Thuế là giá mà mỗi người có lợi tức và tài sản phải trả để được thụ hưởng những tiện ích của đời sống văn minh. Hoa Kỳ là quốc gia có nền văn minh cao nhất thế giới và một hệ thống thuế khóa phức tạp nhất thế giới.
Đi lâu mới biết đường dài, sống lâu mới biết con người phải chăng. Chưa có bộ luật nào ở Hoa Kỳ ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến quần chúng bằng bộ Luật Thuế Lợi Tức Nội Địa (Internal Revenue Code) của Hoa Kỳ.
Ngoài luật Liên Bang, 50 Tiểu bang đều có luật lệ thuế khóa riêng biệt, và trong mỗi tiểu bang, các County, các City đều có các văn kiện lập quy, ấn định các loại thuế, lệ phí tùy nhu cầu của mỗi địa phương. Riêng thuế lợi tức cá nhân hằng năm khoảng 120 triệu người phải khai thuế lợi tức Tiểu Bang và Liên Bang. Do đó người ta thường nói ở Hoa Kỳ có hai điều chắc chắn là mọi người lần lượt đều phải chết và mọi người có lợi tức đều phải đóng thuế (death & tax). Thật là chạy trời cũng không khỏi nắng.
Luật thuế khóa càng phức tạp đạo binh “khai thuế” ở Hoa Kỳ càng đông đảo. Hàng triệu tư nhân, công ty lớn nhỏ thuê hàng triệu luật sư, kế toán gia công chứng và chuyên viên kế toán đảm trách phần tài chánh và khai thuế. Vì luật lệ thuế khóa quá phức tạp và thường được tu chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển về kinh tế, nên thường xảy ra vấn đề khai sai thuế mặc dầu hằng năm các Bộ Thuế Khóa Tiểu Bang phối hợp với Sở Thuế Liên Bang (Internal Revenue Service-IRS) tổ chức các khóa tu nghiệp trên toàn quốc. Trung bình nếu cứ thanh tra 100 hồ sơ thuế, khoảng 20% hồ sơ cần được điều chỉnh, nên đạo binh “sửa sai” của chính phủ Liên Bang và các Tiểu bang cũng thật khổng lồ. Riêng IRS có khoảng 120 ngàn nhân viên chuyên trách về quản trị và thanh tra. Ngoài ra mỗi tiểu bang có một bộ Thuế Vụ (Deparment of Revenue/Taxation) có từ 500 đến 10 ngàn nhân viên, tuỳ tiểu bang lớn hay nhỏ, đặc trách quản trị, hành thu thuế và thanh tra, chưa kể đến nhân viên chuyên trách về thuế ở cấp County và City...
Ngân sách nhiều Tiểu bang và Liên bang đang trong cơn khủng hoảng thâm thụt. Số lượng thanh tra thuế vụ càng gia tăng để hành thu và truy thu số thuế bị thất thu. Theo ước lượng của Cơ Quan Thuế Vụ Liên Bang, thì số thuế Liên Bang thất thu trên 100 tỉ hằng năm, và khoảng 113 tỉ cho năm 1992. Nếu toàn dụng nhân lực thanh tra và truy thu hết số thuế thất thu thì chỉ trong vòng 3 năm, ngân sách Liên Bang đang thâm thụt trên 300 tỷ sẽ được quân bình! Đến nay 2015, ngân sách Liên Bang thiếu hụt đến 18, 000 tỷ Mỹ Kim. Tại mỗi Tiểu Bang số thuế thất thu tùy tiểu bang lớn nhỏ, từ 500 triệu đến 10 tỷ hằng năm. Số thuế thất thu ước lượng này bao gồm cả thuế lợi tức công ty (corporate income tax) và thuế lợi tức cá nhân (individual income tax), kể cả các loại thuế tiêu thụ khác.
Sự thất thu do nhiều nguyên nhân, hoặc vì cá nhân, công ty áp dụng sai luật lệ hiện hành hoặc vì cố ý trốn thuế (tax evasion). Về thuế cá nhân, phương thức trốn thuế có thể không khai đúng số lợi tức thu được (under reporting of income), khai gia tăng chi phí, chước giảm khấu trừ (overstatement of deductions/exemptions), không khai thuế (failure to file a return)… hoặc khai nhưng không trả thuế...
