Suy cho cùng thì Nga và Mỹ được gì trong giải pháp chính trị Syria mới biết ai là người chiến thắng.
Bất kỳ quốc gia nào cũng đều có thực dụng, nhưng thực dụng của một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới như Mỹ hay thực dụng kiểu Mỹ thì không phải ai muốn cũng có thể. Nga phải tập làm quen với “thực dụng kiểu Mỹ” nếu như muốn đứng ngang hàng với Mỹ.
Ai đó cho rằng Mỹ không có chiến lược gì, lúng túng tại Syria và Trung Đông là ngây thơ. Mỹ đã có chiến lược “Một Trung Đông mới” được Tổng thống Bush công bố từ ngày 17/8/2006 cơ đấy. Đây là chiến lược “chia để trị” hay “hỗn loạn có điều khiển” mà Mỹ cùng phương Tây đã thực hiện thành công ở Iraq và Lybia, bây giờ tới lượt Syria. Mỹ “trưởng thành” ít nhất từ sự thực dụng lạnh lùng, thậm chí đến mức tàn nhẫn, là bậc thầy về “ứng bất biến, dĩ vạn biến” chứ không đơn giản như ai đó tưởng.
Tại Syria, ngày 30/9, Nga quyết định can thiệp quân sự theo yêu cầu của chính quyền Assad đã làm bộc lộ chiến thuật rắc rối, phức tạp và không có hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của Mỹ.
Mục tiêu chiến lược của Mỹ là lật đổ Assad là đồng minh của Nga duy nhất ở Trung Đông và tiêu diệt IS tạo ra một Syria “kiểu Iraq” hoặc “kiểu Lybia”. Muốn diệt IS nhưng lại lợi dụng IS để tấn công Assad, chính sự thiếu chuẩn mực, “khôn ranh” của Mỹ khiến cho đồng minh của Mỹ “lợi ích ai nấy lo”, họ hỗ trợ nuôi dưỡng những nhóm nổi dậy riêng của mình để tranh giành lợi ích “hậu Assad” tức khi chính quyền Assad sụp đổ trên Syria.
Nếu như không có Nga xuất hiện thì chắc chắn Assad bị lật đổ và không thể tránh khỏi tình cảnh như Saddam Hussein hay Gaddafi. Và không biết là chính quyền đó sẽ do IS nắm giữ hay nhóm người Turkmen, nhưng chắc chắn Syria sẽ hỗn loạn như Lybia.
Nga tham chiến, không phân biệt khủng bố “chính thống” hay “ôn hòa” như Mỹ phân loại, tất cả là quân khủng bố và đều là đối tượng tác chiến trực tiếp của không quân Nga. Vì thế kết quả sau một tuần không kích của Nga được giới quan sát cho là bằng cả năm của Mỹ và liên minh không kích là vậy.
Tuy nhiên, từ sau 2 biến cố quan trọng, Mỹ đã thích ứng nhanh với tình hình và có vẻ như đã đi trước Nga một nhịp.
Vụ khủng bố tại Paris
Pháp như không còn nể nang gì với IS, buộc Mỹ phải thay đổi chiến thuật với IS, Mỹ đã không thể lợi dụng IS để diệt Assad cho nên quyết dồn IS vào con đường chết.
Sau một thời gian huấn luyện hỗ trợ vũ khí đạn dược cho “Quân đội Syria tự do” trở thành công cốc, Mỹ đã chọn lực lượng dân quân người Kurd phía Bắc Syria là quân bài chính trên chiến trường Syria. Đây là lực lượng mạnh mà với sự giúp đỡ của Mỹ thì khả năng quân sự có thể vượt ra ngoài Kurdistan đối đầu với chính quyền Syria nếu cần.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter gặp gỡ lãnh đạo người Kurd
Kurd là một dân tộc không tổ quốc đông nhất thế giới với khoảng 35 triệu người, hầu hết sinh sống tại Trung Đông, số còn lại rải rác lưu vong ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Dân Kurd ở phía Bắc Syria đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến đấu của quốc tế chống IS ở Trung Đông. Mặc dù hiện nay họ không có xung đột với chính quyền Assad, cùng chiến tuyến với Assad chống IS nhưng họ vẫn bị Assad và Iran hoài nghi dè chừng về chiều hướng tranh đấu muốn ly khai và phân chia lãnh thổ. Đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ muốn người Kurd bất cứ đâu ly khai thành lập nhà nước riêng bởi điều đó cực kỳ nguy hiểm cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ.
