Wednesday, 9 December 2015

KHỔNG TƯỚC TỰ THUẬT - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.


Công trống và công mái
N
gười Việt Nam gọi dòng họ chúng tôi là Công hay Khổng Tước theo Hán- Việt. Người Anh gọi chúng tôi làPeacock cho cả nam lẫn nữ mặc dù Peacock chỉ các nam Khổng Tước. Nữ Khổng Tước gọi là Peahen và con cái gọi là Peachicks. Họ gọi chung dòng họ chúng tôi là Peafowl nghĩa là gồm cả nam, nữ và ấu nhi Khổng Tước. Người Pháp gọi nam Khổng Tước là Paon; nữ là Paonne và ấu nhi là Paonneaux.


Tên La Tinh của chúng tôi là Pavo cristatus, Pavo muticus, Afropavo congensis ( Khổng Tước gốc Phi Châu). Gà Tây, Gà Lôi đều là thân thuộc gần của chúng tôi trong đại gia đình Phasianidae.
Khổng Tước chúng tôi là loại có lông vũ rậm rạp và có màu sắc sặc sỡ. Các anh Khổng Tước có đuôi dài gấp đôi thân hình và có bộ lông đẹp hơn bộ lông của các chị Khổng Tước. Trung bình các anh Khổng Tước dài 1 m nhưng đuôi có thể dài đến 2 m. Các chị Khổng Tước chỉ dài lối 95 cm. Quần áo của các chị màu đen xám trông cũ kỹ trong khi quần áo các anh có ngũ sắc đẹp tuyệt vời. Trọng lượng của các anh Khổng Tước xê dịch từ 4 đến 6 ki-lô. Trọng lượng các chị xê dịch từ 3 đến 5 ki-lô. Khổng Tước chúng tôi có đôi cánh dài, thân hình nhẹ nên có thể bay và ngủ trên các nhánh cây.
Dòng tộc chúng tôi gốc ở Nam Á, Đông Nam Á và Phi Châu. Ở Việt Nam dòng họ chúng tôi xưa kia sống nhiều ở Gò Công nên mới có tên gọi như đã thấy. Văn vẻ hơn là Khổng Tước Nguyên. Một số khác sống trong rừng Xuân Lộc. Từ ngày Xuân Lộc đổi thành tỉnh Long Khánh địa bàn của dòng họ chúng tôi bị thu hẹp. Chồn cáo, cọp, beo và loài người giết hại dòng họ chúng tôi rất nhiều nên bây giờ Gò Công không thấy Công. Rừng Long Khánh không còn bao nhiêu tộc Khổng Tước của chúng tôi.
Loài người phân loại chúng tôi căn cứ vào màu sắc và nguồn gốc đại để như sau:
- Khổng tước Pavo cristatus sống nhiều trong rừng Ấn Độ, Sri Lanka, Miến Điện, bán đảo Đông Dương. Các anh chị ấy mặc áo màu xanh dương sẫm lóng lánh.
Pavo cristatus / Indian Peacock / Blue Peacock
- Khổng Tước Pavo muticus gốc trên đảo Java mặc áo quần màu xanh lá cây xen lẫn màu vàng, đen, đỏ ở đuôi rất đẹp.
Pavo muticus / Green Peafowl
- Khổng Tước Pavo alba mặc áo quần trắng toát trông sạch sẽ nhưng không đẹp bằng các anh Khổng Tước Pavo cristatus hay Pavo muticus nhưng các anh chị ấy được loài người biết nhiều hơn các thân thuộc khác của chúng tôi là dòng Afropavo congensis trong rừng nhiệt đới Phi Châu.
Pavo alba
Afropavo Congensis / Congo Peacock
 