Ví dụ về man khai: Kể từ năm 1987, để đo lường mức độ man khai phần “personal exemptions” dành cho thân nhân mà người thọ thuế phải chu cấp, Sở Thuế Liên Bang đã áp dụng biện pháp buộc người khai phải ghi rõ số An Sinh Xã Hội (Social Security number/ss#) vào hồ sơ khai thuế. Sau khi kiểm soát, IRS nhận thấy giảm sút 7 triệu “personal exemptions” so với những năm trước. Trong 20 năm qua nhiều người đã khai gia súc như chó, mèo, chim... là “dependents” để giảm thuế. Cũng như ngày trước ở Việt Nam, con cái chưa sinh mà đã nộp hình, làm giấy khai sinh trước để lãnh lương. “Sống lâu thấy lắm chuyện kỳ!” Một số người Việt cũng khai chồng, vợ và con cái ở VN là dependents, khi hỏi đến SS# thì không có, tuy vậy vì không có gian ý nên thường được tha thứ vì lý do nhân đạo. Có những cặp vợ chồng ly dị, một đứa con mà khai hai nơi khác nhau. Các trường hợp này đều bị phát hiện, và trong năm 1990, 1RS truy thu được gần 3 tỷ bạc chỉ liên quan đến khoản “personal/dependent exemptions”.
Đa số những người trốn thuế là những người hành nghề tự do (self-employed) như luật sư, bác sĩ, chiêu đải viên và những người làm việc nhận tiền mặt (cash) không đóng thuế Social Security và sinh sống nhờ trợ cấp an sinh (welfare), vì khai lợi tức sợ bị chấm dứt welfare.
Trong năm 1990 1RS đã truy tố trên 2,500 phạm nhân trốn thuế trong đó có 165 quân nhân, 82 luật sư và thẩm phán, 35 kỷ sư, 26 kê toán viên công chứng, 18 bác sĩ, 14 cảnh sát... Có trường hợp một giáo sư trường luật 10 năm không khai thuế, thế mới biết “tri và hành có khi bất nhất”. Đây không phải là vấn đề thiếu hiểu biết hay kiến thức mà là vấn đề luân lý xã hội (ethics). Thế nên Hoa Kỳ nên đặt lại vấn đề “Tiên học lễ, hậu học văn” như Văn Lang ta đã làm trên bốn ngàn năm văn hiến!
Trốn thuế (tax evasion), cố ý man khai thuế (fraudulent document)... đều thuộc về hình sự, bị phạt cả tiền lẫn tù, hoặc một trong hai hình phạt. Phạt tiền từ 25 ngàn đến 500 ngàn, và tù đến 5 năm, tùy trường hợp cá nhân, công ty, hay người khai thuế... (Chapter 68, IRC)
Những lý do viện dẫn để biện hộ hành vi trốn thuế cũng khá nhiều: hoặc vì không đồng ý với các chương trình chi tiêu của chính phủ hoặc vì theo cấm kỵ của tôn giáo dựa trên quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo của Tu Chính Án I, Hiến Pháp Hoa Kỳ. Những người trốn thuế và chống thanh tra thuế cho rằng thanh tra, bắt xuất trình sổ sách là vi phạm Tu Chính Án thứ 4 “against unreasonable search and seizure” hoặc “invasion of privacy”. Hoặc họ dựa trên Tu Chính Án thứ 5 “self-incrimination”, các người này thường nộp bản khai thuế trống (blank return) và đề “object - Fifth Amendment right against self-incrimination”. Họ nghĩ rằng khai thuế là “một hình thức thú tội” tự ý và có thể bị truy tố vì lời khai của mình. Lại nữa họ cho là luật thuế bất công vi phạm “due process clause và equal protection clause” của Tu Chính Án 5 và 14. Các người trốn thuế cũng biện bác rằng luật buộc phải giữ sổ sách là vi phạm khoản cấm “involuntary service” của Tu Chính Án thứ 13, hoặc vi phạm Tu Chính Án thứ 16, vì Luật thuế không được tất cả các Tiểu bang phê chuẩn... các luận cứ này đều bị Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ bác khước.
