015, qua trò chuyện trên điện thoại, được biết rằng cô Nữ hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Huyết học Hà Nội. Các bác sĩ khuyên rằng, sau khi cô Nữ giảm bệnh (không liên quan đến máu), các bác sĩ sẽ cấy cho cho cô tế bào cuống rốn hợp nhất, nghe nói hợp là từ 5/7 cho tới 7/7. Bệnh viện phí là do bệnh nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cho nên, lòng hảo tâm của quý mạnh thường quân, cứu giúp cho cô Nữ và Mẹ cô, rất được trân trọng. Hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ xảy đến với cô Nữ và gia đình cô.
Mong rằng những bệnh viện và viện huyết học Việt Nam mau chóng liên lạc và nối kết với những cơ quan truyền máu của Hoa Kỳ, Canada và thế giới. Như vậy, bệnh nhân tìm được những người cùng kháng nguyên trong một danh bạ toàn cầu, và việc cứu chữa sẽ kịp thời.
Bài viết này sẽ được đặt trong mục Note của Facebook của tôi, và sẽ được cập nhật thường xuyên. Xin trân trọng mọi ý kiến đóng góp để bài viết được thêm hoàn thiện.
Viết từ Quận Cam, California
Lê Minh Thịnh
(Bắt đầu viết ngày 4-10-2014)
(Cập nhật ngày 4-7-2015)
Tài liệu tham khảo:
17. <a>http://en.wikipedia.org/wiki/Michelle_Maykin</a>
18. <a>http://www.leginfo.ca.gov/pub/09-10/bill/sen/sb_1301-1350/sb_1304_bill_20100930_chaptered.html</a>
Ghi chú: Tôi không phải là bác sĩ y khoa. Với trình độ tiến sĩ điện toán và trong thời gian giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, tôi có cơ hội nghiên cứu và thực hiện những ứng dụng của điện toán trong lãnh vực sinh học. Từ đó, tôi thích tìm tòi thêm về máu, về hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Mới đây, tham gia thiện nguyện để tìm người có kháng nguyên phù hợp với cô Mai Dương, tôi lại tìm hiểu thêm về bệnh hoại huyết và về những giải pháp cứu chữa. Bài viết này dùng nhiều tài liệu trên mạng, và nếu có gì chưa chính xác, đó là thiếu sót của tôi.