Nam, nữ Khổng Tước từ 18 tháng tuổi trở lên bắt đầu phát triển tình yêu để sinh sản hầu vĩnh cửu dòng Pavo. Trong mùa động cỡn của nam, nữ Khổng Tước có những trận chiến đấu giành người yêu giữa các nam Khổng Tước.
Các nữ Khổng Tước chỉ giao tình với những nam Khổng Tước mạnh khoẻ và có điệu vũ tuyệt vời khi xoè đuôi với nhiều màu sắc sặc sỡ lấp lánh những tia sáng màu vàng, xanh và sự xuất hiện của những đốm đen hay xanh tựa như tròng mắt. Sức mạnh của nam Khổng tước có thể nhận thấy qua bộ quần áo đẹp ngũ sắc và số tròng mắt đen hay xanh khi các anh xoè đuôi để khiêu vũ.
Các chị Khổng Tước không có nhiều con. Trung bình mỗi chị sinh từ 3 đến 06 trứng. Thường thường các chị Khổng Tước chỉ ấp trứng khi trong ổ có 06 trứng. Trứng ấp từ 28 đến 30 ngày thì nở. Tỷ lệ trứng nở ra ấu nhi Khổng Tước không bao giờ đạt đến 100% vì có một số trứng không có trống. Đây là đầu mối của sự báo động về sự truyền tử lưu tôn của dòng Khổng Tước. Việc nuôi Khổng Tước không có nhiều lợi ích kinh tế nên loài người không đầu tư nghiên cứu nhiều về dòng họ chúng tôi như các anh chị Gà Tây.
Nuôi chúng tôi chỉ để lấy lông? - Không có lợi. Vì chỉ có nam Khổng Tước có lông đẹp mà thôi. Các anh ấy cần nhiều thức ăn bổ dưỡng lẫn thuốc men mới có lông đẹp. Lông ấy bán cho ai? bao nhiêu người mua? có giá cao không? bán theo cân? theo màu sắc và kích thước của lông? Thực tế chẳng được bao nhiêu.
Nuôi để lấy thịt? - Thịt chúng tôi không nhiều như các anh chị Gà Tây. Các chị Khổng Tước sinh sản không mạnh như các chị Gà Tây. Số ấu nhi chết khi còn trong bào thai của dòng Khổng Tước khá cao hoàn toàn khác với dòng họ Gà Tây. Vả lại loài người chưa quen ăn thịt chúng tôi. Chuyện khô Lân, chả Phượng là chuyện hoang tưởng hoàn toàn không có trên thực tế.
Thức ăn của chúng tôi là côn trùng, các loại hột, trái cây, loài bò sát. Chồn cáo, chó sói, và các loại dã thú nhất là loài người là kẻ thù của chúng tôi.
Trong trạng thái hoang dã dòng họ chúng tôi sống theo đàn. Xã hội Khổng Tước là xã hội đa thê. Sinh suất của dòng họ chúng tôi không cao. Sinh suất nhỏ, tỷ lệ hư thai khá cao, tử suất ấu nhi sơ sinh cao. Chính vì vậy mà họ Khổng Tước ngày càng ít đi. Loài người bắt chúng tôi về nuôi trong sở thú hay các trại chăn nuôi. Họ chỉ cho phép một anh Khổng Tước được quyền chung sống với 04 nữ Khổng Tước mà thôi. Nếu quá nhiều nữ Khổng Tước thì sức khoẻ của anh Khổng Tước bị hao mòn mà các chị cứ liên tục bị sẩy thai!!
Loài người nói nhiều về dòng Pavo của chúng tôi.
Người ta đưa nhiều giả thuyết khác nhau về thời gian dòng họ Pavo chúng tôi đến Hy Lạp. Có thuyết cho rằng tiền nhân chúng tôi đến Hy Lạp khoảng năm 450 trước Tây Lịch. Có thuyết cho rằng Alexander Đại Đế (356 - 323 trước Tây Lịch) đem tiền nhân chúng tôi về bán đảo Balkans sau cuộc viễn chinh sang lục địa Ấn Độ. Huyền thoại Hy Lạp cho rằng xe của nữ Thần Hera, vợ của Thần Zeus đặc trách về vấn đề phụ nữ và hôn nhân, được một tiền bối dòng Pavo kéo. Theo huyền thoại thì những vòng đen hay xanh hình nhãn cầu trên đuôi xoè của các nam Khổng Tước là do nữ Thần Hera tạo ra. Đó là những cặp mắt của kiến thức và học hỏi, quan sát. Đó chỉ là chuyện huyền thoại Hy Lạp mà thôi. Người Hy Lạp cho rằng thời Aristotle (384 - 322 trước Tây Lịch) còn sống người Hy Lạp gọi tiền nhân chúng tôi là điểu cầm Ba Tư. Như vậy họ chưa biết rõ ràng về dòng Pavo của chúng tôi tại sao lại có chuyện nữ Thần Hera tạo ra hàng trăm con mắt trên đuôi các anh nam Khổng Tước được?.
 