Thuế lợi tức công ty phức tạp hơn thuế lợi tức cá nhân. Có những bộ thuế vài chục trang, cũng có bộ thuế cả ngàn trang, tùy theo mức độ kinh doanh tại địa phương, trong phạm vi tiểu bang, liên bang hay quốc tế. Có những đại công ty có hằng trăm chi nhánh trên toàn thế giới, trả hằng trăm triệu tiền thuế cho chính phủ. Ngoài thuế liên bang, các đại công ty này phải trả cho các tiểu bang một loại thuế liên hợp quốc nội và quôc tế. Loại thuế này rất phức tạp và gặp nhiều chống đối. Tiểu bang California và một số tiểu bang khác có loại thuế liên hợp quốc tế (Worldwide Unitary Business Tax) đã gặp nhiều chống đối của các công ty ngoại quốc có chi nhánh kinh doanh tại Hoa Kỳ, khiến cho chính phủ Reagan phải lập ủy ban nghiên cứu và đề nghị thay đổi loại thuế liên hợp quốc tế.
Một số lớn tiểu bang khác đang áp dụng loại thuế liên hợp quốc nội (Domestic Unitary Business Income Tax) đánh thuế trên lợi tức của công ty và chi nhánh hoạt động tại quốc nội và quốc ngoại (multinational corporations). Thanh tra tiểu bang về ngành thuế liên hợp này phải đi khắp các tiểu bang để thanh tra.
Thanh tra thường có hai phần, phần thứ nhất là dựa trên luật lệ hiện hành để quyết định (unitary determination) xem thử công ty bị thanh tra có phải đóng loại thuế liên hợp này không. Phần thứ hai là điều chỉnh sự sai biệt theo phương pháp đánh thuế liên hợp và sự sai biệt giữa luật thuế tiểu bang và liên bang. Ngược lại, thanh tra liên bang thì vì IRS chia làm nhiều khu trên toàn quốc nên chỉ thanh tra trong tiểu bang, hoặc các tiểu bang lân cận thuộc trong vùng quản hạt. Về phương diện kỹ thuật thanh tra, thanh tra thuế liên hợp là phần phức tạp nhất hiện nay.
Nếu có sự bất đồng ý kiến giữa quyết định của thanh tra và ý kiến của ban quản trị của công ty, sự tranh chấp sẽ do Bộ Thuế Tiểu Bang hoặc IRS tự giải quyết. Nếu không đồng ý, sự tranh chấp sẽ do Tòa Án Thuế từ cấp tiểu bang đến Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xét xử. Ví dụ Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán xét trong vụ án Container Corporation of America v. Franchise Tax Board, 463 us. 159 (1983), là luật California hợp hiến và tiểu bang này có quyền đánh thuế trên lợi tức kinh doanh tại quốc nội và quốc ngoại của công ty Container.
Luật lệ thuế hiện hành là kết tinh của hơn 200 năm lập quốc, mặc dù từ 1646 những người di dân dưới chế độ Anh Hoàng đã bắt đầu ấn định các loại thuế. Thuế lợi tức lũy tiến (progressive tax) đã bắt đầu ban hành từ thời Nội chiến và nguyên tắc thuế lũy tiến được áp dụng cho đến ngày nay. Lũy tiến có thể hiểu là thuế sẽ gia tăng tùy theo mức gia tăng của lợi tức, dựa vào khả năng trả thuế của người thọ thuế.
Hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có hai qụan niệm khác nhau về chính sách thuế khóa và thuế Luỹ Tiến cũng đã chia người thọ thuế ra làm hai phe, phe Dân Chủ (Démocrat), có lợi tức thấp, ủng hộ thuế lũy tiến và phe Cộng Hòa (Republican) có lợi tức cao, chống đối. Họ cho rằng cố gắng làm việc để kiếm lợi tức càng cao, thuế má càng tăng, là một hình phạt đối với người giàu. Hơn nữa thuế quá cao sẽ làm nản chí đầu tư, do đó không khích lệ được sự phát triển kinh doanh. Phe chống đối đã thành công yêu cầu Toà tuyên án Bộ Thuế Lợi Tức năm 1894 vi hiến (unconstituional) vì là một loại thuế trực thu (direct tax) nhưng không áp dụng đúng nguyên tắc do Hiến Pháp quy định (Pollock v. Farmers Loans and Trash Co., 1895).
