Các cường quốc thường hay lấn luớt nhược tiểu và thuờng hay thương thảo để chia chác quyền lợi trên đầu nhược tiểu.
Khi soạn luật biển UNCLOS các cường quốc biển mà trong đó có Hoa Kỳ muốn vùng nước chủ quyền thật nhỏ, vùng biển quốc tế thật to để tàu thuyền của họ dễ tung tăng không bị ràng buộc. Đã vậy mà HK cũng không phê chuẩn, nhưng lại tôn trọng UNCLOS trong thực tế. Ngược lại, Trung Quốc phê chuẩn nhưng không tôn trọng.
Nạn nhân rõ ràng nhất trong trò chơi quyền lực này là Việt Nam và Phi. TQ chiếm Hoàng Sa năm 1974, HK lúc đó đang đứng cạnh nhưng không can thiệp vì đã làm bạn với TQ để chống Liên Sô, nên có quyền lợi chiến lược lớn hơn. Tháng Hai 1979 TQ đánh VN thì ngày 29/1/1979 Đặng Tiểu Bình viếng thăm HK, thông báo TT Carter là ông sẽ đánh VN và nhờ HK giúp thông tin tình báo qua vệ tinh quan sát biên giới Nga-Hoa xem Liên Sô có động binh hay không. Năm 1988 TQ mượn cớ giúp Liên Hiệp Quốc lập trạm thăm dò khí tượng ở Trường Sa để bắn giết 64 binh sĩ VN, chiếm Gạc Ma và các đảo mà VN sở hữu, HK và các cường quốc tây phương làm lơ để mặc.
Năm 1995 TQ chiếm Vành Khăn, Phi viện dẫn hiệp ước liên minh quân sự với HK để cầu cứu TT Clinton, nhưng HK nói hiệp ước không có bao gồm Vành Khăn. Năm 2012 TQ chiếm Scarborough và HK cũng làm lơ. Hiện giờ TQ đang bao vây Cỏ Mây không cho tiếp tế để Phi bỏ đảo và HK cũng đang làm lơ.
Trong khi đó thì HK, đứng trước đòi hỏi mạnh mẽ của Nhật sau khi Nhật nghi ngờ TT Obama đâm sau lưng mình khi đi bách bộ nói chuyện riêng với ông Tập Cận Bình ở Palm Springs ngày 7/6/2013, nên cuối cùng đã chính thức lên tiếng xác nhận là Senkaku có trong liên minh quân sự Mỹ-Nhật. HK có sự khác biệt đối xử vì Nhật là cường quốc, có sức mạnh nội lực và có vai trò an ninh chiến lược ở vùng Đông Bắc Á.
Tàu Lassen đi vào Trường Sa ngày 27/10/2015 mà theo các viên chức quốc phòng HK, có lộ trình 72 hải lý đi từ phía bắc đến phía tây nam, qua vùng chủ quyền 12 (CQ12) của các đảo mà Phi và Việt Nam có chủ quyền, và vào vùng 12 hải lý của đảo Subi, nhưng không vào vùng 12 của Vành Khăn (Reuters 27/10).
Mục đích chính yếu là để khẳng định quyền tự do hàng hải theo UNCLOS và không dính líu gì cả đến vấn đề chủ quyền, có nghĩa là các đảo ấy, hay cả quần đảo là của ai thì HK cũng chấp nhận thôi!
Vấn đề thực sự là lưu thông hàng hải theo UNCLOS mà HK và TQ thông dịch luật này khác nhau.
Lưu thông vô hại (innocent passage) hay chỉ cần đường đi ngang chứ không có ý đồ gì khác thì được đi vào vùng CQ12. TQ đã sử dụng quyền này tháng 8/2015 vừa qua ở eo biển Alaska khi đi qua vùng quần đảo Aleutian. Tàu Lassen đi vào Subi thì cũng không khác gì mấy, nhưng để tránh va chạm hai bên đã chuẩn bị cho nhau cả tháng trước đó.
Vùng nước chủ quyền 12 hải lý chung quanh chỉ áp dụng cho đá/đảo nổi khi triều dâng và thiên nhiên chứ không do nhân tạo. Subi và Vành khăn không hội đủ điều kiện này vì nửa nổi nửa chìm nên chỉ có vùng nuớc chủ quyền 500 mét. TQ muốn nó là 12 hải lý nhưng mập mờ. Vì không có UNCLOS để bảo vệ Subi nên TQ nhuờng nhịn HK, nhưng với các nước khác thì không, kể cả Nhật, như TQ đã từng tuyên bố.
Vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý thì HK cho rằng nước chủ chỉ có chủ quyền trên tài nguyên (cá, khoáng sản) và nước chủ không được ngăn cản trên các lãnh vực khác như dọ thám, tập trận, vẽ bản đồ, nên tàu/máy bay đi vào không cần phải xin phép mà chỉ cần thông báo. Ngược lại, TQ thông dịch là hoạt động của các nước khác phải xin phép và đã rất khó chịu khi HK cho máy bay và tàu vào thám thính gần Hải Nam, nơi TQ đặt căn cứ tàu ngầm.