Người Ai Cập thời cổ liên kết tổ tiên chúng tôi với Thái Dương Thần Ra của họ. Họ ngưỡng mộ và kính trọng dòng tộc chúng tôi.
Người Ấn Độ gắn liền dòng Pavo của chúng tôi với nữ Thần Lakshmi, Thần Tài, Thịnh Vượng, May Mắn và Sắc Đẹp. Khổng Tước là Chim biểu tượng của xứ Ấn Độ. Khổng Tước có địa vị quan trọng trong Ấn Giáo và Phật Giáo. Theo huyền thoại Ấn Độ, dòng Pavo chúng tôi hình thành từ một cái lông của chim thiêng Garuda chở Thần Vishnu. Chữ Pavo do chữ Pavana của tiếng Sánskrit mà ra có nghĩa là thanh khiết. Lông Khổng Tước được gắn trên vương miện của Thần Krishna. Nhiều hình vẽ và tượng mô tả các vị Thần Ấn Giáo như nữ Thần Lakshmi, Kaumari cỡi Khổng Tước. Nói theo thời đại ngày nay tiền nhân chúng tôi là phi cơ cho các vị Thần Ấn Giáo. Người Ấn Độ thường treo nhiều lông Khổng Tước trong nhà và xem đó là điềm may mắn và dấu hiệu của sự thịnh vượng. Ở Ấn Độ và Sri Lanka người ta còn dùng lông Khổng Tước để chữa bịnh nữa. Ngược lại người Âu Châu xem lông dòng tộc chúng tôi là điềm xui xẻo. Các chiến binh Mông Cổ gây khiếp đảm cho họ. Người nào cũng có mang lông Khổng Tước trong người. Nên họ cho rằng thấy lông Khổng Tước là thấy sự bất lành qua hình ảnh của các chiến binh Mông Cổ. Nhưng vào thời Trung Cổ người Âu Châu lại có ý nghĩ ngược lại nghĩa là không xem lông Khổng Tước trong nhà là điềm xui xẻo nữa.
Trong Cựu Ước Kinh phần Các Vua 1 - 1 Kings 10: 22 có đề cập đến việc vua Solomon phái đội thuyền của ông đi Tarshish và mang về cho nhà vua vàng, bạc, ngà voi, khỉ và Khổng Tước. Tarshish nằm trên duyên hải Malabar của Ấn Độ. Người Do Thái gọi Khổng Tước chúng tôi là Tukkiyyim. Trong phần nói về Job 39: 13 có đề cập đến một loài chim mà nhiều người tưởng là dòng họ Khổng Tước chúng tôi. Đó là các anh chị Đà Điểu. Các anh chị ấy không có nhiều lông cũng không biết bay mà chỉ chạy trên cát sa mạc nóng bức.
Đối với tín đồ Thiên Chúa Giáo, Khổng Tước chúng tôi tượng trưng cho sự chết và sự phục sinh. Trong giáo đường Thiên Chúa Giáo xưa có hình vẽ và tượng tiền nhân chúng tôi. Tại Toà Thánh Vatican có tượng trái thông được hai Khổng Tước canh giữ. Vào thời Trung Cổ người Âu Châu theo Thiên Chúa Giáo tin vào sự bất tử của họPavo của chúng tôi. Hằng năm chúng tôi thay lông. Loài người xem đó như là biểu tượng của sự biến đổi trong vũ trụ. Vào thời Phục Hưng ở Âu Châu thịt Khổng Tước quay với mật ong là món ăn hiếm quí và bổ dưỡng chỉ có vua chúa được dùng mà thôi.
Tín đồ Hồi Giáo cho rằng Khổng Tước chúng tôi canh giữ cổng Thiên Đàng và ăn loài Quĩ dữ. Ở miền bắc Iraq cờ sắc tộc Yezidi tin vào Thiên Thần Melek Tawwus giáng thế. Họ gọi đó là Khổng Tước Thiên Thần hay Khổng Tước Vương, sứ giả của Thượng Đế. Tín ngưỡng của người Yezidi pha trộn Hỏa Giáo của Ba Tư, Do Thái Giáo thời Cựu Ước và Hồi Giáo. Thời gian qua họ là nạn nhân của nhóm IS (Quốc Gia Hồi Giáo- Islamic State) còn được gọi là Daesh, ISIS ( Islamic State of Iraq and Syria), ISIL ( Islamic State of Iraq and Levant).
Người Trung Hoa trân quí dòng họ Khổng Tước chúng tôi. Khổng Tước chúng tôi là quốc huy của triều Minh (Ming- 1368 - 1644) ở Trung Hoa. Đến đời nhà Thanh (Qing) các quan đại thần trong triều đều gắn lông Khổng Tước trên mão. Các nghệ nhân Trung Hoa và Nhật Bản vẽ hình Khổng Tước rất khéo; màu sắc trang nhã. Nào là Khổng Tước đậu cành mai. Nào là Khổng Tước với hoa mẫu đơn, một loại hoa được người Trung Hoa ưa thích và xem như quốc hoa.
 
