Saturday, 12 December 2015

Vua Lý Nhân Tôn

Kính thưa quý thính giả, Một vị hoàng đế nổi tiếng là một trong những vị minh quân đã trị vì Đại Việt trong vòng 56 năm từ năm 1073 đến năm 1129, lâu hơn bất cứ vị hoàng đế nào trong lịch sử Việt Nam. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Vua Lý Nhân Tôn" của Việt Thái qua sự trình bày của Bảo Trân, để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Vua Lý Nhân Tông sinh ngày 22/2/1066, tại kinh đô Thăng Long (Hà Nội hôm nay). Chỉ một ngày sau khi sinh ra, ông được vua Lý Thánh Tông lập làm thái tử. Tên húy của ông là Lý Càn Đức, con trưởng của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Lê thị. Năm 1072, Lý Thánh Tông hoàng đế băng hà, Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi, là vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Lý.


Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học, cũng như sự thịnh trị lâu dài của triều Lý, đặc biệt là đã thành lập Quốc Tử Giám, một kiểu trường đại học, vào năm 1077. Một sự kiện đánh dấu thời kỳ trị vì của vua Lý Nhân Tông là từ năm 1075 đến năm 1076, Thái úy phụ chính Lý Thường Kiệt hai lần đánh bại quân đội hùng mạnh của nhà Tống trong chiến dịch phá Tống và chận bước tiến của quân Tống tại lũy Như Nguyệt. Các chiến tích này đã lưu danh thiên cổ.

Tuy trị vì lâu dài nhưng vua Lý Nhân Tông lại không có con trai để nối dõi. Đến cuối đời, ông nhận con của các thân vương hoàng tộc vào cung làm nghĩa tử và đích thân dạy dỗ. Ông chọn Lý Dương Hoán, con trai của Sùng Hiền hầu, làm thái tử kế vị. Sau đó Dương Hoán lên ngôi, tức vua Lý Thần Tông, cũng là một vị minh quân đã giúp triều đại nhà Lý kéo dài thời kỳ hưng thịnh.

Khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi, nhà Tống muốn nhân lúc nhà vua còn nhỏ mang quân đánh chiếm Đại Việt. Năm 1075, trong khi nhà Tống đang điều quân ở Ung Châu chuẩn bị tiến sang đất Việt, Thái úy Lý Thường Kiệt bất ngờ tiến quân sang đánh nước Tống. Đầu năm 1076, quân của Lý Thường Kiệt đã đánh hạ 2 châu Ung, Liêm, đốt phá toàn bộ quân lương của đạo quân Tống rồi rút lui về nước. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử mà quân đội Đại Việt tấn công sang đất Tàu.

Quá tức giận, nhà Tống cử Quách Quỳ, Triệu Tiết đem đại quân sang xâm lược Đại Việt. Quân nhà Lý dưới sự chỉ huy của Thái úy Lý Thường Kiệt, đã chống cự và đánh bại được đạo quân hùng mạnh nhà Tống tại trận tuyến trên sông Như Nguyệt. Năm 1077, Quách Quỳ chấp nhận giảng hòa và rút quân về nước.

Mặc dù đất nước đang bận giao tranh với nhà Tống nhưng triều đình vẫn rất quan tâm đến giáo dục và cơ cấu điều hành. Năm 1075, Nhân Tông mở khoa thi Tam trường, còn gọi là Minh kinh bác học, để chọn người có tài ra làm quan. Khoa thi này cũng là khoa thi đầu tiên ở Đại Việt và chỉ chọn 10 người, với thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Lê Văn Thịnh về sau giữ chức Thái sư kiêm Hàn lâm học sĩ.

Một điểm đáng nói hơn nữa là Phật giáo dưới thời vua Lý Nhân Tông tiếp tục phát triển cực mạnh. Nhà vua ban thưởng nhiều quyền hành, đặc biệt phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư, tuy nhiên chỉ giới hạn trong việc cố vấn nhà vua về các vấn đề quốc gia đại sự.

Sau cuộc chiến vào năm 1077, triều đình nhà Tống tỏ ra e dè trước sức mạnh của Đại Việt và triều đình nhà Lý, nên đẩy mạnh các mối bang giao giữa hai nước.

Ngày 15/1/1128, vua Lý Nhân Tôn băng hà ở điện Vĩnh Quang, trị vì 56 năm, thọ 63 tuổi. Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc tuyên đọc chiếu chỉ và giúp hoàng đế nhỏ tuổi trị quốc, cùng với các đại thần Dương Anh Nhĩ, Mâu Du Đô. Thái tử Lý Dương Hoán lên nối ngôi, tức là Thần Tông Nhân Hiếu hoàng đế.

Là một người có văn tài, vua Lý Nhân Tông cũng để lại nhiều tác phẩm, nhưng hiện chỉ lưu truyền được 3 bài thơ, một vài bức thư gửi triều đình nhà Tống, bốn bài hịch tướng sĩ và một số chiếu chỉ.

Bài chiếu được xem là hay nhất là bài "Lâm chung di chiếu" (Chiếu để lại lúc mất). Đây là bài văn biểu lộ rõ phong cách của nhà vua, cho thấy tấm lòng nhân hậu, cao cả, không muốn lạm dụng địa vị cao sang để phiều nhiễu dân; luôn mang ý nguyện giúp "trăm họ được yên", "bốn bể yên vui, biên thùy ít loạn".

Sử gia Phan Huy Chú ghi nhận vua Lý Nhân Tông cũng là một vị vua khổ luyện, phấn đấu đạt đến độ "học thức cao minh, hiểu sao đạo lý" . Chính vì vậy, đánh giá tổng quát về ông, các sử gia đời sau, từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn v.v... đều nhận định ông là một vị "minh quân", không chỉ của riêng triều Lý mà còn là nhiều triều đại nước Việt.

* * *

Đọc lại lịch sử Việt, không ai là không cảm thấy ngậm ngùi khi nghĩ đến vận mệnh của đất nước. Là một quốc gia "vốn xưng nền văn hiến đã lâu", dân tộc Việt đã xuất hiện hàng loạt minh quân, văn thần, võ thánh liên tiếp xuất hiện, mang lại nền thịnh trị an lạc đến độ khiến cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc phải nhiều lần từ bỏ dã tâm xâm lược VN.

Thế nhưng gần 200 năm qua, đất nước lại chìm đắm trong vòng suy vi, điên đảo, thiếu vắng những người "yêu nước thương dân" như vua Lý Nhân Tông. Tệ hơn thế nữa là sau 70 năm bị triều đình cộng sản cai trị, các giềng mối xã hội và con người VN không chỉ bị hủy diệt gần như tận gốc. Nếu nhìn từ trên xuống dưới chỉ thấy nhung nhúc những con sâu bọ đang đục khoét tài nguyên và múa may quay cuồng như những tên hề trên sân khấu.

Không hiểu là nếu sống lại, vua Lý Nhân Tông sẽ có cảm tưởng như thế nào khi đất nước Đại Việt đang từng bước trở thành một chư hầu của đế quốc Hán cộng?

Việt Thái