Tuy nhiên, đảng Dân Chủ vẫn áp lực ban hành thuế lợi tức, nên đến năm 1909 Bộ thuế Lợi Tức lại được ban hành. Thuế lợi tức công ty theo luật 1909 là một loại thuế gián thu (excise tax). Thuế đánh trên đặc ân được phép lập công ty và kinh doanh nên không vi hiến (Flint v. Stone Tracy Co., 1911)
Hiến pháp Hoa Kỳ quy định thuế trực thu phải được quân phân giữa các tiểu bang theo mực độ dân số. Điều khoản này đã gây trở ngại cho vấn đề an ninh và quốc phòng. Do đó Tu Chính Án 16, được phê chuẩn ngày 25 tháng 2 năm 1913, quy định lại “The Congress shall have the power to lay and collect taxes on incomes from whatever sources derived, without apportionment among several states, and without regard to any census or enumerations”.
Chính sách thuế khóa thường được thay đổi hòa nhịp với chính sách của chính đảng lên nắm quyền và để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Trong các cuộc bầu cử vừa qua, ứng viên đảng Cộng Hòa nhất định không tăng thuế. Dân chúng Mỹ vẫn sợ sưu cao thuế nặng nên dồn phiếu cho Đảng Cộng Hòa trong suốt thập niên 80. Thế mới biết “Khôn cũng chết, mà dại cũng chết, biết thì sống”. Biết tâm lý quần chúng mới có thể nắm được vận mệnh quốc gia, hầu có thể thi hành triết lý chính trị của mình.
Hai giới thọ thuế chính hiện nay là công ty kinh doanh và công dân có lợi tức. Cứ mỗi lần tăng thuế, hay tu chính bộ thuế, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thường phải cân nhắc kỷ lưỡng đối tượng tăng thuế: Tăng thuế trên lợi tức cá nhân (Individual income tax), giới tiêu thụ (consumption/sales tax) hay tăng thuế trên lợi tức công ty (corporate income tax), giới sản xuất. Đó là một quyết định chính trị quan trọng ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế quốc gia. Do đó, trước khi ban hành luật thuế mới, chính phủ cần nghiên cứu kỷ lưỡng ảnh hưỏng của chính sách thuế khóa đối với đời sống kinh tế quốc nội, quốc ngoại, kể cả ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư của ngoại quốc vào Hoa Kỳ.
Thí dụ luật thuế năm 1981 cho công ty khấu trừ phần chiết cựu gia tốc (ACRS) như là chi phí để giảm lợi tức chịu thuế, thêm vào khoản đã được khấu trừ về tín chỉ đầu tư (ITC). Số đầu tư ngoại quốc vào Hoa Kỳ gia tăng và thu dụng trên 1 triệu nhân công. Theo nguyên tắc chung của nền kinh tế thì cứ giảm đầu tư một tỷ mỹ kim, 50 ngàn nhân công sẽ thất nghiệp. Tỷ số giữa nhân dụng và đầu tư tăng theo tỷ lệ thuận. Đầu tư càng nhiều, kinh tế sẽ phát triển và số nhân công được thu dụng càng cao. Do đó, mà Cộng Sản VN rất mong được ngoại quốc đầu tư vào VN để cứu vản nền kinh tế đang kiệt quệ.
Trước đây, hãng sản xuất xe GM đã di chuyển một cơ sở sản xuất xuống Nam Mỹ, khiến cho gần 10 ngàn công nhân thất nghiệp và cả thành phố Flint, tiểu bang Michigan hầu như bị tê liệt. Luật thuế 1981 đã làm gia tăng đầu tư ở quốc nội, giảm đầu tư ở quốc ngoại và các công ty ngoại quốc đã đổ vốn vào đầu tư tại Hoa Kỳ. Mức nhân dụng gia tăng, nạn thất nghiệp giảm, tổng sản lượng quốc gia ( GNP) gia tăng nhờ đó nền kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi công lực trong thời Tổng Thống Reagan sau giai đoạn suy thoái dưới thời Tổng Thống Carter.
