Thursday, 17 December 2015

CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ CHỐNG IS VÀ TC - Phạm Gia Đại

Trong bối cảnh thế giới đang nhiều biến động như thời gian vừa qua, vai trò cường quốc về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ đóng một phần quan trọng để ổn định lại trật tự trên các vùng đất đang có tranh chấp.Từ cuộc chiến dai dẳng tại miền đông Ukraine ở Châu Âu, qua các nước đang có xung đột nằm ven biển Địa Trung Hải như Lybia ở Châu Phi, hay Syria và Iraq trong cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo cực đoan IS ở Trung Đông, đến các vùng đất xa xôi như Bắc Triều Tiên và Biển Đông ở Thái Bình Dương đang do Trung Cộng (TC) xâm chiếm tại Á Châu, nơi nào cũng có nguy cơ bùng nổ ra một lò lửa có thể thiêu đốt nhiều quốc gia can dự. Tuy nhiên với Hoa Kỳ hiện nay cuộc chiến tranh chống IS không phải là hàng đầu trong các quan tâm của Mỹ trên bàn cờ thế giới.

*Nhà Nước Hồi Giáo IS: Bên ngoài các hội nghị thượng đỉnh tại Mã Lai và Phi Luật Tân, và sau cuộc tấn công đẫm máu của IS ngày 13-11-2015 tại Paris, Pháp, các phóng viên đều hỏi TT Obama liệu Hoa Kỳ sẽ đổ quân vào Syria và Iraq như đã làm tại Iraq sau khủng bố 911? Câu trả lời dứt khoát của TT Obama là No. Không có nghĩa là Mỹ không quan tâm đến IS, ngược lại Tòa Bạch Ốc vẫn đang thăm dò khả năng tìm cách tận diệt IS. Không gửi quân bộ binh đến tham chiến vì như vậy sẽ rơi vào bẫy của IS và cũng không thể tận diệt được IS. 

Muốn diệt IS phải tìm nguồn gốc sinh ra nó và cắt đứt nguồn cung cấp sức mạnh cho IS. Nhà Nước Hồi Giáo IS cực đoan nhất từ xưa đến nay đã được sản sinh ra từ một đất nước bạo tàn dưới quyền cai trị của TT Assad tại Syria. Syria trở nên bạo loạn dưới triều đại của TT Assad, chỉ trong bốn năm nội chiến đã làm cho hơn 250 ngàn người kể cả phụ nữ và trẻ em đã bị thảm sát thương tâm và hàng triệu người phải bỏ nước ra đi.

Một viên chức được dấu tên đã đào thoát khỏi Syria và qua Pháp với hơn 5 ngàn bức ảnh chụp các cảnh tra tấn dã man với mọi hình thức hành hình của nhà tù của TT Assad, trong đó có những bức ảnh chụp tù nhân bị móc mắt đã làm xúc động lương tâm người dân Pháp và nước Pháp tuyên bố sẽ đưa TT Assad ra tòa án quốc tế về các tội ác với người dân Syria. Tuy nhiên TT Assad vẫn được Nga ngầm ủng hộ. Trong các cuộc không kích của không quân Nga nhắm vào IS thì 2/3 bom đạn đã rơi vào vùng trú đóng của những nhóm hồi giáo ôn hòa chống TT Assad giết hại nhiều thường dân phụ nữ và trẻ em, bom đạn đó không ném xuống vùng của IS. 

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị Nga lên án vì nhiều quan chức đã tham nhũng và có liên hệ đến xuất cảng dầu hỏa của IS, là những yếu tố giúp cho IS còn tồn tại. IS càng bán được dầu thì càng có nhiều tiền tuyển mộ nhiều chiến binh. Một cơ quan nghiên cứu Mỹ cho biết hàng năm IS thâu lợi nhuận $400 triệu USD qua bán dầu hỏa dưới giá. Thực tế đó bị cho là một ước lượng quá thấp (underestimate) và đã được điều chỉnh lại là trên $500 triệu một năm, so với một khẩu súng AK gía $50. 

Một điều nguy hiểm nữa là có tiền trong tay IS đã tuyển mộ và chiêu dụ thêm chiến binh, để bổ sung vào các tổn thất, qua Internet và trả lương cao hơn cả các công chức tại Syria. Các cuộc không kích của Mỹ vào các giếng dầu của IS cũng bị cho là quá lạc quan vì các giếng dầu này chỉ ngưng hoạt động có một hai ngày chứ không hề bị tê liệt. 

Trước tình hình như vậy các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đã vừa phải bay qua Iraq để lượng định lại tình hình chống IS. Theo sách lược của Mỹ, trước hết cần phải hạ bệ TT Assad thì cuộc chiến chống IS mới có thể thành công trọn vẹn, nhưng hiện nay TT Assad vẫn được Nga ủng hộ. Theo VOA, ngày 17-12-2015 TT Putin trong thông điệp cuối năm tuyên bố mong muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ bất kể là vị nào sẽ lên làm TT. 

Tuy nhiên các quan sát viên đều ngờ vực vì chính Nga đã xua quân chiếm bán đảo Crimea và ủng hộ phiến quân tại miền đông Ukraine gây xáo trộn tại Châu Âu, Nga đang xây dựng căn cứ không quân thứ nhì tại miền nam thành phố Homs ở Syria, đang dự định đổ 150 ngàn quân vào Syria để chống IS. Một nước Nga sau phần tư thế kỷ không còn Cộng Sản vẫn công khai xua quân đi xâm chiếm nước khác dưới triều đại của một vị TT xuất thân từ KGB mà mong muốn hợp tác tốt với Hoa Kỳ thì không dễ dàng gì. 