 
Loài người cho rằng chúng tôi ăn rắn độc để cải hoá cái độc thành vẻ đẹp. Theo họ, Khổng Tước chúng tôi có trăm con mắt nên nhìn thấy mọi vật và mọi chuyện tựa như đức Quán Thế Âm Bồ Tát nghe, thấy, và cứu giúp người khổ nạn để biến điều bất hạnh thành hạnh phúc, điều hung thành điều kiết.
Trong năm phẩm tước cao quí của loài người tước CÔNG đứng đầu. Kể đến là HẦU, BÁ, TỬ, NAM.
Không phải lúc nào loài người cũng vinh danh, trọng vọng dòng họ Khổng Tước. Họ trọng vọng hình sắc của chúng tôi. Chỉ có bộ lông sặc sỡ mà có người khen kẻ chê. Người thì cho là điềm may mắn, gắn lông đuôi chúng tôi lên đầu để làm ấn dấu của người có uy danh trong thiên hạ. Người khác lại nói đó là sự xui xẻo.
Các nhà đạo đức lo sợ sắc đẹp của các nam Khổng Tước vì nghĩ rằng sắc đẹp nào cũng có sự quyến rũ dễ dẫn đến tội lỗi.
Không thấy người Việt Nam khen dòng tộc chúng tôi một lời. Họ có những câu ca dao đầy tính kỳ thị súc vật như:
Con công ăn lẫn với gà,
Rồng kia, rắn nó coi đà sao nên.
Không biết tại sao loài người ăn gan gà, gan vịt, gan heo, gan bò, gan ngỗng, gan gà tây... lại nói rằng gan Công độc chết người như mật Cóc trong câu ca dao dưới đây:
Anh có tiền riêng cho em mượn ít đồng,
Mua gan công, mật cóc thuốc chồng theo anh.
Người Việt Nam dùng cụm từ vũ công hay công vũ đầy thô tục. Đó là sự xúc phạm to lớn khó tha thứ và khó quen đối với dòng họ Khổng Tước đầy danh giá của chúng tôi.
Loài người khiếp quá! Loài người dùng từ ngữ xỉa xói Khổng Tước chúng tôi không ít. Những chữ peacock, peacockish, peacocky hay động từ peacock đều có nghĩa xấu đầy mỉa mai hơn là tốt như: kiêu hãnh, phùng xoè, ta đây, làm dáng, vênh váo v. v. Ôi! ngôn ngữ của loài người sao mà độc địa thế. Xấu xí thì làm thơ, đặt vè chế nhạo. Nào là xấu như Chung Vô Diệm, xấu như ma lem. Đẹp như các nam Khổng Tước thì lại cho rằng kiêu sa, cao ngạo, nguồn gốc của tội lỗi.
Trong ĐỀ 40 con, Khổng Tước mang số 4 trước Hổ tộc và sau Nga tộc. Trong Tử Vi Học Trung Hoa người ta liệt dòng họ chúng tôi vào năm Dậu và tuổi Dậu. Chúng tôi không kỳ thị súc vật nhưng Khổng Tước là Khổng Tước. Kê Tộc là Kê Tộc không thể đồng hoá hay lẫn lộn như vậy được. Tôm là Tôm. Tép là Tép. Tép nuôi lâu cũng không thành tôm. Rắn là rắn. Rồng là rồng. Rắn nuôi bao lâu cũng không hoá rồng. Chúng tôi và Kê tộc là bà con xa, rất xa. Hai tộc chúng tôi không cùng nếp sống và nếp suy nghĩ. Vũ trụ quan của Kê tộc và Khổng Tước tộc không có điểm chung nào cả. Đây là thông điệp nho nhỏ mà chúng tôi muốn gởi đến các nhà nghiên cứu Tử Vi Trung Hoa gốc Âu- Mỹ.
Các bô lão Khổng Tước khó chịu khi thấy loài người dùng hình ảnh chúng tôi để xem số mệnh hay đoán chiêm bao. Loài người càng mê tín dị đoan thì càng khó cho các loài động vật chúng tôi. Các cụ bực dọc về chuyện gan công, mật cóc nhưng không biết thưa ai và thưa về tội gì bây giờ? Chánh phủ Việt Nam cho các bô lão Khổng Tước biết họ không có trách nhiệm gì về những câu ca dao ấy vì chính họ không biết tác giả của chúng là ai và chúng ra đời vào lúc nào? Đến hỏi thầy kiện ở Toà Án La Haye họ lắc đầu và hỏi lại các bô lão có dám đưa gan mình để bác sĩ thí nghiệm xem gan Khổng Tước có độc khả dĩ gây chết người hay không? Họ từ chối không nhận cãi về vụ kiện này. Vợ các bô lão Khổng Tước có vẻ thực tế hơn các ông chồng. Các bà ấy cho rằng loài người binh loài người. Đưa tiền cho họ mà họ không lấy có nghĩa là họ đoàn kết một lòng với người đồng loại với họ. Người Việt Nam há không có câu:
Phủ binh phủ,
Huyện binh huyện?
Trong thực vật học người Anh gọi cây phượng vĩ hay cây điệp đỏ Caesalpinia pulcherima là Peacock Flower ( Khổng Tước Hoa), Flamboyant (Pháp), Red Bird of Paradise (Hồng Điểu Thiên Đàng), Royal Pọinciana. Người Việt Nam gọi là hoa Phượng Vĩ.
Peacock moraea là Hoa Lan Khổng Tước mang tên khoa học Moraea pavonia thuộc gia đình Tridaceae.
Peacock's Tail Alga là Rong Đuôi Công hay văn vẻ hơn là Khổng Tước Vĩ Tảo mang tên khoa học Padina pavonicathuộc gia đình Pheophycaceae.
Peacock Flower Fence là cây Trạch Quách Adenanthera pavonina thuộc gia đình Fabaceae.
 