Về tâm lý quần chúng, nhiều học giả đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu để tìm hiểu quan điểm của quần chúng về chính sách thuế khóa hiện hành. Theo Joseph Minarik của Viện The Urban Institute of Washington thì quần chúng nghĩ rằng những kẻ khôn khéo thì tránh thuế một cách hợp pháp, những kẻ bất lương thì trốn thuế phi pháp, còn lại đại đa số hạng trung lưu thì lãnh đủ sưu thuế nặng “People believe that the clever can avoid tax and the dishonest can evade it, leaving the average citizen to carry the whole load”.
Về phương diện chính trị, đảng Cộng Hòa chủ trương không tăng thuế “Read my lips, No tax" (Pres. Bush) trong khi đó đảng Dân Chủ chủ trương tăng thuế. Sự tranh luận giữa hai chủ trương này đã đem lại nhiều kết quả dung hòa giữa đôi bên thể hiện qua các lần tu chính bộ Thuế Lợi Tức Nội Địa. Danh từ Internal Revenue Code (IRC) đã được dùng từ năm 1924 nhằm san định lại các luật lệ liên quan đến thuế khóa từ truớc. Lần tu chính gần nhất năm 1986 (The 1986 Tax Reform Act) đã thể hiện chiều hướng mới trong chính sách cải cách thuế khóa.
Luật Thuế Canh Cải năm 1986 nhằm mục đích quân bình gánh nặng thuế khóa (tax burden) giữa giới sản xuất và giới tiêu thụ dựa trên nguyên tắc thuế lũy tiến (progressivity). Thuế Lủy tiến có nghĩa là thuế gia tăng tùy theo khả năng trả thuế (ability to pay) của người thọ thuế. Thường lợi tức cao thì khả năng thọ thuế cao. Do đó, mà người giàu và các công ty phải trả thuế cao hơn giới bình dân. Sự quân bình gánh nặng thuế khóa nhằm giảm bớt sự bất quân bình kinh tế giữa người giàu và người nghèo.
Tuy nhiên, ý niệm lũy tiến không phải là một ý niệm giản dị. Trả thuế còn mang ý nghĩa hy sinh (sacrifice) về phần người thọ thuế nghĩa là hy sinh một phần lợi tức của mình cho sự phát triển tiện ích chung, kể cả cho những người không đóng thuế. Nhưng sự hy sinh, muốn có ý nghĩa phải đặt trên căn bản đồng đều (equal sacrifice).
Làm thế nào để đạt được công bình thuế khóa nếu không có sự hy sinh đồng đều giữa mọi người thọ thuế. Bằng vào nhận định này, và dựa trên thống kê hiện nay, chúng ta chưa đạt đến mức quân bình thuế khóa, như sẽ bàn thêm trong phần thuế tiểu bang. Lý do là tương đối người giàu vẫn phải trả thuế ít, và người nghèo trả thuế cao so với mức lợi tức.
Đi xa hơn nữa, ý niệm hy sinh đồng đều còn là một ý niệm vừa khách quan, vừa chủ quan, mà mỗi người có thể hiểu một cách khác nhau. Người được giáo dục từ cửa Khổng sân Trình có thể quan niệm “Tiền tài như phấn thổ, nghĩa trọng như thiên kim” thì không màng đến độ hữu dụng (utility) của đồng tiền. Nhưng ngược lại, có thể người nghèo vì “chạy ăn từng bửa toát mồ hôi” nên quý đồng tiền, do đó độ hữu dụng đồng tiên cao. Ngược lại người giàu thì phung phí, độ hữu dụng đồng tiền thấp.
Thánh Kinh cũng đã nói về dụ ngôn người góa phụ với nhận xét là “A few pennies from a poor woman’s threadbare purse cost her more than many pieces of gold taken from a rich mans full cache”. Kẻ sang giàu thì đem “Thiên kim mãi tiếu” cũng không thấy tiếc. Do đó rất khó để đạt đến ý niệm hy sinh đồng đều. Nói một cách tổng quát thì càng nhiều tiền thì độ hữu dụng biên tế đồng tiền (marginal utility) càng thấp. Ngược lại càng ít tiền thì độ hữu dụng biên tế đồng tiền càng cao.
