Dư luận tại Việt Nam lại quan ngại và bất bình về vụ việc cháu Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, vào ngày hôm qua 10 tháng 10 được chính thức thông báo qua đời tại bệnh viện Bạch Mai do phù nề não bởi bị đánh trong thời gian 2 tháng bị công an giam giữ.
Phản đối việc công an đánh chết dân
Ngay sau khi có tin chính thức nạn nhân Đỗ Đăng Dư đã tử vong, một số nhà hoạt động tại Hà Nội, cùng thân nhân của người chết, vào tối ngày 10 tháng 10 tiến hành một cuộc phản đối trước Bệnh viện Bạch Mai. Họ mang các biểu ngữ như ‘Đả đảo công an giết cháu Đổ Đăng Dư’, ‘Bệnh viện Bạch Mai đồng lõa với tội ác’…
Vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày 11 tháng 10, chị Thảo Teresa cho biết lại việc phản đối và đòi hỏi phải làm sáng tỏ về cái chết của cháu Đỗ Đăng Dư. Đây được cho là cách để bảo vệ cho nhiều người dân tại Việt Nam hiện nay:
“ Lý do mà tôi cũng như những anh em tham gia thứ nhất là ( đòi hỏi) cho em Dư, thứ hai để phản đối việc nhà cầm quyền đánh đến chết công dân mà trở thành một tình trạng chung trong rất nhiều năm nay do nhà cầm quyền này làm rồi. Dân vào đồn công an bị đánh chết rồi họ đưa ra nhiều lý do để bao biện cho việc làm đó, nên đó là lý do mà tôi quyết định đến đó để đồng hành cùng gia đình em.”
Một người chú của nạn nhân Đỗ Đăng Dư vào sáng 11 tháng 10 cho biết gia đình đang làm việc với phía cơ quan chức năng và thi thể người chết vẫn còn trong nhà xác Bệnh viện Bạch Mai:
Lý do mà tôi cũng như những anh em tham gia thứ nhất là ( đòi hỏi) cho em Dư, thứ hai để phản đối việc nhà cầm quyền đánh đến chết công dân mà trở thành một tình trạng chung trong rất nhiều năm nay do nhà cầm quyền này làm rồichị Thảo Teresa
“Đang làm việc, còn bận làm việc, chưa ( đưa xác về)”
Những người quan tâm vụ việc thuật lại lời của bà Đỗ thị Mai, mẹ của cháu Đổ Đăng Dư, thì con bà bị bắt quả tang lấy cắp 2 triệu đồng của một gia đình hàng xóm hồi ngày 5 tháng 8. Số tiền đã được trả lại nhưng người lấy cắp vẫn bị đánh và bị đưa đến công an xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ làm việc. Sau đó Đỗ Đăng Dư bị giam tại trại Xa La, Hà Đông. Suốt thời gian bị giam giữ gia đình không được gặp mặt mà chỉ gửi vào được một số mì gói. Gia đình cũng không nhận được lệnh tạm giữ, tạm giam nào.
Đến ngày 4 tháng 10, gia đình mới được một người xưng danh là công an gọi điện báo đến Bệnh viện Bạch Mai để thăm cháu Đỗ Đăng Dư. Cháu nằm tại khoa hồi sức nhưng hôn mê không biết gì.
Bà Đỗ thị Mai cho biết người con trước khi bị bắt làm nghề phụ vữa và sức khỏe bình thường.
Luật sư Nguyễn Hà Luân vào 12: 15’ trưa ngày 11 tháng 10 cho biết một số hoạt động đang được tiến hảnh liên quan vụ việc của cháu Đỗ Đăng Dư như sau:
“ Sáng hôm nay tôi có đến cơ quan điều tra Thành phố Hà Nội cùng luật sư Trần Thu Nam. Hiện nay anh Nam đang đi cùng đoàn đến bệnh viện để thực hiện công việc rồi. Tôi hiện tại không có mặt trong đoàn đó. ”
Giải thích của truyền thông Nhà nước và chính quyền
Báo An Ninh Thủ trong số ra ngày 11 tháng 10 nói rằng Đỗ Đăng Dư bị một người cùng buồng giam ở Trại giam Số 3 hành hung. Người đó tên Vũ Văn Bình, và giám đốc công an thành phố Hà Nội đề nghị khẩn trương tổ chức điều tra, kết luận về vụ việc.
Bài báo cũng nói rằng sau 2 ngày bắt giam cảnh sát điều tra, công an huyện Chương Mỹ đã có lệnh tạm giam 2 tháng đối với Đổ Đăng Dư. Lệnh này được viện Kiểm sát Nhân dân huyện Chương Mỹ phê chuẩn. Ngày 5 tháng 10 vừa qua Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Chương Mỹ có lệnh gia hạn tạm giam để phục vụ công tác tố tụng.