Peacock plant ( Khổng Tước Mộc) là loại cây cảnh lá to màu xanh nhạt có sọc xanh sẫm tựa như đuôi Khổng Tước. Tên khoa học của Khổng Tước Mộc là Calathea kakoyana thuộc gia đình Marantaceae.
Cỏ Đuôi Công tức Cốc Tinh Thảo Eriocaulon sexangulare thuộc gia đình Eriocaulaceae.
Cỏ Đuôi Công Trắng Plumbago zeylanica và Cỏ Đuôi Công Đỏ Plumbago rosea thuộc gia đình Plumbaginaceae.
Tên khoa học của Thạch Hồng có âm Pavo của dòng họ chúng tôi: Pavonia rosea. Người Ả Rập gọi là saga có nghĩa là thợ bạc vì ngày xưa thợ bạc dùng hột trái thạch hồng làm đơn vị cân trọng lượng vàng, bạc. 04 hột thạch hồng: 01 gr. 109 hột: 01 ounce lối 28 gr.
 
Trong Thiên Văn Học có chòm sao Pavo ( Khổng Tước Tinh) ở Nam Bán Cầu giữa vĩ độ 30 độ và - 90 độ.
Giữa họ Khổng Tước ( Pavo) chúng tôi với loài người không có sự gần gũi nào. Suốt nhiều thế kỷ dài loài người tỏ ra kính trọng chúng tôi. Cũng có một thời họ ăn thịt chúng tôi. Không biết có phải người Việt Nam nói gan dòng họ chúng tôi độc chết người là một phương cách bảo vệ chúng tôi như nói Ngưu tộc là hiện thân của Bồ Tát? Nếu đúng như vậy thì các trưởng lão dòng họ chúng tôi có sự hiểu lầm đáng tiếc đối với người Việt Nam suýt xảy ra những tranh chấp pháp lý lôi thôi. Người Việt Nam vẫn tin rằng nơi nào  có sự hiện diện của dòng họ chúng tôi nơi đó dân chúng phát quan. Gò Công là một điển hình với:
- Họ Phạm của Phạm Đăng Hưng (1765 - 1825), thân sinh hoàng hậu Từ Dũ Phạm Thị Hằng (1810 - 1901), hoàng hậu của vua Thiệu Trị;
- Họ Nguyễn Hữu với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào (1914 - 1963) hay Nguyễn Hữu Thị Lan tức Nam Phương Hoàng Hậu.
- Các nhà trí thức Tây học có tầm vóc lớn như tiến sĩ Vương Quang Nhường, rễ của vua Thành Thái, thạc sĩ Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Hữu Châu v. v.
Qua chuyện này chúng tôi thấy được phần nào tính trọng hình sắc và vị lợi của loài người đối với dòng họ Khổng Tước của chúng tôi. Dòng họ Khổng Tước chúng tôi càng ngày càng giảm dần. Đã đến lúc chúng tôi kêu cứu đến loài người bằng cách tự nguyện vào các trại tập trung của loài người để có ăn, có thuốc men, có an ninh và vĩnh cửu dòng giống Pavo lẫy lừng trong quá khứ nhưng bị quên lãng trong hiện tại.
 
Trân trọng kính chào toàn thể quí vị quan tâm đến sự sống còn của dòng Pavo ( Khổng Tước) chúng tôi.
Đại diện các bô lão dòng Khổng Tước trên Hoàn Vũ.

____

Hình minh họa do a2a mượn từ internet .