Để tiến đến sự quân bình thuế khóa, luật thuế mới đã gia tăng phần miễn giảm cá nhân (personal exemption).Một hình thức phụ cấp gia đình bằng cách giảm thuế trên đầu người, và gia tăng khấu trừ định chuẩn (standard deduction), đồng thời với sự giảm thuế suất (tax rate). IRS đã dựa trên hồ sơ khai thuế để phân hạng lợi tức của nhân dân Hoa Kỳ, thống kê về lợi tức (Statistics of Income) và nghiên cứu sự thay đổi hằng năm để biết tình trạng phân phối lợi tức giữa các tầng lớp dân chúng, từ thượng lưu cho đến hạ lưu của giai cấp xã hội.
Người ta thường phân quần chúng ra làm 6 hạng hay giai cấp xã hội: Thượng thượng lưu, Thượng lưu; Thượng Trung lưu, Trung Lưu; Thượng hạ lưu và Hạ lưu, để nghiên cứu thị trường (marketing research) trước khi sản xuất và phân phối hàng hóa. Nhờ vậy mà người ta dự ước được số người có lợi tức thấp khỏi phải đóng thuế nhờ các chước giảm nêu trên. Tuy vậy, luật thuế cũng gia tăng căn bản thuế (tax base) nghĩa là nhiều thứ lợi tức được cộng vào để làm căn bản tính thuế mà trước đây được miễn.
Luật Thuế Cải Cách năm 1986, vừa hạ thuế suất trên lợi tức kinh doanh, vừa chuyển tái gánh nặng thuế từ lợi tức thuế cá nhân qua thuế công ty, giới sản xuất (supply- side). Tăng thuế lợi tức kinh doanh bằng cách hủy bỏ hoặc giảm các khấu trừ mà trước đây các công ty kinh doanh được hưởng để giảm lợi tức thọ thuế... Ví dụ, luật sửa đổi phương pháp chiết cựu gia tốc (ACRS), bỏ phần tín chỉ đầu tư (ITC)... Luật thuế mới gia tăng thuế công ty chừng 25 tỉ hằng năm để bù vào phần giảm thuế cá nhân.
Huy chương nào cũng có mặt trái, thuốc trị bệnh nào cũng có phản ứng. Càng gia tăng thuế công ty, thương gia nhận thấy không có lợi, giảm phần đầu tư kinh doanh. Các công ty Mỹ có khuynh hướng đầu tư ra ngoại quốc. Các công ty ngoại quốc giảm hoặc ngưng đầu tư ở Mỹ. Các hiện tượng này rất dễ nhận thấy mỗi khi thuế kinh doanh gia tăng. Cho nên cũng đừng lấy làm lạ vì gần đây người ta thường bàn đến hiện tượng suy thoái và nạn thất nghiệp có phần gia tăng. Quốc Hội đưa ra dự luật gia tăng tiền trợ cấp thất nghiệp thay vì chỉ trợ cấp 26 tuần như hiện nay. Tuy nhiên những trở ngại này chỉ là “side effect” không ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển chung của nên kinh tế trong trường kỳ.
Luật lệ thuế khóa, ngoài ảnh hưởng về phương diện kinh tế, còn ảnh hưỏng về phương diện xã hội như khai “Joint return” sẽ trả thuế thấp hơn khai “single return”; khấu trừ cho “two earner couple”, và các loại miễn giảm khác, là những phương thức khích lệ hôn nhân và thành lập gia đình, mua nhà .v.v. như tiền lời trên mortgage được trừ thuế... Thuế suất cũng còn gây ảnh hưởng đến mức độ nhân dụng. Cũng có trường hợp thuế suất cao khiến cho một số người bỏ thị trường nhân dụng, làm nhiều đóng thuế cao vô ích, nghỉ ở nhà chơi cho khoẻ!
Ngày nay, nhiều người đề nghị đánh thuế tiêu thụ thay vì thuế lợi tức (Income v. Expenditure Tax). Tuy vậy nếu xét kỹ, thuế lợi tức có nhiều ưu điểm hơn thuế tiêu thụ, hơn nữa căn cứ vào lợi tức dễ phát hiện khả năng thọ thuế hơn là mức tiêu thụ.