Như vậy, dân tộc Kurds nói chung đang có 1 kẻ thù là IS và 4 đối thủ tiềm tàng sẵn sàng dập tắt sự tự do, hy vọng độc lập của họ gồm Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ thừa hiểu, dân tộc Kurd không hề có cảm tình với Mỹ, nhưng hành động của Mỹ đã chứng tỏ “lợi ích quốc gia là trên hết”. Mỹ sổ toẹt vào lợi ích của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ khi bắt tay với người Kurd, cung cấp vũ khí trang bị, huấn luyện…
Có thể nói tại Syria, Mỹ đã dạy cho Nga bài học về tính thực dụng và đương nhiên Mỹ đã đi trước Nga một bước trong vấn đề người Kurd Syria.
Biến cố máy bay SU-24 Nga bị Thổ bắn hạ
Nga và ai cũng thừa biết lực lượng khủng bố quanh Damascus, Homs, Hama, vùng Latakia là lực lượng đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của chính quyền Assad, muốn tiêu diệt nó phải cắt đứt mọi tuyến đường đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ là nguồn sống cho lực lượng này…
Tuy nhiên, Nga đã do dự khi “tôn trọng lợi ích quốc gia khác” nên chưa đụng đến cái gọi là “lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ” (Mỹ thì không như thế). Và vì thế, khi xảy ra vụ SU-24 bị Thổ bắn hạ thì Nga “sửa sai”, xử lý với Thổ như “không còn gì để mất”, họ thực hiện “ngay và luôn” ý đồ đã nung nấu một cách lạnh lùng, tàn khốc kiểu Mỹ.
Nga vừa thực hiện bão lửa để “quét sạch biên giới”, vừa đánh sập các tuyến vận chuyển buôn bán dầu lậu, vừa tiến hành hỗ trở vũ khí trang bị cho lực lượng dân quân người Kurd, khiến “diều hâu” như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng than thân trách phận “Ước gì điều đó (bắn hạ SU-24 Nga) chưa xảy ra và không bao giờ lặp lại”.
Dù Mỹ đã đi trước Nga trong sách lược người Kurd, nhưng người Kurd sẽ chiến đấu cho ai, liên minh với ai đem đến lợi ích nhiều cho họ. Cho nên, Putin và Assad đang có lợi thế và nắm quyền chủ động, bởi nếu như ông Assad hay chính phủ không có Assad sau này cam kết một tương lai chắc chắn cho họ thì họ sẽ là đồng minh tận tâm, tận lực, sẽ rất có lợi cho cả hai.
Syria đã, đang và sẽ bị phân mảnh là không tránh khỏi, do đó, Tổng thống Assad hay một chính phủ mới không có có Assad, nếu ngoan cố, không hiểu hết tình hình, không vượt qua được áp lực của Iran công nhận một Kurdstan trong tương lai thì sẽ gặp phải hậu quả nghiêm trọng.
Bất luận chính phủ mới nào tại Syria muốn đòi những phần đất mà người Kurd đã chiếm được đều phải dùng bằng máu, nhưng máu người Syria đã cạn, do đó công nhận quyền tự trị hay độc lập của người Kurd là nước cờ bắt buộc nếu như muốn quét sạch lực lượng hồi giáo cực đoan và IS trên toàn Syria.
Nếu như lực lượng dân quân người Kurd phía Bắc Syria và quân đội Syria có độ tin cậy nhau vào tương lai cao, hợp tác chặt chẽ, được trang bị vũ khí Nga, được huấn luyện hợp đồng tác chiến (người Kurd chỉ quen đánh du kích), dưới sự hỗ trợ không kích của không quân-vũ trụ Nga thì không chỉ các lực lượng nổi dậy mà cả IS sẽ bị đuổi khỏi Syria là chắc chắn.
Vậy thì một Mặt trận thống nhất giữa quân đội chính phủ và lực lượng dân quân người Kurd bảo đảm cho chiến thắng của Nga, bảo đảm cho hòa bình, ổn định của Syria. Đây là yếu tố “bất biến” mà khi cần thiết phải thẳng tay không thương tiếc loại bỏ mọi ngăn cản, kể cả ông Assad nếu như không phù hợp với sách lược này.
Thực dụng kiểu Mỹ, kiểu cường quốc là vậy.
Suy cho cùng, Nga và Mỹ…được gì trong giải pháp chính trị ở Syria thì mới đánh giá được thắng lợi của ai trong cuộc chiến Syria.
Theo Lê Ngọc Thống