Đa số người đọc bài Người Việt ăn cắp ở Đức của Phạm Thị Hoài xuất hiện trên net tuần vừa qua đều hiểu rằng người Việt nói trong bài là người Việt mới, người Việt tiến bộ, người Việt xã hội chủ nghĩa. Phạm Thị Hoài kể rõ lai lịch của họ : họ gốc gác Nghệ an, Quảng bình; họ tụ tập sinh hoạt tại chợ Đồng Xuân Berlin. Một số người Đức cũng hiểu như thế. Dẫu vậy, vấn đề thanh minh cho công luận Đức am tường sự thực vẫn thường cứ phải đặt ra.
Chuyện con mèo Mungo
Phạm Thị Hoài kể rằng người Việt từng ăn cắp mèo. Nghe có vẻ nhân đạo. Hàng xóm Đức không chăm sóc mèo để nó đi hoang, đói khát, ta ăn cắp ta mang về nuôi nấng đúng tiêu chuẩn văn minh; thiết tưởng cũng là một cách góp phần bảo vệ súc vật. Nhưng số phận con mèo Mungo thì khác.
Tờ báo Bild là một tờ báo bình dân phổ biến rất rộng rãi. Số báo ra ngày thứ sáu 19.09.2014 đăng bài tường thuật chi tiết về chuyện con người mới xã hội chủ nghĩa tên Trần Quí xử lý con mèo Mungo. Trần Quí có năm con, sinh sống ở Andernach, một thành phố nhỏ, có lối ba vạn dân, nằm trên sông Rhein. Ông ta bắt con mèo Mungo của hàng xóm và dùng đèn khí Bunsen nướng vàng để nhậu. Đi kèm với bản tin tường thuật nội vụ, tờBild còn trình bày một bức ảnh minh hoạ rất lớn, chiếm gần nửa trang báo vẽ cảnh Trần Quí xách mèo Mungo nướng trên ngọn lửa. Cùng ngày, tờ DailyMail-Online cũng loan tin nướng mèo Mungo, tin loan bằng tiếng Anh. Khác với thông lệ, cả hai nguồn tin tức đều ghi trọn vẹn tên và họ thủ phạm, thay vì ghi tắt hay đổi tên đổi họ. Cả địa phương Andernach náo động khi được thông báo tin tức. Láng giềng của Trần Quí hoảng hốt đã đành mà trọn thành phố đều lo nhốt mèo thật kỹ. Hai bà hàng xóm của Trần Quí, Christina Sarwatka và Stephanie Jung kêu cứu với cảnh sát. Toàn thể cộng đồng mèo Andernach bị cấm trại một trăm phần trăm.
Ngày 22.09.2014, nhân danh Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức, tôi viết thư cho Sở Cảnh sát Andernach. Tôi trấn an giới chức công quyền địa phương là người tỵ nạn Việt Nam không có thói quen ăn thịt mèo và tôi xin hai bà hàng xóm của gia đình thủ phạm giết mèo Mungo nhận cho lời chia buồn và niềm tiếc nuối. Cảnh sát gọi ngay điện thoại phúc đáp và câu hỏi đầu tiên người Đức nêu ra là làm sao tôi biết tên con mèo bị nướng. Tôi trả lời rằng cả báo tiếng Đức tiếng Anh lẫn báo giấy báo mạng đều có đăng tên con mèo nạn nhân. Tôi cũng hỏi tình hình sở tại hiện thời ra sao. Cảnh sát cho biết còn xôn xao lắm vì thiên hạ ai cũng sợ cho số phận mèo nhà. Tôi xin số điện thoại tư gia của đồng hương thủ phạm nhưng tất nhiên cảnh sát từ chối. Tôi không biết bao lâu sau Andernach mới hết thiết quân luật đối với đội ngũ loài mãn.
Phát huy sáng kiến phạm pháp
Người Việt tiến bộ thường tham gia trồng cần sa “đại trà“ trên khắp thế giới cho nên thường bị ở tù. Tháng 10.2010, Toà án Địa phương Magdeburg kết án ba người vì tội trồng cây ma túy tại trại Atzendorf, tiểu bang Sachsen-Anhalt, thuộc lĩnh vực Đông Đức cũ. Chủ trại Petro H. lãnh bốn năm rưỡi tù giam, Tân Hoài P. ba năm rưỡi tù giam và Quốc Cường D. hai năm rưỡi tù giam. Khác với trường hợp nướng mèo, tên các can nhân trồng cây độc dược đều viết tắt.
Ngày 04.09.2011, một phụ nữ Việt Nam đến từ Berlin bị còng tay đưa ra khỏi máy bay của chuyến Vietnam Airlines số 544 sắp cất cánh ở phi trường Frankfurt am Main đi Hà nội với gần một triệu Euro chất trong hai vali. Tiền giấy cuộn chặt và giấu trong những chai nước xốt cà chua. Nữ nghi can bị xem là tham gia rửa tiền.