Ngoài ra người ta cũng đề cập đến thuế trị giá gia tăng (Value added Tax). Nhược điểm của loại thuế này là thay vì lũy tiến thì ngược lại và tạo nên bất công, trút gánh nặng thuế khóa lên đầu lên cổ của đa số bần dân có lợi tức thấp (The value-added tax is regressive and imposes unnecessarily heavy burdens on the lower income classes”, (Pechman). Do đó thuế trị giá gia tăng chỉ là một giải pháp hạng bét mà những người có chút lương tri không thể nhắm mắt áp dụng “It would be unconscionable to enact the distinctly inferior alternative of a value-added tax”.
Các chính quyền Cộng Hòa thường cố gắng trở lại chủ thuyết Federalism, quan niệm chính quyền Tiểu Bang chẳng những tự trị mà còn phải tự túc về ngân sách. Do đó chính phủ Liên Bang cắt giảm trợ cấp và chuyển nhượng cho Tiểu Bang, nghĩa là phần quốc gia đài thọ cho ngân sách tiểu bang bị cắt giảm. Các tiểu bang tu chính lại chính sách thuế khóa, và sửa đổi các chương trình trợ cấp an sinh. Các chính quyền Dân chủ chủ trương ngược lại, nhưng một số tiểu bang không muốn nhận trợ cấp của Liên bang để tránh sự can dự của Liên bang vào chính sách tự quản của tiểu bang.
Vấn đề công bình thuế khóa cấp Tiểu Bang cũngg là một vấn đề quan trọng nên bàn qua.
Hiện nay thì chỉ 4 tiểu bang California, Delaware, Maine và Vermont áp dụng tương đối nghiêm chỉnh nguyên tắc thuế lũy tiến, nghĩa là người giàu phải trả thuế cao hơn giới trung lưu. Các Tiểu bang khác thuế suất cho giới trung lưu cao hơn giới thượng lưu.
Mười tiểu bang được mệnh danh là “Terrible Ten” đánh thuế giới trung lưu và hạ lưu cao gấp ba lần thuế đánh trên giới thượng lưu. Các Tiểu bang terrible này là: Nevada, Texas, Florida, Washington, South Dakota, Tennessee, Wyoming, New Hampshire, Pennsylvania và Illinois. Phân tích kỹ thì đa sô' các tiểu bang thuộc “Terrible Ten” không đánh thuế lợi tức cá nhân (individual income tax) nhưng bần dân phải đóng thuế cao gấp 3 lần người giàu có chỉ vì thuế tiêu thụ (comsumption taxes) phải trả khi mua nhu yếu phẩm rất cao như ở Washington, Texas, Nebraska, Illinois, hoặc thuế gia cư địa ốc (property tax) vô địch như ở New Hampshire. Tiểu bang Washington không có thuế lợi tức cá nhân nhưng lại là một tiểu bang thuế tổng gộp địa phương cao nhất tại Mỹ đối với giới bình dân 17.4%, trong lúc đó, tiểu bang giáp giới là Oregon thuế suất chỉ 9.9%. Sau đó là Tiểu bang Texas, cũng không có thuế lợi tức cá nhân, nhưng thuế tiêu thụ chung trên nhu yếu phẩm đến 17%. Giới hạ lưu đã mang bệnh nghèo mà còn phải ho ra bạc, khạc ra tiền để trả thuế (cough up an extra cent for tax payment).
Sáu tiểu bang áp dụng chính sách thuế khóa tương đối công bình, người giàu trả nhiều thuế hơn người nghèo như Vermont, Delaware, Hawaii, Minnesota, Maryland và Oregon.
Trong những từ 1985 đến 1990, nhiêu tiểu bang đã gia tăng thuế tiêu thụ trên nhiên liệu, hàng hóa, thuốc lá, rượu, đăng bộ xe tự động, nhằm cứu vản tình trạng ngân sách thâm thủng. Nếu không tăng thuế thì phải giảm dịch vụ cung cấp cho quần chúng. Bốn Tiểu Bang Hawaii, Vermont, Utah và Minnesota duy trì thuế suất thấp đối với người nghèo và tăng thuế đối vối người giàu. Một số tiểu bang khác tăng thuế người nghèo và giảm thuế cho người giàu như Connecticut, Nevada, West Virginia, So. Dakota, Tennessee.
