Manh Kim - Trong số diễn viên Hollywood, là ngôi sao hạng A+; trong số nhân vật đương đại, Jolie là một trong những gương mặt phụ nữ A++. Những hình ảnh thường thấy của cô, ngoài phim trường, không phải là quần là áo lụa nữ trang lủng lẳng mà là những chuyến đi từ thiện toàn cầu mà mới đây nhất là Myanmar. Cô là tấm gương cho nhiều “nghệ sĩ vĩ đại” và đáng được xem là niềm cảm hứng cho những ai nhìn thế giới bằng đôi mắt biết khóc.
Không phải tự nhiên mà tháng 12-2007, một tổ chức đại diện nông dân Philippines (Kilusang Magbubukid ng Pilipinas – Phong trào nông dân Philippines) đã yêu cầu LHQ phái Jolie đến nước mình để chứng kiến số người bị hất khỏi ruộng vườn bởi chính sách chính phủ. Nhận thức về vấn đề nhân đạo và hoạt động từ thiện của Angelina Jolie bắt đầu hình thành khi cô đến Campuchia để thực hiện phim Tomb Raider. Cảnh người dân nghèo khổ lam lũ sống ở nơi còn lổn ngổn mìn như dấu vết sót lại từ thời chiến tranh đã ám ảnh Jolie từ đó. Thế là cô đến UNHCR để xin thông tin về những điểm nóng bất ổn trên thế giới. Vài tháng sau, người ta thấy Jolie quảy balô lên đường. Địa điểm của cô là những trại tỵ nạn khắp toàn cầu.
Tháng 2-2001, Jolie thực hiện chuyến thực địa đầu tiên trong sứ mạng 18 ngày tại Sierra Leone và Tanzania. Vài tháng sau nữa, cô lại đến Campuchia trong hai tuần; rồi gặp người tỵ nạn Afghanistan ở Pakistan, nơi cô đóng góp 1 triệu USD. Bị ấn tượng trước tinh thần tự nguyện và lòng hảo tâm của Angelina Jolie, tháng 8-2001, UNHCR chính thức “bổ nhiệm” Jolie làm đại sứ thiện chí LHQ. Trong buổi họp báo nhân sự kiện này, Jolie nói: “Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước thông tin và tảng lờ trước sự thật rằng hiện có hàng triệu người đang sống khổ sống sở. Tôi thật tâm muốn giúp. Tôi không tin mình có thể nghĩ khác với những người khác. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều muốn công lý và công bằng, một cơ hội cho một cuộc sống có ý nghĩa”.
Ngôi sao làm từ thiện chẳng là chuyện lạ nhưng cách Angelina Jolie làm cho thấy cô thật sự quan tâm vấn đề như thế nào. Năm 2002, cô ghé trại tỵ nạn Tham Hin tại Thái Lan; rồi bay sang Ecuador thăm người tỵ nạn Colombia để có cái nhìn cụ thể về “cuộc khủng hoảng nhân đạo kinh khủng nhất Tây bán cầu”. Tiếp đó, Jolie đến nhiều trại UNHCR ở Kosovo; ghé qua trại tỵ nạn Kakuma tại Kenya và gặp người tỵ nạn Angola trong khi quay phim Beyond Borders ở Namibia. Năm 2003, cô thực hiện chuyến đi sáu ngày đến Tanzania rồi bay ngược về châu Á để thăm (trong một tuần) những số phận nghiệt ngã tại Sri Lanka.
Trong dịp công chiếu phim Beyond Borders tháng 10-2003, Jolie tung ra quyển Notes from My Travels, ghi lại những gì tai nghe mắt thấy trong các chuyến đi từ thiện. Không chỉ đến châu Phi hay châu Á, Jolie cũng thực hiện các chuyến đi nhân đạo với vai trò đại sứ UNHCR ngay tại Mỹ. Bất chấp tình hình an ninh cực xấu tại Darfur (Sudan), cô cũng đến tận nơi để chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở nước này. Cuối năm 2004, cô tham gia chương trình EXIT do kênh ca nhạc MTV khởi xướng để chống tình trạng buôn người tại châu Âu. Năm 2005, cô lại sang Pakistan để gặp người tỵ nạn Afghanistan (gặp Tổng thống Pervez Musharraf và Thủ tướng Shaukat Aziz). Tháng 11 cùng năm, ngay dịp mùa Tạ ơn, thay vì ở Mỹ để hưởng lễ, Angelina Jolie “lôi” Brad Pitt sang Pakistan để “chung sức” với chính phủ nước này trong việc cứu nạn nhân (từ một trận động đất kinh hoàng).