Chiến lược của Hoa Kỳ hiện nay được công bố gồm những điểm chính để chống IS như sau. Thứ nhất là gửi các toán đặc biệt qua huấn luyện và yểm trợ các nhóm Hồi Giáo ôn hòa để tăng khả năng chiến đấu và trang bị vũ khí tối tân hơn cho họ. Thứ hai là triệt hạ các đoàn xe chở xăng dầu của IS và các giếng dầu qua không kích. Đồng thời triệt hạ các nguồn tài chính của IS, như Hội Đồng Bảo An LHQ đang họp để ra một nghị quyết về vấn đề này ngày 17-11-2015, theo RFI.


*Biển Đông và Hoa Lục: Ngay sau khi Trung Cộng (TC) vẽ đường Lưỡi Bò và tự nhận Biển Đông gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa (HS/TS) là thuộc về Hoa Lục, Hoa Kỳ đã gửi các chiến hạm vào Biển Đông để thám sát và đến thăm các hải cảng tại VN. Nhưng sự chuẩn bị của Mỹ bị chỉ trích là quá chậm chạp để chống lại sự bành trướng nhanh chóng của TC đang áp bức các quốc gia trong vùng. 

Khi TC đồng loạt xây dựng các căn cứ và các đường bay dài trên các đảo thuộc HS và TS thì Hoa Kỳ mới có thái độ, và TT Obama tuyên bố quan tâm của Hoa Kỳ hiện nay là Biển Đông và Mỹ đang xoay trục qua Thái Bình Dương vì đây mới chính là quyền lợi trọng yếu của Hoa Kỳ. Ngoài Hạm Đội 7, Mỹ đã điều động các chiến hạm và hàng không mẫu hạm thuộc các hạm đội 3 và 5 vào Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

Tình hình Biển Đông đang nổi sóng vì một mặt TC vẫn đang xây dựng để biến các đảo đá ngầm thành các hải đảo có công sự, căn cứ, và nhiều nơi có phi đạo, đang biến đảo Phú Lâm thành một căn cứ lớn. Mặt khác Hoa Kỳ đã gửi khu trục hạm Lassen và hai máy bay B-52s vào thám sát các đảo nửa nổi nửa chìm  này, và sẽ tiếp tục thám sát để bảo vệ quyền lưu thông hàng hải và trên không phận theo luật quốc tế. Ngoài ra Úc cũng đưa máy bay thám sát các vùng đảo này từ 29/11 đến 4/12 và dù tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan chính thức của đảng CSTQ đe dọa và cảnh cáo, không quân Úc sẽ vẫn cho phi cơ bay tuần thám ngòai khu vực 12 hải lý, tuân thủ theo luật quốc tế và vì quyền lợi của Úc. 

Khoảng 65% lưu lượng hàng hải của Úc qua Biển Đông/Thái Bình Dương trong số 5 ngàn tỷ USD của lưu lượng thương thuyền của thế giới qua Biển Đông mỗi năm. Trong kỳ họp song phương giữa TBT Tập Cận Bình và TT Obama vào cuối tháng 9-2015 tại Hoa Thịnh Đốn, hai bên đã bàn thảo về nhiều vấn đề trong đó TT Obama đã cảnh cáo TC về ba điểm. Thứ nhất là xây dựng nhiều căn cứ tại các đảo đá ngầm và ngang nhiên chiếm cứ Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của Hoa Kỳ và vi phạm luật quốc tế. Thứ hai là tin tặc đánh phá các công ty Mỹ. Thứ ba là vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Hoa Lục. 

Cả ba điều đó TBT Tập Cận Bình đều nói nước đôi và ngay ngày hôm sau tiếp tục vi phạm cả ba điều đó. TC đang ngang nhiên chiếm Biển Đông là vùng hàng hải chiến lược, đang xây dựng các căn cứ trên các đảo để khống chế cả trên biển và trên không, và ngăn cấm một cách bất hợp pháp tất cả tầu bè và máy bay của các nước không được đi qua Biển Đông là một thách thức với quyền lợi của các nước trong vùng và của các cường quốc trên thế giới. Mỹ và Úc sẽ vẫn thám sát các đảo đá ngầm này theo lịch trình để bảo vệ quyền lợi được quốc tế công nhận này. Sự va chạm là khó tránh được giữa các lực lượng thám sát tuần tra của Mỹ và Úc với TC. Khi Mỹ tuyên bố chuyển trục qua Thái Bình Dương có nghĩa là Biển Đông và Biển Hoa Đông đều nằm trong tầm nhắm. Mỹ đang yểm trợ về quân sự cho các nước trong vùng đặc biệt là Phi Luât Tân và CSVN. Là một nước chư hầu trước kia của TC nhưng được Mỹ hỗ trợ, CSVN đã công khai liên kết về kinh tế quân sự với Phi để chống lại TC, CSVN đã nhận viện trợ của Hoa Kỳ, và mở các hải cảng đặc biệt là cảng chiến lược Cam Ranh cho các chiến hạm của Nhật trong dự kiến xây dựng một công binh xưởng lớn nhất Đông Nam Á để tu sửa các tầu chiến. TC đang phải cân nhắc kỹ càng vì Hoa Lục đang bị du vào thế không phải mãnh hổ nan định quần hồ mà mãnh hổ sẽ phải địch lại những mãnh sư. 

Nếu các nước trong vùng lên tiếng phản đối mà thôi thì TC thừa sức đàn áp, nhưng chỉ riêng một nước Nhật đang trỗi dậy về quân sự thì TC vẫn chưa phải là đối thủ, chưa kể sự hiện diện của các hạm đội Hoa Kỳ và có thể sự có mặt của hải và không quân Úc. Mặt nước Thái Bình Dương không còn yên bình nữa vì những đợt sóng ngầm đang xô tới.