Thursday 13 August 2015

Tự thiêu có chống được bất công? - Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ

Untitled-1-620.jpg
Dân Dương Nội lập bàn thờ và dàn hỏa tự thiêu để chống công an cưỡng chế đất hôm 31/3/2013
Courtesy of chauxuannguyen.org
Có thêm người tự thiêu vì bị cưỡng chế đất trong nước; tuy nhiên liệu biện pháp này có thực sự hữu hiệu để đấu tranh chống bất công tại Việt Nam hay không?
Vụ việc mới
Mạng báo Dân Trí vào ngày 12 tháng 8 loan tin vào sáng cùng ngày tại xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra một vụ tự thiêu bằng xăng.
Người tự thiêu được tờ báo cho biết tên là Phạm Thị L. sinh năm 1963. Bà này có tranh chấp đất đai với ông Thạch Cảnh Phổ và Ủy ban Nhân dân huyện Đức Phổ vào ngày 23 tháng 8 năm 2013 ra quyết định về vụ việc có lợi cho ông Thạch Cảnh Phổ. Bà L. không đồng ý với quyết định của ủy ban nhân dân huyện nên tiếp tục khiếu nại. Cấp tỉnh bác đơn của bà L. vào tháng tư năm sau đó. Bà này tiếp tục gửi đơn kiện đến Tòa án Nhân dân huyện Đức Phổ, và sau khi tòa nhận bổ sung thủ tục đã trả lại đơn với lý do hết thời hiệu khởi kiện.
Mới đầu tháng 8 này, bà L. lại gửi đơn khiếu nại về nội dung thông báo trả đơn của tòa án nhân dân huyện Đức Phổ. Tuy nhiên đến sáng ngày 12 tháng 8, ủy ban nhân dân xã Phổ Nhơn tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công cho ông Thạch Cảnh Phổ.
Bà L. đã tẩm xăng tự thiêu trước sự chứng kiến của đoàn cưỡng chế xã gồm chừng 20 người cùng gia đình và dân chúng địa phương. Ngay sau đó bà L. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng và nguy kịch đến tính mạng.
Người tự thiêu bất thành
Vào cuối tháng giêng năm nay, một phụ nữ có tên Nguyễn Minh Tân, cũng tự thiêu tại chợ cũ xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Chị này quyết định tự thiêu vì sau nhiều tháng trời đại diện cho chừng 200 tiểu thương tại chợ này khiếu kiện về việc địa phương tiến hành giao cho chủ đầu tư xây chợ mới mà không họp bàn với tiểu thương mà không được giải quyết thấu tình đạt lý. Trong thời gian ở Hà Nội khiếu kiện, chị Tân phải đi phụ bán hàng để kiếm sống cũng bị an ninh buộc chủ không cho chị này phụ việc.
Việc tự thiêu bất thành và nay phải chịu tàn phế, vào sáng ngày 13 tháng 8 chị Tân cho biết lại mong muốn khi đi đến quyết định tự thiêu:
Khi về tôi thấy tiểu thương vào chợ mới khóc lóc quá, tôi bức xúc nên đành tự thiêu ở chợ cũ với mong muốn các cấp lãnh đạo hối hận hay suy nghĩ lại.
- Chị Nguyễn Minh Tân
“Chúng tôi ở ngoài Hà Nội vào tháng 12 và tháng 1 năm 2014-2015; khi tôi ở ngoài đó thì ở huyện có văn bản gửi xã mà theo tôi là văn bản ‘gian lận’: họ nói chợ cũ xuống cấp trầm trọng rồi, sơ mưa bão làm sụp đè chết dân; tuy nhiên đó chỉ là sự trá hình thôi. Họ làm thế để không cho buôn bán ở chợ cũ nữa, cấm. Họ niêm phong chợ cũ lại và dồn vào chợ mới để xã đạt danh hiệu xã điểm với 19 danh hiệu nông thôn mới mà được thưởng tiền. Họ chạy theo thành tích đó.
