Friday, 10 July 2015

Học giả Nga đánh giá về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Tranh chấp Biển Đông dường như đã thay đổi về bản chất do sự gia tăng xung đột trong những năm gần đây và tranh chấp hiện đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Điều này được lý giải là do sự thay đổi chính sách lớn của Trung Quốc. Trên thực tế Trung Quốc hành động không tôn trọng các quyền lợi hợp pháp của các bên tranh chấp và làm tất cả để xoá bỏ hoàn toàn nguyên trạng ở khu vực Biển Đông. 

Hiện nay, nhiều chuyên gia nghiên cứu lâu năm về tình hình tranh chấp ở Biển Đông đánh giá các cuộc xung đột trong khu vực đã thay đổi bản chất của tranh chấp này. Trong một thời gian dài tình hình tại Biển Đông dường như tồn tại trong hai giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là xung đột gay gắt và giai đoạn này tương đối nhanh chóng được thay thế bởi một giai đoạn khác, khi mà tính quyết liệt đối đầu giảm bớt, các cuộc đàm phán chậm chạp, giằng co lại tiến lên phía trước, những cuộc đàm phán này đôi khi tạo ra ảo tưởng rằng thoả hiệp mà các bên đang đi tìm chỉ một chút nữa thôi là đã thấy. Điều này xảy ra sau khi tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Biển Đông ký vào cái gọi là Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và Trung Quốc tham gia Hiệp ước ASEAN về an ninh khi xây dựng kế hoạch chung khai thác các nguồn tài nguyên biển. Nhưng tất cả điều này đã lùi vào quá khứ, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế hoàn toàn khác. Trong những năm gần đây, nhịp độ của cuộc xung đột này đã trở nên quyết liệt và nguy hiểm cho nền hòa bình và ổn định. Tình hình căng thẳng liên tục diễn ra. Và nếu trước đó nó là cuộc đụng độ giữa lợi ích của các nước láng giềng - Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, thì hiện nay người ta đã nói về đụng độ và đối đầu giữa quân đội Trung Quốc và các lực lượng của Mỹ và Nhật Bản. Trong số những thông tin mới nhất về chủ đề này, có thể kể đến thông tin đáng chú ý là máy bay do thám Mỹ phớt lờ những lời cảnh báo của quân đội Trung Quốc và một vài lần bay trên rạn san hô, nơi mà Trung Quốc đang tích cực thực hiện công việc mở rộng đảo, nhằm tạo ra những cơ sở hạ tầng hàng hải và hàng không, trong đó có cả việc xây dựng sân bay hiện đại. Theo thông tin gần đây, còn có tin các lực lượng hải quân Nhật Bản đang chuẩn bị để bắt đầu tuần tra tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, kết hợp với tàu của Mỹ. Hơn nữa họ sẽ đi vào khu vực 12 hải lý quanh những rạn san hô, nơi Trung Quốc tạo ra và tuyên bố là lãnh thổ của mình trong khu vực quần đảo Trường Sa. 
Căng thẳng thường xuyên như vậy, và nhất là sự tham gia tích cực của các lực lượng ngoài khu vực trong cuộc đối đầu, chưa từng xảy ra như bây giờ. Bản chất mới của cuộc xung đột ở Biển Đông, với những xung đột phát triển nhanh chóng, rõ ràng vượt ra khỏi khuôn khổ khu vực và biến thành xung đột toàn cầu. Điều này có thể được lý giải trước hết bởi chính sách của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể, và Trung Quốc trong những năm gần đây đã thể hiện sự cứng rắn và không khoan nhượng. Thực tế họ đã từ chối tôn trọng các quyền lợi hợp pháp của các nước láng giềng và làm tất cả để xoá bỏ hoàn toàn nguyên trạng vốn đã mong manh. 
