Đối với một số huyện nghèo ở Thừa Thiên – Huế như Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới, hạt lúa vẫn là sản phẩm chủ đạo, quyết định kinh tế gia đình. Nếu mất mùa, mọi việc sẽ trở nên khó khăn, đời sống một số gia đình phải đối mặt với đói kém và thiếu thốn.
Vụ lúa Hè Thu năm nay đối với bà con nông dân huyện Quảng Điền và Nam Đông là một vụ lúa đáng sợ, hàng loạt cánh đồng trơ bông lép, mỗi sào ruộng có thể thu hoạch không được một nửa sản lượng ước định.
Mất mùa ở Quảng Điền
Một người nông dân tên Khoai ở xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế chia sẻ: “Quảng Điền là một vựa lúa của Huế, có thể nói là từ Huế đổ ra Nghệ An. Nhưng năm nay không có đủ nước, nước họ để làm thủy điện, rồi thời tiết cũng khô hạn nên năm nay thất thu, thất thu khoảng 30%-50%. Lúa nhà ai càng tốt thì càng mất mùa, cho ăn phân càng tốt thì khi thiếu nước thì nó càng bị cháy. Năm nay bà con nông dân khó đây. Chắc tụi nó lại trốn đi làm ăn xa, chắc lại trốn qua Lào.”
Với đà này, nguy cơ mất mùa, đói kém là rất cao bởi với người dân các xã bãi ngang ở huyện Quảng Điền, hạt lúa trong bồ vẫn là thứ bửu bối đảm bảo mọi thứ trong gia đình không bị khủng hoảng. Từ việc xay gạo lấy hạt cám nuôi heo, nuôi gà cho đến bán hạt gạo, ký lúa khi có việc cưới xin, giỗ chạp và đau ốm… Tất cả mọi sinh hoạt của người nông dân đều phụ thuộc hạt lúa.
Trong khi đó, theo như nhận định của ông Khoai thì hàng loạt đồng lúa ở các xã Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành điều trổ bông lép. Mà vựa lúa của tỉnh Thừa Thiên Huế lại nằm phần lớn ở các xã này, nhà nào ít ruộng cũng dăm ba sào, nhiều nhà có vài mẫu đất, thuê thêm ruộng để sản xuất. Một khi các cánh đồng này mất trắng thì đời sống ở đây sẽ vô cùng khó khăn, khắc nghiệt.
Vụ lúa trước, các đồng ruộng trên các xã này đã bị mất mùa bởi trận lũ hồi tháng Giêng âm lịch. Nước lũ tràn về lênh láng sau một trận mưa bởi xả đập không phù hợp, các đồng ruộng chìm ngập trong nước ngay vào mùa trổ đòng. Nói cách khác là lượng lúa dự trữ từ vụ trước của bà con nông dân ở đây đã sắp cạn vì mùa truớc cũng bị thất thu.
Tiếp tục mùa này thất thu thì nguồn dự trữ của bà con nông dân sẽ cạn kiệt và nguy cơ bỏ xứ đi làm thuê là rất cao. Vì sau vụ lúa trước, đã có nhiều thanh niên trốn sang Lào theo đường du lịch để làm thuê vật vạ khắp nơi, từ bưng bê, phụ hồ cho đến những công việc nặng nhọc, nguy hiểm mà lao động Lào thường tránh xa như khai thác quặng, làm việc ở các khu ổ chuột và đi vác hàng lậu cho con buôn Lào.
Và với đà này, vụ mùa tiếp tục thất thu, số lượng người lao động ở Quảng Điền phải bỏ xứ đi làm ăn xa sẽ tăng cao. Bởi nếu ở nhà, chẳng khác nào họ tự trói chân tay chịu đói và há miệng chờ gạo cứu tế. Đi làm ăn xa là giải pháp tốt nhất đối với các nông dân mất mùa. Cho dù là đi bán vé số, buôn ve chai đồng nát hay khuân vác, phụ hồ, thu nhập của họ cũng tươi sáng hơn nhiều so với việc chật vật cày sâu cuốc bẫm để rồi cuối mùa trắng tay, nợ nần chồng chất.