Phản ứng về giải thích của công an
Một số cư dân mạng cho rằng các biện pháp của cơ quan chức năng là nhằm che giấu thủ phạm trực tiếp gây ra cái chết cho cháu Đỗ Đăng Dư và phạm nhân Vũ Văn Bình là ‘vật tế thần’.
Chị Thảo Teresa cho biết ý kiến đối với bài viết liên quan vụ việc nạn nhân Đỗ Đăng Dư bị đánh đến chết trong trại tạm giam trên báo An Ninh Thủ Đô:
“ Tôi vừa viết một status trên facebook của tôi. Đó là một sự nực cười và bẩn thỉu. Bẩn thỉu vì họ đưa ra lý do người cùng buồng giam đánh em Dư vì rửa bát không sạch. Đây là câu nói cực kỳ trơ trẽn và khốn nạn, vì câu nói đó may ra chỉ có đứa trẻ con 3 tuổi mới tin, còn những người có trí khôn bình thường thì không bao giờ tin vào chuyện đó. Tôi cho nếu họ có ý tốt nói người cùng buồng giam đánh em này thì chính người quản giáo, giám thị trại giam đó và đặc biệt ông Trần Đại Quang ( bộ trưởng công an) phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong vấn đề này. Bởi vì đó là quân của ông ta, làm láo thì ông ta phải chịu thôi. Tất cả những lý do họ đưa ra để nói lấy được, chứ không có chuyện mà người cùng buồng giam đánh một người khác đến chết vì rửa bát không sạch.
Hôm qua khi chúng tôi đến thì tạo một sức ép rất lớn đối với nhà cầm quyền và họ đã cho an ninh vây quanh.
Đây chính là một cảnh tỉnh, và chính người dân Việt Nam phải nhận ra vấn đề đó vì hôm nay là em Dư và có thể ngày mai là tôi và người dân nào đó sống trên đất nước nàychị Thảo Teresa
Đối với thông tin mà báo An Ninh Thủ đô đưa ra là đã có lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam của cảnh sát điều tra, công an huyện và viện kiểm sát nhân dân huyện Chương Mỹ, thì chị Thảo Teresa lập luận rằng cơ quan chức năng có con dấu trong tay nên lúc này họ có thể tạo ra bất kỳ giấy tờ gì mà họ muốn.
Đối với gia đình nạn nhân là người dân thường không biết rõ pháp luật và nỗi sợ công an, chính quyền là những điểm để giải thích lý do suốt thời gian người con bị tạm giam 2 tháng mà không lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng theo yêu cầu của pháp luật.
Chị Thảo Teresa này cũng cho rằng cái chết mới nhất của một nạn nhân khi đang bị giam giữ như trường hợp em Đỗ Đăng Dư là một bài học cho người dân Việt Nam. Chị nói:
“Tôi nghĩ sau lần này, chính cơ quan điều tra và chính các nhà báo ‘lề đảng’, tối hôm qua một số cũng đến muốn đưa tin nhưng phải còn chờ chỉ thị; họ nói thẳng phải chờ chỉ thị của sếp. Gia đình em Dư kiến thức ( về luật) không có, mình phải thông cảm vì họ sống dưới chế độ công an trị nên rất sợ; không thể tưởng tượng nổi: 2 tháng tạm giam một con người, một vị thành niên mà không có bất kể một giấy tạm giam nào. Bình thường 3 ngày phải có một lệnh tạm giam, 3 lệnh 9 ngày. Không có giấy mà lại đánh em chết.”
Đây chính là một cảnh tỉnh, và chính người dân Việt Nam phải nhận ra vấn đề đó vì hôm nay là em Dư và có thể ngày mai là tôi và người dân nào đó sống trên đất nước này.”
Trước đây nhiều người từng biết đến những vụ việc chết bất minh trong khi bị tạm giam như anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương, ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội… Gia đình cũng kiên quyết đòi công lý cho người bị nạn; thế nhưng họ cũng mỏi mòn với cách giải quyết của các cơ quan chức năng.
Vào tháng 3 vừa qua, ủy ban thường vụ quốc hội Việt Nam họp và nghe trung tướng Trần Trọng Lượng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm báo cáo là trong mấy năm từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014, có 226 người chết tại nhà giam giữ, trại tạm giam trên cả nước.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở tại New York vào tháng 9 năm ngoái ra phúc trình về nạn công dân chết trong đồn công an rất đáng ngại tại Việt Nam. Tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam phải có biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm quyền con người như thế.