Thursday, 29 October 2015

James Bond: Tài sản quý giá nhất của tình báo Anh - Lê Mạnh Hùng

James Bond

Chúng ta có lẽ không ai không biết đến tên James Bond, người hùng của một loạt truyện gián điệp của tác giả Ian Fleming và một loạt phim dựa trên các tác phẩm của ông. Và suốt 62 năm qua kể từ khi Bond đầu tiên xuất hiện, chàng điệp viên ảo này đã giúp làm tăng rất nhiều uy tín của những điệp viên thực sự ngành trong tình báo Anh.

Và nay Daniel Craig, nhân vật cuối cùng đóng vai Bond kể từ Sean Connery đã lại quay trở lại màn bạc với Spectre, cuốn phim mới nhất về Bond. Bất chấp những thay đổi chính trị trong mấy chục năm gần đây, Bond vẫn hấp dẫn khán giả hơn bao giờ hết.

Trên thực tế trong những thập niên kể từ khi Ian Fleming đưa ra bộ truyện đầu tiên về Bond, Casino Royal, nước Anh và tình báo Anh đã trải qua nhiều bước thăng trầm.

Nước Anh có khá nhiều cơ quan tình báo và hoạt động đặc công. Cơ quan tình báo quốc ngoại của Anh - được các thành viên của mình biết dưới tên SIS (Secret Intelligence Service) và thế giới bên ngoài biết dưới cái tên MI-6 và cơ quan tình báo quốc nội, MI-5. Bên cạnh đó còn có cơ quan tình báo điện tử (tương đương với cơ quan NSA của Mỹ) GCHQ (Government Communications Headquarters). Bên cạnh các cơ quan tình báo này còn có hai lực lượng đặc nhiệm, SAS (Special Air Service) của bộ binh và SBS (Special Boat Service) của thủy quân lục chiến. Các cơ quan này từ xưa vẫn lừng danh thế giới
Nhưng không phải vì thế mà họ không có những thất bại nghiêm trọng. Trong những năm của thập niên 1950 và 1960 khi Fleming viết các câu truyện đầu tiên về James Bond, Whitehall (tên gọi tắt các cơ quan của chính phủ Anh, bao gồm tương đương với Bộ Ngoại Giao, Ngũ Giác Ðài và văn phòng các cơ quan CIA và FBI của Mỹ) bị xáo trộn bởi một vụ bê bối kéo dài khi các tin tức cho thấy một số những quan chức tình báo đáng tin cậy nhất trên thực tế đã là gián điệp của Liên Xô từ nhiều năm. Và vào những năm gần đây thì có việc tiết lộ sự đồng lõa của các viên chức Anh trong việc bắt cóc và tra tấn nghi phạm của CIA cũng như vai trò của tình báo Anh trong việc dựng nên nguy cơ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq.

May mắn là Bond và những đồng nghiệp tưởng tượng khác của ông đã giúp cho tình báo Anh có được một hình ảnh tốt đẹp hơn nhiều so với thực tế.

Một điều ta phải công nhận là gián điệp trong truyện của Anh hấp dẫn độc giả rất nhiều so với những truyện gián điệp của các nước khác kể cả Mỹ. Không phải chỉ có Bond mà thôi. Ngoài ra còn có George Smiley và những chàng gián điệp phiền muộn, mất đạo đức của John Le Carré. Ấy là chưa kể các cuốn truyện của Frederick Forsyth, Erskine Childers và John Buchanan.

Lý do của sự hấp dẫn này là tất cả những cuốn sách đó đều được viết bởi những người mà hoặc là cựu nhân viên tình báo hoặc là có quan hệ mật thiết với tình báo Anh. John le Carré trong nhiều chục năm chỉ nói mình là một cựu nhân viên ngoại giao trước khi cuối cùng thú nhận rằng ông là thành viên của SIS. Forsyth, tác giả cuốn trụyện nổi tiếng “The Day of the Jackal” vào đầu năm nay thú nhận rằng ông đã hoạt động cho SIS khi còn làm phóng viên báo chí đằng sau bức màn sắt. Tác giả loạt chương trình “The Sandbaggers” mà nhật báo New York Times đánh giá là loạt phim truyện gián điệp hay nhất trong lịch sử truyền hình, Ian MacKintosh là một cựu sĩ quan Hải Quân Anh chuyên về tình báo mà cái chết trong một tai nạn máy bay chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng.

