Thursday, 17 December 2015

Bánh Buýt - phan ni tấn


Ngót 50 năm qua, mỗi năm cứ đến dịp Giáng Sinh, tôi lại nhớ tới miếng bánh buýt. Bánh buýt Tây gọi là Buche de Noel, là món tráng miệng truyền thống của Châu Âu. Bánh buýt thường làm vào mỗi dịp Giáng Sinh có hình dáng một khúc gỗ thông. Để hấp dẫn hơn người ta trang trí trên mặt bánh các nhánh thông, lá ôrô, tượng ông già Noel, tuần lộc... Công thức chẳng có gì lạ, gồm bột mì, kem, vani, muối, đường, sữa, trứng, chocola. 

Mặc dù hồi nhỏ tôi theo học chương trình Pháp, nhưng thú thiệt là phải đến năm 16 tuổi anh nhà quê miền Thượng tôi mới có dịp nghe đến tên, nhìn tận mắt và nếm tận miệng miếng bánh buýt thơm ngon, đậm đà, hấp dẫn, bắt mắt ra làm sao. Đặc biệt, bánh buýt truyền thống nổi tiếng của nước Phú-Lang-Sa này được làm ra từ tay một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, có giọng hát truyền cảm, ưa chuộng văn chương nghệ thuật mà tôi không hề quen biết cô trước đó cho tới tận ngày nay cũng vậy. Chính vì thế mà từ khi anh bạn thơ - mặc cho tôi có khua tay từ chối- vẫn kèo nèo, lôi kéo tôi cho bằng được tới nhà cô thưởng thức buổi văn nghệ Giáng Sinh cho đến lúc tàn tiệc ra về, cô - con của một gia đình giàu có - vẫn không hề để mắt đến tôi một lần nào. Mà cũng phải. Là vì tôi không thuộc nhóm bạn của cô, nên cô không hề biết đến sự hiện diện của một anh khách không được mời là tôi trong đêm văn nghệ do cô tổ chức tại tư gia của cô. Và vì tôi không phải là khách được mời nên trong suốt buổi tiệc, từ lúc ăn uống cho đến lúc hát hò, cô và bạn bè cô ngồi quanh hầu như không để ý đến sự có mặt của tôi, và như thế tự nhiên tôi trở thành một anh chàng vô duyên, vô danh và cô độc giữa đám đông. Cho nên giữa cái "văn hóa của một nhóm người" tôi trở thành một "biểu tượng của văn hóa thầm lặng". Nhìn cô lăng xăng ra vào tiếp khách, làm bếp tôi hiểu cô không hề cố ý lơ là hay điệu bộ gì, mà vì ngay khi bước chân vào nhà cô tôi coi như đã thuộc về đám đông tức là khách chung chung, đồng trang lứa với cô mà thôi. Đơn giản chỉ có thế.
Chuyện mới đó thoáng một cái đã trên 50 năm rồi tôi chỉ còn nhớ mang máng tên cô là Du mà không nhớ cái gì Du. Nhưng miếng bánh buýt tự tay cô làm và gương mặt đằm thắm như đóa lan rừng pha chút sương lạnh của miền rừng núi cao nguyên của cô thì tôi nhớ mãi. Mái tóc cô bềnh bồng, đôi môi cô gợi cảm, nhất là cặp mắt đẹp mà buồn vời vợi nên cái nhìn thường mơ hồ, lãng đãng, hờ hững, xa xăm.

Ngay từ khi cô cất tiếng hát, tôi nhận ra ngay cô có một làn hơi phong phú. Cô không viết văn, làm thơ, soạn nhạc như sau này anh bạn thơ cho biết, nhưng cái giọng đằm thắm truyền cảm và cách diễn đạt của cô đã gây chú ý cho mọi người. Suốt trong chương trình những bài hát do cô và thân hữu lần lượt trình bày đều là tình ca. Những bản tình ca muôn thuở của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An... 

Chắc ai cũng nhận ra điều này: Là người thực sự biết thưởng ngoạn, người ta thường thả hồn tận hưởng cái bản sắc trữ tình, nồng nàn, uyển chuyển và sâu sắc của nghệ thuật âm nhạc. Tôi cũng vậy. Đang im lặng hết lòng thưởng thức các giọng ca, đến lượt cô trở lại bổng nhiên cô không tuyên bố một lời nào mà hát một lúc hai bản nhạc của... Phan Ni Tấn làm tôi phải giựt mình. Phản ứng tự nhiên là tôi kín đáo liếc mắt nhìn quanh rồi thở phào nhẹ nhõm, yên chí không thấy ai thèm dòm mình là biết chẳng ai nhận ra tác giả. Ngay cả anh bạn thơ cũng biến đi đâu không biết. Thật là may. Lúc đó tự nhiên tôi... thương cô quá chừng. Cô đứng trước mặt tôi, say sưa hát tôi mà chẳng hề biết tôi đang ngồi nghe cô hát. 

Cho đến bây giờ, dù cô cũng xấp xỉ 70 tuổi đời như tôi nhưng tôi vẫn mong cô vẫn còn thều thào ca hát ở đâu đó trên đời này. Có điều, tôi chắc chắn một điều là cho đến bây giờ cô vẫn không thể ngờ rằng đêm văn nghệ năm xưa hát những tình khúc của tôi cô vẫn không hề biết tôi có mặt ở đó. 

Ngày nay cũng như ngày xưa xa lăn lắc mà tuyệt vời đó, tôi vẫn ôm trong lòng một cơn hạnh phúc lớn. Tôi vẫn ôm ghì tiếng hát của cô để hôm nay tôi mới có dịp chia sẻ trên bài viết này. "Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt. Hạnh phúc mang ra san sẽ mới trổ hoa". Nhà văn Ernest Hemingway đã từng hứng chịu nhiều đau khổ mới nhận chân được điều này.