Theo hình dung của tôi, sự khởi đầu của chính sách này là vào năm 2009, khi trong bức thư của mình gửi cho Liên hợp quốc, Bắc Kinh đã chính thức đặt ra “đường chín đoạn”, mà Trung Quốc không có bất cứ cơ sở pháp lý nào, đã khoanh vùng hơn 2,2 triệu km2 của Biển Đông tương đương có nghĩa là gần 80% tổng diện tích vùng biển này. Kể từ đó, Chính phủ Trung Quốc từng bước tiến tới chỗ biến sở hữu một cách hình thức thành sở hữu trên thực tế và thiết lập quyền kiểm soát thực tế trên toàn bộ không gian rộng lớn này. Những câu chuyện của các nhà phân tích mà tôi đã được nghe trong giai đoạn 2009-2010 rằng lãnh thổ rộng lớn như vậy được Trung Quốc nêu ra chỉ như là một chủ đề họ chuẩn bị trước để thỏa hiệp với các nước láng giềng, theo tôi điều này là không chính xác. Chính quyền Bắc Kinh cho thấy rằng ngày hôm nay, tất cả những gì họ đã yêu sách khi đó không chỉ là vấn đề về chủ quyền, mà họ sẽ còn kiểm soát chặt chẽ và khai thác. Trong những năm gần đây, hành động của họ đặc biệt trở nên trắng trợn và ngang ngược. Ví dụ vào năm 2013, Chính phủ Trung Quốc, đơn phương đưa ra những quy định mới liên quan đến việc đánh bắt cá trong Biển Đông. Quy định mới này đòi hỏi tàu thuyền nước ngoài, mà trước đó được đánh bắt tự do, phải có giấy phép chính thức của Trung Quốc để vượt qua ranh giới và tiến hành đánh bắt cá tại những vùng nước mà Trung Quốc mở rộng thẩm quyền của mình. Ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định này là các ngư dân của các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và tàu thuyền Đài Loan, vì khu vực này là ngư trường truyền thống của họ. Đến nay Trung Quốc đe dọa rằng trong trường hợp bị bắt giữ, ngư dân có thể bị tịch thu thiết bị đánh cá, và phải chịu phạt tiền 83.000 USD - tương đương với 500.000 nhân dân tệ. Chính phủ Trung Quốc giải thích quyết định của mình là vì lợi ích của việc sử dụng hợp lý cũng như bảo vệ các nguồn tài nguyên thủy sản. Tuy nhiên, theo quan điểm của tất cả các quốc gia xung quanh, đó chỉ là cái cớ để Trung Quốc che giấu ý đồ thực sự - không cho “ngư dân lạ” tiếp cận các vùng biển mà họ luôn coi là của mình. Quyết định đơn phương này gây nguy hiểm cho sự tồn vong của hàng ngàn gia đình ngư dân từ các nước láng giềng với Trung Quốc, từ thời cổ đại đã đánh bắt trong khu vực Biển Đông, điều này khiến Chính phủ Philippines không thể hiểu nổi và phủ nhận thẳng thừng còn Chính quyền Đài Loan nhấn mạnh họ không công nhận các quy tắc do Bắc Kinh đặt ra. 
Mỹ đã hâm nóng sự phẫn nộ này trong khu vực và nắm lấy cơ hội để một lần nữa cho thấy dường như chỉ có họ mới là nước sẽ bảo vệ các quốc gia Đông Nam Á trước những hành vi sai trái của Trung Quốc. Washington tuyên bố họ xem các hành động của Trung Quốc là “khiêu khích và gây nguy hiểm” và “Trung Quốc đã không đưa ra được bất kỳ lời giải thích hay lập luận trong khuôn khổ luật pháp quốc tế cho những yêu sách biển rộng lớn của mình”. Tuy nhiên, kể cả tuyên bố của Mỹ, và kể cả phản ứng mạnh mẽ tiêu cực của các nước láng giềng thì cũng không làm cách nào ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc. Vào ngày đầu tiên của năm 2014 khi quy định mới về đánh bắt cá mà Trung Quốc đưa ra trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông bắt đầu có hiệu lực, Trung Quốc công khai tập trận tại khu vực này với sự tham gia của 14 tàu chiến. 
Bước leo thang tiếp theo của cuộc xung đột là vào đầu năm 2014 Trung Quốc thông qua quyết định bắt đầu cái gọi là "công việc nghiên cứu dầu", và thực hiện ở chính những khu vực (theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 được tất cả công nhận), phải thuộc về Việt Nam. Một lần nữa, Trung Quốc không có bất kỳ sự tham vấn nào với các nước láng giềng, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một thông báo bắt đầu công việc khoan dò trên trang web chính thức của Cơ quan an ninh hàng hải Trung Quốc. Trong đó, họ cảnh báo rằng từ ngày 4/5 đến 15/8/2014, giàn khoan của Trung Quốc sẽ hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa. Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc cũng đã chỉ ra rằng trong thời gian nghiên cứu, họ cấm tất cả các tàu đi lại trong vòng bán kính 4,8 km từ vị trí mà họ tiến hành. 
Đáp lại, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc ngừng khoan dầu ở Biển Đông. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng khu vực nơi mà Trung Quốc đặt giàn khoan thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Về vấn đề này, tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PetroVietnam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động bất hợp pháp và dỡ bỏ dàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, đáp lại sự phản đối của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng việc khoan dầu tiến hành trong vùng biển Trung Quốc. Về vấn đề này, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc bắt đầu chiến lược khẳng định dần dần quyền của mình tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông bằng “fait accompli”, có nghĩa là đặt chúng với một việc đã rồi; họ tin rằng những nước láng giềng "nhỏ hơn" sẽ không có khả năng đối đầu với hành động của mình. 
Quan điểm này là sai lầm. Chính phủ Việt Nam khi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đã đứng trên một lập trường cứng rắn. Tàu Việt Nam bao quanh khu vực dàn khoan Trung Quốc, xung quanh đó bắt đầu xảy ra một cuộc chiến toàn diện, khi tàu Trung Quốc cố gắng húc vào tàu Việt Nam và cả hai bên đã phun vòi rồng về phía nhau. Mối đe dọa ở đây là bất kỳ thời điểm nào việc phun vòi rồng có thể chấm dứt thì thay vào đó là vũ khí thực sự sẽ xuất hiện. "Cuộc chiến cân não" kéo dài nhiều tháng, và cuối cùng, các nhà chức trách Trung Quốc đã gỡ bỏ dàn khoan khoan trước thời hạn, không phải trong tháng 8, mà vào giữa tháng 7/2014. Trong trường hợp này, họ đã không đạt được gì cả, dầu không được tìm thấy, mà hình ảnh của họ trên thế giới càng tiếp tục trở nên xấu hơn. Thêm vào đó, mối quan hệ với Việt Nam, nơi đã diễn ra những cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc, đã căng thẳng tới đỉnh điểm. Còn tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc thấy rằng bất cứ lúc nào, không cần thoả thuận với họ, Trung Quốc có thể tự đưa ra những quyết định bất ngờ nhất. 
Sau khi rút giàn khoan, tình hình tương đối yên tĩnh ở Biển Đông chỉ diễn ra ngắn ngủi. Tại Bắc Kinh, người ta đã tìm ra một chủ đề mới để gây áp lực với các nước láng giềng trong khu vực. Tại đó họ quyết định thực hiện một chương trình mở rộng lãnh thổ các đảo, để trên đó có thể đồn trú các đơn vị quân sự và sân bay cho máy bay vận tải và máy bay quân sự. Theo dẫn chứng của các nhà quan sát Mỹ, "Trung Quốc đang tích cực xây dựng đảo bằng cách chở cát lên các rạn san hô. Tại thời điểm này, người Trung Quốc đã tạo ra khoảng 4 km2 đất” - Chỉ huy trưởng hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, đã tuyên bố như vậy vào tháng 4/2015. Các chuyên gia chỉ ra rằng việc xây dựng các hòn đảo cần thiết cho Trung Quốc để tăng không gian sở hữu biển, và nếu Bắc Kinh xây dựng một hòn đảo, nó sẽ tự động mở rộng biên giới của mình thêm 12 hải lý. Cần lưu ý rằng công việc mở rộng các đảo được thực hiện một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông đã gây ra phản ứng rất tiêu cực từ phía các nước tranh chấp lãnh thổ khác - trước hết là Philippines và Việt Nam. Thị trưởng khu đô thị Kalayaan của Philippines đã chỉ ra “Hành động mở rộng đảo của Trung Quốc có thể dẫn đến việc Trung Quốc toàn quyền kiểm soát trên Biển Đông". Quan điểm này của ông được mọi người chia sẻ, cả ở Việt Nam, Malaysia và các nước Đông Nam Á khác. 
Phân tích tình hình hiện tại chúng ta không thể bỏ qua lời giải đáp cho câu hỏi: Đường lối đối đầu của Bắc Kinh như vậy hiệu quả ra sao, bản thân Trung Quốc nhận được hưởng lợi gì sau tất cả sự căng thẳng này? Kỳ lạ là khó mà tìm thấy những điểm tích cực để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc, nhưng những điểm tiêu cực cho Trung Quốc lại rất nhiều. Đó là sự gia tăng nghi kị và thù địch với các nước láng giềng trong khu vực và sự quay trở lại khu vực của Lục quân và Hải quân Mỹ. Nói chung vai trò của Mỹ trong các vấn đề của khu vực Đông Nam Á gia tăng rõ rệt, mức độ và số lượng tiếp xúc của các nước Đông Nam Á với Mỹ tăng, những điều này liên quan trực tiếp đến lập trường cứng rắn của Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng, các nước láng giềng của Trung Quốc tích cực trang bị vũ khí. Theo thông tin của bộ phận phân tích nhà xuất bản "Jane", nếu trong những năm gần đây Hà Nội phân bổ cho quân sự khoảng 3% GDP, thì trong tương lai ngắn hạn, họ sẽ tăng lên 5%. Theo dự báo, ngân sách quân sự hàng năm của Việt Nam trong những năm 2013-2017 sẽ tăng 30% và sẽ tăng từ 3,8 tỷ USD lên 4,9 tỷ USD. Chính phủ Philippines cũng trang bị lại cho quân đội mình, Bộ Quốc phòng có kế hoạch mua 12 máy bay trực thăng tấn công, 6 máy bay phản lực tấn công hạng nhẹ và một máy bay tuần tra ven biển, cũng như tài trợ cho các hợp đồng dài hạn cung cấp hai tàu khu trục từ Hải quân Italy và 12 máy bay huấn luyện chiến đấu. Cũng không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng - Nhật Bản - nước quay trở lại khu vực với một bước nhảy vọt với tư cách là một cường quốc quân sự. 
Như vậy các hành động đơn phương của Trung Quốc đã dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, trước hết là với chính Trung Quốc. Dưới khẩu hiệu bảo vệ tự do hàng hải, tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục công khai vi phạm tất cả những đường ranh giới mà Trung Quốc lập ra ở Biển Đông và di chuyển trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là của mình, khiêu khích Bắc Kinh đụng độ, điều mà Bắc Kinh chắc sẽ không làm. Tất cả kế hoạch để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và tạo ra một khu vực hòa bình, ổn định và tin cậy sụp đổ trước mắt. Ngay sau cuộc đối đầu của tàu Trung Quốc với Philippines tại quần đảo Trường Sa, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thăm Manila, ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, theo đó trên thực tế quân đội Mỹ đã quay trở lại nước này. Mà chính những năm đầu thập niên 1990 quân đội Mỹ đã không còn ở đó. Sự lạnh nhạt trong quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN ngày càng rõ hơn, đều làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. 
Nhưng điều quan trọng nhất là bằng hành động của mình, Trung Quốc thực sự đã mở cửa cho Mỹ vào khu vực, tạo cho Mỹ cơ hội để củng cố vị thế trong khu vực Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Sự mất lòng tin với chính sách của Trung Quốc đã thúc đẩy các nước láng giềng tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ. Và nước này trong khuôn khổ của chính sách đối đầu toàn cầu với Trung Quốc đã sử dụng điều đó để đạt được mục tiêu của mình – bao vây Trung Quốc bằng cách hình thành mối quan hệ đặc biệt không chỉ với Philippines, mà còn tính toán cả với Việt Nam và Myanmar để cân bằng với Trung Quốc, trở thành một nước chủ chốt trong khu vực Đông Nam Á. 
Lối thoát duy nhất từ tất cả những điều tiêu cực trên là Trung Quốc phải thay đổi đường lối của mình, họ cần phải quay lại với ý tưởng hợp tác với các nước láng giềng của mình, tính đến lợi ích hợp pháp của họ, tìm kiếm và đạt được một thỏa hiệp dựa trên luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS năm 1982. Dù công ước này không hoàn toàn hoàn hảo, nhưng nó là nền tảng đáng tin cậy và hợp pháp duy nhất để đạt được thỏa hiệp khi xét đến tranh chấp trên biển./.
Tham luận của Giáo sư, tiến sỹ Dmitry V. Mosyakov - Phó giám đốc Viện nghiên cứu Phương Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Hội thảo về Biển Đông ngày 5/6/2015 ở Moskva.
Duy Anh (gt)