Với chính phủ Anh khắt khe hơn nhiều so với chính phủ Mỹ trong việc cho phép các cựu viên chức viết hồi ký, tiểu thuyết trở thành hầu như lựa chọn độc nhất mà những người này có thể làm để nói ra những kinh nghiệm của họ.

Và điều này lại càng đúng với Bond. Người sáng tạo ra ông, Ian Fleming bắt đầu sự nghiệp như là một phóng viên cho Reuters trước khi khám phá ra rằng làm phóng viên không giầu đủ để cho ông một lối sống phong lưu mong muốn (mặc dầu ông công nhận rằng nhờ nó mà ông biết viết văn).

Thế Chiến Thứ Hai giúp ông thoát ra khỏi cuộc đời nhàm chán làm ngân hàng - tuy rằng thời gian ông làm việc cho tình báo hải quân (giống như Bond, ông mang quân hàm trung tá) không mang lại đủ những thích thú như ông hy vọng.

Nhưng điều mà thời gian này cho ông là tư liệu để sáng tạo ra Bond và thế giới của chàng này. Sau này, ông lấy mẫu nhân vật “M” sếp của Bond theo hình tượng sếp của ông trong thời chiến, Phó Ðề Ðốc John Godfrey (trên thực tế cho đến thời Thủ Tướng Tony Blair công khai hóa MI-6, người cầm đầu SIS bao giờ cũng chỉ được biết dưới tên “C” và tập tục đó bắt đầu từ người đầu tiên cầm đầu cơ quan này Mansfield Smith Cumming mà luôn luôn chỉ thự vào các văn kiện một chữ “C” bằng mực xanh lá cây).

Fleming đã làm việc với một số những nhân vật đặc sắc nhất trong thế giới tình báo của Thế Chiến Thứ Hai, bao gồm cả Alan Turing, nhà toán học thiên tài đã giải được mật mã Enigma của Ðức và William “Wild Bill” Donovan người thành lập ra cơ quan tình báo OSS của Mỹ mà sau này trở thành CIA. Một số nữ thư ký quý tộc đã trở thành hình mẫu cho nhân vật Miss Moneypenny. Vâng đó là cái thời các cô con nhà quý tộc đã tình nguyện vào làm việc ở đủ nơi để “đóng góp cho cố gắng chiến tranh.”

Những kinh nghiệm trong thời làm báo và làm ngân hàng tại Luân Ðôn và nước ngoài - bao gồm cả việc tường thuật các vụ án chống những đồng chí Boshevik kỳ cựu của Stalin trong thập niên 1930 cho Reuters - cũng cho ông những kinh nghiệm để đưa vào trong truyện của ông những chi tiết hiện thực.

Nhưng ngay từ đầu, điều làm cho những truyện của Bond hấp dẫn là ảo tưởng một điệp viên đơn độc với “giấy phép được giết người (licence to kill)” cứu thế giới chống lại một kẻ chủ mưu đen tối độc ác với những kế hoạch chinh phục thế giới phức tạp không cần thiết. Và đó là một điều ít nhất làm trấn an người dân Anh vào một giai đoạn mà đế quốc Anh đang từ từ tan biến cùng với những ảnh hưởng toàn cầu của nước Anh.

Và đối với thế giới, những câu chuyện này cũng đủ để tạo ra một ấn tượng về khả năng của tình báo Anh đến nỗi một sử gia Anh, Giáo Sư Timothy Garton Ash, hiện đang dạy về sử Châu Âu tại Oxford, kể lại thời còn sinh viên ông có được sang Ðông Ðức trong chương trình trao đổi văn hóa. Và ông đã bị ngay cơ quan mật vụ Ðông Ðức lập hồ sơ theo dõi. Sau này khi Ðông Ðức sụp đổ và các hồ sơ mật này bị phát hiện và công bố, ông hỏi một cựu nhân viên tình báo Ðông Ðức vì sao mà cần phải theo dõi ông, một sinh viên chưa đầy 20 tuổi thì được trả lời, những chuyện về Bond cho thấy khả năng của tình báo Anh thành ra họ có bổn phận phải thận trọng khi liên quan đến bất kỳ người Anh nào.