Các dứ kiện nêu trên cho chúng ta thây sự khác biệt về chính sách thuế khóa giữa các tiểu bang. Trong nhiều tiểu bang, người giàu vẫn có ba đầu sáu tay để thao túng quốc hội tiểu bang ban hành luật lệ có lợi cho họ. Người nghèo vẫn là vạn tội bất như bần, vẫn thấp cổ bé miệng, thật khó lòng có thể chuyển bại thành thắng. Tuy nhiên, đặc điểm của xã hội dân chủ là xem ý dân như ý trời, nên cứ “lớn tiếng” kêu nài, hẳn có người nghe, hầu đánh thức lương tri các nhà lập pháp như phong trào nhân quyền đã tranh đấu và thành công.
Giải thích kỹ thuật khai thuế và áp dụng luật thuế khóa để khai đúng thuế là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết chuyên khoa về cả hai ngành kinh doanh nh ư kinh tế, tài chánh và luật. Các chuyên viên thường am hiểu các nguyên tắc về kế toán, tài chánh để phân tích và hiểu các ý niệm, đồng thời nắm vững phương pháp tường trình lợi tức và kiến thức về luật học để nắm vững luật thuế khóa, luật hiến pháp, hình luật... Nhưng luật mà không có căn bản về kế toán thường gặp trở ngại nếu hành nghề liên quan đến thuế. Ngược lại học kế toán mà thiếu luật thì cung gặp trở ngại khi phải đi xa hơn phần kỹ thuật khai thuế và tường trình tài chánh.
Thảo luận về chính sách thuế khóa lại càng phức tạp hơn vì ngoài phần kiến thức vê kế toán và luật cần thêm kiến thức về kinh doanh và kinh tế khi phân tích những ý niệm về lũy tiến, ảnh hưởng của thuế khóa trên chính sách nhân dụng, đầu tư quốc nội và quốc ngoại, đầu tư của ngoại quốc trên thị trường Hoa kỳ, giá trị đồng mỹ kim, và ảnh hưởng của thuế khóa trên cán cân chi phó, lạm phát, tiết kiệm... là những vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng và mất nhiêu thời gian.
Thuế là giá phải trả để thụ hưởng đời sống văn minh (price of civilization) như thẩm phán Home đã nhận xét. Chính phủ cần tiền mới có thể cung cấp những dịch vụ chung cho quần chúng. Cũng có những người không làm ra tiền, nhưng vẫn hưởng được tiện ích của đời sống văn minh nhờ công lao của những người khác.
Chúng ta làm việc không những tăng lợi tức cá nhân và còn cung cấp tiện ích cho những người thất nghiệp qua số thuế mà chúng đóng hằng năm. Ngược lại, khi chúng ta nghỉ việc, chúng ta lại hưởng tiện ích do những công dân khác đóng góp. Cơ chế xã hội văn minh được cấu tạo bằng sự đóng góp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhờ đó sinh hoạt xã hội văn minh được liên tục và mỗi ngày một tiến bộ. Tất cả đều trông nhờ vào sự “hy sinh” của mỗi công dân.
Vần đề thi hành nghĩa vụ công dân về phương diện thuế khóa hiện nay vẫn dựa trên nguyên tắc tự nguyện (voluntary compliance). Theo thống kê thì khoảng 80% người thọ thuế tự nguyện đóng thuế hằng năm. Tuy vậy, vì số thanh tra quá ít so với số người đóng thuế nên tỷ số thanh tra còn rất thấp, trung bình 1% trên tổng số hồ sơ thuế. Đa số chỉ thanh tra các công ty lớn, hoặc những người có lợi tức cao. Đối vối giới bình dân, nếu có khai sai chút đỉnh, sở thuế tự động sửa và thông báo cho người thọ thuế.
Luật lệ ở Hoa Kỳ được áp dụng khá nghiêm chỉnh. Ngay cả đến Phó Tổng Thống Agnew, nguyên là Thống đốc Maryland, mà củng bị tòa phạt vì trốn thuế, bị mất chức Phó Tổng Thống, và bị treo áo cấm hành nghề luật sư, đúng với câu “Pháp bất vị thân” vậy.
Trần Xuân Thời