Riêng về khoản nợ nần, người nông dân chưa bao giờ thoát được nợ nần. Vì những gia đình muốn thoát nghèo phải vay tiền theo diện nghèo của nhà nước để chăn nuôi, đào ao nuôi cá và mua giống cây trồng trong vườn. Mọi khoản tiền lãi hằng tháng đều trông vào hạt lúa.
Trong trường hợp lúa mất mùa, không có cám để chăn nuôi, không có gạo để bán mà duy trì chăn nuôi và thiếu thốn mọi thứ, nguy cơ phá sản của người nông dân sẽ rất cao. Đó là chưa muốn nói đến các khoản tiền nợ ghi sổ ở các cửa hàng tạp hóa và dịch vụ phân bón, chăm sóc lúa. Thường thì các món hàng như nước mắm, dầu mè, bột ngọt, xà bông giặt đều được ký sổ ở các quán tạp hóa nhỏ đầu làng, đến cuối vụ lại bán lúa trả một lần.
Các khoản phân bón, thuốc trừ sâu và các loại dịch vụ nông nghiệp khác đều được ký sổ để cuối vụ bán lúa trả phí hoặc qui ra lúa để các chủ dịch vụ đến nhà lấy. Trong trường hợp lúa mất mùa, mọi khoản nợ này sẽ chồng chất. Người nông dân chỉ còn một cách duy nhất là bôn tẩu, tha phương cầu thực để kiếm sống qua ngày, tích lũy trả nợ.
Người đi càng đêm càng đông dần…
Ông Hải, một nông dân ở Quảng An, Quảng Điền buồn bã chia sẻ thêm: “Lúa thì bữa ni đang mưa, đen hạt hết, mất khoảng 30%. Chưa chính xác, đợi khoảng một tuần nữa là biết chính xác. Đây là vựa lúa của cả tỉnh. Khó khăn nhiều, bao nhiêu tiền của đổ ra, vật tư, giống má, giờ nợ nần chồng chất, nhà ai cũng mất hết, nhà mình cũng mất. Người nông dân khổ lắm chứ, bỏ ra vốn liếng bỏ ra giữa ruộng đến 3 tháng thì thu hoạch, mà giờ mất mùa, buồn nhiều. Nhà mô có điều kiện thì còn đỡ, còn nhà mô lấy ngắn nuôi dài thì…”
Ông Hải lấy một câu trong ca khúc Kinh Khổ của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, cải biên để ví von với tình trạng thanh niên bỏ nhà đi hằng đêm ở quê ông. Vì thời gian gần đây đi ban ngày dễ bị lộ, bị theo dõi và không qua được cửa khẩu nên các thanh niên ở đây đã chọn phương án đi vào ban đêm và chẻ đường rừng để sang Lào. Ở đó sẽ có những người đồng hương của họ ra đón vào các công trình để phụ hồ, khuân vác.
Theo ông Hải, số lượng thanh niên ở các xã huyện nghèo như Nam Đông, Quảng Điền, Phú Lộc, A Lưới trốn sang Lào hoặc vào Nam làm thuê khá đông. Chính vì những lao động chính trong gia đình bỏ đi hết nên những người còn ở lại không tài nào đảm đương được mảnh ruộng, góc vườn, lại phải bỏ hoang. Ruộng bỏ hoang vẫn phải đóng thủy lợi phí, đó là qui định của chính quyền địa phương.
Và một khi thiếu người lao động trong làng, mọi việc tang chay, hiếu hỉ hay bệnh tật sẽ rất khó khăn đối với những gia đình neo đơn. Người già thiếu chỗ dựa, người trẻ không có cha mẹ, anh chị bên cạnh. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, theo ông Hải, nguyên nhân chính là do hệ thống sông ngòi bị ô nhiễm nặng, thậm chí nhiễm mặn, bên cạnh đó, các đập thủy điện luôn giữ nước vào mùa khô và xả nước tới tấp khi cần thiết để bảo vệ thủy điện làm hại mùa màng.
Ông Hải đưa ra kết luận rằng để bảo vệ thủy điện, bảo vệ nguồn kinh tế của một nhóm nhỏ mà hàng ngàn gia đình nông dân phải trả giá bằng việc mất mùa, đói kém, bôn tẩu xứ người qua ngày đoạn tháng. Và người nông dân càng khốn khổ bao nhiêu thì giá điện càng tăng mạnh bấy nhiêu. Đó là một thực tế!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.