Theo Diplomat 27/10, kể từ chuyến thăm HK của ông Tập vào cuối tháng 9/2015, các viên chức giấu tên của HK cho biết là đã liên tục và đều đặn thông tin việc tàu HK sẽ vào vùng 12 ở Trường Sa. Sự loan báo của giới truyền thông có vai trò đếm xuống (countdown) đi từ vài tuần đến vài ngày rồi đến 24 giờ. Đó là một sự cố ý, thiết kế để cung cấp cho TQ đầy đủ sự báo trước - và đầy đủ thời gian để TQ hình thành các phản ứng chính thức (hơn là để trong tay các viên chức quân sự ở thực địa phản ứng).
Việc 5 tàu chiến TQ đi vào vùng CQ12 ở Alaska mà HK không phản ứng gì cả, nhất là khi đó TT Obama có mặt ở Alaska, làm cho người ta có cảm giác đây là một vở kịch được cẩn thận dàn dựng, có tính cách sòng phẳng 'quid pro quo' bánh ít đi bánh quy lại. Cho nên dù TQ có vẻ không chấp nhận Điều 17 của UNCLOS về 'quyền đi qua vô hại', TQ cũng đáp lễ lại HK khi tàu Lassen đi vào vùng 12 của đá Subi, bằng cách chỉ phản ứng chiếu lệ cho có, bỏ qua các tranh cải là Subi có vùng CQ12 hay không. Theo báo Economist 27/10, các tranh chấp từ trước đến nay giữa HK và TQ không nhằm vào vùng CQ12 mà là vùng EEZ.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng “Đây không phải là cuộc tuần tiễu cuối cùng" và có khả năng trở nên thường xuyên hơn trong tương lai (VOA 28/10). Tuy nhiên nó không có giá trị gì nhiều cho các nước khác như Việt Nam vì:
Đây là vấn đề thông thương hàng hải chứ không phải là vấn đề chủ quyền, và là việc diễn dịch UNCLOS như thế nào để các bên đều đồng ý là đảo nào có vùng CQ12, đảo nào có EEZ và những giới hạn nào ở vùng EEZ.
TQ có một chính sách kỳ thị đối xử, dù việc đi phù hợp với UNCLOS nhưng chỉ HK mới được lưu thông bên trong quần đảo Trường Sa, còn các nước khác thì không, kể cả Nhật Bản. Hơn nữa, TQ cố tình mù mờ trong việc áp dụng UNCLOS để có thể giải thích theo ý riêng của kẻ mạnh và dùng UNCLOS làm bình phong. Thực tế là TQ áp dụng luật sức mạnh.
Nếu chỉ HK đi vào vùng và các nước khác không vào để tạo thành những tuyến qua lại thông thường thì HK chỉ cuỡi ngựa xem hoa, chủ vườn vẫn là TQ. TQ đã lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông (ADIZ), HK không công nhận, cho B-52 bay qua nhưng chỉ một lần, còn các hãng hàng không dân sự HK được chính quyền HK khuyên là nên tuân thủ các quy định của TQ. Máy bay Lào hôm 25/7/2015 bị TQ đuổi trở lại Nam Hàn. HK đã đánh trống bỏ dùi và thực tế là ADIZ có hiệu lực.
HK không vào vùng 12 từ năm 2012 tức là đã 3 năm, đủ dài để TQ làm mưa làm gió trong vùng. Việc HK hứa hẹn trở lại, dù nói là thường xuyên cũng không ai biết là bao giờ, trong khi TQ có khả năng xây mỗi năm một thành phố lớn cỡ Los Angeles thì việc xây thêm các đảo nhân tạo ở Trường Sa là chuyện nhỏ.
HK chỉ muốn check/ngó chừng TQ đừng dùng sức mạnh quá đáng hay vũ lực khi trừng lên thành siêu cường, không có ý ngăn chận TQ trở thành siêu cường, cho nên khi chưa có yếu tố vũ lực thì HK có lý cớ để ngó lơ, mà hệ quả là các nước nhỏ trong vùng bị thiệt hại qua chính sách 'lát cá' của TQ.
HK chỉ cho cần câu để những nước nhỏ như VN, Phi, Mã tự bắt cá chứ HK không cho cá. VN và các nước phải tự bảo vệ chủ quyền của nước mình. HK có thể giúp tàu, các khí cụ bảo vệ biển đảo, hay kỹ thuật chế tạo vũ khí chứ HK không can thiệp quân sự thế cho những nước này.
Để kết luận, có thể nói rằng sự kiện Lassen 27/10 tuy cần thiết nhưng chỉ là bước đầu muộn màng mà NS John McCain nói lẽ ra phải được thực hiện từ lâu và HK nên tiến hành những hoạt động tuần tiễu thường xuyên trên không, trên biển trong những tuần lễ và những tháng tới (VOA 28/10). Nó giúp kềm chế TQ trong vấn đề lập vùng kiểm soát quá lớn ở Trường Sa, vi phạm UNCLOS. Nó không cuốn lại (rollback) những gì TQ đã làm. Nó cũng không có khả năng làm TQ dừng xây dựng ở những nơi họ đã bồi đắp. Nó cũng không có khả năng ngăn chận TQ chiếm thêm trong số khoảng 209 rạn san hô chưa ai chiếm đóng và xây dựng chúng thành đảo nhân tạo.
Trong vấn đề chủ quyền, Việt Nam vẫn còn bơ vơ và càng ngày càng yếu đi khả năng bảo vệ Trường Sa, do bởi đảng CSVN không có khả năng xây dựng nội lực dân tộc.
Lê Minh Nguyên
28/10/2015