Ngày 19.12.2013, nhân viên quan thuế Đức chận giữ Đại sứ Việt cộng tại Thổ Nhĩ Kỳ The Cuong Nguyen – báo Đức không bỏ dấu tên họ – khi nhân viên ngoại giao này từ Ankara đến Frankfurt am Main trên chuyến phi cơ TK1619 của Hàng không Thổ mang theo trong người gần hai chục ngàn Euro mà không khai báo. Người Đức lại nghi đây là một dịch vụ rửa tiền phạm pháp. Tổng lãnh sự Việt cộng ở Frankfurt phản đối vì như vậy là vi phạm qui chế miễn dịch đối với giới chức ngoại giao. Cuối cùng, nghi can phải đóng ba ngàn năm trăm đôla tiền bảo hiểm (!) để được bay tiếp về Hà nội. Viên đại sứ ViXi bảo rằng số hiện kim mang theo người là để cứu trợ nạn nhân bão lụt ở quê nhà!
Tờ taz phát hành tại Berlin ngày 27.01.2012 loan tin Pham Toan P., chủ sự phòng tại Đại sứ quán Việt cộng nhập viện điều trị nhưng không chịu thanh toán y phí. Phát ngôn viên Bệnh viện Vivantes, cô Mischa Moriceau, cho biết đương sự bị ung thư máu cấp tính, cần được xạ trị. Phí tổn lên đến từ mười lăm đến mười bảy ngàn Euro. Ngoài ra, còn cần một ngàn Euro mua vé máy bay khứ hồi cho em gái ông P. từ Việt Nam sang Đức để tiến hành cấy tủy. Nhà thương đòi thanh toán chi phí điều trị nhưng Đại sứ quán Việt cộng cứ một mực làm ngơ khiến dư luận Đức rất bất bình.
Thường xuyên thanh minh
Việt cộng dốc lòng yểm trợ tổ chức tự xưng là Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức, Bundesverband der Vietnamesen in Deutschland e.V. (BVD), thành lập ngày 22.10.2011. Cung cách tự mệnh danh là tổ chức của người Việt trên toàn lãnh thổ Đức quốc đương nhiên là một hình thức tiếm danh. Tổ chức này được các cơ quan ngoại giao Việt cộng yểm trợ tối đa về tài chánh. Thấy vẫn chưa đủ, nó nộp hồ sơ cho cơ quan BAMF (Bundesamt für Migration und Flüchtlinge, Cơ quan Liên bang về Di dân và Tỵ nạn) ở Nürnberg để xin tài trợ cho các hoạt động văn hoá xã hội (?). Đức nghe bùi tai nên cấp ngân khoản. Chưa được bao lâu, cả chục thành viên trong ban điều hành Hội Liên Hiệp công bố trên trang mạng www.nguoiviet.de thư gửi cho BAMF với nội dung không chịu trách nhiệm về thanh toán tài khoản được Đức cấp phát vì có sự lạm dụng bất hợp pháp!
Tổng Giám đốc BAMF là Tiến sĩ Manfred Schmidt. Mấy ngày nay ông ta xuất hiện nhiều lần trên tivi Đức vì vấn đề người tỵ nạn đang là thời sự nóng bỏng. Phụ tá cho Tiến sĩ Schmidt là Cô Anke Eckardt, coi như nữ Bí thư. Mấy lần tôi viết thư cho BAMF xác định rõ ràng rằng cộng đồng tỵ nạn chúng tôi không dính dáng gì đến những tội hình và tội hộ do người Việt gây ra trên đất Đức.
Ngày 12.03.2015, tôi diện đối diện với cả hai nhân vật, Tiến sĩ Manfred Schmidt và nữ Bí thư Anke Eckardt, tại20. Forum Migration. Cố gắng tận dụng thời gian Stehpause (nghỉ giải lao đứng), tôi trực tiếp trình bày với hai nhân vật hữu trách Đức về cục diện bất thường ở Đức với hai tổ chức qui tụ người Việt khác nhau. Tiến sĩ Manfred Schmidt yêu cầu tôi viết một thư chính thức đề địa chỉ cô Anke Eckardt nhằm mô tả tỉ mỉ thực trạng phân chia hai nhóm người Việt tại Đức. Tôi viết ngay thư theo yêu cầu với đề tựa Die zwei Organisationen von Vietnamesen in Deutschland (Hai tổ chức của người Việt tại Đức). Trong thư tôi nói rõ là chúng tôi không dính dáng gì đến Hội Liên Hiệp, trái lại vì biết rất rõ rằng đây là một tổ chức thống thuộc Đại sứ quán Việt cộng ở Berlin nên chúng tôi, vì lý do an ninh bản thân, luôn luôn tìm cách xa lánh nó. Tôi yêu cầu BAMF tiếp tay phổ biến giúp dữ kiện này đến các cơ quan hữu trách Đức.
Kết quả : cơ quan Otto Benecke Stiftung của Đức gửi thư mời tham gia hội thảo đến địa chỉ nhà riêng của tôi nhưng với tên người nhận là Ông Vũ Quốc Nam, vốn là Phó Chủ tịch phụ trách văn phòng của Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức!
Trong khi chống cộng, cá nhân tôi lâm vào hoàn cảnh phải thường xuyên tự tách rời khỏi cộng, tự cách ly với cộng. Cố gắng của tôi nhắm vào phía Đức để làm việc này đã đạt được kết quả, tuy rằng chưa trọn vẹn một trăm phần trăm.
Một người Việt Nam chỉ không muốn làm người Việt Nam nữa mà cũng thật là vất vả quá chừng.