Ngoài vô số chuyến đi thực địa, Angelina Jolie còn tham gia các chương trình từ thiện và diễn đàn kêu gọi nhận thức ở tầm toàn cầu. Cô thường xuyên tham gia Ngày tỵ nạn thế giới tổ chức tại Washington DC và thậm chí được mời làm diễn giả tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2005 và 2006. Chưa hết, cô cũng mò vào tận Quốc hội Mỹ để kêu gọi giúp đỡ từ giới nghị sĩ cho các mục tiêu nhân đạo (chỉ trong năm 2003, Jolie đến Capitol Hill ít nhất 20 lần!). Năm 2005, Jolie thành lập Trung tâm quốc gia về trẻ nhập cư và tỵ nạn, nơi trợ giúp pháp lý miễn phí. Dùng hình ảnh mình, cô cổ súy sự quan tâm vấn đề nhân đạo thông qua phương tiện truyền thông.
Cô từng đích thân thực hiện bộ phim The Diary Of Angelina Jolie & Dr. Jeffrey Sachs in Africa, trong đó thuật lại chuyện mình và tiến sĩ kinh tế lừng danh Jeffrey Sachs thực hiện chuyến đi đến các ngôi làng heo hút ở Tây Kenya. Với tinh thần hoạt động từ thiện nhiệt tình và bất vụ lợi, ngày 24-10-2003, Jolie trở thành người đầu tiên được trao giải Công dân thế giới từ Hiệp hội thông tín viên LHQ. Hai năm sau, cô được hoàng thân Campuchia Norodom Sihamoni trao quốc tịch Campuchia như một ghi nhận công sức cô trong việc bảo tồn đời sống hoang dã tại Battambang (với chiến dịch quyên góp được 5 triệu USD cho dự án trên). Tháng 10-2005, cô được trao Giải nhân đạo toàn cầu từ tổ chức phi lợi nhuận UNA-USA (United Nations Association of the United States of America). Tháng 6-2007, cô thậm chí được mời làm thành viên Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, một trong những tổ chức nghiên cứu chính trị hàng đầu nước Mỹ. Chẳng phải không có lý do khi tuần báo Time (2006) xếp Angelina Jolie vào danh sách 100 nhân vật tạo ảnh hưởng nhiều nhất thế giới.
Sau 15 năm hoạt động thiện nguyện, Angelina Jolie không hề mệt mỏi. Tháng 1-2015, cô đến Dohuk (Iraq), thăm người tỵ nạn Syria và đến các trại tỵ nạn thuộc cộng đồng thiểu số Yazidi, nói chuyện với những người đàn bà bị tra tấn, bị bắt cóc, bị giam cầm và trốn thoát… Năng lượng Jolie là vô tận. Từ năm 2001 đến nay, cô đã đến hơn 20 nước. Tổ chức Jolie-Pitt của cô và chồng chuyên thực hiện các dự án xóa nghèo, bảo vệ thiên nhiên; đóng góp cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới 1 triệu USD. Cô là đồng chủ tịch tổ chức “Hợp tác giáo dục cho thiếu nhi vùng xung đột” do tổ chức Sáng kiến toàn cầu Clinton thành lập năm 2006, năm mà vợ chồng cô đã góp quỹ từ thiện với hơn 8 triệu USD. Năm 2008, cô cùng Microsoft lập tổ chức “Những đứa trẻ cần bảo vệ” với sự tham gia các hãng luật, tổ chức phi chính phủ… nhằm tư vấn pháp lý cho trẻ di cư bơ vơ…
Có thể nói gì về người phụ nữ này: Angelina Jolie, cô là nguồn cảm hứng với cả thế giới, một trong những người mang lại cảm hứng nhiều nhất cho thời đại chúng ta!
_______________________
Tham khảo thêm: