Sau khi xảy ra vụ tàu cá ĐNa 90152 TS bị một tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 25 tháng 6 năm ngoái tại vùng biển Hoàng Sa, văn phòng Luật sư Đỗ Pháp ở Đà Nẵng đứng ra xúc tiến vụ kiện để bảo vệ quyền lợi cho chủ tàu bị nạn.
Diễn tiến vụ kiện
Hiện nay dư luận đang chú ý nhiều đến vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyển đơn phương đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông và hai phiên điều trần đầu tiên cũng vừa kết thúc tại Tòa Trọng tài Thường Trực ở The Hague, Hòa Lan.
Nếu vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc như vừa nêu được cả thế giới quan tâm theo dõi, thì vụ kiện mà văn phòng Luật sư Đỗ Pháp ở Đà Nẵng giúp bảo vệ quyền lợi cho chủ tàu ĐN 90152 TS diễn ra trong âm thầm.
“Về diễn tiến mới tôi chỉ thu thập được thông tin của công ty Trung Quốc; nhưng chủ sở hữu của chiếc tàu thì chưa tìm ra được. Phải cố gắng tìm cho ra chủ thể thì mới có thể kiện được. Thế nhưng phía Trung Quốc cứ lẩn tránh mãi. Tôi có nhờ Bộ Ngoại giao ( Việt Nam) gửi công hàm qua cho đại sứ quán Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhưng họ không phản hồi. Bây giờ Trung Quốc họ đâu hợp tác với mình.”
Khả năng mới
Dù vụ việc của tàu ĐN 90152TS vẫn chưa tiến triển là bao như trình bày của luật sư Đỗ Pháp vừa nêu; thế nhưng trong thời gian qua tiếp tục có nhiều tàu thuyền của ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc cướp phá, đâm chìm nên bản thân ông cho rằng cần phải tiến hành kiện tập thể phía Trung Quốc về các hành động đó. Luật sư Đỗ Pháp có ý kiến về vấn đề này:
“Tôi cũng đang tập hợp thêm một số dữ kiện cuả một số tàu thuyền nữa để kiện luôn một lần.
Trước hết mình phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân Việt Nam; đó là tối thượng. Tôi làm trên nền tảng đó là chính và thứ hai nữa mình tranh thủ sự đồng tình của thế giới.”
Về diễn tiến mới tôi chỉ thu thập được thông tin của công ty TQ; nhưng chủ sở hữu của chiếc tàu thì chưa tìm ra được. Phải cố gắng tìm cho ra chủ thể thì mới có thể kiện được...Tôi có nhờ Bộ Ngoại giao VN gửi công hàm qua cho đại sứ quán Trung Quốc và Bộ Ngoại giao TQ nhưng họ không phản hồiLuật sư Đỗ Pháp
Bản thân người ngư dân Việt Nam thì rất hoan nghênh khi Nhà nước đứng ra kiện Trung Quốc có những hành động ức hiếp, cướp phá, và đâm chìm tàu của họ như phát biểu của ngư dân Mai Văn Cường ở Lý Sơn:
“Đó là vùng biển, đảo của mình chứ đâu phải của họ. Có kiện thì ngư dân biết ơn; Nhà nước kiện thì ngư dân ủng hộ để có chỗ mà đi làm chứ.”
Phối hợp của các cơ quan chức năng
Theo trình bày của luật sư Đỗ Pháp thì văn phòng ông đã tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để xúc tiến vụ kiện phía tàu Trung Quốc từng đâm chìm chiếc tàu ĐN 90152 TS, gây thiệt hại kinh tế lớn cho chủ tàu. Ông cho rằng sự phối hợp như thế là vô cùng cần thiết để có đủ bằng chứng cho vụ kiện mà theo ông còn có nhiều khó khăn:
“ Đây là cuộc chiến đấu có chính nghĩa nên hầu như tôi nhận được sự hậu thuẫn của tất cả các giới, các ngành. Tôi chưa thấy người nào phản ứng lại không đồng tình hoặc cản trở việc này; kể cả Nhà nước và Bộ Ngoại giao đã ra công hàm rồi; tôi nhận được sự hậu thuẩn rất lớn. Trở ngại không phải từ phía mình mà từ phía bị đơn, từ những người gây ra hậu quả này. Vấn đề không đơn giản như mình nghĩ. Cuộc chiến nào cũng vậy, kể cả cuộc chiến về pháp lý. Đã dính đến pháp lý phải có cơ sở chứ không thể nào nói suông được. Chỉ cần thiếu một chi tiết nhỏ mà không bảo đảm là không thể kiện được chứ đừng nói kiện mà thiếu nhiều yếu tố. Mọi thứ có rồi đó nhưng về vấn đề pháp lý rất căng trong vấn đề gọi là trình tự, thủ tục để thực hiện được vụ kiện, không đơn giản. Chưa kể đến tình hình (như anh biết) có những bang giao tế nhị giữa hai nước nên chúng tôi vừa bảo vệ ngư dân vừa tính đến những phương án khác nữa.
Rất nhiều người hỏi tôi và tôi nói với tất cả mọi người rằng trong vụ này chúng tôi không bỏ cuộc để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân đến cùng. Tuy nhiên những trở ngại về mặt pháp lý và khách quan là có thật nên phải tìm cách để vượt qua.”
Tuy nhiên khi chúng tôi nêu câu hỏi với Hội Nghề Cá là hội nghề nghiệp đang giúp cho ngư dân Việt Nam trong hoạt động đánh bắt hải sản ở Biển Đông và nhất là vào thời điểm Trung Quốc đang cấm cản ngư dân Việt làm ăn tại ngư trường truyền thống bao đời nay của họ, ông phó chủ tịch Võ Văn Trác cho biết chưa được văn phòng luật sư Đỗ Pháp liên lạc. Nếu được thông báo bằng văn bản thì Hội Nghề Cá sẽ có những tư vấn cần thiết nhằm bảo đảm chứng cứ cho vụ kiện được thành công. Ông Võ Văn Trác phát biểu vào chiều ngày 21 tháng 7 như sau:
“ Việc này họ chưa nói gì với hội cả, vụ kiện đó cũng chưa thấy công bố gì cả: vụ mà phía Trung Quốc đâm chìm chiếc tàu (của Việt Nam) vào hồi năm ngoái. Họ chưa có văn bản gửi cho chúng tôi và chưa làm việc trực tiếp với chúng tôi.
Vừa rồi nhiều vụ lắm, năm nào cũng có những vụ việc. Để chúng tôi hỏi lại văn phòng (luật sư) đó đã. Chúng tôi sẽ hỏi họ chứng cớ, tư liệu vụ kiện như thế nào, sự chuẩn bị như thế nào.
Vấn đề quan trọng khi kiện là phải chuẩn bị: chứng cớ, tài liệu như thế nào.”
Cảm hứng từ vụ kiện của Philippines
Là người đang xúc tiến việc kiện phía Trung Quốc cho chủ tàu ĐN 90152TS, luật sư Đỗ Pháp cho biết ông theo dõi rất sát vụ kiện của chính phủ Philippines kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò ở Biển Đông. Sau hai phiên điều trần đầu tiên ở Tòa Trọng tài Thường trực, luật sư Đỗ Pháp cho biết những điểm ông rút ra được từ vụ việc đó như sau:
“ Đặc biệt tôi đang theo dõi sát vụ kiện của Philippines để mình có thêm chứng cứ. Qua vụ kiện này mình có thể rút ra được những tình huống pháp lý, rút ra được những khía cạnh liên quan, và mình tranh thủ thêm những yếu tố tác động từ nội tại của phía Trung Quốc nữa. Những phản ứng của phía Trung Quốc đối với vấn đề này là điều mà tôi rất quan tâm. Họ cứ dùng dằng không hợp tác. Tôi cũng xem những diễn biến còn rất nhiều phức tạp hơn nữa. Các anh em tham mưu cho tôi cũng đang theo dõi sát trường hợp này.”
Cũng như nhiều ý kiến lâu nay đối với yêu cầu chính quyền Việt Nam cũng nên kiện Trung Quốc như Philippines về việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông qua đường lưỡi bò bao trùm đến cả 90% khu vực biển này, luật sư Đỗ Pháp và những ngư dân được hỏi ý kiến đều mong muốn nên xúc tiến việc kiện phía Trung Quốc. Dẫu thế họ vẫn cho rằng tùy Nhà nước bởi đó là vấn đề chủ trương, chính sách.