Tôi mới đọc trên báo Anh về cơn sốt bia Greene King IPA ở Trung Quốc sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nâng một pint cùng Thủ tướng David Cameron hôm ở Anh tháng 10 vừa qua.
Dân Bắc Kinh và Thiên Tân không chỉ hô hào trên mạng rằng ông Tập đã 'ban phước' cho loại bia ale này mà còn lùng mua đến nỗi nhà nhập khẩu người Anh cháy kho.
Báo Anh trích lời ông Peter Bloxham từ công ty PFB Associates nói họ thường chỉ nhập 6000 chai Greene King IPA vào Trung Quốc mỗi tháng.
Sau cơn sốt 'uống bia cùng Tập Đại đại', họ không còn hàng để bán và phải nhập gấp 80 nghìn chai chỉ cho tháng 11 năm nay.
Dịp Giáng Sinh tới, cơn say bia Anh ở nơi 'sương mù ô nhiễm phủ kín Thiên An Môn' chắc không bớt.
Có công dân Trung Quốc đặt cả một container 12 nghìn chai cho chắc, theo ông Bloxham.
Từ Ăng Lê tới bến bờ Ấn Độ
Đầu tiên, ta phải ghi công cho ông Cameron.
Nhờ lời mời 'ngoạn mục', loại bia nội địa chính gốc Anh mở lối vào thị trường cả tỷ người vùng Đông Á.
Vị bia này có vẻ rất mới với ông Tập và nhiều người Trung Quốc.
Báo chí nói khách VIP Trung Hoa uống ngon quá muốn làm thêm một pint (568 ml) nhưng bị vệ sỹ kéo đi.
Theo lịch trình tối hôm đó ông Tập còn bàn việc 'tiền tỷ' với Bộ Tài chính Anh.
Tôi không rõ mấy cậu bodyguard của phái đoàn Trung Quốc có rành bia Anh không nhưng đó là quyết định sáng suốt.
Ale không nhiều gas như lager nhưng uống hai pint tức là gần một lít, không có mồi nhậu gì thì ông Tập chắc chắn sẽ ngấm men và say ngoắc cần câu.
Vì theo thói quen ở Anh, người ta uống bia là bia chứ ít khi ăn đầy bụng.
Thứ nữa, tôi cũng nhân đây xin khoe hộ xứ Anh về các loại ale 'bản địa' và giới thiệu chút lịch sử Greene King IPA.
IPA là India Pale Ale, thuộc hạng bia vàng, chỉ có 3.6 độ cồn.
India là Ấn Độ vì đây là thứ bia được cung cấp cho lính Anh đóng tại Ấn Độ thời thuộc địa.
Ta thử hình dung các chàng sỹ quan Redcoats và những anh lính Scotland cổ đỏ au, mặc váy Tartan trong trời nóng trên 40 độ mong đợi từng chuyến tàu vào cảng Bombay.
Ngụm bia đầu tiên họ uống chắc phải rất ngon.
Nó cũng khiến họ đỡ nhớ nhà vì các loại bia 'pale ale' đều làm từ hạt lúa mạch, vốn chỉ mọc ở khí hậu ôn đới rồi lên men tạo ra chất đường với hops (houblon, hoa bia).
Nhưng cách ủ và nồng độ của hops khác nhau, tạo ra vị đắng, say và cay nồng.
Khác APA - American Pale Ale, loại IPA của Anh có thêm nồng độ men hoa bia và chất bảo quản để có thể vận chuyển bằng tàu thủy đường dài, từ Anh sang Ấn Độ.
Không biết có phải để 'hạ thủ' bia Anh không mà người Mỹ đã có cả loại ale nghe tên rất kinh dị là White Knuckle Double IPA.
Làm tại California, cái tên 'white-knuckle' trong tiếng Anh ở Anh là chỉ sự sợ hãi, bạo lực hoặc sung sướng tột độ.
While Knuckle lại còn có loại 'double' (nhân đôi) lên tới 8% cồn, uống chắc say rất nhanh và có choảng nhau bằng cùi chỏ, đầu gối trong quán cũng không trách được.
Cuộc chiến ale vs lager
Lager lên men dưới 10 độ C, có màu từ vàng óng, mật ông đến nâu đậm.
Ale thì trái lại lên men ở nhiệt độ cao hơn hẳn, từ 15 đến 20 độ C và hiện ra các màu thường có gam nâu đỏ, nâu (brown ale) cho tới đen (porter và stout).
Từ Anh, bia đen sang Ireland, và tạo ra dòng Guinness nổi tiếng, bắt đầu từ xưởng James's Gate Brewery ở Dublin giữa thế kỷ 18.
Gọi là bia đen là nói kiểu bình dân thôi, vì chính thức thì đây là bia loại dry stout, có màu 'ngọc ruby vô cùng đậm'.
Quả vậy, ngồi trong quán nâng cốc Guinness lên soi thì có thấy ánh ngọc đỏ.
Nghiện một trong hai loại bia, ale (tạm gọi là bia đắng) và lager (bia ngọt) cũng là cách phân biệt hay lối uống bia theo truyền thống khác nhau.
Có vẻ như các nước Đông Nam Á ưa lager còn có lý do truyền thống: các nước Hà Lan, Pháp mang bia sang thuộc địa cũ đều thường là bia lager.
Bia này hợp với khí hậu nóng vì nhiều gas, cho bạn cảm giác giải khát nhanh.
Trái lại, văn hóa uống của người Anh, Scotland, Ireland và một số vùng Bắc Đức mà tôi từng đến thì ưa cả các vại bia ale màu đậm, có bọt trắng 'dính mép' bùi ngậy, ngấm lâu.
Hai ông bạn bia người vùng Yorkshire của tôi (hiện đều đang làm ở London) giải thích họ nghĩ ăn nhậu sẽ làm hỏng vị bia.
Điều này khác với cách uống bia, 'dzô, dzô' liên tiếp của người Việt Nam bên bàn nhậu đầy ắp các món rán, xào, chiên, luộc.
Tôi cũng đã uống bia Thanh Đảo ở Bắc Kinh trong trời lạnh, ăn món Tứ Xuyên cay lè lưỡi.
Uống bia Bỉ Leffe Brune độ cồn cao ở khu Lai Kwai Fong, nhìn xuống Victoria Harbour, nhắm cùng các món Hương Cảng đậm dầu mỡ cũng không tệ.
Nhưng để 'thuấn nhuần' vị đậm đà, đăng đắng của ale thì không gì bằng chỉ có 'bia với bia', hoặc đôi ba hạt lạc trong pub trời đông bên đèn đường vàng nhạt màu sương Luân thành.
Vì thế, khi đưa tin Trung Quốc lên cơn sốt bia cùng Tập Cận Bình, báo Anh tế nhị chọc quê dân Bắc Kinh.
Họ nói có nhập hàng nghìn hàng vạn chai Greene King IPA cũng không tái tạo được đúng độ mát lạnh của bia rót ra từ các 'cask ale' trong quán pub ở bên này.
Khó thế đấy.
Uống bia đua đòi với lãnh đạo không làm người ta nể mà còn bị chê.
Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên 'nghiêm trọng hóa' vấn đề.
Hãy chỉ coi đó là câu chuyện cuối tuần bên bàn bia trong pub thôi phải không các bạn?