Còn tiểu thương thấy công an, chính quyền đông quá nên họ sợ. Khi đó tôi đang vắng nhà, ở Hà Nội để xin những công văn của trung ương yêu cầu tỉnh, huyện, xã nhà của tôi cho tiểu thương buôn bán đến tết vừa rồi. Sau tết ngồi lại làm việc để giải quyết đơn theo đúng pháp luật. Thế nhưng địa phương không làm theo công văn của trung ương mà cưỡng chế. Địa phương dùng lực lượng công an, vũ lực của chính quyền khiến tiểu thương ở nhà quê là những người hiền hậu và ‘nhu nhược’ run sợ đành phải vào chợ mới. Thế nhưng khi vào chợ mới thì buôn bán lỗ lã, mất hết toàn bộ khách vãng lai, chỉ có bán cho số người dân tại địa phương và sức bán giảm phân nửa. Chúng tôi tiếp tục đi khiếu kiện. Khi về tôi thấy tiểu thương vào chợ mới khóc lóc quá, tôi bức xúc nên đành tự thiêu ở chợ cũ với mong muốn các cấp lãnh đạo hối hận hay suy nghĩ lại.”
Tự thiêu nhưng vụ việc không được giải quyết
Ngoài trường hợp chị Nguyễn Minh Tân tự thiêu bất thành như vừa nêu, còn có những vụ tự thiêu để phản đối việc thu hồi đất hay bất công khác như trường hợp bà Đặng thị Kim Liêng, mẹ của tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần tự thiêu vào ngày 30 tháng 7 năm 2012.
Cô Tạ Minh Tú, con gái của bà Đặng thị Kim Liêng cho biết lại những áp lực dồn mẹ cô đến đường cùng buộc phải chọn cách thức tự thiêu để phản đối:
“Do an ninh ở Phan Đăng Lưu cứ xuống làm áp lực thế này, thế nọ hoài nên mẹ tôi mới đi vào con đường đó. Tôi ở nhà chung với mẹ tôi và thấy cứ mỗi tháng đều thấy họ xuống rồi điện thoại cho mẹ tôi ra một chỗ nào đó mà mẹ tôi đi không nói cho biết, về cũng không nói lại mà chỉ nói họ bảo rằng chuẩn bị bắt hết cả nhà nhốt, tịch thu nhà. Điều này mẹ tôi nói không biết bao nhiêu lần. Tôi nói giờ mẹ già rồi cứ trả lời không biết gì hết, chị Tần lớn rồi, chị có làm gì vi phạm pháp luật thì chị chịu hoàn toàn trách nhiệm, mẹ già rồi mẹ không có trách nhiệm gì hết.”
Cô Phạm thị Anh Kiều có cha phải thiêu sống bản thân để chống thu hồi đất đai tại Đà Lạt cách đây 4 năm cho biết đến nay việc khiếu kiện của gia đình vẫn vô vọng:
“Từ khi ba tôi mất đến giờ tôi ra Hà Nội thì trung ương vẫn chuyển về tỉnh nói rằng thuộc thẩm quyền của tỉnh, rồi họ nói việc đó do huyện thì huyện giải quyết.”Cô Tạ Minh Tú cũng cho biết việc khiếu kiện của gia đình cô về đất đai sau khi bà mẹ tự thiêu lại gặp bế tắc.
Lời khuyên
Chị Nguyễn Minh Tân sau khi tự thiêu bất thành và thân thể tàn tật nhưng cho biết vẫn tiếp tục đấu tranh và cô khuyên người khác không nên chọn cái chết bằng thiêu sống thân mình.
Lý do thứ nhất các cấp chính quyền tại Việt Nam rất vô cảm không hề động lòng trước cái chết của đồng loại; thứ hai còn có nhiều cách đấu tranh khác nữa; chị cho biết:
Tôi khuyên mọi người đừng dại dột tìm cách như tôi. Hãy đấu tranh bằng cách khác vì có muôn vàn cách đấu tranh; chứ đừng như tôi để mà tự mình chuốc lấy đau đớn thân xác.
- Chị Nguyễn Minh Tân 
“Nếu là nhà tư nhân thì tôi không bao giờ hủy hoại thân xác như vậy, tôi nghĩ hủy hoại để được việc gì đó cho tập thể nhưng nay tôi tàn phế như thế này mà chính quyền không có chút gì suy nghĩ lại, hay hối hận. Tôi khuyên mọi người đừng dại dột tìm cách như tôi. Hãy đấu tranh bằng cách khác vì có muôn vàn cách đấu tranh; chứ đừng như tôi để mà tự mình chuốc lấy đau đớn thân xác. Đó không phải là cách đấu tranh mạnh mẽ. Nếu cho chọn lại thì tôi không dùng cách đấu tranh này vì nó không có hiệu quả!”
Tin tức về những vụ tự thiêu để chống lại bất công tại Việt Nam lâu nay thường bị cho là ‘nhạy cảm’ ít khi được báo chí chính thống đưa như trường hợp bà Phạm Thị L. ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 12 tháng 8 vừa qua.